Những bài Pháp ngắn (6) [ THẦY VIÊN MINH]






CUỘC SỐNG

Người hỏi: Kính thưa thầy, xin thầy đừng rầy con khi con hỏi thầy điều này. Suốt 5 năm nay, sau khi lập gia đình, con gặp phải nhiều chuyện buồn, đau lòng trong tình cảm vợ chồng. Nhưng rồi mọi chuyện dần được giải quyết êm thấm, cho đến bây giờ thì gần như tốt đẹp khoảng 80%. Nhưng không hiểu sao, con vẫn cảm thấy còn đau lòng, chán nản, hối tiếc, mệt mỏi và đôi lúc ý nghĩ tự tử cứ quay đi quay lại trong tâm trí con. Học thầy, con nhận biết rồi cho ý nghĩ đó đi qua. Nhưng nhiều lúc con cảm thấy nặng nề quá, dường như suy nghĩ đó cứ ám ảnh con. Bây giờ, nhìn vào gia đình con, ai cũng cho là đầy đủ, hạnh phúc với 2 đứa con nhỏ thông minh, xinh xắn, ngoan ngoãn. Với mọi người, kể cả với chồng con, con luôn tỏ ra vui vẻ, bằng lòng với mọi cái. Nhưng những khi một mình, con lại có cảm giác chán chường và không muốn sống tiếp, cảm thấy chết tốt hơn... Thưa thầy, con muốn xin thầy lời khuyên để vượt qua tình trạng này.
Thầy: Thực ra không phải chỉ một mình con mà rất nhiều người có cảm giác chán nản này, nhất là giới nữ. Ý nghĩ tự tử thì do nhiều người không dám nghĩ đến vì sợ chết, sợ tội, vì còn quyến luyến cha mẹ con cái hoặc vì còn hy vọng ở một điều gì đó ở ngày mai nên đành chấp nhận nỗi chán chường, thất vọng, chứ trong vô thức thì nó vẫn là một ý tưởng ngấm ngầm, chỉ là không dám đối diện với nó mà thôi.
Nói chung ý nghĩ đó xuất phát từ tâm sân, gọi là phi hữu ái, muốn chấm dứt tình trạng không vừa lòng, nghịch ý. Sở dĩ như vậy là vì con chưa thấy ra ý nghĩa đích thực của đời sống. Khi xem hạnh phúc là điều kiện lý tưởng mà trong đó mọi điều đều như ý thì người ta sẽ cầu toàn. Nhưng cầu toàn giữa cuộc sống bất toàn thì chắc chắn sẽ chán chường thất vọng. Họ không biết rằng chính sự bất toàn, bất như ý... mới thật sự có ý nghĩa rất sâu sắc đánh thức họ đang ngủ say trong những niềm vui, những thỏa mãn hời hợt giữa cuộc đời.
Nếu con xem cuộc đời là trường học để mọi người học hỏi khám phá ra bản chất sự thật của chính mình và đời sống thì con sẽ thấy mọi hiện thực trong đời đểu là bài học có ý nghĩa tuyệt vời của nó. Nói cách khác, sống là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi để hoá giải hay chuyển hoá những ảo tưởng sai xấu cho đến khi giác ngộ ra bản chất đúng tốt của lẽ sống tự nhiên và đích thực. Chính vì không thấy ra ý nghĩa của mọi hiện thực đời sống nên người ta luôn phân vân chọn lựa, lấy cái này, bỏ cái kia để rồi luôn thăng trầm trong cái được, cái mất, cái thành, cái bại, cái vui, cái khổ... và kết quả tất nhiên là khổ đau thất vọng, là muốn thoát khỏi cuộc đời "vô nghĩa"! Nhưng nếu chưa học ra ý nghĩa đích thực của đời sống thì mọi hình thức trốn học đều chỉ kéo dài thêm đau khổ, chán chường và thất vọng mà thôi. Con có biết không, tự tử, ẩn trú trong thiền định và muốn mau "giải thoát" ra khỏi cuộc đời đều là những cách trốn học có bản chất hoàn toàn giống nhau.
Hãy can đảm đối diện với sự thật, vì chỉ có sự thật, dù là không vừa lòng, nghịch ý, mới giải thoát con ra khỏi ý nghĩ sai lầm của chính mình... chứ không phải giải thoát ra khỏi sự sống có ý nghĩa này mà Đức Phật xác định "được sinh làm người là khó" đó con! Muốn thoát khỏi ám ảnh đó con nên thường trở về sống trọn vẹn tỉnh thức với chính mình ngay hiện tại trong từng hoạt động đời sống hàng ngày. Khi con đã sống trọn vẹn với thực tại thì không những con không còn bị ám ảnh bởi quá khứ mà con còn tìm thấy tình thương yêu ngập tràn trong chính mình và cuộc sống.



BÁT PHONG BẤT ĐỘNG


Khi con thấu triệt và chuyển hóa được những xung đột bên trong thì những xung đột do mục tiêu bên ngoài đem lại không còn là vấn đề nữa. Đời sống xã hội luôn có hai mặt như thăng - trầm, được - mất, hơn - thua, vui khổ... Mục tiêu của sự biểu hiện sinh khắc của hai mặt âm - dương giữa cuộc đời này chính là để cho con người có cái nhìn toàn diện (bất nhị) hầu giác ngộ ra bản chất của mình và cuộc sống, chứ không phải chọn mặt này bỏ mặt kia để rơi vào cái nhìn phiến diện, cục bộ và một chiều (nhị nguyên).
Hạnh phúc không đạt được khi loại bỏ một mặt để giữ lấy mặt kia hoặc loại bỏ cả hai, mà là vượt lên cả hai mặt ấy. "Vượt lên" cũng đồng nghĩa với ở giữa (trung) hai mặt mà vẫn sống ung dung tự tại không lấy bỏ, không chấp trước, không bị ràng buộc trong đối đãi nhị biên. Xã hội là tập hợp bởi những cá nhân vì vậy chỉ khi mọi cá nhân đều giác ngộ thì xã hội mới có thể an bình thực sự. Nhưng đó chỉ là một giả thuyết, do đó ý tưởng xã hội lý tưởng của con hầu như chỉ có trong những chuyện "Liêu Trai" chứ chưa bao giờ hiện thực. 



***
Đau khổ sẽ giúp con thấy ra rằng hạnh phúc không lệ thuộc vào những thỏa hiệp có được từ điều kiện bên ngoài. Hạnh phúc chỉ thực sự có mặt khi nội tâm con độc lập, tĩnh tại và trong sáng, lúc đó chỉ tồn tại sự tương giao tự nhiên với mọi người mọi vật chứ không còn sự ràng buộc của những mối quan hệ đã được thiết lập.
Như vậy, con nên trở về sống trọn vẹn trong sáng với chính mình để qua đó học ra những hoạt động của thân, của cảm giác, cảm xúc và của những phản ứng nội tâm v.v... mà bấy lâu con bỏ quên để đi tìm sự đáp ứng từ nhữngđiều kiện bên ngoài. Đức Phật là bậc đã giác ngộ chính mình và thấy rõ bản chất thật của cuộc sống, do đó toàn bộ giáo lý của Ngài chỉ nhằm mục đích giúp con người biết trở về giác ngộ lại chính mình để có đủ tĩnh lặng trong sáng mà thấy ra bản chất thật của đời sống.

***
Hoàn cảnh chỉ là duyên, không phải là nguyên nhân của hạnh phúc hay đau khổ. Thái độ mới là nguyên nhân chính của phẩm chất đời sống mỗi người, vì vậy con biết trở về soi sáng chính mình là tháiđộ sáng suốt, nghiêm túc và đúng đạo.
Trong cuộc sống chủ yếu là thái độ nhận thức trong ứng xử. Thành bại, được mất, hơn thua... không phải là trọng tâm của đời sống, thái độ hành động mới quyết định sự khổ đau hay an lạc. Mất cái này được cái khác, được cái nọ mất cái kia, nên trong phúc có họa, trong họa có phúc khó mà lường được.
Tùy duyên thuận pháp có nghĩa là dù hoàn cảnh nào cũng luôn sống đúng tốt. Sống đúng tốt thì giảm bớt ác pháp làm hại mình hại người, đồng thời tăng trưởng thiện pháp làm lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha. Và sống như vậy dù có thiệt thòi thì thân tâm vẫn an lạc. Do đó Chúa nói "Kẻ nào chịu thiệt thòi trên thế gian này thì được ưu tiên trên nưóc Thiên Đàng". Nước Thiên Đàng đây chính là sự an lạc thuận pháp vậy.

Thành bại, hơn thua... thảy đều không
Động, tịnh, thấy, nghe... vẫn một lòng
Sáng suốt, hồn nhiên, tâm rỗng lặng
Nói, làm, suy nghĩ vẫn thong dong.



                                 


BÀN về NHÂN QUẢ

Nhân quả và duyên báo có ảnh hưởng tương tác với nhau rất phức tạp, khó lường được nên đó là một trong những pháp "bất khả tư nghì" nếu suy nghĩ về nó nhiều quá có thể đưa đến điên loạn.
Những câu nói trên cũng đúng ở một phương diện nào đó, nhưng sai ở một khía cạnh khác. Đúng là vì họ có mối quan hệ nhân duyên nghiệp báo với nhau nên họ cùng sinh ra trong một gia đình để chia sẻ hay ảnh hưởng qua lại với nhau. Nhưng sai vì nhân nào quả nấy chứ không ai thay thế ai được. Sở dĩ người ta nói như vậy vì chỉ thấy hiện tượng bề ngoài mà không thấy sự liên quan nhân quả bên trong. Ví dụ người cha gây thù người con bị đánh thì người cha đang gây nhân hiện tại mà quả thì trổ tương lai nên hiện giờ ông chưa chuốc oán, còn người con bịđánh không phải do nhân ông cha tạo mà là quả do nhân quá khứ của anh ta, hành động của ông cha chỉ là duyên cho người con trả quả của mình mà thôi.
Câu "con gái nhờ phước cha, con trai nhờ phước mẹ" không có ý nói về nhân quả nghiệp báo mà là nói về tâm lý con người. Trong tâm lý học cũng như trong phân tâm học hiện đại, cha thường thương con gái, mẹ thường thương con trai nên cha có gì cũng cho con gái, còn mẹ thì chìu chuộng con trai thế thôi. Câu này hoàn toàn không có ý nói cha làm lành thì con gái hưởng phước đâu.

***

Số phận trong Phật giáo gọi là sinh nghiệp với ý nghĩa rất khác. Sinh nghiệp là quả của nghiệp nhân quá khứ sẽ diễn ra trong suốt kiếp sống hiện tại. Tử vi chính là một bộ môn nghiên cứu về sinh nghiệp này. Số phận là định mệnh không thay đổi, còn sinh nghiệp thì có thể thay đổi, nhưng người trí chỉ thay đổi thái độ đối với sinh nghiệp chứ không cần thay đổi sinh nghiệp. Mục đích của môn tử vi không phải để thay đổi số phận mà là để biết sinh nghiệp của mình thế nào nhờ vậy giảm đi những ảo vọng lăng lăng vô ích (bôn ba chẳng qua thời vận). Như vậy, thay đổi tốt nhất không phải lả thay đổi sinh nghiệp mà là thay đổi thái độ sai lầm cho đúng tốt đối với sinh mệnh mình thì mới có thể chuyển hóa được đời sống chính mình.

***

... Đánh giá giàu nghèo theo mức thu nhập là không đúng, và xem giàu nghèo là biểu hiện của phước tội lại càng không đúng hơn. Đó là một hiểu lầm trầm trọng về thiện và ác, phước và tội.
Theo thầy, giàu là người dù có thu nhập thấp nhưng vẫn thấy dư, sống hạnh phúc và sẵn sàng san sẻ cho người khác. Còn nghèo là người dù có thu nhập cao nhưng vẫn thấy thiếu thốn, và sống bất hạnh vì tham lam ích kỷ. Người "an bần lạc đạo" thì phước chứ không tội. Người "phú giả bất nhân" thì tội chứ không phước. Vậy phước tội được đánh giá theo tính chất thiện và bất thiện của hành vi (nhân) và thái độ chấp nhận hoàn cảnh (quả) chứ không căn cứ trên mức thu nhập cao hay thấp. Thu nhập thấp mà thấy an vui là hạnh phúc, thu nhập cao mà thấy buồn bực là khổ đau. Tội phước, khổ vui rất vi tế, khó mà xét được qua hình thức bên ngoài.

***
Có rất nhiều trường hợp như: Có tài và kiếm ra tiền, có tài mà không kiếm ra tiện, bất tài mà kiếm ra tiền, bất tài và không kiếm ra tiền. Người có tài nhưng từ chối làm ăn bất chính thì vẫn có thể không kiếm ra tiền bằng người bất lương. Người có tài nên chỉ muốn làm việc lớn không chịu làm những việc nhỏ tầm thường để kiếm ra tiền nên đành chịu nghèo khó vân và vân vân... Vậy phải xem vì lý do gì không kiếm ra tiền mới được.
Một bà ngoại đã già không còn đi làm kiếm tiền cho con cháu nhưng lại ở nhà trông nhà cho con cháu đi làm chẳng lẽ cũng bất tài vô dụng? Ngược lại một thanh niên mạnh khỏe có khả năng lao động mà lười biếng không chịu đi làm giúp gia đình, chỉ biết chơi bời trác táng thì mới là bất tài vô dụng.


***
Khi một người hại con thì người ấy chỉ là duyên báo để con có dịp trả quả, còn việc làm bất thiện của người đó lại là nhân xấu anh ta đang gieo và dĩ nhiên anh ta sẽ bị quả báo. Hai bên người gieo nhân người gặt quả có thể có liên quan nhân quả, có thể không. Ví dụ kiếp trước con gây hại cho A, kiếp này A hại lại con thì có liên hệ nhân quả trực tiếp với nhau, gọi là vay trả trả vay. Nhưng người hại một vị Alahán thì vị ấy không hại lại con mà con vẫn bị hại bởi nhiều duyên báo khác tương xứng với hành động bất thiện ấy.

Nhân duyên quả báo trùng trùng
Trả vay vay trả, quả tùng theo duyên
Mê thì khổ não triền miên
Ngộ ra mới biết ưu phiền bởi đâu.



                                 

ĂN CHAY, ĂN MẶN

Người Ấn Độ phần lớn ăn chay theo Ấn giáo. Mặc dù đức Phật sinh ra ở Ấn Độ nhưng vốn đất nước này đã theođạo Bà-la-môn (gốc của Ấn giáo) và phân chia giai cấp từ trước nên đa số quần chúng bình dân vẫn tin tưởng nơi thần linh và xem Phạm Thiên là đấng Tạo Hóa. Khi đức Phật còn tại thế thì Phật giáo phát triển nhưng khoảng 200 năm sau đức Phật nhập diệt thì đạo Bà-la-môn phục hồi trở lại vì đa số quần chúng vẫn còn niềm tin ở đa thần giáo. Sau thời kỳ Nguyên Thủy của Phật giáo (khoảng 200 năm) ngay cả Phật giáo Phát Triển (Tiểu Thừa và Đại Thừa) cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của đạo Bà-la-môn, cụ thể như chủ trương ăn chay hoặc đưa thêm nhiều vị Phật và Bồ-tát vào Phật giáo thay thế cho Thần Linh Thượng Đế để đáp ứng niềm tin tha lực của quần chúng vốnđã quá sâu dày...
Khi Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) xin Phật quy định ăn chay, Phật đã từ chối và để mọi người tự chọn cách ăn của mình, miễn sao tùy duyên thuận pháp là được. Và khi được hỏi về điều này Krishnamurti đã trả lời rất tuyệt: "Điều gì đã trở thành quyđịnh thì không còn là chân lý." Cuối cùng, thầy tùy người tùy trình độ căn cơ mà giải thích chứ không muốn đưa ra một kết luận đúng sai nhất định nào. Tốt nhất con không nên tranh luận về vấn đề này, trừ phi chia sẻ với những người hiểu biết. Con có quyền làm điều con thấy đúng nhưng không nên muốn người khác phải làm theo mình.

***
Như vậy người ta gọi là "ăn chay tùy duyên", tức có gì ăn nấy không gượng ép để trở thành khuôn định, nhưng nếu khi ăn có cả hai thứ để tùy chọn thì thầy cũng như con có khuynh hướng ăn rau trái hơn. Ăn chay không phải chỉ ăn rau trái mà gọi là thanh tịnh, mà chính là ăn với tâm thanh tịnh (Trai giả tịnh dã, tẩy tâm viết trai). Và chủ yếu là ăn gì đừng tham đắm và cố chấp là được. Đức Phật không chủ trương phải hoàn toàn ăn rau trái nhưng cũng không có nghĩa là Ngài chủ trương phải chỉ ăn cá thịt. Cố chấp một phía là rơi vào nhị nguyên, vì vậy ăn cái gì ngay đó hợp duyên đúng pháp mới là trí tuệ.

 

GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG

Giá trị của cuộc sống rốt lại chỉ để phát hiện ra cái ta ảo tưởng nhờ trải nghiệm những nỗi khổ niềm vui thế đấy. Cái ta ảo tưởng luôn muốn trở thành, trở thành như ý thì vui, không trở thành như ý thì khổ. Nhưng cũng nhờ thế mà giúp con trải nghiệm những thăng trầm để thấy ra sự thật nơi chính mình và cuộc sống. Muốn trở thành thì phải nhận hậu quả khổ vui, đó là cái giá phải trả cho bài học giác ngộ, giá càng cao thì bài học càng hay. Cho nên quan trọng là giác ngộ được gì chứ không phải trở thành cái gì, còn họa phúc, khổ vui không có gì đáng kể. Đúng là người xưa nói "họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ về của họa" mà thôi.

Đời muốn được vui nên mới khổ
Khổ rồi vẫn thấy những niềm vui
Khổ vui vui khổ... À ra thế!
Cay đắng đan xen những ngọt bùi.

Cay đắng đan xen những ngọt bùi
Tỉnh ra, chợt thấy chẳng gì vui!
Không vui, mới biết không gì khổ
Ô hay, sao cứ mãi ngậm ngùi?




XUẤT GIA VÀ TẠI GIA

Khi con thích điều gì thì nó là động lực thúc đẩy con làm điều đó, và khi làm điều đó con có dịp học ra bài học của mình trong hoàn cảnh mà con chọn lựa. Chọn đúng hay sai tùy thuộc vào mức độ nhận thức sự việc của con, nhưng điều đó không quan trọng bằng qua hoàn cảnh chọn lựa đó con có học ra được điều gì cho sự giác ngộ giải thoát hay không.
Có người chọn lập gia đình làm lẽ sống rồi nhờ bị đau khổ, ràng buộc mới thấy ra sự thật. Có người chọn xuất gia làm lý tưởng nhưng khi vào tu mới thấy ra không phải như mình nghĩ rồi rơi vào tình trạng tiến thối lưỡng nan. Do đó chọn lựa đúng sai khó mà biết trước, có trải qua thực tế mới biết thực hư. Đường đời vạn nẻo, dù chọn nẻo nào cũng phải học cho ra sự thật thì không cần phân vân do dự làm gi, tốt nhất là chuẩn bị trầm tĩnh sáng suốt mà học bài học mới cho thông suốt. Có lẽ phân vân là do hiểu chưa đúng chữ tu chữ học ấy mà thôi!

***
Tu là bơi ngược dòng đời nhưng lại thuận theo dòng pháp. Dòng pháp là nguyên lý chân thực của vạn pháp, còn dòng đời là những quy ước chủ quan của con người. Dòng đời tối đa lắm là thiện là phước thôi chứ không thể giác ngộ giải thoát được, cho nên phải sống thuận theo dòng pháp nữa mới thoát khỏi phiền não trầm luân. Cái khó của người tu chính là sống trong đời, phải tùy theo hoàn cảnh duyên báo của mình (tùy duyên), mà vẫn sống đúng theo nguyên lý của vạn pháp (thuận pháp).
Tất nhiên một người đã thấy ra đạo lý thì sẽ không sống theo quan niệm sai lầm của những người buông lung phóng dật, tuy nhiên con vẫn phải tôn trọng duyên nghiệp của họ vì họ còn phải chịu lặn hụp trong dòng đời để một ngày kia bừng tỉnh rồi cũng thấy ra. Cái sai của người biết đạo là thường muốn thuyết phục người khác theo đạo một cách quá nhiệt tình khiến cho không ít người chưa hợp căn cơ hay chưa đủ duyên pháp có phản ứng đối nghịch. Con nên tùy người mà chia sẻ thì tốt hơn. Nên thông cảm với những người chưa thấy ra chánh pháp. Người trí biết hòa với dòng đời nhưng chỉ đồng với dòng pháp mà thôi, đó chính là "Phật pháp bất ly thế gian giác" vậy. 

Tỉnh mộng mới hay ngã, pháp không
Nói, làm, thấy biết thảy đều thông
Trong không pháp pháp đồng viên mãn
Ai tu, ai đắc, luống nhọc công?



                             


CÁI THẤY ĐẠO GIỮA CÁC BẬC THẦY


Người hỏi: Thưa Hoà Thượng, có một số người có cái nhìn rất phiến diện cục bộ, chỉ cần khác Tôn Giáo, khác Tín Ngưỡng mà ở gần nhau như bầu trời thiếu không khí. Vì thế, con muốn thỉnh Hòa Thượng nếu thuận duyên xin Ngài vì chúng con dạy về cái thấy Đạo của Chúa, của Lão Tử, Dịch lý, Krishnamurti, và của Osho...
Con xin được tri ân Ngài!

Thầy: Sai lầm lớn nhất của con người là cố chấp cái nhìn cục bộ của mình. Thực ra chân lý là pháp phổ biến, không dành riêng cho bất cứ ai. Mỗi người giác ngộ chân lý qua tầm nhìn của mình về chính mình và vạn pháp. Người có tầm nhìn lớn nhất là người thông suốt được tất cả tầm nhìn của nhân loại. Như đức Phật thấy được 62 tà kiến của thế gian. Đừng hiểu tà kiến là thấy sai, cái sai không phải ở thấy mà ở cố chấp cục bộ. Ví dụ như những người mù sờ voi, cho con voi là cái chân, cái bụng, cái lưng, cái ngà, cái đuôi, cái vòi, cái tai, con mắt v.v... mỗi ngườiđều đúng nhưng sai là do cố chấp vào cái nhìn cục bộ của mình mà thôi, thực ra con voi là tất cả những phần ấy không thể thiếu phần nào. Nhiều người Phật tử nghe Phật nói 62 tà kiến thì chấp rằng thường - đoạn, hữu biên - vô biên, có - không, khổ - lạc... đều sai. Phật nói 62 tà kiến vì ngoại đạo chấp một chiều mà trở thành phân biệt nhị nguyên, chỉ biết một mà không biết tất cả trong một. Phật có cái nhìn rộng lớn nên thấy nếu ráp 62 tà kiến lại trongmột cái nhìn phổ quát thì tất cả đều đúng, trong khi người Phật tử kia cứ bắt chước Phật chê tất cả đều là tà kiếnnên lại chấp vào "không" do đó không thể nào có được cái nhìn bất nhị.
Giả sử các tôn giáo khác đều thấp còn Phật giáo là tột đỉnh, thì cũng phải leo qua tôn giáo bậc 1, tôn giáo bậc 2, bậc 3... rồi mới leo lên đến tôn giáo tột đỉnh được. Có thể nói một tôn giáo tột đỉnh là tôn giáo ráp lại các tôn giáo bậc thấp mà có. Cũng như trước khi chứng quả Chánh Đẳng Giác, Phật cũng tu dưới rất nhiều hình thức đạo sĩngoại đạo khác nhau trong vô số kiếp. Đó là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi mà chủ yếu là phá đi những cố chấp cục bộ để trải nghiệm qua các chiều kích đa diện của pháp giới bao la này. Vì vậy đức Phật được gọi là bậc Minh Hạnh Túc. Sau khi giác ngộ đức Phật chỉ nói lên chân lý mà Ngài đã trải nghiệm và chứng nghiệm một cách toàn diện chứ không đưa ra chủ thuyết riêng của mình, do đó nếu nhìn kỹ chúng ta thấy Phật giáo bao gồm phần cao đẹp nhất của các tôn giáo như vô vi của Lão Tử, hữu vi của Khổng Tử, đức tin của đức Chúa Jesus v.v...
Thực ra các tông phái Phật Giáo Phát Triển về sau cũng chỉ triển khai những phương diện vốn có này trong giáo lý Nguyên Thủy của đức Phật. Các tông phái Phật Giáo Phát Triển tuy triển khai rất mạnh một phương diện nào đócủa Đạo Phật nhưng cũng vô tình cục bộ hóa giáo lý uyên nguyên phong phú và bất nhị của bậc Giác Ngộ. Một số ít phương pháp thiền phát triển từ thế kỷ 20 (tất nhiên không phải tất cả) mệnh danh là Thiền Nguyên Thủy đang thịnh hành tại các nước Phật giáo Nam Tông và trên thế giới, tuy cũng đạt được những sở đắc rất hấp dẫn nhưng xét cho cùng thì cũng chỉ phản ánh những kinh nghiệm cục bộ mà thôi.
Những người khác tôn giáo, khác tông phái, khác phương pháp tu tập ngồi lại với nhau thì gây ra tranh luận tự tán hủy tha, chính là biểu hiện tính cố chấp cục bộ của con người, và chính những người này biến tôn giáo hay tông phái vốn cũng đúng và hữu ích trong một phương diện nào đó trở thành phiến diện và cục bộ. Một người thông suốtđược tất cả những phương diện nhận thức và tu chứng cục bộ khác nhau này sẽ có một tầm nhìn khoáng đạt vô chấp và biết tôn trọng vị thế của các tôn giáo, tông phái hay pháp môn tu khác mình. Chúng ta vẫn thấy ra và phân tích những cái sai phát sinh do bảo thủ truyền thống kinh điển, cố chấp chủ thuyết hay ý thức hệ mà các tổ chức tôn giáo thêm thắt về sau để giúp mình và người khác trở về nguồn chân lý uyên nguyên bất nhị vốn sẵn có trong trời đất, chứ không thuộc quyền sở hữu của một tôn giáo nào.

                           

CHỌN LỰA TÔN GIÁO

Mỗi người có quyền chọn cho mình một tôn giáo hay tông phái phù hợp với mình, và có thể xem tôn giáo đó là hay nhất đối với mình, nhưng không nên nói tôn giáo mình hay hơn tôn giáo khác, điều đó chẳng khác nào một người theo tôn giáo khác nói tôn giáo họ hay hơn Phật giáo vậy. Ít khi chúng ta hiểu tôn giáo hay tông phái khác một cách tường tận do đó chúng ta không thấy mặt hay của họ. Không cần giải thích, cách thuyết phục con cái hiệu quả nhất là biểu hiện được vẻ chân thiện mỹ của tôn giáo mình qua chính đời sống của mình.
Mỗi tôn giáo hay tông phái đều có sở trường và sở đoản riêng, ưu điểm của mỗi tôn giáo chính là sự phù hợp hay đáp ứng căn cơ trình độ của mỗi người. Có người phù hợp với tôn giáo này nhưng không thích hợp với tôn giáo kia, do đó tưởng tôn giáo kia không bằng mình. Một người trình độ học lớp 8 đương nhiên không học lớp 7 hay lớp 9 tuy nhiên không phải chỉ có lớp 8 mới đúng còn các lớp khác đều sai. Nếu hiểu được các tôn giáo khác thì càng bổ túc cho nhận thức của mình để không hiểu một chiều hay hiểu lệch lạc về tôn giáo mình, đồng thời thông cảm với niềm tin của tôn giáo khác.

***

Thực ra trong khi giảng hay viết thầy thường nêu lên những tư tưởng tinh yếu của các tôn giáo và tông phái khác nhau cùng nói lên một lẽ thật, để khi ai thấy được lẽ thật đó thì cũng thông suốt được tư tưởng của các tôn giáo khác và mở ra một tầm nhìn đầy cảm thông và vô chấp. Như vậy chúng ta chỉ cần thấy ra lẽ thật thì tự nhiên hiểu hết tinh hoa của các tôn giáo mà không cần học hết tư tưởng tôn giáo khác. Trong kinh sách của các tôn giáo cũng có nhiều điều thêm thắt về sau nên không phải là giáo lý tinh yếu, do đó nếu học hết thì chỉ mất thì giờ thôi. Tốt nhất là con tự nghiên cứu rồi chỗ nào cần thấy góp ý thì con cứ hỏi, tiện đó thầy giải đáp luôn thì được.