Những mẫu truyện Thiền thú vị



MI-TIÊN VẤN ĐÁP 

(Đức vua Mi-lan-đà & Tỳ kheo Na-tiên)
Đức vua Mi-lan-đà sau khi đảnh lễ Tăng chúng tám mươi ngàn vị cùng với đại đức Na-tiên, ngồi một nơi phải lẽ, đức vua khởi chuyện:

- Bạch đại đức, Trẫm muốn đàm luận với ngài vài điều được chăng?
Tỳ kheo Na-tiên đã quan sát vị vua hữu danh đã từng làm cho các tôn giáo điên đảo từ bấy lâu nay. Quả thật là không hư truyền, vì ngài chưa từng gặp một người có tướng mạo phi phàm như thế. Nhưng với thắng dũng, thắng trí và thắng tuệ, ngài cảm thấy không khó khăn gì khi nhiếp phục đức vua này.

Khi nghe hỏi, Na-tiên tỳ kheo mỉm cười đáp:
- Tâu đại vương, ngài cứ hỏi, bần tăng sẽ nghe.
- Bạch đại đức, trẫm hỏi rồi, ngài hãy nghe đi.
- Tâu đại vương, bần tăng nghe rồi, ngài hãy nói đi!
- Bạch đại đức, Trẫm hỏi rồi.
- Tâu đại vương, bần tăng đáp rồi.
- Ngài đáp như thế nào?
- Đại vương hỏi như thế nào?
Chỉ vài câu vấn đáp khởi đầu, cử tọa thính chúng gồm tám mươi ngàn Tăng chúng, năm trăm tùy tùng của đức vua cùng với cận sự nam nữ đông đặc bên ngoài giảng đường... đều cảm thấy thú vị, họ cất tiếng hô "lành thay" vang rền như sấm dội.
Đợi cho không khí yên lặng, nhà vua hỏi tiếp:
- Bạch đại đức, ngài tên gì?
- Tâu đại vương! Bần tăng tên là Na-tiên! Thầy tổ, huynh đệ, pháp hữu của bần tăng cũng gọi tên bần tăng như thế. Còn cha mẹ của bần tăng không những gọi tên bần tăng là Na-tiên, mà đôi khi kêu là Viranasena, Surasena hoặc Sihasena! Tuy nhiên, dù gọi tên gì đi nữa thì nó cũng chỉ là cái tên, cái tên suông, chẳng liên hệ gì đến bần tăng cả. Cái tên ấy chỉ để mà phân biệt giữa người này và người kia, thế thôi, chẳng có gì là "tôi" là "của tôi" như ngã chấp và tà kiến thế gian thường nhận lầm, tâu đại vương được rõ!
Đức vua Mi-lan-đà ngạc nhiên, đưa tay lên, phân bua với mọi người xung quanh:
- Xin tất cả các vị hãy làm chứng cho trẫm. Đại đức Na-tiên vừa nói rằng, cái tên Na-tiên là tên do cha mẹ đặt, các vị đồng phạm hạnh cũng gọi như thế, nhưng chẳng có cái gì là Na-tiên ở đấy, chẳng có gì là "tôi" và "của tôi" cả. Mọi người nghe rõ rồi đấy chứ?
Rồi quay sang tỳ kheo Na-tiên , đức vua phản vấn:
- Bạch đại đức! Nếu không có cái gọi là "ta" và "của ta" thì những người bố thí cúng dường y bát, vật thực, thất liêu, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh, vật dụng v.v... thì ai là người thọ nhận tứ sự ấy? Ai trì giới? Ai tham thiền? Ai chứng ngộ đạo quả và Niết bàn? Từ đó suy ra, những tội ác như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói lời hư dối, uống rượu; cho chí những ngũ nghịch đại tội vô gián địa ngục, cũng chẳng có ai làm gì cả! Và như vậy thì nghiệp lành, nghiệp ác cũng không, chẳng có ai tạo tội cả, lành dữ đều không có quả báo. Nếu thế có kẻ giết chết đại đức họ cũng không phạm tội giết người. Và thầy tiếp dẫn, thầy giáo thọ, hòa thượng tế độ cho đại đức cũng không có. Các vị đồng phạm hạnh gọi tên đại đức Na-tiên là gì đó cũng không có luôn. Vậy cái gọi là Na-tiên đó là ai? Mong đại đức giảng giải cho trẫm. Đại đức nghe rõ rồi đấy chứ.
- Tâu đại vương! Bần tăng nghe rõ rồi!
- Người nghe đó có phải là Na-tiên chăng?
- Tâu, không phải.
- Chẳng có gì là Na-tiên cả sao?
- Vâng, chính thế!
- Tóc, lông, móng, răng da... kia là Na-tiên sao?
- Tâu, đại vương, không phải.
- Thịt, tủy, gân, xương là Na-tiên chăng?
- Thưa, không phải!
- Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Na-tiên chăng?
- Tâu, Đại vương, không phải.
- Hay lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là Na-tiên?
- Tâu, không phải thế.
- Vậy ngũ uẩn họp lại là Na-tiên?
- Tâu, cũng chưa chắc là vậy.
Đến ngang đây chợt đức vua Mi-lan-đà cất giọng nói lớn:
- Bạch đại đức! Hồi nãy giờ trẫm đã cặn kẽ hỏi về ba mươi hai thể trược, lục căn, ngũ uẩn v.v... có phải là Na-tiên chăng, tất thảy đều bị đại đức phủ nhận. Và quả thật, trẫm cũng công nhận như thế. Vì khi quán tưởng một cách tận tường từng phần được nêu ra trong câu hỏi, thì chẳng có cái gì được gọi là Na-tiên cả. Thế tại sao, trước đây khi trẫm hỏi, đại đức bảo đại đức là Na-tiên? Té ra là đại đức nói dối! Này, năm trăm tùy tùng thân tín của trẫm và tám mươi ngàn Tăng chúng tỳ kheo, xin quý vị hãy làm chứng cho trẫm đấy nhé!
Đại đức Na-tiên là một Thánh nhân A-la- hán đắc thần thông và đắc cả 4 tuệ phân tích: tuệ về nhân, tuệ về quả, tuệ văn tự, ngữ nghĩa, tuệ biện tài, biện luận. Tâm ngài như đỉnh núi chúa, trí ngài như mặt trời, mặt trăng, lòng từ của ngài bao la như biển lớn. Do vậy, ngài độ lượng với đức vua Mi-lan-đà như mẹ đối với con; với tâm nguyện là phải nhiếp phục đức vua, tế độ đức vua, đặt đức vua trong Chánh đạo; nên dù đức vua có nói gì ngài cũng chỉ ngồi làm thinh và mở rộng lòng từ.
Để cho ngạo khí và sự xao động trong tâm trí đức vua yên lắng lại một chút, đại đức Na-tiên mới chậm rãi nói:
- Tâu đại vương! Ngài là một bậc đế vương nhiều phước báu và nhiều an vui, tháng ngày sống trong hạnh phúc cao sang. Nhưng vì tâm cầu đạo, ngài chẳng quản đường xa, đến đây giữa cơn nắng nóng oi bức nên có lẽ ngọc thể cũng bất an. Lại nữa, từ hoàng cung đến đây mà sao đại vương không đi bằng xe mà lại đi bằng chân cho mệt?
- Bạch đại đức! Trẫm đến chùa bằng xe chứ! Chỉ đi bộ từ cổng, nhưng vào giảng đường mới đi bằng chân không!
- Thế ra đại vương tới đây bằng xe.
- Vâng, trẫm đến bằng xe.
Đại đức Na-tiên giờ cũng làm như cách của vua Mi-lan-đà , phân bua với mọi người:
- Năm trăm tùy tùng quan chức, thị vệ của đức vua và tám mươi ngàn chư tỳ kheo đại chúng hãy xác nhận cho: đức vua đã nói rằng ngài đến đây bằng xe!
Rồi quay sang đức vua, ngài Na-tiên hỏi lại:
- Đại vương bảo rằng đại vương đến đây bằng xe, đấy là lời nói thật chứ?
- Chắc chắn là thật.
- Vậy đại vương hãy nói cho rõ về cái xe ấy! Cái gì gọi là xe? Cái gọng chăng?
- Không phải.
- Hay cái trục, cái bánh là xe?
- Cũng không phải.
- Cái thùng, cái mui là xe chăng?
- Chẳng phải đâu.
- Hoặc roi, dây cương là xe?
- Chẳng phải.
- Thế chắc cái ách, căm xe?
- Không phải nốt.
- Vậy cái gì là xe?
Đức vua Mi-lan-đà im lặng.
Đại đức Na-tiên cất giọng chậm rãi:
- Tâu đại vương! Bần tăng đã đưa từng bộ phận một, và hỏi rằng cái gì là xe thì đều bị đại vương phủ nhận. Mà quả thật, bần tăng cũng thấy vậy, chẳng có cái gì được gọi là xe trong tất cả các bộ phận chi tiết ấy. Tuy nhiên, đại vương là vị hoàng đế cao cả, là đấng nhân chủ, là bậc anh minh cai quản một quốc độ mênh mông; quả thật là không thích đáng khi đại vương nói dối rằng, ngài đến đây bằng xe! Xin tất cả chư vị và Chư Tăng đại chúng ở đây hãy làm chứng cho!
Mọi người không ngớt lời tán dương ca ngợi biện tài của đại đức Na-tiên . Riêng năm trăm người tùy tùng thì cung thỉnh đức vua tìm cách luận thắng đối phương.
Sau một hồi làm thinh, đức vua Mi-lan-đà nói:
- Đại đức biện luận hay lắm! Nhưng mà hãy nghe trẫm nói đây! Tất cả những bộ phận chi tiết như thùng, mui, căm, bánh, trục v.v... nếu nằm riêng lẻ thì không thể gọi là xe, nhưng chúng kết hợp toàn bộ lại thì giả danh gọi là xe, có phải thế chăng? Vậy trẫm bảo rằng, trẫm đến đây bằng xe đâu phải lời nói dối?
- Tâu đại vương! Cũng thế, tất cả những cái gọi là tóc, lông, móng, răng, da, ngũ uẩn, lục căn... nếu chúng nằm riêng lẻ thì làm sao được gọi là Na-tiên? Nhưng nếu được kết hợp lại thì giả danh gọi là Na-tiên! Bần tăng nói rằng, bần tăng tên là Na-tiên thì đâu phải lời nói dối?
Nghe đến đây, đức vua Mi-lan-đà vô cùng thích thú, hết lòng tán thán đại đức Na-tiên:
- Hay lắm! Hôm nay, lần đầu tiên trong đời cái lỗ tai của trẫm rất là hoan hỷ, đại đức có biết thế chăng?
Cả đại giảng đường vang lên tiếng "lành thay, lành thay" làm chấn động cả kinh đô Sàgala.



                                                                              

Con bọ cạp


Một Ông Sư phát hiện con bọ cạp đang chơi vơi trong nước. Ông quyết định đưa tay ra cứu nó nhưng chính con bọ cạp đó lại cắn ông. Ông vẫn cố gắng cứu con bọ cạp ra khỏi nước và lại bị đốt. Một người khuyên ông không nên cứu nó nữa vì nó liên tục đốt ông. Ông Sư trả lời :”Bản năng tự nhiên của bọ cạp là chích, bản năng tự nhiên của tôi là yêu thương. Vậy tại sao tôi phải từ bỏ bản năng yêu thương của mình chỉ vì bản tính của con bọ cạp ? Xin đừng từ bỏ tin yêu, đừng đánh mất lòng tốt và sự hào hiệp của mình ngay cả khi những người xung quanh có làm cho mình đau ."



                       

            
Nụ cười Ninakawa

Thiền Sư Ikkyu là một vị đại sư kỳ đặc, phóng khoáng, không câu nệ giới luật hay tiểu tiết gì cả. Một ngày kia, Thiền Sư đi ngang qua một ngôi chùa và ghé vào xin trọ lại một đêm. Đêm đó, trời trở cơn thật lạnh và trong chánh điện không có gì để sưởi ấm ngoài ba tượng Phật gỗ. Sư Ikkyu chẳng nói chẳng rằng, leo lên rinh một pho tượng Phật xuống, chẻ ra chụm đốt sưởi ấm. Lúc đó, ông đạo trụ trì chợt thức giấc và cảm thấy như có cái gì khác thường nên ông đạo đi chung quanh chùa xem xét. Đến cửa chánh điện, ông đạo tá hỏa tam tinh lên khi thấy nhà sư lang thang kia đang ung dung tự tại chẻ tượng Phật ra hơ ấm đôi taỵ Ông đạo tức quá, phùng mang trợn mắt la lớn lên: "Trời ơi, ông làm cái gì vậy? Tại sao ông dám chẻ tượng Phật ra chụm lửa vậy trời? Bộ Ông điên rồi hả? Tôi thấy ông là nhà sư nên tôi mới cho ông vào trú chân qua đêm, nào ngờ đâu ông lại dám làm cái chuyện kinh thiên động địa thế này hả?" "Nhưng ông Phật trong tôi lạnh lắm. Tại sao lại hy sinh ông Phật sống này cho mấy ông tượng gỗ kia chứ?" Thiền Sư ikkyu trả lời. Nhưng ông đạo tức giận cành hông nên nào có nghe thấy những gì Sư Ikkyu nói. Ông ta cứ ong óng lên: "Trời ơi, thật đúng là điên qúa cỡ rồi. Thế này thì chết tôi rồi còn gì. Thôi thôi, ông cuốn xéo đi cho tôi nhờ!" Sư Ikkyu lặng thinh, lấy cây que khừi khừi bươi bươi đống tro, có vẻ như muốn tìm tòi cái gì. Ông đạo lạ lùng, hỏi: "Này ông lại muốn làm cái gì nữa đó?" Sư Ikkyu nói: "Ồ, tôi muốn tìm xá lợi Phật cho ông." Ông đạo đang giận mà cũng phải bật cười: "Ông thật đúng là không điên thì cũng mát. Tượng Phật gỗ làm gì có xá lợi?" Sư Ikkyu phá lên cười ha hả: "Thế thì rinh nốt hai pho kia xuống đốt luôn đi. Trời còn lâu lắm mới sáng mà đêm nay thì lạnh lắm, ông đạo ạ."
Thiền Sư Ikkyu là Thầy của Ninakawa. Ninakawa đang hấp hối trên giường bệnh. Sự sống đang mất dần. Thiền Sư Ikkyu đến thăm và hỏi:
"Ta biết ngươi đang chịu đựng cơn đau ghê gớm. Ta giúp được gì cho ngươi?" "Con đến không đem theo vật gì, ra đi cũng không mang theo gì, ngài giúp được gì cho con?" "Nếu thực sự ngươi nghĩ "Có Đến, Có Đi" thì ta sẽ chỉ cho ngươi con đường "Không Đến, Không Đị" Những lời nói đó đã đưa Ninakawa vào cõi Chân Không vô cùng vô tận với nụ cười giải thoát trên môi."
Thiền Sư Ikkyu nói: "Nếu ngươi nghĩ có đến có đi, đó chỉ là ảo tưởng của ngươi... " Thật khó hiểu và tế nhị sâu sắc quá, phải không? Câu nói của Sư Ikkyu có ý như thế này: "Nếu ngươi nghĩ là có đến có đi, thì ai đến ai đỉ Cái nào của ngươi đến, cái nào của ngươi đỉ Cái tâm của ngươi đến hay cái thân của ngươi đến; cái tâm của ngươi đi hay cái thân của ngươi đỉ Nếu ngươi không giải được, có nghĩa là ngươi chỉ lập đi lập lại lời nói của chư Phật như con vẹt mà thôi.
Sư Ikkyu đã vén bức màn Vô Ngã là Niết Bàn cho đệ tử và Ninakawa thỏng tay an nhiên đi vào cõi Vô Cùng với nụ cười giải thoát trên môi. Nụ cười Ninakawa là nụ cười của Phật, một nụ cười giác ngộ. Câu truyện thật đẹp; thật tuyệt vời, thật cảm xúc. Câu truyện đó là một ẩn dụ cho sự giác ngộ rốt ráo, tột cùng. Chúng ta phải chết đi để sống lại; chúng ta phải chết đi con người đầy tham lam sân hận si mê để sống lại thật tràn đầy an lac giải thoát. Cái chết của Ninakawa không phải là cái chết vật lý tầm thường, đó chỉ là một chuyến viễn du, một cuộc hành trình, một bước chân đi vào một thế giới khác, bắt đầu một cuộc sống khác. Nếu bạn có thể chết với nụ cười giải thoát trên môi thì bạn đã biết nghệ thuật chết; và tinh hoa của tất cả mọi tôn giáo đều nằm gọn trong nghệ thuật Chết đó. Hãy chết như Ninakawa đã chết! Hãy cười như Ninakawa đã cười! Nụ cười Ninakawa! Nụ cười Chư Phật!




Họa sĩ và bác sĩ


"Ngày kia, có một ngừơi họa sĩ tài ba danh tiếng gặp lại người bạn bác sĩ và mời ông ta dến phòng triển lãm tranh của mình để được bạn mình đánh giá một tác phẩm vừa hoàn thành. Người họa sĩ đó đã nghĩ rằng tác phẩm này đúng thật là tuyệt tác, là đỉnh cao nghệ thuật hội hoa. của ông. Vì thế, với tài trí của ông bạn bác sĩ, chắc chắn ông sẽ đựơc nghe những lời khen thửơng đích đáng, bổ ích.
Ông bạn bác sĩ đó đến phòng triển lãm tranh, ngắm bức tranh, ngắm tới, ngắm lui, ngắm xuôi, ngắm ngựợc, hết bên này tới bên kia, gật gù, nhíu mày suy nghĩ, rồi lại quan sát. Mười phút trôi qua, mười lăm phút trôi qua,hai mươi phút. Người họa sĩ hơi sốt ruột, chần chờ, và cuối cùng lên tiếng hỏi: "Thế nào bạn? Anh nghĩ sao về tác phẩm này?"
Ông bạn bác sĩ trả lời, giọng chắc nịch đắc ý:
"Tôi nghĩ là người này đã mắc bịnh phổi cấp hai rồi đấy!"
Ông họa sĩ: ! ! !
Đấy, không riêng gì chúng ta đâu nhé, cả cái ông bác sĩ học thức kia cũng mắc cái bịnh đánh giá sự vật qua trung gian khái niệm giá trị.
Ông bác sĩ là người sống trong phòng thử nghiệm, bên cạnh những thuốc men và bịnh tật. Trong đầu ông ta luôn luôn có sẵn những công thức hoá học, những căn bịnh phải tìm hiểu, những vi trùng, vi khuẩn, v.v. và v.v. Nhìn đâu đâu, ông ta cũng thấy vi trùng và bịnh tật; và những vi trùng và bịnh tật đó đã trở thành máu xương trong ông, môt nửa con người của ông. Vì thế, khi nhìn bức tranh, ông bác sĩ cũng phân tích, mổ xẻ, định bệnh. Ông ta đã bị méo mó nghề nghiệp! Thiên nhiên trước mắt ông với trời xanh, lá đỏ hoa vàng, nhưng ông ta không còn khả năng thưởng thức cái Đẹp thiên nhiên đựơc nữa. Cái khiếu Thẩm Mỹ trong ông đã mất, nhường chỗ cho một đầu óc sơ cứng vì khái niệm phân biệt chia chẻ.




Một triết gia hỏi Phật


Vào thời Đức Phật còn tại thế, có rất nhiều triết gia, nhiều đạo phái, nhiều học thuyết. Chưa có một thời kỳ nào lại có qúa nhiều triết thuyết ra đời như thời Đức Phật tại thế. Không phải chỉ ở Ấn mà còn trên toàn thế giới. Ở Ấn, có Đức Phật, Mahavira, Prabuđha Katyayan, Ajit Keshakambal (một đại triết gia), Makkhali Goshal (một nhà trí thức lỗi lạc), Sanjay Vilethiputta và còn nhiều bác học nữa ở Bihar. Đương thời tại Hy Lạp, có Heraclite, Socrates, Plato Aristotle, ba vĩ nhân sáng tạo ra triết học Tây Phương. Cùng thời gian đó, bên Trung Hoa là Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử. Hình như đỉnh cao trí tuệ của lòai người tụ hội cả lại ở phương Đông.
Đúng ra chỉ có ba nền văn hóa lớn: một là Trung Hoa, hai là Ấn và ba là Hy Lạp.
Ba nền văn hóa đó là chính, ngoài ra đều là sản phẩm của ba nền văn hóa tư tưởng đó.
Xuất xứ của văn hóa Tây Phương bắt nguồn ở Athens, Hy Lạp. Toàn bộ văn minh Trung Hoa, một nền văn minh hoàn toàn khác biệt, nổi lên từ tư tưởng đối nghịch giữa Khổng Phu Tử và Lão Tử; và nét tinh hoa siêu tuyệt triết học và đạo học ở Ấn sản sanh ra do Đức Phật, Mahavira; và tất cả những bác học vĩ nhân đó đều hiện hữu trong cùng một giai đoạn lịch sử nhất định.
Các sử gia cho rằng Lịch sử di chuyển theo vòng tròn bánh xe: có những thời kỳ kiến thức siêu việt tận đỉnh cao, có lúc lại bị dìm xuống không ai mơ màng đến. Ví dụ như ở Ấn, trước và đương thời Đức Phật tại thế, có hàng ngàn, hàng triệu người là triết gia, đạo sĩ. Tư tưởng huyền bí siêu hình đạo học và đường lối lập luận triết học giao lưu nhau, bao trùm lên toàn xứ Ấn, tạo cho nó thêm vẻ trác tuyệt. Tuy nhiên, đỉnh cao trí tuệ đó gống như Kim Tự Tháp, đáy thì rộng bằng và chóp thì nhọn. Có nghiã là dù có hàng triệu triết gia, đạo sĩ đi chăng nữa, người đạt đạo cũng chẳng có bao nhiêu. Thời đó, duy chỉ có Đức Phật là bậc Đại Giác Ngộ và ánh sáng giáo lý của Ngài còn gieo rắc đến tận hơn hai thiên niên kỷ và chắc chắn sẽ còn mãi mãi.
Ngày kia, có một triết gia đến hỏi Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, không nói, không phải là không nói, Ngài có thể cho con biết sự thật không?"
Đức Phật im lặng.
Ông triết gia kia đảnh lễ Phật và xưng tán rằng: "Với ánh sáng đại bi đại trí của Phật chiếu soi tâm con, con đã đoạn trừ được mê vọng và bước vào chánh đạo."
Ông triết gia ra về rồi, ngài A Nan bèn bạch Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, triết nhân kia đã đạt tới những gì?"
Phật trả lời:
"Con chiến mã phi nhanh ngay cả dưới cái bóng của ngọn roi da!"
Trước ông triết gia này cũng đã có hàng ngàn triết gia học giả khác đến tham vấn Phật. Tuy nhiên, Đức Phật không nhất thiết chỉ có một câu trả lời. Ngài không có câu trả lời nhất định. Tùy theo căn cơ trình độ, tình huống, thời gian... mà Đức Phật tùy duyên uyển chuyển trả lời hay không.
Xưa kia, có người hỏi Phật: "Không nói cũng không phải là không nói, Phật cho con biết gì về chân lý?" Đức Phật trả lời: "Nếu ông hỏi tôi nhưng không nói cũng không phải là không nói, tôi sẽ trả lời cho ông. Nếu ông không làm được như thế, ông còn đòi hỏi mong cầu gì nữa? Vậy, hãy thực hành đi! Hãy sẵn sàng câu nói nhưng không phải là câu nói rồi hãy tới đây!"
Nhưng đối với ông triết gia này, Đức Phật không trả lời như vậy; vì tư chất ông triết gia này khác với người kia. Cũng cùng một câu hỏi nhưng tư chất hai người hoàn toàn khác nhau. Người trước hỏi Phật và đặt nặng trên cơ sở ngôn từ chữ nghĩa chứ không màng đến chân lý; người đó còn mang nặng hành trang phân tích lý luận trên vai, chỉ muốn thỏa mãn tri thức cạn cợt bề mặt của mình; còn ông triết gia này, câu hỏi của ông chứa đựng tổng thể con người ông và niềm khao khát tìm chân lý giải thoát. Câu hỏi đưa ra cho có lệ, ông triết gia muốn đào sâu vào cái tiềm ẩn bên trong sức sống muôn loài, chứ không cần định danh những chữ nghĩa chết cứng khô cằn kia.
Câu hỏi "Không nói cũng không phải là không nói" là một câu hỏi vô cùng hàm xúc. "Không nói" thì quả là dễ dàng rồi, ta chỉ cần im lặng. Nhưng "không phải là không nói" thì thật khó lòng. Im lặng cũng không phải là im lặng thì thế nào đây?
Đó chính là sự Im Lặng Tuyệt Đối của Đức Phật!
Đức Phật im lặng. Triết gia cũng im lặng. Dòng tư tưởng của cả hai đều bặt dứt. Tự ngã cả hai đều mất dấu. Phật ở trong triết giạ. Triết gia ở trong Phật. Cả hai hoà hợp nhau, tấu lên bản nhạc "Chân Như" bất tuyệt. Một mà hai, hai mà một. Một là tất cả, tất cả là một. Tiểu ngã hoà trong đại ngã. Đại ngã chan hoà lên vạn vật. Ta là vũ trụ. Vũ trụ là tạ Ngay lúc đó, phép lạ xảy ra, bí mật của Như Lai khai mở. Thực ra, cánh cửa Chân Lý nhiệm mầu vẫn luôn mở rộng cho người hữu duyên, giống như cánh hoa kia khai nhụy lúc nửa đêm. Không một ai hay biết. Cánh cửa, nụ hoa khai mở trong Im Lặng Tuyệt Đối. Nếu bạn đầy đủ kiên nhẫn chờ đợi, nụ hoa kia sẽ chia xẻ hương thơm ướp xông lên bạn, mời đón bạn. Đóa hồng Phật tánh nở trong bạn rồi đó!


(Sưu tầm)