Những bài Pháp ngắn (5) [THẦY VIÊN MINH]




Yếu tố Giác Ngộ

Đức Phật dạy có 4 hạng người:

1) Từ tối tới tối: là hạng người đã tham sân si lại lấy tham sân si mà xử lý.
2) Từ sáng tới tối: là hạng người đang lúc không có tham sân si nhưng không biết dùng nên khi đụng chuyện lại để tham sân si khởi lên.
3) Từ tối tới sáng: là hạng người đang có tham sân si nhưng liền biết có tham sân si, sự chánh niệm tỉnh giác đó gọi là không tham sân si.
4) Từ sáng tới sáng: là hạng người đang lúc không có tham sân si thấy biết rõ ràng không có tham sân si. Hai hạng người sau chính là những người lấy không tham sân si để sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha mà thầy đang hướng dẫn Phật tử.

***
Có ba yếu tố giúp con giác ngộ:

1) Nhận thức đúng:
Tức chánh kiến, là thấy biết đúng bản chất của sự thật, đồng thời thấy ra tính hư ảo của bản ngã tham sân si. Thấy biết sai thì hành động, nói năng, suy nghĩ đều sai. Đó là lý do vì sao chánh kiến được đứng hàng đầu trong Bát Chánh Đạo. Không qua tánh thấy rỗng lặng trong sáng đó con không thể nào có được nhận thức đúng. Vậy con hãy thường tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác; sáng suốt, định tĩnh, trong lành hoặc thận trọng, chú tâm, quan sát vì đó là những yếu tố giúp con nhận thức đúng.
2) Vượt qua chướng ngại: Khi còn bản ngã tham sân si thì còn có cái ta đương đầu với chướng ngại, do vậy chướng ngại là thử thách để con thấy ra phản ứng của bản ngã, nhờ đó con thấy ra mức độ tồn tại của bản ngã như thế nào. Không có trở ngại thì những thành tựu chỉ nuôi lớn bản ngã mà thôi. Đừng sợ chướng ngại, đó là thước đo xem bản ngã có còn đó hay không. Trước chướng ngại hãy xem lúc đó chỉ có pháp hay chỉ là bản ngã đang đối kháng lại chướng ngại ấy. Cũng cần lưu ý, thuận lợi cũng là chướng ngại, vì khi được thuận lợi con sẽ sinh tham lam. Hãy xem, qua đó con có dính mắc không? Dính mắc và đối kháng là hai mặt tham sân của bản ngã. Khi nào con thấy chướng ngại là thực tánh pháp và tánh thấy cũng là thực tánh pháp, không còn bóng dáng của đối kháng hay dính mắc thì ngay đó mới thật sự là vô ngã, thật sự sống tùy duyên thuận pháp. Vậy vượt qua chướng ngại không phải là hủy diệt hay trốn tránh chướng ngại mà là vượt qua cái bản ngã tâm lý tạo ra chướng ngại ấy (hay nói cách khác là vượt qua sự đối kháng hay dính mắc đối với cái gọi là chướng ngại ấy mà thôi).
3) Thể hiện đức vô ngã vị tha: Nếu con thấy vô ngã trên lý thuyết nhưng trong hiện thực con vẫn ích kỷ thì chỉ có lý mà chưa có sự. Vậy con cần thể nghiệm đức vô ngã vị tha bằng cách thể hiện thành hành động, nói năng, suy nghĩ cụ thể để xem có còn bản ngã vị kỷ hay không. Phật dạy pháp Ba-la-mật không phải là để tích lũy công đức cho bản ngã mà chính là để thể hiện đức vô ngã vị tha. Hơn nữa chúng ta giác ngộ được là nhờ cuộc đời dạy cho chúng ta thấy rõ bản chất của chính mình và thế giới xung quanh, cho nên cuộc đời là ân huệ lớn lao, tạo điều kiện cho chúng ta học bài học giác ngộ giải thoát. Vậy hành động lợi lạc quần sinh cũng chính là đền ơn cuộc đời vậy. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác, hành động vị tha không vô ngã thì chỉ làm tăng trưởng bản ngã thôi.


Bài học Giác Ngộ

Người thực sự thấy rõ bản thân mình thì sẽ thấy trong đó có tất cả cái xấu cái tốt mà người khác có. Bất cứ vị Phật nào trước khi thành Phật cũng đều trải qua vô số bài học về cái xấu cái tốt cái thiện cái ác trong vô lượng kiếp của mình, chính vì vậy khi thành Phật quý Ngài mới có lòng đại bi, đại trí. Đại trí vì thấy biết tất cả điều thiện ác, đại bi vì thông cảm tất cả điều thiện ác; và vì quý Ngài biết rằng tất cả chúng sanh đều phải trải qua bài học thiện ác này mới có thể giác ngộ giải thoát.

Một hôm có người nói với đức Phật rằng Ngài chỉ biết điều thiện thôi chứ làm sao mà biết hết điều ác trên thế gian này được. Phật trả lời rằng trên thế gian này không có điều ác nào mà ta không biết, chỉ là bây giờ ta không làm điều ác nữa thôi. Bởi vì chơn chánh biến tri một pháp là phải thấy sự sinh, diệt, vị ngọt, sự nguy hại mới đến xuất ly. Chính vì vậy đức Phật được xưng tán là bậc Thế Gian Giải (Lokavidù). Khi con còn ghét điều ác chứng tỏ con chưa thấy ra hết bản thân mình. Nếu con trở về tự lắng nghe quan sát chiêm nghiệm lại mình một cách trọn vẹn thì con sẽ có lòng thông cảm bao dung.

Khi trí tuệ hồn nhiên
Thấy pháp như thực tánh
Sống thuận pháp tùy duyên
An nhiên là cứu cánh



Học Đạo

Học GIÁO (lời dạy của Bậc Giác Ngộ) là giai đoạn đầu, hiểu NGHĨA (ý của giáo) là giai đoạn 2, chứng LÝ (thấy ra sự thật) là giai đoạn 3, đạt SỰ (sống thuận pháp) là giai đoạn 4. 
Nếu đúng là đạt SỰ thì trong SỰ này đã bao hàm GIÁO, NGHĨA và LÝ rồi nên không cần phải học lại. Phàm phu cũng đang sống trong SỰ nhưng chưa thấy LÝ nên vẫn bị kẹt trong SỰ, chỉ người sau khi ngộ LÝ và vào được SỰ thì mới không cần đến GIÁO, NGHĨA và LÝ nữa.

Có 4 hạng người nghe pháp thiền này:

1- Nghe pháp xong liền vào được cả lý lẫn sự
2- Nghe pháp xong liền nhận ra lẽ thật nên vào được lý
3- Nghe cũng thấy có lý nhưng hiểu theo ý mình nên không thấy được lý thật
4- Nghe nhưng không hiểu gì hoặc cố chấp sở tri sở đắc của mình nên không chấp nhận
- Hạng thứ nhất là những người chỉ nghe những bài giảng trong Pháp Thoại thôi liền buông được những quan niệm sai lầm về lý lẫn sự nên có thể sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha một cách dễ dàng. Những người này đã từng trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm bản chất cuộc sống một cách tự nhiên không qua quan niệm nào nên bây giờ nghe thì họ liền thực chứng và bừng ngộ: "Ồ! Đúng thế!".
- Hạng thứ 2 nghe thấy hợp lý rồi nghe đi nghe lại thì ngày càng thấy đúng với đời sống thực tế nơi chính mình và cuộc sống. Họ tin tưởng chấp nhận, nhưng khi vào sự thì thấy lúng túng, khó khăn, nên còn nghi ngại. Nguyên do là họ vẫn còn lý tưởng quá nên muốn thực hiện được ngay như những gì được giảng. Họ không biết rằng phải trải nghiệm qua bài học thực tế đầy cam go để điều chỉnh nhận thức và hành vi thì mới có thể sống tùy duyên thuận pháp được.
- Hạng thứ 3 nghe giảng nhưng nắm bắt bằng lý trí nên nửa hiểu nửa không, nửa tin nửa ngờ. Hạng người này dù nghe cũng thấy có lý nhưng cho đó chỉ là lý thuyết suông không thể hành được. Vì những người này nắm bắt nghĩa qua lý trí nên chưa vào được lý, họ không phân biệt pháp hành thực tánh với phương pháp chế định nên không thể thấy rằng phương pháp chỉ là những kỹ thuật chế định để đạt được những kinh nghiệm hoặc kết quảcục bộ thôi, chứ không thể thấy pháp, do đó họ không thể tin rằng hành chính là trực tiếp thấy pháp thực tánh như nó là (Vipassanà) và sống thuận pháp tánh ngay nơi thực tại ấy (Dhammànuddhammà patipanno viharati) chứ không phải hành là áp dụng theo phương pháp chế định nào để đạt được điều gì như mình nghĩ là. 
- Hạng thứ 4 hoặc là nghe mà chẳng hiểu gì cả, hoặc là đã có chủ trương, đường lối, mục đích riêng mà họ đề rađể đạt đến nên khi nghe nói giác ngộ chính là trở về sống trọn vẹn, trong sáng và hồn nhiên ngay nơi thực tại thì họ không thể nào chấp nhận được. Không những không chấp nhận mà họ còn cười chế nhạo cái thực tại chân lý hoàn hảo đó và cương quyết chối bỏ nó để đi tìm chân lý lý tưởng mà họ mong cầu. Đó chính là thói quen thả mồi bắt bóng muôn đời của cái ta vô minh ái dục!
Đúng như Lão Tử đã nói: "Người bậc thượng nghe Đạo thì nhiệt tình sống theo, người bậc trung nghe Đạo thì như nhớ như quên, người bậc hạ nghe Đạo thì liền cười lớn, vì họ mà không cười sao gọi là Đạo được!" (Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi, trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược vong, hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi, bất tiếu bất khả dĩ vi Đạo!"



                     

Hữu thức và vô thức

Vô thức là unconsciousness và tiềm thức là subcnonsciousness. Trong Vi Diệu Pháp từ Bhavanga (hữu phần) và trong Duy Thức học từ Alaya (a-lại-da) có thể xem là tương đương với tiềm thức trong phân tâm học (psycho-analysis) hay tâm lý học (psychology) phương Tây. Tiềm thức hoạt động một cách vô thức so với những hoạt động hữu thức. Khi một người hành động một cách không ý thức cũng được xem là bị điều khiển bởi những khuynh hướng xung động vô thức xuất phát từ tiềm thức. Trong Phật giáo những khuynh hướng vô thức này được gọi là tập khí hay pháp ngủ ngầm (anusaya) trong bhavanga.

***
Vô thức cũng có chức năng ngấm ngầm xử lý tiếp những tình huống mà hữu thức chưa xử lý xong. Do đó lắm khi vô thức xử lý chính xác và tài tình hơn hữu thức nhiều. Điều này chứng tỏ rằng tánh biết có khả năng hoạt động cả trong lãnh vực hữu thức lẫn vô thức.
Giấc mơ thường thực hiện những ý tưởng mà ban ngày không thực hiện được, điều này giúp giải tỏa những căng thẳng do áp lực của những ý tưởng bức xúc ban ngày. Sự thực hiện của những giấc mơ loại này thường là hư cấu.


***
Những bất an chính là những xung động vô thức. Có khá nhiều tập khí được đưa vào bhavanga trong tình trạng thiếu tỉnh thức nên khi nó khởi lên dưới hình thức những khuynh hướng xung động thì mình không biết được nguyên cớ từ đâu. Nếu nó xuất hiện qua thân thì chiêm nghiệm thân, qua thọ thì chiêm nghiệm thọ, qua tâm thì chiêm nghiệm tâm v.v... để thấy rõ những cảm xúc ấy như chúng là... Đó cũng là cách mà phân tâm học gọi là hữu thức hóa vô thức để đưa những xung động vô thức ấy ra ánh sáng của tỉnh giác.



                          


Phiền não và kiết sử


Mười phiền não và mười kiết sử nói chung có tính chất giống nhau.

1) 10 phiền não là nguyên nhân đưa đến đau khổ trầm luân phổ biến cho tất cả chúng sanh, đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quý. (Đôi lúc còn triển khai tham thành Dục ái, hữu ái, sắc ái, vô sắc ái).
2) 10 kiết sử là những trói buộc chúng sanh trong luân hồi sinh tử, khiến cho không giác ngộ giải thoát được, đó là: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh. 10 kiết sử được sắp xếp theo thứ tự từ thô đến tế, từ thấp lên cao, từ dễ mở đến khó mở. Vì vậy:
- Mở được thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ gọi là bậc nhập dòng pháp
- Giảm được thêm sân hận và ái dục gọi là bậc thuận dòng pháp
- Mở được cả 5 trói buộc trên gọi là bậc không quay lại
- Mở được cả 10 trói buộc gọi là bậc hoàn toàn giác ngộ giải thoát.




Hữu vi và vô vi

Hữu vi trong nghĩa tạo tác nghiệp do bản ngã vô minh ái dục thì chắc chắn là khổ rồi. Còn vô vi (vô hành, vô tác, vô nguyện, vô thủ hữu) không phải là "không hành động hay không cố gắng gia công gì cả", mà là hành động hay cố gắng gia công thuận pháp chứ không thuận theo bản ngã vô minh ái dục (như hành động hữu vi, hữu ngã).
Bây giờ thầy lấy một ví dụ để con xem hành động nào có trách nhiệm với mình và người hơn. Nếu một bác tài đang lặng lẽ lái xe với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành (hoặc khi cần thì thận trọng, chú tâm, quan sát rõ ràng), biết rõ tình trạng đang điều khiển xe của mình, biết rõ tình trạng lưu thông trên đường... mà vẫn rất thoải mái tự nhiên trọn vẹn với việc lái xe. Như vậy con có cho là bác tài không trách nhiêm, không cố gắng làm gì cả không? Trong khi một bác tài khác, đang lái xe mà cứ hậm hực nghĩ cách trả thù một kẻ đã hại mình ngày hôm qua, hoặc mãi mê tính toán một kế hoạch làm ăn trong tuần tới, hoặc đang bị thu hút vào một bản tin thời sự nóng bỏng gây lo lắng bất an... vì vậy, nhiều khi anh ta lái xe trong tình trạng vô thức, khả năng gây tai nạn hay cản trở giao thông là rất cao. Như vậy không phải hành động hữu vi hữu ngã của anh ta không những làm khổ mình mà còn làm khổ người nữa hay sao? Tài xế thứ nhất hoàn toàn trọn vẹn với thực tại, tâm không lăng xăng tạo tác, không bị tham sân si chi phối, khả năng tự động điều chỉnh rất cao, như vậy là hành động vô vi thuận pháp. Tài xế thứ hai, không trọn vẹn với thực tai, bị quá khứ, tương lai và hiện tại chi phối, bị tham sân si dẫn dắt, nên tâm luôn lăng xăng tạo tác, hành động đó gọi là hữu vi thuận ngã. Hữu vi như vậy không khổ là gì, phải không? 
Con muốn chuyn hóa một hành động hữu vi sang vô vi thì chỉ cần trở lại thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại - trạng thái thân tâm đang là, hay công việc đang làm. Như vậy không những hành động hữu vi, hữu ngã được chuyển hóa mà còn làm công việc ấy chu đáo hơn nhiều trong vô vi vô ngã. Một người đang chăm chú lau nhà rất thoải mái tự nhiên và an lạc, bỗng thấy em mình đi chơi về giẫm lên sàn làm bẩn đi. Người chị nổi giận, bây giờ việc lau nhà trở nên bực bội không thoải mái nữa. Đó là chiều chuyển biến ngược lại từ hành động vô vi vô ngã thành hữu vi hữu ngã, từ an lạc đến khổ đau. Tóm lại, vô vi ở đây là thái độ hành động sáng suốt vô ngã, an lạc tự nhiên, thoát khỏi thái độ toan tính đầy lo lắng, sợ hãi, bất an của cái ta vô minh ái dục, chứ không phải là không hành động gì cả. Hãy chiêm nghiệm thật kỹ lưỡng chính hoạt động hàng ngày của con thì con sẽ thấy ngay đâu là vô vi, đâu là hữu vi...



Chân đế và tục đế

Trong pháp chân đế nghĩa là pháp tánh tự nhiên thì mới luôn tồn tại 2 mặt không thể lấy bỏ. 
Còn tục đế là pháp quy ước chế định do khái niệm không thực tạo ra thì nó có tồn tại thực đâu mà lấy hay bỏ. 
Vô minh là chấp tục đế có thực nên không thấy chân đế và tự chuốc lấy phiền não khổ đau. 
Minh là thấy ra tục đế không thực có, nó chỉ là ảo tưởng, do đó chân đế hiển bày chứ đâu cần lấy hay bỏ. 
Ví dụ như Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm, vì vậy không biết mình là bướm hay Trang, bởi vì Trang Tử muốn nói rằng cả bướm và Trang đều cũng chỉ là cái ảo của tục đế. Khi vô minh thì chấp có bướm có Trang, khi minh thì thấy cả bướm lẫn Trang đều là ảo, và ngay đó Trang cũng đồng thời thấy ra chân đế tự nhiên. Nếu con chưa thấy chân đế thì những lý luận của con chỉ mất thì giờ vô ích mà thôi! Còn nếu con thật sự tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì đã thấy ra chânđế rồi còn lý luận làm gì nữa? Vậy con hãy xem lại con đang chánh niệm tỉnh giác hay đang tìm ảo tưởng trong ảo tưởng "vì con tin chắc chẳng thể tìm chân đế ngoài tục đế được". Con đừng nhầm quan niệm đó của con với lời Lục Tổ Huệ Năng: "Phật pháp bất ly thế gian giác" chứ? Câu nói nổi tiếng này có nghĩa là giác ngộ được tục đế là ảo tức thấy chân đế hoặc đã thấy chân đế rồi thì không còn cho tục đế là thực nữa, chứ không phải chân đế nằm trong tục đế hay ngược lại. 

***
Sóng và nước đều là chân đế chứ ai có ảo tưởng phân biệt nước là chân đế sóng là tục đế? Chính ảo tưởng phân biệt này chế định ra khái niệm của lý trí vọng thức rồi gán vào cho sóng và nước mới là tục đế thôi. Ví như tâm người sợ rắn thấy sợi dây là con rắn, hay người đi trong sa mạc khát nước thấy huyễn cảnh sông nước mênh mông. Thực tánh của sợi dây không phải là ảo tướng con rắn, thực tánh của sa mạc không phải là huyễn cảnh nước sông. Vì tin con rắn ảo là thật nên bỏ chạy khiến càng sợ thêm, vì thấy nước ảo là thật nên chạy đi lấy khiến càng khát thêm, đó chính là thái độ của vô minh ái dục. Khi nhận ra tướng con rắn là ảo thì thấy ra thực tánh của sợi dây nên không còn sợ hãi, đó chính là thái độ của minh giác, Niết-bàn.

***
Con ạ, không phải thầy nêu ra vấn đề để lý luận đâu, lý luận thì không bao giờ cùng, thầy chỉ muốn giúp các con trực nhận ngay nơi chân tánh của pháp mà thấy ra sự thật, đường vin vào khái niệm ngôn ngữ chế định của tục đế mà tìm kiếm chân lý. Hãy thận trọng, chớ có phóng dật theo cái ta lý trí đầy khái niệm ảo tưởng.


Hành thiền Vipassanà


Hành thiền Vipassanà chủ yếu là trở về trọn vẹn với thực tại thân-thọ-tâm-pháp gọi là chánh niệm, thấy biết thực tại thân-thọ-tâm-pháp ngay tại đây và bây giờ một cách trong sáng minh bạch, tuyệt đối không để (động lực) tham ưu xen vào bất cứ pháp nào trên đời gọi là tỉnh giác, cứ như vậy mà tu tập không buông lung phóng dật gọi là tinh tấn. Đó là toàn bộ cốt lõi pháp hành Tứ Niệm xứ. 
Trong đó không tìm đâu ra hai chữ hứa hẹn và bốn chữ kiên trì tập luyện cả. Nếu đức Phật hứa hẹn một tương lai thì sao lại nói:

 "Quá khứ không truy tầm, 
  Tương lai không ước vọng, 
  Chỉ có pháp hiện tại, 
  Tuệ quán chính là đây."

 Và khi Phật dạy:

"Không động không rung chuyển, 
  Biết vậy nên tu tập, 
  Hôm nay nhiệt tâm làm, 
  Ai biết chết ngày mai" 

Lại càng chứng tỏ nhiệt tâm tu tập một cách trọn vẹn ngay tại đây và bây giờ, (vì biết khi nào chết mà vọng móng ở tương lai), hoàn toàn khác với kiên trì tập luyện do động lực tham ưu của bản ngã mong được sở hữu một sở đắc (achievement) ở tương lai. Nếu không thấy ra chỗ khác biệt vi tế này thì không phải chỉ sai một ly đi một dặm mà còn đi ngược hoàn toàn Giáo Pháp của Đức Phật. Vô tình đồng hóa Ma Đạo với Phật Đạo, mà người xưa gọi là hủy báng Phật Pháp đó con à! 
Ví dụ: Một người đi học cách trồng ổi. Chuyên gia nói rằng: "Anh cứ gieo trồng cây ổi con rồi nhiệt tâm chăm bón đúng mức thì tùy theo giống ổi mà 3 năm, 2 năm, 1 năm, thậm chí 6 tháng ổi sẽ có hoa có trái." Người trồng ổi cứ bình tâm mà gieo trồng đúng, tưới bón đúng, còn ra hoa ra trái là việc của cây ổi, chứ đâu phải việc của anh ta mà tham lam cố gắng làm quá sức mình để sinh bệnh (tẩu hỏa nhập ma) và không chừng chết trước khi ổi có trái! Đó là lý do vì sao khi một vị tỳ kheo xin hoàn tục vì kiên trì tập luyện không thành công và trách Pháp Phật không có kết quả. Phật dạy: "Như Lai đâu có hứa hẹn những thành quả mà ngươi mong muốn", và Ngài xác nhận tinh tấn quá mức là hoàn toàn vô ích chẳng khác lên dây đàn quá căng thì chỉ đứt thôi chứ đâu có được âm thanh hay ho gì! Trong một bài kinh khác đức Phật dạy rằng: "Không phải mong cầu hay không mong cầu mà là có làm đúng pháp hay không mà thôi."


Trả Pháp lại cho Pháp

10 Pháp Balamật đều là 10 Pháp trả Pháp lại cho Pháp. Tức là không sở hữu gì cho bản ngã hết, buông bản ngã ra, trả tất cả lại cho Pháp.
... đi đây cũng là Pháp đi, nói cũng là Pháp nói, nóng lạnh cũng là Pháp nóng lạnh, trong đó không có ai ở đó cả. Vậy cái rắc rối của cuộc đời, cái luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau là ai? Pháp phiền não khổ đau hay bản ngã phiền não khổ đau. Bản ngã đắc được thiền định, bản ngã được giải thoát hay là Pháp. Nhưng người ăn trộm là người đau khổ nhất. Bản ngã có giành được cho mình cái gì, có được thiền định gì thì bản ngã vẫn đau khổ. Pháp không có đau khổ, chỉ có bản ngã mới đau khổ mà thôi.
Pháp vô thường, vô ngã. Mình từ chối cái vô thường để đạt được, tất nhiên là trong thâm tâm muốn đạt được cái thường. Như vậy là trong ý đó của mình chấp nhận vô thường.
Pháp là vô ngã những trong thâm tâm mình muốn có một sở đắc nào đó, như vậy mình không chấp nhận vô ngã mà mình muốn biến Pháp thành ngã.
Chính cái tham vọng vô thường muốn biến thành thường, vô ngã muốn biến thành ngã, chính đó mới là đau khổ. Chứ thực ra không có đau khổ. Một người giác ngộ sống hoàn toàn thuận Pháp thì không có đau khổ.
Nếu mình tu tập mà không nhận ra điều này thì mình là kẻ ăn trộm Pháp. Nếu mình buông cái bản ngã ra thì không có chuyện gì để làm cả, vì khi đó thì Pháp sẽ làm, chứ mình không phải làm gì hết. Nhưng mình vẫn mãi là người thợ làm nhà, mãi xây dựng củng cố ngôi nhà bản ngã, không bao giờ chịu trả Pháp lại cho Pháp.

*** 
Đức Phật nói: “ Dù Như Lai ra đời hay không ra đời thì Pháp vẫn vậy”, sự vận hành của Pháp là không có gì thay đổi. Nhưng khi mình tạo nên ảo tưởng về bản ngã thì mới có sự chọn lựa. Một người chọn lựa Pháp sẽ xẩy ra tình trạng thế này: chọn yên tĩnh thì ồn ào là trở ngại, chọn thành công thì thất bại là trở ngại, chọn cái đẹp thì cái xấu là trở ngại… Như vậy, mình chọn Pháp nào thì mình chịu sự chống đối của tất cả các Pháp khác. Nhưng mình cứ tiếp tục đi chon lựa, mà cái mình tìm kiếm, chọn lựa thường là cái không có thực, cái chưa có thực, là ảo tưởng. Cho dù cái đó có thực nhưng không phải là cái mà mình thấy thực, chỉ là tưởng tượng mà thôi.
Ví dụ như nước Mỹ là có thực, nhưng đối với mình tại đây chỉ là cái tưởng tượng. Nhưng mà con người lại hay bám víu và tưởng tượng để luôn sống trong mơ trong mộng, trong khi cái thực thì mình không thấy. 


                             

Tạ ơn và sám hối

Lúc đầu, con đến trước bàn thờ Phật, đảnh lễ, rồi ngồi yên tĩnh nghĩ đến Ân Đức Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy Tổ, các bậc ân nhân, chư Thiên Long Thần Hộ Pháp và tất cả chúng sanh, rồi cung kính đảnh lễ tạ ơn (3 lạy).
Sau đó, nghĩ đến (hoặc nói thầm) những lỗi lầm do vô minh ái dục đã vô tình hay cố ý tạo nghiệp thân khẩu ý làm hại mình hại người, và đảnh lễ xin sám hối (3 lạy).
Nguyện xong, bắt đầu từ đó hàng ngày lạy tạ ơn và sám hối (trước bàn thờ Phật hay ngồi trong phòng cũng được tùy điều kiện mỗi người) như sau: 

- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Phật (3 lạy )
- --------------------------------------- Pháp (nt)
- --------------------------------------- Tăng (nt)
- --------------------------------------- Cha Mẹ (nt)
- --------------------------------------- Thầy Tổ (nt)
- --------------------------------------- Chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp (nt)
- --------------------------------------- Các bậc ân nhân (nt)
- --------------------------------------- Tất cả chúng sanh (nt)

Cuối cùng xin nguyện sống vô ngã vị tha, lợi mình lợi người để thiết thực tỏ lòng báo ân và sám hối. Nguyện nhẫn nại với mọi nghịch cảnh, nghịch nhân, không để cho bản ngã đối kháng manh động, luôn sống bình thản học bài học Giác ngộ giải thoát.


Nguồn: www.trungtamhotong.org