Hỏi đáp : THIỀN 1 [ THẦY VIÊN MINH]


TÁNH BIẾT TỰ THẤY PHÁP

Ngày gửi: 11-11-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy. Sau một thời gian 'sóng gió' trong cuộc sống. Tâm con không suy nghĩ gì nhiều nữa. Khi nào con biết thì biết, khi không biết thì không biết. Bất chợt tự nhiên con phát hiện đang sống rất đơn giản và dễ dàng.

Dễ dàng đến mức 'không còn gì đơn giản và dễ dàng hơn được nữa'. Khi con nhìn vật gì thì tự nhiên con nhìn. Khi con chạm vào gì thì con chạm vào đó. Khi tai con nghe âm thanh gì thì tự nhiên con nghe. Khi tâm con nghĩ gì thì tự nhiên con nhận biết. Mọi chuyện tự nhiên diễn ra, đến và đi, thay đổi liên tục. Chợt con nhớ đến câu Phật dạy 'Trong nghe chỉ nghe, trong thấy chỉ thấy, trong xúc chạm chỉ xúc chạm...' Con xin thành thật chia sẻ và cám ơn tất cả.

Trả lời:Con chia sẻ hay lắm. Cám ơn con.

THẤY BIẾT MỌI SỰ XẢY RA TRONG NGOÀI MỘT CÁCH TỰ NHIÊN

Ngày gửi: 09-11-2012


Câu hỏi:Mô Phật, kính bạch thầy cho con hỏi:
1. Khi con nhìn một đối tượng con có nên nhìn hết tướng chung, tướng riêng của đối tượng đó hay không? hay chỉ nhìn thoáng qua để biết được tâm của mình đang muốn gì?
2. Khi con đang chú tâm làm một việc gì, những cảm giác, âm thanh, mắt thấy... con có nên biết và quan sát đến nó hay không?
Mong thầy từ bi chỉ dạy cho con.

Trả lời:
1. Tùy theo thái độ nhìn của con với mục đích gì, nhìn để thấy thể tánh hay để thấy tướng dụng của đối tượng. Nếu để thấy tướng dụng thì đương nhiên con phải để ý đến tướng chung tướng riêng của nó. Còn để thấy thực tánh thì không cần để ý tướng chung tướng riêng mà chỉ cần nhìn với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành là được.
2. Khi chú tâm làm việc gì thì con chỉ nên thận trọng quan sát thân tâm con trong quan hệ với công việc ấy thôi chứ không nên bị phân tâm bởi những sự kiện bên ngoài. Tuy nhiên cũng không cần phải cắt hẳn mọi thứ xung quanh mà con vẫn có thể biết mọi sự xảy ra trong ngoài một cách tự nhiên.


PHÁP VÔ CHIÊU

Ngày gửi: 08-11-2012

Câu hỏi: Con kính đảnh lễ Thầy,
Hai tuần được Thầy từ bi tế độ, dạy dỗ và khai mở Pháp, ngàn lời cũng không đủ mà nửa chữ cũng thừa để lòng con tri ân Thầy! Kính xin dâng lên Thầy cảm xúc trong con trước đại duyên lành này :


Tri ân Thầy

Hai tuần Thầy dạy quét lá rơi
Nghĩ rằng lỗ nặng, hoá ra lời!
Để lại Bửu Long bụng chữ nghĩa
Tâm bình đối cảnh thản nhiên chơi.
Tưởng đâu Thầy dạy Pháp cao siêu,
Hồn nhiên Thầy chỉ cười thật nhiều
Chổi đây, con quét luôn thằng Tưởng
Thấy ra ngay đó Pháp vô chiêu!


Con Minh Quang

Trả lời:

Chỉ hai tuần về sống ở Bửu Long mà con đã thâm nhập được cốt lõi của pháp thiền, thầy rất hoan hỷ. Pháp thiền này rất khó đối với những ai không thể "buông ra để thấy", nhưng khi đã thấy rồi thì trên đời không có gì dễ hơn.

Thấy ra pháp vô chiêu
Không vị lai, quá khứ
Không khuôn mẫu, giáo điều
Chỉ ngay đây mà thấy.


Chúc con sống thật bình thường trong đời sống vốn vẫn luôn bình thường.


NIỆM PHÁP

Ngày gửi: 08-11-2012


Câu hỏi:Kính bạch Thầy,
Con có người bạn khuyên con nên mở tâm mình ra. Có nghĩa là đi đến đâu con cũng nên quan sát, lục trần tác động đến lục căn của mình như thế nào. Như vậy có đúng không? Mong Thầy chỉ dạy cho con.

Trả lời:
Đúng đó con. Trong Tứ Niệm Xứ quan sát như vậy gọi là Niệm Pháp. Thường hành giả ít người đủ trình độ niệm pháp, nên họ chọn niệm thân, niệm thọ hoặc niệm tâm thôi, vì trong niệm pháp thì niệm luôn sự tương giao vận hành của cả thân thọ tâm và cảnh chứ không niệm riêng đối tượng nào. Khi hành Tứ Niệm Xứ đến chỗ sâu sắc thì niệm pháp lại là vi tế và thực tế nhất vì hành giả đã đủ khả năng để sống thật bình thường trong đời sống trùng trùng duyên khởi của thân tâm và ngoại giới.


AN NHIÊN "CHIÊM NGOẠN" SỰ VẬN HÀNH CỦA PHÁP

Ngày gửi: 06-11-2012

Câu hỏi:Từ khi được Thầy chỉ dạy, tâm con bớt lăng xăng nhiều lắm, con đã lấy lại được thăng bằng và bình thản hơn trước những tình huống vẫn luôn xảy ra trong cuộc sống. Khi con buồn con biết buồn, lúc sắp nổi sân con thấy được con đang sắp sân, con cũng cảm nhận được những diễn biến diễn ra nơi thân... Nhưng đôi lúc vẫn còn những tạp niệm xen vào, khi đó con liền nhớ "Thận trọng quan sát" vậy là mọi tạp niệm trôi qua, có khi con thấy đầu óc con trống rỗng, nhẹ nhàng vô cùng.
Con vẫn đang "thận trọng, chú tâm, quan sát" từng diễn biến xảy ra nơi thân tâm con. Thưa Thầy, giờ con nên làm gì nữa xin Thầy dạy con. Con cám ơn Thầy.

Trả lời: Con không cần thêm bớt gì cả, cứ vậy mà an nhiên "chiêm ngoạn" sự vận hành của pháp nơi thực tại. Rỗng lặng nhẹ nhàng là tốt nhưng chủ yếu là thấy biết trong sáng, minh bạch, không hình thành khái niệm, quan niệm hay kết luận nào cả. Thấy pháp vận hành là bài học bất tận bao lâu con chưa hoàn toàn giác ngộ giải thoát, vì vậy con cứ thong dong tự tại mà khám phá chân lý đang đến đi nơi thực tại thân tâm và vạn pháp. Nếu con còn khởi ý muốn làm gì nữa để thêm sở tri và sở đắc thì coi chừng vọng cầu lại khởi lên, coi chừng mặt trời tuệ lại bị mây che nữa đó.


PHÁP ĐANG LÀ... CHÍNH LÀ THỰC TẠI CHÂN ĐẾ... LÀ TỊCH TỊNH

Ngày gửi: 05-11-2012

Câu hỏi: Thầy ơi, tự nhiên từ tối tới giờ con thấy chán ơi là chán. Chán lắm thầy ạ. Con tìm đủ mọi cách để cho nó đỡ chán thế mà bây giờ nó vẫn cứ chán, nào là vào facebook, yahoo, gmail, đọc tin tức, đọc các trang web về Đạo Phật... rồi lại xem các video nữa nhưng con vẫn thấy chán thầy ạ. Con vào facebook thì chán vì mọi người toàn nói những chuyện chẳng mang lại lợi ích gì, báo thì đăng toàn tin vụn vặt, đọc vào chỉ mệt đầu óc, vào yahoo thì chẳng buồn nói chuyện với ai... chẳng có gì giúp con lấp được cái lỗ hổng chán nản này. Con tự nhủ, chán là chuyện của Pháp, đâu phải chuyện của mình rồi ngồi hát vu vơ, được một lúc thì vẫn chán. Buông thái độ "bỏ chán" được một tí thì con lại bị dính vào và lại tìm cách để "hết chán". Xin thầy cho con lời khuyên trong những trường hợp này, con biết làm theo bản ngã thế là phóng dật nhưng con lại chẳng quyết định được. Cứ như là con hoàn toàn bất lực và vô dụng ấy. Xin thầy từ bi cho con lời chỉ dạy để con "tiếp" chán nản. Con xin cảm ơn thầy.
Trả lời: Nếu mà con thật sự thấy hoàn toàn bất lực và vô dụng thì hay quá, nhưng đây là con muốn nỗ lực an bài pháp mà không được nên đành phải bất lực. Cái ta vẫn liên tục muốn kiểm duyệt, muốn giải quyết cho nên vẫn cứ "cho là", "phải là", "sẽ là"... bắng cách hết nỗ lực chiến thắng chán nản lại đến nỗ lực buông bỏ nó, vì vậy con đâu có chịu thấy nó như nó đang là! Khi chỉ còn tánh biết thấy chán nản như nó đang là thì ngay đó chính là thực tại chân đế... là Tịch Tịnh. 


SỐNG TRỌN VẸN TỈNH THỨC

Ngày gửi: 05-11-2012

Câu hỏi:Kính bạch Thầy cho con hỏi. Trong cuộc sống hàng ngày, làm thế nào để được trọn vẹn tỉnh thức ngay trong hiện tại? Con cám ơn Thầy.
Trả lời:Thường tự sáng suốt biết mình: biết lắng nghe, biết quan sát, biết cảm nhận mọi hoạt động của thân, của những cảm giác, của trạng thái tâm đang diễn ra, của sự tương giao nội ngoại giới v.v... tức là đang sống trọn vẹn tỉnh thức. 


KIỂM SOÁT TIẾNG NÓI BÊN TRONG

Ngày gửi: 05-11-2012

Câu hỏi:Con chào thầy ạ!
Con năm nay 21 tuổi, gần đây con cảm thấy tiếng nói bên trong con rất mãnh liệt và khó kiểm soát. Có những lúc con hành động mà lý trí khó giải thích được. Thật may đó đều là những hành động chính tâm. Trước hôm con gửi cho thầy câu hỏi của con thì con có duyên được đàm đạo với một bác là đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài. Bác nói tâm nguyện của con là great idea nhưng rất mạo hiểm, con phải thật cẩn trọng và hành động chính xác.
Quả thực con rất muốn biết nghiệp của mình là gì? Con đã tu tập theo lời thầy dạy, con đã "chính tâm". Nay con muốn "thành ý", con muốn tâm hồn và thể xác con được hòa quyện với nghiệp của mình.
Thầy chỉ bảo con với, con cám ơn thầy nhiều lắm ạ!

Trả lời: Thành ý nói theo Mạnh Tử là "phản thân nhi thành" hay nói theo thiền Vipassanà là trở về biết mình một cách trọn vẹn trong sáng (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) và nói theo Thiền Tông là "thân tâm nhất như" hoặc "liễu liễu thường tri". Nếu con thường thận trọng, chú tâm, quan sát hoạt động của thân, của những cảm giác hoặc cảm xúc, của những diễn biến nội tâm, của sự tương giao thân, tâm và hoàn cảnh thì con sẽ "kiểm soát" được tiếng nói bên trong một cách dễ dàng thôi.

C
ÁCH CHUYỂN HÓA TIẾNG NÓI LAO XAO

Ngày gửi: 03-11-2012

Câu hỏi: Xin thầy từ bi giải thích giùm.
Trong lúc ngồi thiền, con luôn chánh niệm về hơi thở, nhưng vẫn có nhiều tiếng nói lao xao về những việc đã xảy ra, phê bình đúng, sai, thiện ác, cảnh báo về những dự tính tương lai mà lúc thường con hay nghĩ, như vậy là sao hả thầy? Con cứ điềm nhiên nhận biết và buông các tiếng nói lao xao đó, quay về với chánh niệm hơi thở hay cứ thuận tâm nghe các tiếng thì thầm đó (nghe tụi nó nói nhiều cái cũng có lý và có nhiều cái lạ với mình lắm thầy). Mong thầy hoan hỷ giải thích, xin đội ơn Thầy!

Trả lời: Những tư tưởng như vậy phần lớn là những khuynh hướng xung động từ tập khí trong vô thức, chúng cần được thấy biết rõ ràng thì mới chuyển hoá được. Có nhiều cách chuyển hoá tiếng nói lao xao đó, điển hình như:
1- Lờ nó đi để trở về đề mục thiền như niệm Phật, hơi thở... để định tâm theo cách thiền định.
2- Thay vì bị cuốn theo những tạp niệm lăng xăng con suy nghĩ một cách rõ ràng minh bạch trên những sự kiện thực đang cần suy nghĩ chín chắn theo cách chánh tư duy.
3- Ngay nơi những niệm tưởng đang khởi mà thấy sự sinh diệt của chúng theo cách thiền tuệ. Tốt nhất là con nên mày mò khám phá ra chúng là gì và nhận biết chúng ra làm sao để tự mình thấy ra và chuyển hoá.


SỰ TỈNH GIÁC CỦA TÁNH BIẾT

Ngày gửi: 02-11-2012

Câu hỏi: Thưa Thầy! Khi con ngồi thiền những niệm sinh khởi tràn về, quá khứ, hiện tại, vị lai. Con thấy từng dòng sinh diệt đến đi không ngừng, con thấy những dòng sinh diệt rõ ràng và cứ nhìn, cứ nhìn, không sinh lên một ý niệm nào loại bỏ, thậm chí con nghĩ, "ừ, thì ra chỉ có thế mà thôi." Và ngay ý nghĩ này con cũng bắt kịp, như vậy con muốn hỏi Thầy đó là cái thấy gì? Có phải là cái thấy đang là không thưa Thầy! Mong thầy chỉ dạy!
Trả lời: Đó là sự tỉnh giác của tánh biết trong tâm con khi nó không bị phóng dật, thất niệm, và vọng niệm che lấp. Nếu không bị một tạp niệm nào chi phối thì sự tỉnh giác của tánh biết có thể thấy hết mọi hoạt động của thân, thọ, tâm, pháp một cách rõ ràng minh bạch mà không cần một nỗ lực rèn luyện nào.


NIỀM TIN NƠI SỰ GIÁC NGỘ PHÁP

Ngày gửi: 02-11-2012

Câu hỏi: Thưa Thầy! Khi con cầu nguyện nơi đức Phật, ngay lúc đó có một tư tưởng chen vào, "sao mình không thận trọng chú tâm, hay tùy duyên thuận pháp, mà lại đi cầu nguyện như vậy?" Tư tưởng này làm niềm tin con không được thiết tha, xin Thầy chỉ dạy con, trạng thái này con nên thấy biết như vậy, hay phải loại bỏ?
Trả lời: Như vậy là con đang tiến bộ từ đức tin qua trí tuệ, có thể con vẫn còn nghi ngại nhưng đó là dấu hiệu tốt. Đức tin là tin vào tha lực, khi chuyển qua trí tuệ thì nó chuyển thành niềm tin nơi sự giác ngộ Pháp, nghĩa là vẫn tin Phật nhưng tin ở sự giác ngộ của chư Phật chứ không còn tin Phật ban ơn cứu khổ nữa. Con chỉ thấy vậy là được chứ không loại bỏ tư tưởng tích cực đó. Tốt lắm! Thầy chúc mừng con.


CÓ CẦN HÀNH THIỀN NỮA KHÔNG?

Ngày gửi: 02-11-2012

Câu hỏi: Kính thưa thầy, con là học trò chểnh mãng trong khóa thiền. Trong lớp con hay ngủ gật nên đã nghe thầy giảng 2 khóa rồi mà chỉ trụ được mấy chữ "tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác" thôi. Trước đây con như người ngủ mê thấy Phật giáo nhiều tông phái quá nên không biết phải tu học như thế nào cho phù hợp. Con theo chị đến chùa Bửu Long nghe thầy giảng về thiền và ở nhà con cũng hay vô trang web Trung Tâm Hộ Tông để tìm hiểu thêm. Lạ lùng lắm thầy ạ, những lời thầy như rửa sạch tâm con vậy, càng nghe càng tìm hiểu thì tâm con càng rỗng lặng. Con thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng, thuận lợi làm sao! Mấy lần con muốn bày tỏ với thầy trong lớp nhưng không dám nói.

Thưa thầy, bây giờ con có cần hành thiền gì nữa không và nếu hành thì xin thầy từ bi hướng dẫn cho con để con được tinh tấn hơn, có lẽ pháp đang tự vận hành trong con chứ con không làm gì cả. Con muốn là một thiền sinh siêng năng thầy chỉ dạy giúp con, xin thầy hoan hỉ. Con kính chúc thầy luôn an lạc.
Trả lời: Con nói rằng con đã "trụ" được mấy chữ tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, rằng pháp thoại như rửa sạch tâm con, rằng tâm con càng rỗng lặng, rằng con thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng... và pháp đang tự vận hành trong con chứ con không làm gì cả... Tuyệt vời! "không làm gì cả" chính là con đang làm rất tốt, vì đối với người trí thì làm gì không quan trọng mà quan trọng là biết mình đang làm gì. Và đó mới là hành thiền đích thực, vì thiền là chỉ thấy (vipassanà) pháp tự vận hành trong con, hoàn toàn vô vi vô ngã, chứ nếu "con hành" thì chỉ là hành động tạo tác của cái ta ảo tưởng mất rồi. Nếu tâm con đủ rỗng lặng, hồn nhiên, trong sáng để thấy pháp tự vận hành mà bỗng dưng lại khởi lên ý muốn hành thiền thì chẳng khác nào đất bằng dậy sóng. Chính vì nhiều người không thấy ra chỗ cốt lõi này nên cứ mãi bôn ba hành hết thiền này qua thiền khác mà thực chất chỉ là tự "hành" mình mà thôi! Trong thiền Vipassanà, thấy tức là hành, hành tức là học cách pháp đang vận hành nơi thực tại thân tâm. Học tức là buông mọi ý đồ tạo tác trở thành để pháp tự vận hành cho mà thấy, nên mới nói tâsy tức là hành. Nhưng nhớ là "nhậm pháp hành" chứ đừng "nhậm ngã hành" mà bỗng dưng chuốc khổ! 


CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ BUÔNG CẢ

Ngày gửi: 02-11-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, trong thời gian qua con nhận thấy thế này ạ: khi một ý niệm trong đầu được sinh ra thì thiên đường hay địa ngục cũng do nó tạo ra, thiện hay bất thiện nếu mà còn phân biệt, tức là còn dính mắc thì còn đau khổ, còn trong tam giới. Luôn tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác để trở về với thực tại, để thấy đâu là ảo tưởng do bản ngã tạo ra, chỉ khi không còn dính mắc vào các ý niệm ảo tưởng nữa thì mới trả lại thực tánh cho Pháp và thấy Pháp như nó đang là. Cốt yếu của Đạo vẫn là sự buông bỏ cái ta ảo tưởng, không dính mắc vào các Pháp, vì chỉ có bản ngã mới lưu giữ lại Pháp, xem xét, đánh giá theo ý niệm.
Con kính mong được sự chỉ dạy của Thầy, con cám ơn Thầy và chúc Thầy sức khỏe!

Trả lời: Con đã thấy đúng. Và nếu con có thái độ đúng thì buông bỏ cái ta ảo tưởng có nghĩa là thấy nó đang hoạt động như thế nào hay thực chất nó là gì chứ không buông cái gì cả. Buông là thấy mà không can thiệp, không phản ứng, không tạo tác, vì thật ra chẳng có gì để buông cả. 


KHÁM PHÁ XEM MINH ĐANG NHƯ TH NÀO ĐỂ TÌM CÁCH TU THÍCH HỢP

Ngày gửi: 31-10-2012

Câu hỏi: Lần đầu tiên con được nghe các bài pháp thoại của thầy, và thực hành theo các chỉ dẫn như sống đúng như pháp, sống thuận theo pháp. Tuy nhiên qua các bước thực hành con nhận thấy, không khéo mình sẽ rơi vào trạng thái tưởng (do phải cố gắng nhìn như thật, nó gần như là đang tự lừa dối mình), không biết con nghĩ như vậy có đúng không? Và nếu đúng xin thầy từ bi chỉ bảo các phương tiện khác để đối trị tình trạng này, vì thú thật với thầy muốn nhìn đúng theo pháp phải có một căn cơ tu hành tương đối chứ nếu còn sơ cơ con sợ mình dễ bị hoang tưởng lắm thầy ơi! Xin thầy từ bi chỉ bảo.

Trả lời: Có thể là do con tưởng tượng "đúng như pháp" và "thuận theo pháp" với một nghĩa chủ quan nào đó, và nếu như thế thì đúng là ảo tưởng chứ chưa đến độ hoang tưởng. Con nói tự lừa dối mình là "do phải cố gắng nhìn như thật" rất chính xác, vì điều này hoàn toàn ngược lại với sống thuận pháp mà thầy thường nói. Muốn tu tùy duyên thuận pháp thì con cần nghe và đọc thêm pháp này cho thông suốt trước khi ứng dụng thực hành, nếu không dù chưa hoang tưởng thì cũng chỉ là khái niệm tục đế chứ chắc chắn không phải là pháp thực tánh chân đế.
Sống thuận pháp là sống đúng Bát Chánh Đạo, Giới - Định - Tuệ, cụ thể là thấy biết với tâm sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định), trong lành (giới) khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và biết một cách tự nhiên như pháp đang là chứ không phải pháp mà con nghĩ là, cho là, phải là, sẽ là... Muốn tâm rỗng lặng trong sáng như vậy với vạn pháp thì:
1) Không buông lung phóng đật mà thường trở về với thực tại thân-tâm-cảnh, đó là tinh tấn.
2) Không thất niệm bất tại mà thường trọn vẹn với thực tại, đó là chánh niệm.
3) Không si mê, vọng tưởng mà thường thấy biết thực tại một cách trong sáng và trung thực, đó là tỉnh giác.
Muốn tâm thường tinh tấn chánh niệm tỉnh giác như vậy thì nên thận trọng chú tâm quan sát mọi sự mọi vật một cách tự nhiên như nó đang là (tại đây và bây giờ).
Trường hợp sống như vậy không được mà chỉ là bánh vẽ của cái ta ảo tưởng thì đúng là chưa đủ căn cơ trinh độ, lúc đó phải tìm một phương tiện thích hợp để tu theo phương cách đối trị, như người chưa tự đi được thì phải dùng nạng hay xe lăn chẳng hạn. Vậy bí quyết là con cần tự khám phá xem mình đang như thế nào để tìm ra cách tu thích hợp.


HÓA GIẢI VÀ BUÔNG XẢ

Ngày gửi: 30-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa thầy, con nhận biết sự tham muốn trỗi dậy từ thân vật lý và tác động vào tâm thức. Tâm thức khởi lên sự tham muốn, lại tác động ngược lại thân vật lý. Khi sự tham muốn có mặt trong tâm, con nhận biết và theo kinh nghiệm, con hóa giải và buông xả. Thưa thầy, sự ham muốn này rất mạnh mẽ, trong khi tâm lực con vẫn còn yếu kém và con đã xuối theo sự ham muốn đó. Con vẫn biết đó là sai nên mỗi lần như vậy, con cảm thấy như có sự mất mát buồn phiền trong tâm. Con kính xin thầy chỉ dạy. Con xin kính lễ thầy.
Trả lời: Con thấy sự tương tác của thân và tâm đối với tham muốn là đúng, nhưng có lẽ cách hóa giải và buông xả của con chưa đúng nên dễ bị phản tác dụng. Cách hóa giải và buông xả đúng không phải là hóa giải hay buông xả tham muốn mà là hóa giải buông xả thái độ của con đối với tham muốn ấy. Nếu con chỉ thấy tham muốn sinh như thế nào, diệt như thế nào, tính chất của nó là gì, nhân duyên sinh diệt và tác động của nó ra sao... một cách trung thực như nó đang là thì nó sẽ tự hóa giải, tự buông xả mà con không cần đánh giá, phê phán, can thiệp, tìm cách xử lý hay buông gì cả.

QUÊN TÊN


Ngày gửi: 29-10-2012

Câu hỏi: Thưa Thầy, gần đây trong quá trình thực hành ghi nhận cái đang là nổi bật, con phát hiện ra rất nhiều lúc con không còn nhớ được tên gọi của nhiều thứ vì con chỉ ghi nhận mà không cả qua tên gọi. Con cũng không cố gắng để nhớ tên của chúng mà con ghi nhận luôn là quên tên. Con vẫn hoà nhập tốt với mọi người và với xung quanh. Đôi lúc mọi người cười con vì con không gọi được tên của đồ vật. Con viết để hỏi Thầy về việc "quên tên" này có là bình thường với người tu tập không ạ? Con xin Thầy chỉ bảo cho con.
Trả lời: "Quên tên" là đúng. Thường lúc đầu quên là do yếu tố định hơi mạnh trong quá trình "ghi nhận". Nhưng nếu quên tên có nghĩa là quên đi pháp chế định, nhất là danh chế định thì đó là do chú ý đến thực tánh pháp hơi nhiều, trong trường hợp này khi đã tự nhiên thuần thục và không còn sợ pháp chế định nữa thì sẽ nhớ lại thôi. 


QUAN SÁT HƠI THỞ

Ngày gửi: 29-10-2012

Câu hỏi: Thầy tôn kính! Lời đầu tiên con xin phép được vấn an sức khỏe của thầy ạ!
Kính thưa thầy, xin thầy hoan hỉ cho con được hỏi: gần đây, trong 1 lần ngồi thư giãn chợt con nhận thấy cửa mũi là một bến đợi để quan sát hơi thở vào ra, con không biết hơi thở từ đâu đến và đi về đâu. Sau đó con thấy thân nhẹ hẫng chỉ còn hơi thở ra đến một khoảng không và hơi thở vào cũng đến một khoảng không như vậy, rồi con nghĩ hơi thở là một trong tứ đại, là vô ngã thì ba đại còn lại cũng vô ngã nốt. Kính thưa thầy, những hiện tượng trên có phải do con tưởng ra hay không và con suy nghĩ như thế có đúng không? Con kính xin thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con và con kính chúc thầy luôn an lạc ạ!

Trả lời: Điều con thấy và nghĩ là đúng, tuy nhiên cũng có thể vẫn chỉ là tưởng trong trạng thái thiền định nếu như đó chưa phải là tuệ thấy thực tánh. Dẫu sao tưởng đúng cũng vẫn tốt, vì đó là một cách tiếp cận với thực tánh chân đế. Trong thiền định về hơi thở con có thể chỉ nhận ra hơi thở là vô ngã, còn trong thiền tuệ thì một khi thấy vô ngã thì thấy tất cả cùng lúc đều vô ngã chứ không phải chỉ tướng hơi thở mà thôi.


BUÔNG TỐT HƠN LÀ TRỤ

Ngày gửi: 26-10-2012

Câu hỏi: Thưa thầy, con rất hay ảo tưởng hảo huyền. Gần đây con sống phóng dật theo dục tưởng nên mệt mỏi và nhức đầu. May con đọc được bài thơ trong kinh pháp cú :
"Không phóng dật, đường sống
Phóng dật là đường chết
Không phóng dật, không chết
Phóng dật như chết rồi."

Con thấy rất thấm thía lời dạy của Đức Phật, đúng là phóng dật như chết rồi! Thưa thầy, thầy có bản tiếng pali của bài thơ này, thầy cho con xin để con tập đọc hàng ngày vì tâm con hay phóng dật.
À, thưa thầy, đôi khi chuẩn bị phóng dật là con biết nhưng cái tâm ham muốn quá mạnh nên con chẳng kiên nhẫn nổi. Vậy con có nên tập tạm thời thiền định để đối trị những lúc như vậy không ạ. Xin thầy cho con lời khuyên!
Con xin tạ ơn đảnh lễ thầy!

Trả lời:
1- Đó là câu kệ Pháp Cú số 21:
"Appamàdo amatapadam
Pamàdo maccuno padam
Appamattà na mìyanti
Ye pamattà yathà matà".

2- Cách xử lý phóng dật mỗi người một khác tùy căn cơ trình độ của mình, không có một phương pháp tiêu chuẩn nào nhất định. Chủ yếu cần biết rõ rằng nguyên lý không phóng dật chính là trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại mà Kinh Tứ Niệm Xứ gọi là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác trên thân thọ tâm pháp. Để thực hiện điều này dễ dàng và hiệu quả thì chỉ cần thận trọng chú tâm quan sát mọi hoạt động của thân tâm trong tương giao với hoàn cảnh đang sống là được. Thấy ra là chính chứ không phải đạt được điều gì. Thấy ra cái sai để tự động điều chỉnh thì tốt hơn là cố đạt đến cái đúng như mình nghĩ.
Rốt ráo mà nói thì trú vào định cũng là một loại phóng dật cao cấp biểu hiện trong sắc ái và vô sắc ái nên Phật đã đạt được thiền định cao nhất vẫn từ bỏ để trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại và đã hoàn toàn giác ngộ. Định có thể là một phương tiện như bao nhiêu phương tiện khác, nghĩa là cần thì dùng không thì thôi chứ đừng để lệ thuộc vào nó. Giống như nước, khát thì uống, không thì thôi chứ uống quá nhu cầu cần thiết cũng vẫn sinh bệnh. Buông tốt hơn là trụ, vì pháp là vô thường vô ngã nên trụ vào đâu cũng khổ, dù động hay tịnh thì cũng chỉ là hai đối cực của sự sống mà thôi, trụ bên nào cũng khổ như nhau. Chủ yếu là sống thăng bằng không tấp vào bờ bên này bên kia là được

LÀM SAO Đ
 KHẮC PHỤC TÂM LĂNG XĂNG

Ngày gửi: 26-10-2012

Câu hỏi: Con cảm ơn Thầy thật nhiều, con cố gắng hành theo những gì Thầy chỉ dạy. Con đang tiếp tục nghe Thầy giảng pháp trên mục Pháp thoại và đọc sách để hiểu biết thêm về Phật pháp vì có rất nhiều từ chuyên dùng trong Phật pháp con đọc không hiểu.
Có một điều này nữa con xin Thầy chỉ dạy, con rất dễ bị phân tâm bởi ngoại cảnh, nó làm đầu óc con bị chi phối rất nhiều, cứ lẩn thẩn hoài với những điều xảy ra. Bây giờ con phải làm sao để khắc phục thưa Thầy?

Trả lời: Mới đây cũng có người hỏi như vậy, con xem lại những câu trả lời gần đây để hiểu thêm. Tập thận trọng chú tâm quan sát mọi hoạt động của thân tâm thì tâm sẽ bớt tán loạn, phân tâm hay vọng động. Nếu chưa làm được như vậy thì con có thể niệm Phật để hỗ trợ thêm cho tâm bớt lăng xăng trước đã.


THẤY ĐƯỢC "vị ngọt và sự nguy hại" 

Ngày gửi: 25-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, một người đã học ra bài học của mình, đã thấy được "vị ngọt và sự nguy hại" thì nên làm gì tiếp theo thưa Thầy, mong Thầy từ bi chỉ dạy cho con. Con cảm ơn Thầy!
Trả lời: Nếu con đã thấy sự sinh khởi, vị ngọt và sự nguy hại của một pháp thì sẽ thấy nó diệt và thấy bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó, thấy tâm không dính mắc trong pháp đó nữa và con sẽ xuất ly ra khỏi nó hoặc tự tại vô ngại trong nó. Đó chính là những bước tự đến chứ không phải con phải cố gắng làm gì.


LÀM THẾ NÀO khi đứng trước những hoàn cảnh khó khăn con vẫn giữ được bình tĩnh để vượt qua?


Ngày gửi: 25-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy chỉ dạy giúp con:
Trong đầu con lúc nào cũng đầy những ý nghĩ, ý tưởng, nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác, cứ liên tục diễn ra như vậy. Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn con còn nghĩ nhiều hơn, có lúc con bị rơi vào tình trạng trầm cảm. Cách đây khoảng 2 tháng tình cờ con vào được trang web này, con học hỏi được nhiều điều Thầy chỉ dạy cho mọi người và cũng phần nào tháo gỡ được những gút mắc trong lòng con. Thầy ơi, có phải những ý nghĩ cứ đến liên tục trong đầu con đều là những cái Ta ảo tưởng không thưa Thầy? Và con phải làm thế nào khi đứng trước những hoàn cảnh khó khăn con vẫn giữ được bình tĩnh để vượt qua?
Kính mong Thầy chỉ dạy. Con thành thật biết ơn và kính chúc sức khỏe Thầy.

Trả lời: Khi con thận trọng chú tâm quan sát mọi hoạt động của thân tâm con thì những ý nghĩ lăng xăng hay cái ta ảo tưởng sẽ ít có cơ hội xen vào. Cụ thể là quan sát mọi hoạt động, trạng thái hay tư thế của thân, cảm nhận mọi cảm giác hoặc cảm xúc xảy ra bên trong, biết rõ trạng thái tâm đang sinh diệt thế nào... một cách tự nhiên khi những sự kiện ấy đang diễn ra... thì tâm con sẽ ổn định và trong sáng.

PHÁT HIỆN CÁI SAI CÁI ĐÚNG NƠI CHÍNH MÌNH

Ngày gửi: 24-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa thầy cho con hỏi. Con chỉ nghĩ cái đúng và cái sai theo suy nghĩ của mình, con thấy người đó sai con muốn giúp nhưng người đó không nghe con nói. Con muốn đứng ra ngoài để pháp dạy cho người đó thấy ra được nhưng trong lòng con lại buồn lắm, con không biết mình phải làm như thế nào. Con mong thầy từ bi chỉ dạy cho con.
Trả lời: Con cứ lo chánh niệm tỉnh giác để phát hiện cái sai cái đúng nơi chính mình một cách trung thực không qua quan niệm nào cả. Khi đã thấy bản chất cái sai cái đúng như nó là con mới giúp người khác được. Tuy nhiên giúp là góp ý thôi chứ không nên xen vào bài học giác ngộ của mỗi người. Có hai cái đúng, một là đúng theo nguyên lý phổ quát và hai là đúng theo từng "thời, vị, tính" của mỗi trường hợp. Phương diện thứ nhất thì đúng cho tất cả, còn phương diện thứ hai thì chỉ đúng khi hợp lúc hợp chỗ và hợp căn cơ trình độ mà thôi. Không thể áp dụng trường hợp này với trường hợp khác được.


PHÁT HIỆN ĐƯỢC NGÃ VÀ PHÁP

Ngày gửi: 20-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy trong thời gian vừa qua con thấy rằng mỗi khi một loại tâm khởi lên thì chẳng có ai bắt mình phải đánh giá, phải suy nghĩ, phải hành động như thế này thế kia cả. Ví dụ khi tâm sân khởi lên thì chằng có ai bắt buộc mình phải gán cho nó cái tên là sân, rồi phải suy nghĩ, phải đánh giá, phải hành động như thế này thế kia. Sân chỉ là một loại tâm và nó là do Duyên Khởi, chỉ khi có ai đó xuất hiện thì mới bị ràng buộc, giới hạn mình vào trong một cái lồng của khái niệm, chế định và mình cần phải sống chánh niệm, tỉnh giác để không bị chi phối, để không phải tích lũy thêm nhân từ quả đã trổ.
Con kính mong được sự chỉ dạy của thầy! Con cám ơn Thầy và chúc thầy sức khỏe ạ!

Trả lời: Con nói rất đúng, con đã phát hiện được ngã và pháp rồi đó, bây giờ cứ thế mà sống và khám phá sự thật. Cái ta cũng ba đầu sáu tay lắm nên nếu không sống trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm thì nó liền xen vào can thiệp ngay. Phật một thước Ma ba thước là vậy đó.


THÔNG SUỐT  THIỀN LÝ thì việc hành trở nên đơn giản dễ dàng


Ngày gửi: 20-10-2012

Câu hỏi: Kính bạch thầy! Con xin cảm tạ câu trả lời lần trước của thầy.
Qua câu trả lời của thầy, con thấy mình mông lung quá. Con bắt đầu tập thiền qua chỉ dẫn của vài người và bản thân con tự tìm hiểu. Nhưng con thấy con chậm hiểu quá, thực hành cũng không đến đâu. Nhiều lúc con còn nghĩ: "không biết mình đang làm gì nữa?" Nếu tiếp tục như vậy thì con sợ ý chí tu tập của mình sẽ sa sút mất. Nên con nghĩ mình cần phải bắt đầu lại từ những điều cơ bản, vỡ lòng cần thiết mà có thể con chưa biết. Hiện tại con cũng chưa có điều kiện để tham gia học một khóa thiền nào. Kính mong thầy chỉ dạy cho con, con phải bắt đầu từ đâu, và phải làm những gì?
Con xin tri ân thầy!

Trả lời: Đơn giản là con đừng ngồi thiền. Ngồi thiền cũng như uống thuốc, con phải biết bệnh gì, bệnh trạng và nguyên nhân bệnh ấy là gì, thuốc nào thích hợp, thuốc ấy có tính chất đặc trị nào, chỉ định và chống chỉ định ra sao, công hiệu và phản ứng phụ như thế nào v.v... Con không rõ bệnh mà cứ lấy thuốc uống thì hậu quả ra sao chắc con đoán được. Nếu con không biết bệnh và thuốc thì tốt nhất là đi bác sĩ để được khám và cho toa cụ thể mới nên thử uống xem sao, nếu không lành bệnh thì đổi bác sĩ, đổi thuốc... Con tự ngồi thiền kiểu đó vô cùng nguy hiểm mà thầy cũng không thể hướng dẫn từ xa trên mục hỏi đáp này được. Nếu con tin thầy thì nên nghe pháp thoại thầy giảng, đọc sách thầy hướng dẫn, và tốt nhất là trực tiếp đến nghe thầy hướng dẫn, khi con đã thông suốt thiền lý thì việc hành trở nên đơn giản dễ dàng chứ không như con tưởng. Còn nếu con có duyên với một pháp thiền nào đó thì cũng phải học cho rõ mới hành. Dục tốc bất đạt đó con.


TRẠNG THÁI ĐỊNH

Ngày gửi: 18-10-2012

Câu hỏi: Con kính bạch Thầy
Con tiếp tục ngồi để tâm rỗng lặng thì thấy tâm mình chỉ còn như một dòng trôi chảy liên lỉ, tĩnh lặng. Lúc này con vẫn nghe âm thanh nhưng có cảm giác như âm thanh không đến được tâm (tức là nếu hướng tâm để nghe thì sẽ biết nó là âm thanh gì, nếu không thì hình như chỉ còn cái nghe thôi ạ). Và con có cảm giác như ngoại giới tiếp xúc với con thì bị dội ra lại vậy ạ. Tâm con lúc này tự nó cứ hướng vào bên trong thể nhập vào sự yên bình vắng lặng đó. Con thấy tâm con như tách rời khỏi ngoại giới vậy, khi xuất ra vẫn tĩnh lặng như vậy một lúc lâu. Cũng có hôm con ngồi thì tự nhiên có những khoảnh khắc như bị xóa sạch bộ nhớ như vậy không biết gì cả. Thời gian mỗi lần như vậy chắc không dài lắm, con ước chừng khoảng 30''- 1 phút thôi. Con xin trình Thầy, xin Thầy hướng dẫn tiếp cho con.
Con xin đảnh lễ Thầy!

Trả lời: Đó là trạng thái định tự nhiên rất tốt. Con cứ để tự nhiên cho tâm vào định, tuy nhiên không nên thấy yên tĩnh và an lạc mà trú vào đó quá nhiều. Tâm đã định thì nên hướng về sự quán chiếu nhiều hơn, nên sống tích cực vô ngã vị tha rồi lấy đó để tự quán chiếu thì mới thấy ra thực tánh pháp. Định và an lạc chưa đủ để thấy ra thực tánh chân đế. Tâm định có biết và tâm định không biết đều là những trạng thái khác nhau của định thôi.


THƯ GIẢN BUÔNG XẢ

Ngày gửi: 18-10-2012

Câu hỏi: Dạ thưa thầy cho con hỏi:
Con chỉ mới tập hành thiền mới đây thôi, con không hiểu sao khi ngồi một lát khoảng 5 phút là con thấy người con có khi nghiêng qua nghiêng lại, có khi xoay tròn, có khi lại nhào tới ngã lui, mà bản thân con không ngăn cản được. Đặc biệt là con thấy phần thân trên của con như đồng hồ lắc. Đầu con lắc qua lắc lại, nhiều lần cố bắt nó dừng lại nhưng nó vẫn vậy, con không khống chế được. Khi con mặc kệ nó thì lát sau nó không lắc nữa hoặc là đổi kiểu xoay. Xin Thầy cho con lời khuyên về trạng thái này. Con có phải làm sao khi nó xảy ra không ạ?
Con xin tri ân thầy!

Trả lời: Nếu con ngồi thư giãn buông xả và không cố định tâm thì không sao, nhưng do con cố gắng định tâm nên ý bị ức chế và khí bị dồn nén khiến cho thân bị khí thúc đẩy tạo ra hiện tượng như con nói. Giống như khi con ép một quả bong bóng thì khí bên trong cứ hết chạy bên này qua bên khác vậy.

QUÁ TRÌNH NIỆM PHẬT VÀ QUÁ TRÌNH BUÔNG BỎ


Ngày gửi: 17-10-2012

Câu hỏi: Kính Bạch thầy! Mong thầy chỉ dạy giùm cho con ạ.
Con là một người lăng xăng, hay phóng dật, hay mông lung, mộng tưởng và luôn có chiều hướng ra ngoài, tâm định của con yếu và kém lắm ạ. Con có học niệm Phật, nhưng con không thấy hiệu quả.
1. Mong Thầy chỉ dạy giùm cho con phương pháp niệm Phật đạt hiệu quả ạ. Và từng giai đoạn của quá trình niệm Phật?
2. Thầy chỉ dạy cho con từng giai đoạn của quá trình buông bỏ ạ?
Con cám ơn thầy ạ!

Trả lời:
I) Niệm Phật có nhiều cách nhưng niệm "Araham Sammà Sambuddho" được đánh giá là hiệu quả nhất, vì đó là niệm ân đức thanh tịnh và sáng suốt của chư Phật chứ không phải niệm riêng danh hiệu một vị Phật nào. Mục đích của niệm ân đức thanh tịnh sáng suốt của chư Phật là để cho tâm trở về với bản chất thanh tịnh sáng suốt vốn sẵn có của tánh biết nơi mỗi người. Cách niệm Phật chia làm 3 giai đoạn:
1. Niệm liên tục trong tâm "Araham Sammà Sambuddho" bất kỳ ở đâu và lúc nào để tạp niệm, vọng niệm và thất niệm không sinh khởi được nữa thì tâm sẽ đạt đến nhất niệm thanh tịnh.
2. Khi tâm đã nhất niệm thanh tịnh không còn tạp-vọng-thất niệm thì buông luôn câu niệm để tâm vô niệm thanh tịnh. Tâm vô niệm sẽ hoàn toàn rỗng lặng trong sáng. Nhưng nếu thỉnh thoảng tâm khởi lên tạp-vọng-thất niệm thì niệm "Araham Sammà Sambuddho" trở lại cho đến khi tâm thanh tịnh thì buông.
3. Khi tâm đã vô niệm tức đã trở về với bản chất sáng suốt, định tĩnh, trong lành của tánh biết thì tánh biết sẽ tự soi chiếu thực tại thân-thọ-tâm-pháp với chánh niệm tỉnh giác một cách tự nhiên.
II) Buông có những giai đoạn sau đây: Bố thí để buông cái ta ích kỷ. Trì giới để buông cái ta hành ác. Ly dục để buông cái ta ham muốn trần cảnh. Trí tuệ để buông cái ta tà kiến. Tinh tấn để buông cái ta phóng dật. Nhẫn nại để buông cái ta đối kháng. Chân thật để buông cái ta ảo tưởng. Quyết định để buông cái ta thụ động. Tâm từ để buông cái ta bất mãn. Tâm xả để buông cái ta chấp thủ. 


LỰC TỰ NHIÊN

Ngày gửi: 10-10-2012

Câu hỏi: Thưa Thầy, con thành kính cám ơn sự dạy dỗ của Thầy và con mong được sống trong ân đức ấy. Con có chút thắc mắc muốn hỏi Thầy. Có khi đi con thấy một lực đẩy toàn thân bước tới, lúc đó thì thân con rất nhẹ nhàng, trong tâm yên tịnh nhưng con cảm nhận một lực mạnh mẽ mà con mới thấy lần đầu, cảm giác này qua mau nhưng sau đó đề lại cảm giác mát mẻ trong thân tâm. Thưa Thầy, lực này có phải là định không ạ? Con xin cảm ơn và đảnh lễ Thầy.
Trả lời: Lực đó là một loại hỷ lạc của tâm an tịnh. Khi tâm an tịnh tự tại, tạm thời thoát khỏi áp lực của cái ta điều khiển thì con cảm nhận được "lực tự nhiên" trong hoạt động của thân tâm. Tâm dao động không cảm nhận được lực này, nhưng khi tâm trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì sẽ cảm nhận được "nó" nhiều hơn và rõ ràng hơn.

ĐỪNG KẾT LUẬN HAY KHẲNG ĐỊNH ĐIỀU GÌ CẢ


Ngày gửi: 09-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy,
Cho đến ngày hôm nay, khi tâm bất thiện sinh ra, thì con thấy nó sinh diệt. Và nó tiếp tục nổi lên nữa khi có dịp. Nhưng hôm nay chỉ trong tích tắc, con thấy rõ ràng cả nguyên nhân và kết quả dẫn đến tâm đó, và sự diệt đi của tâm đó. Và con biết rằng nó sẽ không tái diễn nữa trong tâm con. Con không biết mình có ngộ nhận không. Kính xin Thầy chỉ dạy con.
Con kính xin đảnh lễ Thầy.

Trả lời: Một hành giả Vipassanà sau khi thấy chỉ có danh sắc đang hoạt động mà thôi, vị ấy lần lượt thấy sự sinh, sự diệt của tâm, rồi thấy sự sinh - diệt của tâm và thấy sự diệt của tâm, đến đây vị ấy thấy rõ ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của tâm, của pháp. Tuy nhiên đến đây vị ấy vẫn có thể bị nhầm lẫn do một số trạng thái tâm quá mạnh trong lúc quán chiếu như: thấy ánh sáng (obhàsa), tuệ sắc bén (ñàna), hoan hỷ phấn khởi (pìti), nhẹ nhàng thoải mái (passaddhi), an lạc sung mãn (sukha), thắng lướt dễ dàng (adhimokkha), tích cực cần mẫn (paggàha), khắng khít miên mật (upatthàna), thản nhiên vô tư (upekkha), nguyện vọng bất thối (nikanti). Khi thấy tâm có những yếu tố mạnh mẽ như vậy liền tưởng đã vượt qua phiền não khổ đau nên rơi vào chướng ngại. Vậy pháp đến đi thế nào con cứ thấy như vậy đừng kết luận hay khẳng định điều gì cả.


HÃY ĐỂ CHO TÂM HỒN mãi ngạc nhiên với cái mới tinh khôi


Ngày gửi: 09-10-2012

Câu hỏi: Thưa Thầy, đêm qua khi con đang ngủ thì tâm con như có gì đó kéo đi hướng vào một vùng không gian sâu hun hút và thăm thẳm không có điểm kết thúc, tâm con cứ đi vào đó... rồi con tự hỏi mình có đang tỉnh thức không nhỉ, rồi con biết mình vẫn đang biết và con mặc kệ cho tâm bị kéo đi vào cái không gian sâu hun hút ấy. Rồi con nghĩ mình thử choàng tỉnh dậy xem sao, thế là con choàng tỉnh rồi mở mắt, nhưng rồi lại nhắm mắt vào và tiếp tục bị kéo đi vào cái hun hút không lối ra ấy. Lúc mới đầu bị kéo đi con còn có hơi run sợ, con biết và sau thì con để kệ nó thích đi đâu thì đi con chỉ lặng lẽ quan sát... Được một lúc lâu sau thì tự nhiên cái hun hút ấy biến mất và chỉ còn nhịp thở đều đều hiện hữu. Thưa Thầy, rồi sau đó con thử tìm lại cảm giác bị hun hút kéo đi nhưng không được nữa... con không biết là hiện tượng này có phải nhắc nhở con điều gì không ạ, và con cũng không biết có thể rút ra bài học gì từ chuyện này. Xin thầy từ bi chỉ dạy cho con!
Con tạ ơn thầy và chúc thầy luôn mạnh khỏe!

Trả lời: Thì đó chỉ là một trải nghiệm như bao trải nghiệm khác trong cuộc sống. Có thể vì đó là trải nghiệm lần đầu nên con ngạc nhiên thôi. Khi đang trải nghiệm con không làm gì được hơn là mặc kệ nó, thế mà sau khi trải nghiệm lý trí con lại "muốn biết" qua lý giải và thậm chí "muốn được" qua sự lặp đi lặp lại thành kinh nghiệm. Lý trí luôn muốn hình thành khái niệm về một sự kiện, vì vậy mà không thể tuệ tri sự kiện ấy như nó là, vì vậy mà nó đánh mất tính mới mẻ và sáng tạo của bản tâm vốn hồn nhiên, rỗng lặng và trong sáng. Hãy mỉm cười với những thứ đã qua và hãy để cho tâm hồn mãi ngạc nhiên với cái mới tinh khôi, kỳ lạ, không thể nghĩ bàn.


BUÔNG cái ta niệm và đối tượng được niệm


Ngày gửi: 09-10-2012

Câu hỏi: Kính bạch Hòa Thượng, 

Con đang gặp một số vướng mắc. Con xin trình lên và kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho con.
Khoảng 1 tuần nay, con có cảm giác thấy có 1 hình ảnh bên ngoài thân tâm của con đang nhìn vào con, nhất là khi ngủ, con lại thấy rõ ràng nhất. Con thấy "cái nhìn" đang nhìn con trong tư thế nằm ngủ rồi thay đổi oai nghi, xoay mình v.v... Nằm 1 tư thế lâu, con thấy bị mỏi, con vẫn nhận thức được con bị mỏi và muốn thay đổi oai nghi, con thấy sự sinh-diệt trong từng hành động và tư tưởng.
Từ sáng đến chiều, tối có lúc con cũng buông lung, phóng dật. Nhưng khi con trở lại với hiện tại thì con lại thấy như vậy nữa. Lúc nào cũng như là có 1 cái nhìn ở bên ngoài đang nhìn vào từng hành động của con. Tới bây giờ con vẫn còn bị như thế.
Kính mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con.
Con kính chúc Hòa thượng Pháp thể khang an.

Trả lời: Do khi con chánh niệm tỉnh giác con vẫn còn người niệm và đối tượng được niệm, khi cái niệm "miên mật" thì nó sẽ tách ra rõ ràng người niệm và đối tượng được niệm. Thực ra miên mật thật sự không phải là thời gian mà người niệm nắm bắt đối tượng được niệm một cách liên tục, mà là không còn người niệm và đối tượng được niệm nữa. Lúc đó chỉ còn lại sự tương giao trọn vẹn hài hoà và minh bạch của DANH và SẮC mà thôi. Con nên buông cái ta niệm và đối tượng được niệm chỉ còn lại tánh biết thấy pháp một cách tự nhiên vô tâm - vô tướng, vô tác, vô cầu... Đó chính là thân tâm nhất như trong thực tánh chân đế vậy.

SỰ SINH DIỆT

Ngày gửi: 07-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy,
Khi con suy nghĩ, thấy, nghe, đọc... thì con thấy trong tâm con có sự sinh diệt. Nhưng khi không có tất cả những yếu tố trên, con thỉnh thoảng vẫn thấy trong tâm "vô cớ" có sự sinh diệt. Kính xin Thầy chỉ dạy con.
Con kính xin đảnh lễ Thầy.

Trả lời: Sinh diệt khi thấy, nghe, ngửi, nếm hoặc xúc chạm đối tượng bên ngoài là sự sinh diệt của một lộ trình tâm ngũ môn hay một tiến trình tâm sinh vật lý (pañca dvàra vìthi), do đó sự sinh diệt này dễ thấy hơn. Nhưng khi tâm tiếp xúc với nội pháp trong tiến trình tâm ý môn (mano dvàra vìthi) thì sự sinh diệt chỉ cảm nhận được ở bên trong mà thôi. Cho dù tâm không khởi tiến trình qua 6 thức thì tâm vẫn hoạt động một cách vô thức như những tập khí chứa nhóm trong bhavanga mà Phân Tâm Học gọi là những khuynh hướng xung động vô thức. Chính là con cảm nhậnđược sự sinh diệt của những tập khí đang trở thành những khuynh hướng xung động đó.


TÂM RỖNG LẶNG TRONG SÁNG chính là năng lượng vũ trụ 


Ngày gửi: 06-10-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con có một số vấn đề thắc mắc sau, mong Thầy giải đáp giúp con:
1/ Khi ngồi thiền rơi vào trang thái tâm yên tịnh rỗng rang và thấy ánh sáng chung quanh hoặc trước mặt, vậy đó là Tà Định hay Chánh Định ạ? Nếu rơi vào Tà Định thì con phải làm sao?
2/ Khi gặp trời mưa/bão mà ngồi thiền thì có nguy hiểm gì không ạ?
3/ Khi con thận trọng chú tâm quan sát, tâm con an tịnh giống như ngồi thiền, như vậy thì có tiếp nhận được năng lượng của vũ trụ không ạ?
Con cảm ơn Thầy ạ!

Trả lời:
1) Nếu nói thiền định chung chung thì trạng thái con đạt được là tốt. Ánh sáng là một trong những dấu hiệu ban đầu(ấn chứng) gọi là hỷ (pìti) rất tốt của những thiền chi trong định. Tà định có 2 loại: một là định có mục đích xấu (bất thiện), hai là định có mục đích tốt (tịnh hảo, thiện) vì vậy tà định không hoàn toàn có nghĩa xấu như nhiều người tưởng và xem là thiền bất chính của ma giáo. Chữ tà (micchà) ở đây chỉ có nghĩa là không đúng con đường minh sát, giác ngộ Niết-bàn thôi. Sai lầm của định này dù tốt hay xấu đều còn hữu vi, hữu ngã và tất nhiên là dính mắc vì vậy nó là trở ngại hàng đầu trong 10 phiền não chướng cho tuệ giác của thiền tuệ.
Chánh định là định đúng hướng với thiền tuệ, và đi chung trong thiền tuệ vì vậy chánh định mới đi đến Thánh định, một yếu tố trong Bát Thánh Đạo của bậc Thánh. "Tà định tốt" cũng có thể được xem là chánh định khi yếu tố tỉnh giác vẫn soi chiếu được những thiền chi để không bị rơi vào dính mắc và lầm tưởng đó là tuệ chứng. Nghĩa là khi chứng nghiệm qua những trạng thái định ấy tuệ tỉnh thức vẫn thấy rõ chứ không chấp lầm.
2) Nếu định tâm chỉ mới sơ cơ, ở mức tầm tứ hoặc mới vào cận định thì tiếng sấm sét có thể gây chấn động mạnh không tốt. Người sơ cơ thường quá cố gắng nên hơi bị căng thẳng do đó nên tránh tiếng động mạnh. Tâmđịnh cao và thiền Minh sát thì không sao.
3) Nếu tâm đã rỗng lặng trong sáng thì còn muốn thu năng lượng vũ trụ làm gì nữa? Tâm rỗng lặng trong sáng chính là năng lượng vũ trụ rồi nên chỉ phát năng lượng thôi chứ không cần thu. Chỉ có tâm định hữu vi hữu ngã và vị kỷ mới còn muốn thu năng lượng, một tâm rỗng lặng (vô vi, vô ngã), trong sáng thì chỉ vị tha nên phát chứ không thu mà không bao giờ cạn. 


CHÁNH ĐỊNH VÀ TÀ ĐỊNH

Ngày gửi: 04-10-2012 


Câu hỏi: Kính thưa Thầy, xin Thầy giải thích cho con được rõ sự khác biệt giữa Chánh Định và Thiền Định là thế nào ạ? Con kính ơn Thầy!
Trả lời: Nói đúng hơn Thiền Định có hai loại: Chánh Định và Tà Định. Chánh Định là định thuộc giới định tuệ đưa đến giác ngộ giải thoát. Tà định là Định hướng đến mục đích khác. Tà không hoàn toàn có nghĩa là xấu ác mà chỉ có nghĩa là không đưa đến giác ngộ giải thoát thôi. Tà định có tính chất hữu vi, hữu ngã và vị kỷ. Chánh định là định vô vi, vô ngã và vị tha hay ít nhất cũng không vị kỷ. 


TRẠNG THÁI Pìti (hỉ) trong THIỀN ĐỊNH

Ngày gửi: 29-09-2012 

Câu hỏi: Con xin đảnh lễ thầy.

Kính bạch thầy, con nghe danh thầy từ lâu, nhưng con chưa đủ phước duyên được gặp thầy, con mong ước sẽ có lần được gặp thầy ạ.
Dạ thưa thầy, con bước đầu học tu thiền nên có một số vấn đề con chưa hiểu ạ, con xin thầy giải đáp giúp con.
"Khi con nhìn cảnh vật thì mọi thứ cứ trôi đi, cứ trôi đi trước mắt con mà tâm con không dính mắc vào các cảnh đó, cũng có khi con nhìn các hoạt động của mọi người làm việc thì con thấy các hoạt động đó không dính dáng gì đến mình hết, mà thậm chí các hoạt động đó diễn ra như một con rối trước mắt con. Khi con nhìn một lúc lâu như vậy thì trong người con có cảm giác rất lạ, và cảm giác này diễn ra rất mạnh, và khi con dừng lại không nhìn mạnh mẽ nữa thì cảm giác đó không còn nữa". Như vậy thì con tu có đúng không ạ? Và cái cảm giác đó nó là gì ạ? Con có nên tiếp tục thực hành như thế nữa không ạ? Dạ thưa thầy, con xin thầy tháo gỡ băn khoăn này giúp con. Con xin cảm ơn thầy.
Con xin chúc thầy mạnh khỏe, tuệ giác sáng ngời.

Trả lời: Có thể là yếu tố khinh an, định và xả hơi nhiều so với trạch pháp, tinh tấn và hỷ. Rất tiếc con không nói cảm giác mạnh trong con lúc đó là gì, nhưng thầy đoán là trạng thái Pìti (hỉ) trong thiền định. Vậy cũng tốt, thỉnh thoảng cũng nên để tâm như vậy. Tuy nhiên nếu con phát triển tâm này nhiều quá thì tâm sẽ bị trì trệ và thụ động, do đó con nên tinh tấn chánh niệm tỉnh giác hoặc thận trọng chú tâm quan sát nhiều hơn để cho tâm minh mẫn, linh hoạt và bén nhạy hơn. 



CÓ Vipassana THÌ KHÔNG CÒN cái ta quan sát


Ngày gửi: 24-09-2012

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, Thầy giảng quán thân thọ tâm pháp là phải sống với nó chứ không phải là có cái ta đứng ngoài quan sát nó. Xin Thầy giải thích và cho ví dụ cụ thể cho con dễ hiểu. Xin cảm ơn Thầy!

Trả lời: Khi con đi thì động tác đi chính là sự sống tự nó đang diễn ra mà tánh biết cảm nhận được trọn vẹn toàn bộ diễn biến đó từ bên trong chứ thực ra không có cái ta nào đứng ngoài quan sát hay điều khiển động tác đi đó cả, con không thấy điều đó hay sao? Điều này không cần giải thích mà con chỉ cần sống trọn vẹn với nó thì thấy được thôi, đúng không? Còn cái ta quan sát thì không có Vipassana, có Vipassana thì không còn cái ta quan sát. Vì vậy Phật mới dạy: Trong thấy chỉ là thấy, trong nghe chỉ là nghe... không có cái ta nghe, ta thấy... 

CẦN PHẢI LÀM THẾ NÀO khi tâm lười biếng, hôn trầm và thụy miên? 

Ngày gửi: 20-09-2012

Câu hỏi: Thưa thầy, Con cần phải làm thế nào khi tâm lười biếng, hôn trầm và thụy miên?
Con tạ ơn thầy!
Trả lời:
1) Phấn chấn hoạt động lên
2) Vui vẻ hứng thú lên
3) Thận trọng quan sát sự vật rõ hơn
4) Đi tắm rửa hoặc bơi lội càng tốt
5) Ra chỗ thoáng mát và có ánh sáng
6) Đừng ăn no
7) Đi ngủ. 


SỐNG ĐÚNG PHÁP THÌ ĐỊNH TỰ ĐẾN

Ngày gửi: 19-09-2012

Câu hỏi: Con kính bạch Thầy!
Con tiếp tục ngồi thư giãn, buông xả để tâm rỗng lặng thì mấy hôm nay con như chìm vào một giấc ngủ nhưng cũng không phải ngủ hẳn, trạng thái đó con vẫn nghe rõ mọi âm thanh và hiểu rõ mọi người đang nói gì nhưng như là không để ý gì cả (giống như khi mình đi vào chợ mà không mua gì cả nên đi qua các gian hàng "vẫn biết là hàng gì" mà khi về mình cũng không nhớ là đã đi những đâu). Tuy thời gian chỉ khoảng 15' nhưng khi ngồi xong con lại có cảm giác như mình vừa thức dậy sau một giấc ngủ ngon, rất tỉnh táo và hoạt bát thưa Thầy!
Dạ! Con có tìm hiểu một số tài liệu của Hòa thượng Giới Nghiêm nhưng lại không thấy mô tả rõ giai đoạn chuyển từ cận định sang an chỉ định, hoặc chánh định, nếu tiện Thầy có thể chỉ giúp cho con ạ?! Con xin đảnh lễ Thầy!

Trả lời: Con đã làm rất tốt trong thư giãn buông xả mà thầy nói. Trạng thái con thể nghiệm không phải là ngủ mà là trạng thái định tự nhiên rất tốt. Định này mới thật sự hỗ trợ cho tuệ. Con cứ thư giãn buông xả tự nhiên như vậy, đừng cố gắng lặp lại hay cải thiện nó, mỗi lúc đều mới mẻ thì tốt hơn, vì nếu con cố gắng thì thành ra định hữu vi hữu ngã mất rồi.
Trải nghiệm rồi con sẽ tự biết cận định là gì, an chỉ là gì, đừng nên có khái niệm trước làm cho con khó thể nghiệm sáng tạo được. Đừng áp dụng một phương pháp nào để phát triển định. Sống đúng pháp thì định tự đến, tự chuyển chứ không cần con cố gắng chuyển theo kiến thức vay mượn từ sách vở. Nếu con quá lo lắng để đạt được định thì con sẽ mất nó đó. 


ĐỪNG QUAN TÂM ĐẾN NGÔN TỪ LẮM!!!

Ngày gửi: 18-09-2012

Câu hỏi: Kính bạch Thầy, Con nghe các bài Thầy giảng, con thât cảm nhận hạnh phúc khi sống đúng trong lời Phật dạy, con cảm ơn Thầy vô cùng. Nhưng con có lấn cấn này, con kính xin Thầy từ bi chỉ dạy giúp con thấy được sự khác nhau giữa: TỊNH - TĨNH - ĐỊNH.
Con xin cảm ơn Thầy. Con kính đảnh lễ Thầy!

Trả lời:

Con đừng quan tâm đến ngôn từ lắm, vì mỗi người hiểu và dùng ngôn từ một khác. Do đó chỉ có thể định nghĩa chúng trong ngữ cảnh được sử dụng mà thôi. Thí dụ con hỏi Tịnh trong Tịnh Độ nghĩa là gì, Tĩnh trong thiền tĩnh lặng nghĩa là gì, Định trong tứ thiền bát định nghĩa là gì thì may ra thầy trả lời được.
Tịnh thường được dùng với nghĩa tâm trong lành, không ô nghiễm. Tĩnh thường được dùng với nghĩa tâm lặng lẽ, an nhiên, không vọng động trong mọi hoàn cảnh. Định thường dùng với nghĩa là tâm an trú vào một trạng thái bất động, cắt đứt mọi chi phối bên ngoài. Tịnh đúng đưa đến Chánh Tinh Tấn, Tĩnh đúng đưa đến Chánh Niệm và Định đúng đưa đến Chánh Định.


Nguồn:www.trungtamhotong.org