Những bài Pháp ngắn (10) [THẦY VIÊN MINH]


SẮC KHÔNG


SẮC KHÔNG là vấn đề được bàn cãi hàng ngàn năm vẫn chưa ngã ngũ. Và tiếc thay nó đã trở thành một triết lý đầu môi! Tất nhiên là vậy, vì đây đâu phải là VẤN ĐỀ để lý luận, mà chính là SỰ KIỆN thân chứng (kàyasakkhì) hoặc thấy bằng con mắt tuệ (pannacakkhunà passati).
SẮC không phải là SẮC TƯỚNG - đối tượng của nhãn căn, không phải là SẮC THÂN - bao gồm tứ đại, không phải là SẮC PHÁP - đối nghĩa với Danh pháp.
SẮC dùng trong ngũ uẩn là sự tập khởi của một diễn trình tương duyên, tương tác và tương ứng giữa sáu căn, sáu trần và sáu thức (mười tám giới). Vậy SẮC không phải là một hiện hữu cố định hay có sẵn, mà là một phản ứng có điều kiện. Ngay khi ta đang ngồi đây, SẮC có thể có, có thể không tùy theo điều kiện tập khởi.
Nhưng SẮC có hay không chẳng có gì quan trọng, có cũng được mà không cũng được. Quan trọng là ở chỗ CÁI NHÌN. Nếu cái nhìn là ảo tưởng vọng thức (Vipallatthasanna) thì có - không đều là ảo ảnh (màyà), như người nằm mộng, thấy có thấy không đều là mộng.
Nếu cái nhìn là Tuệ Không Quán Chiếu (Sunnanupassananana) thì có - không đều như thị. Không - có chẳng rời, có - không chẳng khác.

Trong mộng có - không đều ảo mộng
Tỉnh ra không - có cũng hoàn không
Mặc ai có có không không đó
Lặng lẽ hồn nhiên một nụ cười.

***
Được giảng từ câu chuyện:

" Sư ghé thăm một vị tăng nổi tiếng uyên thâm Phật Pháp và có nhiều sở đắc. Vừa thấy Sư, vị tăng dùng phép thần thông ẩn mình đâu mất.
Sư hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Vị tăng nói:
- Đó là “sắc tức thị không”.
Sư nói:
- Đã “sắc tức thị không” sao ông lại phải biến mất làm gì. Hơn nữa ông chỉ mới giấu được cái sắc thân, còn cái bản ngã của ông xem ra lại càng lộ rõ hơn!
Vị tăng cả giận hỏi lại:
- Còn Thầy thì sao?
Sư đáp:
- Ngươi không thấy ta “sắc bất dị không” hay sao?

                   


THẾ NÀO LÀ THIỀN

Thế nào là thiền?
Ngay khi “lý trí muốn biết” lang thang dong ruổi tìm đạo tìm thiền, thì than ôi, thiền đã xa xôi ngàn dặm ra đi!
Thấy thế, Sư vội đánh thức gã “túy sinh” trở về thực tại. Nhưng ngay nơi thực tại hắn lại toan đội lốt mọc sừng”.
Một lần nữa, Sư lại ra tay lột mặt nạ cái gã “mộng du” bép xép. Chảng biết gã có thấy ra được “mặt mũi xưa nay” của mình không?

Ra đi khắp bốn phương trời
Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa
Ta về gặp lại tình ta
Dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân.


***
Giảng từ câu chuyện:

" Sư đang quét sân, thiền sinh hỏi:
- Thế nào là thiền?
Sư nói:
- Quét sân, quét sân...
Thiền sinh thắc mắc:
- Vậy ai quét sân cũng là thiền sư sao?
Sư nói:
- Không có ai quét sân cả.

                            

XIN HOÃN LẠI

Phần lớn người tu ai cũng nói đến mục đích giác ngộ giải thoát: viễn lý điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn. Nhưng trên thực tế, người ta lại cố tình trì hoãn.
Người ta viện đủ lý do chính đáng, những lý do trì hoãn cực kỳ thiện xảo tinh vi, những nhãn hiệu sơn son thếp vàng lộng lẫy: nào hạnh nguyện vị tha, nào vào ra sinh tử độ tận chúng sanh, nào dấn thân nhập thế cư trần bất nhiễm..., thế là đã có chỗ ẩn náu an toàn cho bản ngã ung dung làm trò múa rối!
Những bậc Đại Bồ Tát nghe chúng sanh viện lẽ cũng phải cười dài, tội nghiệp cho chúng sanh mê muội cứ tưởng giác ngộ giải thoát là chẳng còn gì tất, nên nấn ná đầu sào trăm trượng chẳng dám nhảy bước cuối cùng, đâu hay chính lúc đó “thập phương thế giới hiện toàn chân”.
Như xưa có một vị hoàng tử từ nhỏ bị lạc vào rừng. Tù trưởng bộ lạc thấy dễ thương đem về cho chơi với bọn trẻ. Để hoàng tử khỏi buồn, Tù trưởng bày trò chơi “vua tôi” cho bọn chúng và bảo hoàng tử làm vua, bọn trẻ con bộ lạc làm thần dân, suốt ngày vui chơi thỏa thích, quên cả nhớ nhà. Một hôm, vua cha sắp băng hà, sai các vị đại thần đi tìm hoàng tử về nối ngôi. Khi tìm được hoàng tử, các đại thần khẩn khoản cầu xin hoàng tử hồi cung đăng quang kế vị. Hoàng tử nghĩ: “Bây giờ ta đã làm vua rồi còn về cung làm gì nữa, biết có hơn gì không?” Thế là hoàng tử viện cớ trí hoãn chẳng chịu trở về, say mê chơi trò con nít !!!

Ham chơi trò con nít
Ôi lộng giả thành chơn
Biết bao giờ tỉnh ngộ
Nhìn thấy tận nguồn cơn


***
Từ câu chuyện:

Một tục gia đệ tử đến bái yết Sư, muốn biết anh ta tu bao lâu nữa mới đạt đến Niết Bàn.
Sư nói:
- Còn lâu lắm.
Nghe vậy, người đệ tử vô cùng chán nản.
Nhưng Sư lại nói tiếp:
- Thôi được, ta có pháp môn này có thể đạt đến Niết Bàn ngay, để ta dạy cho ngươi.
Bấy giờ người đệ tử bối rôi thưa:
- Thưa Thầy, chưa được, để hoãn hoãn cho con thu xếp việc nhà đã.



              

XUẤT MÔN

Xưa có hai cha con ông bá hộ, vì chiến tranh loạn lạc phải bỏ nhà ra đi tha phương cầu thực. đến lúc thái bình thì người cha đã già yếu sắp lìa bỏ cõi trần. ông bá hộ bèn viết chúc thư giao lại tòa lâu đài của ông tại quê nhà cho con. Trong chúc thư ông tả rõ đường về quê cũ, dáng dấp ngôi nhà và từng công dụng chi tiết của những vật báu bên trong.
Người con hằng ngày cứ ngồi đọc chúc thư với lòng tự hào hãnh diện rằng mình là chủ nhân của một tòa lâu đài tráng lệ. Càng đọc, anh càng say mê với sự kỳ diệu của những vật báu trong kho tàng vô giá.
Có người thấy thế hỏi: “Kho tàng quý giá của anh hiện giờ ở đâu?” Anh tự hào chỉ chúc thư và nói: “Thì đây chứ còn đâu nữa!”
Diệu Pháp (Abhidhamma) là một trong ba tạng giáo điển của nhà Phật. Diệu Pháp cũng chính là đệ Nhất Nghĩa đế (chân lý rốt rạo - paramatthasacca). Như vậy, Diệu Pháp vừa có nghĩa là ngôn ngữ chỉ bày thực tại, vừa có nghĩa là chính tự thân thực tại. Nhưng khi một người còn say mê với ngôn ngữ kỳ diệu nói về thực tại thì có nghĩa là anh ta chưa hề thấy thực tại kỳ diệu bao giờ.

Mau mau thoát khỏi rừng kinh điển
Mở mắt mà xem chuyện gì đây
Chớ luận Tam Hoàng rồi Ngũ đế
Cũng đừng nằm mộng giữa ban ngày.

***


Từ câu chuyện:
" Một chú tiểu đang say mê nghiên cứu cuốn “Diệu Pháp Nhập Môn”, thỉnh thoảng đắc ý nói một mình: “Thật là tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!”
Sư đi ngang qua nói:
- Ngươi đọc xong cuốn đó ta sẽ cho học “Diệu Pháp Xuất Môn”.
- Bạch Thầy, nhập được môn này con thấy kỳ diệu quá sao lại xuất môn?
Sư nói:
- Bởi vậy người ta mới nói nhập môn đã là kỳ diệu mà xuất môn lại càng kỳ diệu hơn.




                          

THÁNH KHÔNG BIẾT ĐAU

Đạt đạo không phải là luyện thành mình đồng da sắt, mà đơn giản chỉ là đau thấy đau, lạnh thấy lạnh, trong sáng bình thường chẳng cần thêm bớt. Nhưng phần lớn người tu không chịu nổi “bình thường tâm thị đạo” nên tự đặt cho mình những lý tưởng phi thường, những sở đắc siêu nhiên.
Nhưng sở đắc chỉ là con đẻ của vô minh ái dục, dù sở đắc có vĩ đại cách mấy cũng chỉ là ảo mộng.
Khí công thượng thừa, định lực kiên cố, pháp thuật cao cường, thần thông quảng đại, v.v... là những mục đích hấp dẫn của người tu luyện. Thế là trần gian trở thành một... trường đua vĩ đại!
Càng đấu tranh, càng tiến bộ, càng đạt nhiều thành quả, càng bước lên địa vị cao siêu thì lại càng xa đạo. Vì sao vậy? Vì đó chỉ là con đường bành trướng của bản ngã mộng mơ.
Tu là bỏ. Bỏ là không chấp trước, chứ không phải lấy - bỏ theo nghĩa thường tình. đạt đạo là bỏ hết, chẳng những không còn một chút ảo tưởng mộng mơ, mà ngay cả Niết Bàn cũng không chấp trước (Nibbànam n’àbhinandati - Kinh Căn Bản Pháp Môn, Trung Bộ Kinh). Chư Phật và A La Hán không phải là địa vị sở đắc như người ta lầm tưởng, mà chính là dẹp hết chẳng còn SỞ gì để đắc, phá hết chẳng còn ĐỊA nào để đứng.
Khi nghe nói vậy, chúng sanh sợ khiếp, bèn vội vàng lập địa vị để tu, bày sở cầu để chứng. Không biết rằng: “Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc”, chẳng luyện, chẳng đắc, chẳng cầu, chẳng chứng.

Trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu
Sáng suốt hồn nhiên khỏi vọng cầu
Buông hết một phen đừng luyến tiếc
Ai hay ngay đó thấy đạo mầu.

***
Từ câu chuyện:
" Thị giả của Sư nghe người ta kể rằng chủ nhà của hiền triết Epitète đối xử với ông rất tệ. Người chủ cho vặn chân Épitète để tiêu khiển. Nhà hiền triết nói:
- Nếu ngài tiếp tục thì chân tôi sẽ gãy.
Nhưng người chủ vẫn tiếp tục và chân ông gãy thật. Epitète ôn tồn nói:
- Đấy, tôi nói có sai đâu.
Nghe xong, thị giả cứ khen hoài: “Thật là một nhà hiền triết siêu việt!” Rồi thị giả chợt nghĩ rằng: “Thầy mình là một thiền sư nổi tiếng, vậy để xem có bằng Épitète không?” Nhân Sư đang nằm nghỉ, thị giả tụm lấy chân Sư vặn mạnh. Sư nói:
- Đau, đau.
Thị giả thất vọng nói:
- Còn đau thì đâu phải là đạt đạo!
Sư nói:
- Chứ ngươi muốn ta đạt cái đạo vô cảm giác hay sao?

                            

LÀM CHỦ


Nguyên nhân gây ra ba cõi không yên như ngôi nhà cháy chính là bản ngã, đứa con cưng của vô minh ái dục. Vậy mà người tu cứ bất mãn với bản ngã này, rồi dựng lên bản ngã khác cao thượng hơn, hoàn hảo hơn,..., rồi lại bất mãn, rồi lại dựng lên..., cứ thế mà luân hồi sinh tử, trôi lăn ba cõi sáu đường.
Bản ngã nhỏ (tiểu ngã) thì khổ nhỏ, bản ngã lớn (đại ngã) thì khổ lớn, chạy trời không khỏi nắng được đâu.
Trong bản ngã hàm chứa ý niệm, thời gian và đau khổ nên tự nó chẳng bao giờ viên mãn. Bản ngã này vừa mới sinh ra thì kẻ bất mãn bản ngã cũng vừa xuất hiện. Kẻ bất mãn đòi phê phán, sửa sai và làm chủ bản ngã, có ngờ đâu, chính hắn cũng là bản ngã, cho nên ngay sau lưng hắn, một kẻ bất mãn khác cũng đã trực chờ. Vậy biết bao giờ ai làm chủ được ai?
Xưa có người nằm mơ, thấy mình lọt vào một ngôi nhà kính vạn hoa, anh bỗng thấy mình phân thân cùng khắp. Chẳng biết ai là chân, ai là giả. Anh cười, những người kia cũng cười; anh giận, những người kia cũng giận; anh nói chúng là ảo ảnh, chúng cũng bảo anh là ảo ảnh;... Cãi vả om sòm, hét la ầm ĩ cho đến khi tất cả đều té nhào ngất xỉu. Giật mình tỉnh dậy chẳng thấy một ai, té ra, tất cả chỉ đều là mộng.

Tu hành lấy vọng để cầu chân
Nào có hay đâu vọng hai lần
Chẳng vọng chẳng chân, ngay tại đó
Bản lai diện mục hiện toàn chân.


***
Từ câu chuyện:

" Chủ nhân một xí nghiệp lớn nọ xin vào thiền viện cư thất một tháng. ông rất tinh tấn nên ai cũng nghĩ là ông sẽ thành công như ông đã thành công trong việc điều hành xí nghiệp.
Nhưng khi ra thất, ông bạch với Sư:
- Con đã cố gắng, nhưng sao chưa làm chủ được mình?
Sư nói:
- Tại ông đã quen cái nghề làm ông chủ mất rồi!



                           

SAO LẠI HỎI TÔI

Biết bao người có thói quen tìm chân lý trong ngôn ngữ.
Thuộc lòng một số định nghĩa trong kinh, trong sách đã ba hoa nói chân nói lý. Còn tự thân chân lý thì chẳng biết nơi đâu mà tìm cho được.
Lấy kinh luận mà nghiên cứu tâm đã là chuyện buồn cười, lại nhè người khác mà vấn nạn tâm thì quả là đáng khóc.

Hướng ngoại cầu tâm tâm chẳng ổn
Đem tâm kiếm đạo đạo còn lâu
Tâm ở gốc tâm sao chẳng thấy
Đạo còn nơi đạo mãi tìm đâu?

***
Từ câu chuyện:
" 
Người học đạo thường muốn hiểu chữ tâm họ tìm tòi trong Abhidhamma (thuộc Nam Tông) hoặc Duy Thức Luận (thuộc Bắc Tông) để phân tích cho rành rẽ thế nào là tâm. Nhưng khi bước vào các môn luận này, họ đụng phải một rừng thuật ngữ chuyên môn, nào bằng tiếng Pàli, nào bằng tiếng Sanskrit, lại còn cả những từ ngữ chữ Hán nữa. Đó là chưa kể việc các môn học này cũng chưa hoàn toàn nhất trí với nhau về nhiều vấn đề. Vì vậy, người học tưởng chừng sáng được cái tâm, ai dè càng thêm tăm tối.

Một học giả đành đến tham vấn Sư:
- Thưa Ngài! Thức, tâm, ý, tình, trí v.v... khác nhau như thế nào?
Sư nói:
- Ủa, cái đó anh tự hỏi anh chứ sao lại hỏi tôi?"



                           


KHÔNG MẤT MÁT GÌ

Thấy tánh thấy tướng mà còn khởi “ý niệm thấy” thì tánh tướng đó chỉ là hoa đốm giữa hư không trước con mắt bịnh. Dầu có ai thấy hay không thấy thì tánh tướng vẫn y nhiên thong dong tự tại. Vậy chẳng thà đừng thấy còn hơn thấy lầm thấy bậy. Vì thấy lầm chỉ khổ cho mình, cho người chứ tánh tướng có mất mát gì đâu.
Kinh Aggi-vacchagotta nói: “Kết luận pháp là thường, vô thường, hữu biên, vô biên, đồng nhất, dị biệt, có, không, vừa có vừa không, không có không không,... đều là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, tàn hại, não hại, nhiệt não, không hướng đến yếm ly, ly tham đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn”
Vậy chớ có bắt chước Thánh Nhân mà gạn cho pháp những nhãn hiệu vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh hay thường , lạc, ngã, tịnh rồi đảo điên tánh tướng, bôi bác chân như (yathàbhùta), nhiễu loạn tín chúng.
Xưa có đứa con ngu dốt, mời Thầy thuốc về chữa bịnh cho mẹ. Thầy thuốc bắt mạch, kê toa, dặn dò liều lượng chu đáo. Quả nhiên mẹ uống vài thang đã hoàn toàn bình phục. đứa con thấy thuốc hay, liền tự xưng Thầy thuốc, chữa bịnh cho người. Bất kỳ bịnh gì anh cũng cho toa thuốc đó với liều lượng y nguyên. Bịnh chẳng thấy lành, nhiều người chết oan. Cuối cùng bị vua bắt đem ra pháp trường xử trảm.

Thấy thì nên nói thấy
Không thấy cứ bảo không
Chẳng thà rằng không thấy
Còn hơn thấy bông lông.


***
Từ câu chuyện:
" Sư đang đi kinh hành. Một thiền sinh đến hỏi:
- Làm sao thấy được chân tướng của vạn pháp?
Sư nói:
- Bỏ ý nghĩ đó đi.
- Như thế không cần thấy chân tướng của vạn pháp sao?
Sư mắng:
- Ngươi thấy hay không thấy thì chân tướng của vạn pháp đâu có mất mát gì."


                         

CẢNH GIỚI LÝ TƯỞNG CỦA THIỀN

Thiền chẳng bao giờ có cảnh giới lý tưởng, nhưng tất cả cảnh giới đều là cảnh giới thiền.
Thiền không phải là một cuộc đổi chác giữa lý tưởng này với lý tưởng khác.
Thiền cũng không có thì giờ đâu mà chọn lựa thị phi. Cho nên:


Mắt rợ hồ nở tròn xoe xanh biếc
Lão thiền tăng chống gậy ngắm trần gian
Hai chú gà mãi tranh nhau thắng bại
Ánh mắt thiền xanh biếc vẫn còn xanh


***

Từ câu chuyện:
"Một thiền sinh nói:
- Cảnh giới lý tưởng nhất của thiền là hoàn toàn tự do thoải mái. Tất cả luật lệ, khuôn phép,, giáo điều, lễ nghi, quy tắc v.v... đều chỉ là những ràng buộc, nên chúng hoàn toàn vắng bóng trong thế giới thiền.
Một thiền sinh khác cãi lại:
- Cảnh giới lý tưởng nhất của thiền là hoàn toàn nghiêm túc. Anh không nghe người ta nói “trang nghiêm Phật Quốc” hay sao? Vì vậy theo tôi, cái gì thiếu quy củ, thiếu điều độ, thiếu nghiêm chỉnh, thiếu mực thước đều là buông lung phóng dật, nên chúng hoàn toàn không có mặt trong thế giới thiền.
Sư nói:
- Các anh đều đúng, nhưng đó là những cảnh giới lý tưởng nhất trong ý niệm của mỗi người, chứ thiền làm gì có cảnh giới mà nhì với nhất!"


                  

COI NHƯ MÌNH ĐÃ CHẾT

Có một người nọ đến than khóc và nói với thầy rằng con không có hạnh phúc, chỉ toàn là đau khổ, con muốn chết đi cho xong. Thầy nói tốt quá, vậy tại sao con không cứ coi như mình đã chết, đã chấm dứt con người cũ và bây giờ hãy sống như một con người có tâm hồn hoàn toàn mới mẻ, chỉ biết sống vô ngã vị tha, phục vụ mọi người mà không đòi hỏi hạnh phúc gì cho mình, vì mình còn đâu nữa mà sung sướng hạnh phúc hay khổ đau phiền muộn. Còn nếu con chết đi trong hận thù khổ đau thì cũng sẽ tái sinh trong khổ đau thù hận mà thôi. Do đó, thầy có bài thơ phỏng tác từ một ý thiền: Chết đi cái ta ảo tương (bản ngã) để sống với một tâm hồn luôn rỗng lặng, trong sáng, tự tại, hồn nhiên:

Tâm không, làm muôn việc
Công đức trả về không
Sống nhờ ơn không tạng
Chết từ thuở lọt lòng.


Vậy không phải chỉ người "đi tu" mà là bất kỳ ai có thể chết đi từng sát-na cái ta ảo tưởng thì người ấy có thể sống mà không hề tái sanh nên mới được gọi là bậc vô sanh.

                            

THỰC TÁNH CHÂN ĐẾ

Vấn đề không phải là làm thế nào giải thích được vì sao tánh mình vốn tự thanh tịnh mà lại còn bị nhiễm ô, hoặc khi đã giác ngộ thành bậc Alahán rồi có còn bị nhiễm ô lại nữa không, mà là hãy xem ngay đây và bây giờ con có thấy tâm mình đang thanh tịnh hay đang nhiễm ô hay không mới được. Nếu con biết tâm con lúc nào nhiễm ô, lúc nào thanh tịnh thì chứng tỏ là tánh biết vẫn luôn tròn đầy chứ có mất đi đâu. Giống như dù bị mây che, ánh sáng mặt trời vẫn tự đầy đủ. Cho rằng bị mây che thì mặt trời mất ánh sáng cũng như cho rằng bị ô nhiễm thì tánh biết không còn thanh tịnh trong sáng nữa thì chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Nghĩa là dù con đang có ảo tưởng bị ô nhiễm thì thực tánh chân đế vẫn không bao giờ bị ô nhiễm cả.

Chết đi cái ngã rộn ràng
Tâm không, muôn việc nhẹ nhàng thảnh thơi,
Lăng xăng uổng phí một đời
Sống tùy thuận pháp tuyệt vời biết bao!


NGUỒN: WWW.TRUNGTAMHOTONG.ORG