Tâm của 1 vị A La Hán


Ngay nơi thân tâm này, hễ vướng vào hiện tượng tâm thức sinh diệt thì liền rơi vào sinh tử (Tập Đế, Khổ Đế), còn trở về với tánh biết (Ehipassiko) thì liền thấy Niết-bàn (Đạo Đế, Diệt Đế). Vì vậy Đức Phật dạy: "Này các tỳ kheo, nơi tấm thân một trượng này, thế gian tập khởi và thế gian đoạn diệt". 
Khi mê lấy nọ bỏ kia 
Tỉnh rồi mới biết chẳng lìa tánh chơn.




Kính thưa Thầy.
Trong bài giảng gần đây Thầy có lấy ví dụ Tâm như 1 vườn cây thuốc, đủ hết các loại cây độc (tham, sân, si…), không độc, cây thuốc tốt (vị tha, giải thoát, niết bàn)…Và Tánh Biết giống như 1 vị thầy thuốc, không bỏ loại cây nào cả, mà biết rõ công dụng của từng loại cây để sử dụng hợp lý tùy trường hợp. Con xin lấy ví dụ như tâm Sân cũng giống như 1 loại cây thuốc độc, khi ta thấy rõ tướng sinh diệt, công dụng, tác hại của nó rồi thì ta không còn bị nó chi phối nữa, giống như vườn cây thuốc Sân vẫn cứ lớn mà nó không ảnh hưởng tới ta nữa.
Đến đây con nảy lên 1 thắc mắc. Nếu là cây thuốc Sân thì nó vẫn cứ lớn bình thường và không chi phối được ta nữa, mà ta biết cách sử dụng nó phù hợp, còn đối với Tâm của 1 vị A La Hán thì sao ạ?

- Vị ấy không còn tâm sân
- Vị ấy còn tâm sân nhưng tâm sân không nổi lên
- Vị ấy còn tâm sân, có lúc tâm sân nổi lên, vị ấy biết rõ tâm sân nổi lên và không bị tâm sân chi phối. (thoát khỏi trói buộc của tâm Sân)
Trong Kinh Phật có nói Niết Bàn là Vô tham, vô sân, vô si… vậy vô tham, sân, si ở đây nên hiểu như thế nào ạ? Không còn hạt giống tham sân si nữa, hay là dù có tâm tham sân si khởi lên thì tánh biết rỗng lặng trong sáng chỉ thấy nó khởi thôi ạ.
Xin thầy từ bi chỉ dạy cho con ạ.
Con xin đảnh lễ Thầy ạ. Con mong thầy được khỏe mạnh trong chuyến đi hoằng pháp bên Úc này ạ.


Trả lời:


 
Chính Đức Phật đã trả lời rằng đối với một vị Alahán thì những khái niệm "còn, không còn, vừa còn vừa không, không còn không không" đều không áp dụng được. 
Tâm có hai mặt: 
Một là tướng sinh diệt biểu hiện qua duyên căn trần và phản ứng của sự kết hợp những trạng thái tâm sở sẵn có trong mỗi người. Tuỳ theo một số tâm sở kết hợp lại với nhau có tính chất nào mà gọi sự kết hợp đó là tâm bất thiện (tham, sân, si...), tâm thiện (từ, bi, hỷ, xả...), tâm vô nhân (ngũ thức...), tâm duy tác (không thiện, không bất thiện...). Đó là những trạng thái hay hiện tượng tâm tuỳ duyên sinh khởi qua 6 môn (lục nhập). 
Hai là tánh biết không sinh diệt có thể thấy được sự sinh diệt của các tướng tâm trên với thái độ rỗng lặng trong sáng, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những trạng thái tâm sinh diệt của tham sân si hay từ bi hỷ xả. 
Tánh biết vốn rỗng lặng trong sáng gọi là Vô Sư Trí, nhưng nhờ thấy ra tánh tướng thể dụng của các loại tâm nhân duyên sinh diệt mà phát huy Hậu Đắc Trí. Vì vậy tánh biết không bỏ điều gì mà chỉ hoàn thành sự thấy biết toàn diện của mình thôi. Ví dụ không phải diệt sân mà thấy rõ trạng thái sân với tánh biết không sân (xem phần niệm tâm trong kinh Tứ Niêm Xứ). 
Vậy không tham sân si của tâm Alahán, hay Niết-bàn chính là trở về với tánh biết vốn rỗng lặng trong sáng và không sinh diệt, chứ không phải diệt đi mọi trạng thái tâm. Đức Phật dạy trong Tiểu Bộ Kinh: "Này các Tỳ kheo, quả thật có cái không sinh, không hữu, không tác, không thành. Vì sao vậy? Vì nếu không có cái không sinh, không hữu, không tác, không, thành thì sự thoát khỏi sinh, hữu, tác thành không thể thực hiện được". Đó chính là tánh biết hay tánh giác không sinh diệt có thể thấy mọi hiện tượng tâm (bất thiện, thiện, vô nhân, duy tác) luôn sinh diệt mà hoàn toàn không bị chi phối. Ngay nơi thân tâm này, hễ vướng vào hiện tượng tâm thức sinh diệt thì liền rơi vào sinh tử (Tập Đế, Khổ Đế), còn trở về với tánh biết (Ehipassiko) thì liền thấy Niết-bàn (Đạo Đế, Diệt Đế). Vì vậy Đức Phật dạy: "Này các tỳ kheo, nơi tấm thân một trượng này, thế gian tập khởi và thế gian đoạn diệt". 
Khi mê lấy nọ bỏ kia 
Tỉnh rồi mới biết chẳng lìa tánh chơn.


Hỏi đáp: Trung Tâm Hộ Tông