Minh và Vô Minh



Đức Phật mô tả vòng luân hồi như sự vận hành của mười hai điều kiện tùy thuộc vào nhau để phát sinh. Trong mười hai điều kiện tương sinh này, chúng ta chỉ cần lưu ý đến bốn yếu tố: Vô minh (avijjā), ái dục (taṅhā), trở thành (bhava) và sinh tử (Jāti-maranaṃ). Vậy luân hồi chính là vòng quay lặp lại bất tận của bánh xe sinh tử. Bao lâu vô minh còn hiện hữu thì chúng sinh vẫn còn tham muốn trở thành.



Luân hồi = Vô minh ---> Ái dục ---> Trở thành ---> Sinh tử = Khổ đau
Bản ngã lấy vô minh làm nhiên liệu, lấy ái dục làm động cơ và lấy trở thành (hữu) để khởi động bánh xe luân hồi quay lăn trên đường sinh tử. Vậy chính bản ngã tự tạo ra luân hồi sinh tử với biết bao phiền não, khổ đau, thăng trầm biến đổi cho mình và người. Nhưng ở trong vô minh, bản ngã làm sao biết được chính mình là nguyên nhân gây ra tất cả khổ đau bất hạnh ấy. Trái lại bản ngã tưởng rằng nguyên nhân đau khổ đến từ bên ngoài, nên muốn giải thoát ra khỏi hoàn cảnh khổ đau để tầm cầu an lạc. Nhưng bất hạnh thay, bản ngã không bao giờ có thể thực hiện được ý muốn giải thoát của mình, đơn giản chỉ vì ý muốn giải thoát cũng vẫn là hình thức khác của tham vọng trở thành, trong quĩ đạo luân hồi của chính nó.Tóm lại, cái ta tách rời sự hoàn hảo của pháp nên nó là hiện thân của sự bất toàn. Nó luôn cố gắng trở thành để thực hiện tham vọng cầu toàn, nhưng không biết rằng chính ý muốn đó đã làm cho nó bất toàn và hữu hạn. Sở dĩ có mong muốn trở thành vì cái ta không vừa lòng với chính nó. Không vừa lòng với thực tại là tâm sân, mong muốn trở thành là tâm tham. Vì vậy cái ta không thể nào biết đến tự tại là gì khi đã rơi vào cái bẫy thời gian của sự trở thành giữa bất mãn và tham muốn. Khi bạn thấy ra sự hình thành của cái ta ảo tưởng cùng với toàn bộ vòng quay luẩn quẩn của quĩ đạo luân hồi tự nó tạo ra và nhấn chìm chính nó, thì vấn đề của bạn không phải là cầu toàn cho bản ngã mà là thoát ly toàn triệt ảo tưởng hình thành bản ngã ấy. Điều này đã được đức Phật mô tả rõ ràng trong Bốn Sự Thật: Sự thật về khổ, về nguyên nhân khổ, về sự chấm dứt khổ và về yếu tố chấm dứt nguyên nhân sinh khổ.Chúng ta không nên nói Đạo Đế là con đường chấm dứt khổ, vì có thể dẫn đến hiểu lầm xem giải thoát là ý muốn diệt khổ để được lạc (ly khổ đắc lạc). Đúng hơn, chúng ta nên hiểu Đạo Đế là yếu tố chấm dứt nguyên nhân sinh khổ. Nguyên nhân đó là không nhận ra chân lý nơi thực tại hiện tiền (vô minh) à ham muốn trở thành (ái dục) à tạo tác để trở thành (hữu). Và tạo tác trở thành chính là Tập Đế tạo ra luân hồi sinh tử mà hậu quả là phiền não khổ đau tức là Khổ Đế. Vô hình trung, trong dòng chảy nhân quả nghiệp báo này, một cái ta ảo tưởng được hình thành, vừa gieo nhân vừa gặt quả. Vậy, chấm dứt nhân sinh khổ cũng chính là thoát khỏi cái ta ảo tưởng này. Đạo Đế bao hàm tất cả yếu tố giải thoát mà trong đó có mười yếu tố nổi bật được gọi là Ba-la-mật (Pāramī).Pāramī có nghĩa là pāraṃ gata: đến bờ kia. Bờ kia ám chỉ sự giải thoát toàn triệt khỏi cái ta ảo tưởng. Cái ta luôn mong muốn trạng thái như ý. Dù ở mức độ nào ý muốn này cũng không thoát khỏi quỹ đạo của sự tạo tác trở thành. Nghĩa là nó vẫn loanh quanh trong vòng luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Vậy đến bờ kia chính là thoát ly hoàn toàn khỏi sự đắm chìm trong khổ hải do bản ngã tạo nên. Cuộc đời không phải là nguyên nhân của đau khổ, chính cái ta ảo tưởng biến cuộc đời thành bất hạnh. Cái ta ảo tưởng của mỗi người tuy khác nhau nhưng nội dung hoạt động vẫn là vô minh à ái dục à trở thành à sinh tử à khổ đau.Khi bị cái ta ảo tưởng đánh lừa thì bạn mãi đắm chìm trong sầu-bi-khổ-ưu-não, nên gọi là bến mê. Khi không còn bị cái ta ảo tưởng mê hoặc thì phiền não khổ đau cũng chấm dứt, nên gọi là bờ giác. Ngay tại đây và bây giờ, mê là bờ này, giác là bờ kia. Vậy chỉ có mê hay giác, còn bến này bờ kia chỉ là ẩn dụ mà thôi. Do không thấy rõ ẩn dụ này nên nhiều người vẫn còn ảo tưởng đạt được Niết-bàn ở bờ bên kia, tận chân trời xa tít mù khơi nào đó! Nhưng sự thật chỉ đơn giản là hễ sống theo cái ta ảo tưởng thì ở bờ này, còn sống thuận theo pháp tánh thì ngay đó chính là bờ kia.

(Trích: Sống trong thực tại chương 9)

                                                    

                                      Tánh Biết không bị che lấp là Minh                                                  

                                Vô Minh phát xuất từ bản ngã Tham Sân Si



                                     

Vô minh là phiền não

Như mây che vầng trăng

Thế nên không biết rằng

Trăng muôn đời vẫn sáng!


Xưa kia vì mê mãi

Không nhìn lại chính mình

Nên quên mất tánh Minh

Hiện diện ngay khi biết.


Tánh biết thường sáng tỏ

Tại đây và bây giờ

Pháp đến đi đều rõ

Trăng sáng mãi không mờ.


Pháp vận hành hoàn hảo

Không có Ta, của Ta

Sống tùy duyên thuận Pháp

Vô ngã và vị tha.

Như Tuệ