Cảnh đẹp thiên nhiên trên thế giới và Thiền Ngôn (2)

 - Trình độ căn cơ không tính bằng kiến thức kinh điển mà bằng sự thâm nhập Pháp vị ngay nơi thực tại hiện tiền. 
Có 3 căn cơ học Đạo: 
Bậc thượng nghe thẳng "Pháp" nên có thể vào ngay, 
bậc trung nghe qua "lời" nên nhớ trước quên sau, 
bậc hạ nghe qua "tưởng" đã định sẵn từ kiến thức vay mượn ...

VIÊN MINH




- Ai tìm kiếm chân lý bằng phương tiện của trí thức và kiến thức thì chỉ càng ngày càng xa chân lý cho tới khi ý nghĩ của y ngưng mọi phân rẽ vào nơi này chốn nọ, cho tới khi y buông bỏ mọi ý nghĩ tìm kiếm cái này cái kia, cho tới khi tâm trí y im lìm bất động như gỗ đá, lúc ấy, y đang ở đúng trên đường tới Cửa Ðạo.

- Hãy quan sát mọi sự đúng như chúng là chúng và đừng chú ý tới người khác.

HOÀNG PHỐ



-  Thiền là sống thuận theo chân lý chứ không phải bắt chân lý thuận theo mình. Chân lý tự vận hành theo nguyên lý của nó vì vậy không thể áp đặt nó vào một phương pháp hay một khuôn đúc nào được chế định bởi lý trí và kinh nghiệm của con người. 

- Bất kỳ pháp nào giúp bạn đoạn giảm tham sân si, phát huy giới định tuệ để giác ngộ chính mình và bản chất chất cuộc sống thì bạn đều theo được vì đó là chân lý. Chân lý ở khắp mọi nơi, không lệ thuộc vào tông môn hệ phái nào cả. Một khi đã bị ràng buộc trong quy định của một tông môn thì vô tình chấp nhận luôn cả cái sai của tông môn ấy.
Nên nhớ rằng còn chấp vào tông môn tức chưa thấy pháp. Trong thời đức Phật còn tại thế không hề có tông môn vì Ngài chỉ thẳng chân lý cho những ai hữu duyên có thể chứng ngộ, nhưng về sau mỗi tông môn đều có tông chỉ, chủ trương, phương pháp riêng làm chia cắt manh mún một đạo Phật vốn lấy pháp tánh làm đối tượng giác ngộ của tánh giác sẵn có nơi mỗi người, không cần qua tông môn hệ phái nào cả. Tuy nhiên vì tông môn nào cũng có cái đúng cái sai nên tốt nhất cái gì đúng thì theo đó mà tu học, cái gì sai thì không theo là được. Điều này chính đức Phật đã dạy trong kinh Kalama.

VIÊN MINH


- Không có gì ở ngoài để tìm, không có gì ở trong để đạt. Chi bằng nên nghe lời tôi, hãy nghỉ ngơi đi và thực tập làm một người vô sự. Làm được như thế còn có giá trị hơn mười năm đi tìm học đạo. ̶̶

- Nếu bạn hiểu rằng, tận căn bản, chẳng có gì để tìm kiếm, thì bạn đã giải quyết được công chuyện của mình.

- Khi bạn gặp một kiếm sư,
hãy cho y thấy thanh kiếm của bạn.
Khi bạn gặp người không phải là thi sĩ,
đừng cho y thấy bài thơ của bạn.

LÂM TẾ


- Cốt tủy của Đạo rất đơn giản, chẳng cần phải giải thích dông dài: Vất bỏ yêu ghét, thản nhiên trước mọi chuyện xẩy ra. Đừng cố gắng trở thành cái gì. Đừng nhẩy vào bất cứ chuyện gì. Cũng đừng là một thiền sinh. Đừng mong giác ngộ. Lúc ngồi thì hãy ngồi. Khi đi thì hãy đi. Chẳng nắm giữ gì mà cũng không chống đối gì cả. Dính mắc vào hạnh phúc và đau khổ, tốt và xấu thì không thể đi trên Trung Đạo, không thể trở thành người trí, không thể giải thoát. Hãy để mọi sự tự nhiên đang là.

- Phật Pháp là thấy biết như thị vạn sự vạn vật như nó đang là ,không riêng của ai; Phật Pháp không có sở hữu chủ. Phật Pháp chân không thuần tịnh ngay trong thế giới hiện khởi, nhưng đứng riêng độc lập một mình như sự thật muôn đời. Phật Pháp luôn luôn có mặt nơi đây, không dời đổi, không biên cương, dành sẵn cho mọi người muốn tìm về với nó. Phật Pháp ẩn tàng ngay trong mọi vật. Khi tìm kiếm Phật Pháp, chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm quá xa, chúng ta hướng quá độ, với quá xa ra bên ngoài nên bỏ qua phần cốt tủy.

AJAHN CHAH









- Giác ngộ chỉ như một trò chơi trốn tìm gay cấn giữa bản ngã và tánh biết thôi. Trò chơi có gay cấn mới hứng thú chứ, phải không? Bản ngã tình nguyện làm người thoắt ẩn thoắt hiện để tánh biết đi tìm. Túm được bản ngã thì kết thúc trò chơi, và đó chính là giác ngộ. Pháp bày ra trận đồ kỳ lạ này thật là thú vị và hữu ích, phải không? Không biết chơi thì không bao giờ giác ngộ đấy!

-Trong trò chơi trốn tìm này, lúc đầu tánh biết sai mắt tai mũi lưỡi thân ý đi tìm nó, nhưng nó lại biến thành cái biết của chính mắt tai mũi lưỡi thân ý nên 5 thức đầu vô tình biến thành công cụ của nó, còn ý thức thì cứ mãi tìm kiếm đối tượng ở bên ngoài nên không biết chính mình đã bị biến thành cái ngã hồi nào không hay, do đó càng hướng ngoại truy tìm càng làm theo ý đồ của nó. Khi ý thức đã trở thành cái ngã thì nó tự cho mình là TA còn 6 thức và 6 trần là CỦA TA, và nó bắt đầu chuyển qua một hướng khác tinh tế hơn là không tìm bản ngã nữa mà đi tìm TỰ NGÃ lý tưởng dưới những danh nghĩa cao đẹp nhất như tu luyện để đạt thành những sở đắc như Đạo, Quả, Niết-bàn. Đó là một cuộc đảo chính rất ngoạn mục của bản ngã, từ đó nó lên ngôi để thực hiện giấc mộng trở thành ĐẠI NGÃ. Cũng may là trong khi 6 thức đi tìm bản ngã rồi bị biến thành bản ngã thì tánh biết đều âm thầm phát hiện được. Nhưng bấy giờ bản ngã lại càng tinh vi hơn chứ không chịu đầu hàng, nó nhảy vào tánh biết và tự nhận đó là TỰ NGÃ CỦA TA, nó bám vào BẢN TÂM, TỰ TÍNH, NIẾT-BÀN, THƯỢNG ĐẾ, PHÁP TÍNH... là TỰ NGÃ, với một Đức Tin khẳng định kiên cố như là thành trì cuối cùng bất khả xâm phạm của nó. Nhưng rồi tánh biết cũng phát hiện luôn cả chiêu thức cuối cùng bí ẩn này của nó để kết thúc trò chơi giác ngộ giải thoát một cách hoan hảo "Đến Bở Kia" và được gọi là Đại Ngộ!

VIÊN MINH


 Thiền sư hỏi:
- Ai trói ngươi? 
Kẻ muốn được giải thoát đáp: 
- Chẳng ai cả 
Thiền sư bèn nói: 
- Vậy tại sao ngươi tìm kiếm giải thoát? 

THIỀN THOẠI 


Thiền sinh: Tôi có thể đi vào Thiền ở nơi nào? 
Huyền Sa: Ngươi có nghe tiếng suối đang róc rách không? 
Thiền sinh: Thưa tôi có nghe. 
Huyền Sa: Vậy hãy đi vào đó. 

Thiền sư Huyền Sa (835-908)

Người ít ước mốn nhất thì gần thần linh nhất. 

SOCRATES




Khi bơi cá cứ bơi mà không hết nước,
Khi bay chim cứ bay mà không hết trời.
Cá không bao giờ bị văng khỏi nước,
Chim không bao giờ bị lọt khỏi trời.
Khi chỉ cần chút nước chút trời, chúng dùng ít lại
Khi cần nhiều nước nhiều trời chúng dùng nhiều hơn.
Và chúng tận dụng từng khoảnh khắc
Và dù nhiều dù ít, chúng vẫn được hoàn toàn tự do. 


ÐẠO NGUYÊN

Nếu bạn không tìm được chân lý ngay chỗ bạn ở thì đừng trông mong sẽ tìm ra nó ở nơi nào khác. 


ÐẠO NGUYÊN



 Cuộc sống độc nhất này không có hình thức và nó được trống rỗng bởi bản tính tự nhiên.
Nếu bạn bị ràng buộc bởi bất cứ hình thức nào, bạn nên từ khước nó


BỒ ÐỀ ÐẠT MA 

Trong thực tại, không có gì được sinh ra, 
do đó không có gì bị hủy diệt. 

BỒ ÐỀ ÐẠT MA 








- Hoàn cảnh chỉ là duyên, không phải là nguyên nhân của hạnh phúc hay đau khổ. Thái độ mới là nguyên nhân chính của phẩm chất đời sống mỗi người, vì vậy con biết trở về soi sáng chính mình là thái độ sáng suốt, nghiêm túc và đúng đạo.
Trong cuộc sống chủ yếu là thái độ nhận thức trong ứng xử. Thành bại, được mất, hơn thua... không phải là trọng tâm của đời sống, thái độ hành động mới quyết định sự khổ đau hay an lạc. Mất cái này được cái khác, được cái nọ mất cái kia, nên trong phúc có họa, trong họa có phúc khó mà lường được.

- Tùy duyên thuận pháp có nghĩa là dù hoàn cảnh nào cũng luôn sống đúng tốt. Sống đúng tốt thì giảm bớt ác pháp làm hại mình hại người, đồng thời tăng trưởng thiện pháp làm lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha. Và sống như vậy dù có thiệt thòi thì thân tâm vẫn an lạc. Do đó Chúa nói "Kẻ nào chịu thiệt thòi trên thế gian này thì được ưu tiên trên nưóc Thiên Đàng".
Nước Thiên Đàng đây chính là sự an lạc thuận pháp vậy.


VIÊN MINH



Bận tâm vào Đạo cũng sai, không quan tâm vào Đạo cũng sai, chỉ như thế nào thấy rõ như vậy là được.

- "Đặt ra mục tiêu cố gắng phấn đấu vui từng ngày..." là có ý đồ rồi. Đừng đặt ra mục tiêu nào cả, chỉ sống trọn vẹn sáng suốt trong pháp đang là dù vui hay khổ, thuận hay nghịch. Tất cả thực tại đều mầu nhiệm, do đó con chỉ cần sống trải nghiệm, chiêm quan từng phút giây hiện tại thì ngay đây mọi thứ đều viên mãn.

- Tánh biết có thể "biết" được hoạt động của thân tâm ngay cả khi thân đang ngủ và tâm đang ở trong trạng thái vô thức. Cứ sống tùy duyên thuận pháp thì sẽ khám phá những đức tính kỳ diệu của tánh biết.

VIÊN MINH