THIỀN NGÔN ( Krishnamurti - Viên Minh)



Cuộc đời không phải là nguyên nhân của đau khổ, chính cái ta ảo tưởng biến cuộc đời thành bất hạnh. Cái ta ảo tưởng của mỗi người tuy khác nhau nhưng nội dung hoạt động vẫn là vô minh ---> ái dục ---> trở thành ---> sinh tử ---> khổ đau. Khi bị cái ta ảo tưởng đánh lừa thì bạn mãi đắm chìm trong sầu-bi-khổ-ưu-não, nên gọi là bến mê.
Khi không còn bị cái ta ảo tưởng mê hoặc thì phiền não khổ đau cũng chấm dứt, nên gọi là bờ giác. Ngay tại đây và bây giờ, mê là bờ này, giác là bờ kia. Vậy chỉ có mê hay giác, còn bến này bờ kia chỉ là ẩn dụ mà thôi. Do không thấy rõ ẩn dụ này nên nhiều người vẫn còn ảo tưởng đạt được Niết-bàn ở bờ bên kia, tận chân trời xa tít mù khơi nào đó! Nhưng sự thật chỉ đơn giản là hễ sống theo cái ta ảo tưởng thì ở bờ này, còn sống thuận theo pháp tánh thì ngay đó chính là bờ kia.


Viên Minh





Cuộc sống khiến mọi chúng ta đều phải đau khổ, những cô đơn, những bối rối, những lo âu, những thất bại, những chán nản, những thất vọng. Cuộc sống khiến mọi người chúng ta đều phải đau khổ, những nghèo đói, những bệnh tật, những bạo lực, những chiến tranh. Chúng ta được học hỏi nhiều điều trên thế gian này, nhưng hiếm khi nào chúng ta được học cách đối mặt với những xáo trộn và những tổn thương của cuộc đời.
Nếu bạn chỉ đơn giản là cố trốn thoát khỏi những đau đớn về tâm hồn bằng cách lạm dụng ma túy, các chất gây nghiện, giải trí, tình dục, công việc, thì những đau đớn đó vẫn luôn tồn tại, cuối cùng bạn sẽ kiệt sức vì sa vào thói nghiện ngập. Hiểu được cái tôi của chính mình, hiểu được tiến trình của những sợ hãi, những khát vọng, và những tức giận – tâm hồn bạn sẽ tự giải thoát những nỗi thống khổ này… 



Krishnamurti 

- Sự nghi hoặc giữa ngã và pháp, giữa khái niệm và thực tánh. Nếu khái niệm mạnh hơn thì ngã không thể buông được thói quen can thiệp vào pháp, còn nếu thực tánh mạnh hơn thì ngã sẽ tự buông ra và tâm không còn bị áp lực của sự đối kháng nhị nguyên nữa nên cảm thấy thoát khỏi áp lực của sự ràng buộc. Đừng quá phân biệt giữa ngã với pháp, chỉ nên thấy thực tại đang là như thế nào thì thấy như vậy thôi. Nếu không sẽ rơi vào bỏ chấp ngã lại chấp pháp. Thấy ngã như nó là, thấy pháp cũng như nó là thôi thì ngã hay pháp gì tâm cũng không chấp, không ngại. Đó chính là thái độ rỗng lặng trong sáng trước mọi hiện tượng duyên khởi của vạn pháp.

Viên Minh


Hữu sự

Nói, làm thường thận trọng
Luôn trọn vẹn chú tâm
Lắng nghe quan sát rõ
Đến đi Pháp lặng thầm.
Vô sự

Học Đạo quý vô tâm
Làm, nghĩ, nói không lầm
Sáng, trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm.

                                         Viên Minh 






"...Theo một người nào đó chẳng bao giờ dẫn tới sự 
hoàn thiện. Một bông hoa violet không thể trở thành hoa hồng, nhưng một bông violet tự nó có thể trở thành một bông hoa hoàn hảo. Vì không cảm thấy chắc chắn, nên người ta thường đi tìm sự chắc chắn bằng cách bắt chước kẻ khác. Điều này sinh ra sự sợ hãi, rồi từ đó sinh ra ảo tưởng về nơi trú ẩn và niềm an ủi mà ta có thể tìm thấy nơi người khác, cũng như nhiều ý niệm sai lầm về các pháp môn, về thiền định và việc phục tùng một lí tưởng. Tất cả điều này chỉ bộc lộ sự thiếu hiểu biết về bản thân mình, và kéo dài tình trạng vô minh. Đó chính là nguồn gốc của phiền não, nhưng thay vì nhận biết nguyên nhân của nó, bạn lại cho rằng mình có thể tự hiểu mình nhờ một kẻ khác. Cái kiểu cách đi tìm một tấm gương để noi theo chỉ dẫn đến ảo tưởng và đau khổ. Chừng nào còn chưa tự hiểu biết chính mình, thì không thể có khai ngộ..."

Krishnamurti





- Tất cả vấn đề của cuộc sống đều tùy thuộc vào độ khai mở tầm nhìn của nội tâm hay trình độ nhận thức về bản chất của những tình huống trong cuộc sống đó. Chính vì dự phóng cho cuộc sống của mình theo một tiêu chuẩn nào đó về hạnh phúc, và rồi cứ miệt mài phấn đấu cho mục tiêu đó với ước mong mọi sự sẽ diễn ra theo hướng dự phóng của mình, nên khi nó không diễn ra như mình mong muốn thì liền cảm thấy hụt hẫng và thất vọng.

- Bản ngã lấy vô minh làm nhiên liệu, lấy ái dục làm động cơ và lấy trở thành (hữu) để khởi động bánh xe luân hồi quay lăn trên đường sinh tử. Vậy chính bản ngã tự tạo ra luân hồi sinh tử với biết bao phiền não, khổ đau, thăng trầm biến đổi cho mình và người...


Viên Minh 




"Ngôn từ, câu chú, cách tự ru ngủ,
những thứ thuốc ảo tưởng ấy không phải là thiền Thiền phải được diễn ra ngoài ý chí của ta. Thiền xuất hiện trong thanh vắng của ban đêm, khi đột nhiên ta thức dậy, trí óc đang nghỉ ngơi. Thiền phải xảy ra lặng lẽ như con rắn lẫn với bụi cỏ cao xanh rì trong ánh sáng mát rượi ban mai. Thiền phải trồi lên từ bề sâu của trí óc. Thiền không phải là thành tựu. Thiền không gồm những phương pháp, những hệ thống hay luyện tập. Thiền bắt đầu khi bạn ngưng so sánh và dứt bặt cái sự trở thành với không trở thành. Như con ong rù rì trong tùm lá, cũng thế là tiếng thì thào của thiền định"


Krishnamurti


- Cuộc đời là trường thiền lớn nhất. Hoàn cảnh khổ vui là những vị thiền sư tận tâm có đủ từ bi và trí tuệ nhất, như tấm gương sáng, chỉ bày ra mặt mũi đích thực cho mình. Hãy nhìn lại mặt mũi mình trong tấm gương cuộc đời, đó chính là thiền chứ không có thiền nào khác có thể cho ta giác ngộ giải thoát.

- Tất cả vấn đề của cuộc sống đều tùy thuộc vào độ khai mở tầm nhìn của nội tâm hay trình độ nhận thức về bản chất của những tình huống trong cuộc sống đó. Chính vì dự phóng cho cuộc sống của mình theo một tiêu chuẩn nào đó về hạnh phúc, và rồi cứ miệt mài phấn đấu cho mục tiêu đó với ước mong mọi sự sẽ diễn ra theo hướng dự phóng của mình, nên khi nó không diễn ra như mình mong muốn thì liền cảm thấy hụt hẫng và thất vọng.


Viên Minh 


Một lòng dạ đầy tham vọng thì không bao giờ biết đến cái gì là cảm thông, thương xót, yêu đương. Một tâm hồn đầy tham vọng là một tâm hồn tàn nhẫn -- hoặc thuộc về tinh thần, hay là đối với ngoại cảnh, hoặc trong nội tâm. Chúng ta đã nghe nói như vậy. Nghe như vậy, cho nên ngày nay, khi nghe nói về tham vọng, chúng ta diễn dịch thành: "Làm sao mà tôi có thể sống trong cái thế giới này, cái thế giới đã được xây dựng bởi tham vọng." Như thế là bạn đã không nghe. Bạn đã trả lời ngay, bạn đã phản ứng với lời phát biểu, với sự kiện, cho nên bạn đã không nhìn rõ được chính sự kiện. Bạn chỉ diễn dịch sự kiện hoặc đề ra một ý kiến về sự kiện, hoặc đáp ứng sự kiện; cho nên bạn đã không thấy rõ sự kiện. . . .
Nếu người ta chịu lắng nghe -- chỉ lắng nghe trong cung cách không có bất cứ sự đánh giá, nhận xét, phản ứng, ý kiến nào -- khi đó chắc chắn là thực tế sẽ nẩy sinh ra năng lực để xua tan, xóa bỏ, quét sạch cái ý nghĩ về tham vọng vốn gây nên mâu thuẫn . . .


Krishnamurti 


- Hãy khám phá Chân Lý ngay trên sự thật đang diễn ra hàng ngày nơi thân tâm con và cuộc sống xung quanh, đừng quá tin vào lời người khác hay ngôn ngữ giáo điều đã bị “tam sao thất bản” như đức Phật đã dạy trong Kinh Kalama. Đừng xem phương tiện, biểu tượng là bản thân chân lý, vì chân lý tự nó vô ngôn.

- Nghiệp nhân quả vốn chẳng có nhưng một khi cái ta ảo tưởng đã khởi lên một niệm tạo tác thì nghiệp nhân quả liền được thực hiện. Giống như chiêm bao vốn không có nhưng một khi ...nằm mơ thì chiêm bao liền xuất hiện. Vậy vấn đề không phải là có giấc chiêm bao hay không mà là khi chiêm bao ...phản ứng thế nào mới cần phát hiện.


Viên Minh 



- Tam Bảo chính là ba đức sáng suốt, định tĩnh, trong lành cao cả nhất trên đời mà mỗi người phải nương tựa để hành động, nói năng, suy nghĩ cho đúng tốt, chứ Tam Bảo không phải là thần linh ban ơn giáng phước mà mình tin tưởng để cầu xin khấn vái cho những ước vọng của mình...

- Đừng quan tâm đến những sự phân biệt theo kiểu lý trí ...tất cả chỉ là ngôn ngữ và quan niệm. Tốt nhất là cứ tập thấy, nghe, xúc, biết như thực ... sẽ phát hiện ra chính tánh biết thể hiện qua thấy biết của 6 thức, nhưng vì cái ta ảo tưởng cho rằng tôi thấy, tôi nghe... tôi biết nên mới trở thành lầm lạc mà phát sinh tà kiến và tham ái. Hãy khám phá, đừng nên hình thành quan niệm, dù quan niệm xuất phát từ kinh điển nào.

Viên Minh



- Đời sống là tương quan giao hảo. Đời sống là hành động trong sự liên hệ; khi tôi không cảm thông được trong mối tương quan giao hảo, hoặc khi mối tương quan bị lộn xộn thì tôi đi tìm một mục đích cao xa hơn. Tại sao cuộc sống của chúng ta lại trống rỗng, vô nghĩa như vậy? Tại sao chúng ta lại cô đơn, chán nản như vậy? Bởi vì chúng ta chẳng bao giờ nhìn vào nội tâm chúng ta và tự hiểu chính mình. ..


- Nếu chúng ta bắt đầu hiểu thấu những hành động trong mối liện hệ của chúng ta đối với mọi người, với tài sản, với những niềm tin và tư tưởng, thì chúng ta sẽ thấy được rằng bản thân mối tương quan liên hệ trong cuộc đời sẽ mang đến phần thưởng của chính nó.

Nó cũng giống như đi tìm lòng thương yêu. Có thể nào nhờ tìm kiếm mà thấy được lòng thương yêu chăng? Lòng thương yêu không thể có được do sự nỗ lực gầy dựng. Bạn sẽ tìm ra lòng thương yêu trong mối dây giao hảo, không ở bên ngoài sự giao hảo, và cũng vì chúng ta không có lòng thương yêu nên chúng ta muốn có một mục đích cho đời sống.
Khi có lòng thương yêu, điều bản chất vốn là vĩnh cửu, thì sẽ không còn chuyện đi tìm Thượng Đế, bởi vì lòng thương yêu vốn là Thượng Đế. . .

Krishnamurti