Cuối cùng thì ai cũng giác ngộ thành Phật

...Tất cả chúng sanh đều phải trải nghiệm cuộc sống để thấy ra sự thật một cách bình đẳng. Thông suốt tất cả thực tánh pháp chính là giác ngộ thành Phật...

...Người ta thường hiểu lầm quả vị A-la-hán để dành cho Thanh Văn. Thật ra tuy nói Phật Thanh Văn, Phật Độc Giác và Phật Toàn Giác là nói theo dụng hạnh, chứ cả ba đều cùng là A-la- hán, cùng là Phật.
Ví như cùng tốt nghiệp bác sĩ nhưng người thì đi dạy y khoa, người thì đi chữa bệnh, người lại làm phòng thí nghiệm v.v., công dụng khác nhau nhưng cũng là bác sĩ...




...Người giác ngộ ví như mặt trời. Mặt trời thì chiếu sáng, đấy là chức năng tự nhiên của mặt trời.Những vị đã giác ngộ giúp khai ngộ cho người khác là điều tự nhiên, là chuyện đương nhiên.
Như vậy, ai tu hành đúng đắn theo đạo giác ngộ thì cũng đều là Bồ tát cả.
( Có người hỏi: )
- Người ta thường nói tu Thanh Văn khác, tu Bồ tát khác, chúng ta nên hiểu ra sao?
- Thật ra hồi nãy chúng ta đã nói rồi. Người nào đang tu đúng theo giáo Pháp của Đức Phật đều là Thanh Văn cả, và vì họ đang theo con đường giác ngộ nên cũng đều là Bồ tát cả. Nhưng Bồ tát có ba bậc: Bồ tát hạnh Thanh Văn, Bồ tát hạnh Đôc Giác và Bồ tát hạnh Toàn Giác. Cả ba bậc đều cùng tu ba-la-mật, đều giác ngộ giải thoát như nhau, đều có thể tướng dụng hoàn hảo, nhưng bậc thanh văn chủ về thể, bậc độc giác chủ về tướng, bậc toàn giác chủ về dụng. Như vậy nói ba bậc là nói theo dụng hạnh nhưng cùng một thể giải thoát đó là vô sanh. Vô sanh là bổn lai thanh tịnh, là ân đức A-la-hán của Chư Phật.
Người ta thường hiểu lầm quả vị A-la-hán để dành cho Thanh Văn. Thật ra tuy nói Phật Thanh Văn, Phật Độc Giác và Phật Toàn Giác là nói theo dụng hạnh, chứ cả ba đều cùng là A-la- hán, cùng là Phật.
Ví như cùng tốt nghiệp bác sĩ nhưng người thì đi dạy y khoa, người thì đi chữa bệnh, người lại làm phòng thí nghiệm v.v., công dụng khác nhau nhưng cũng là bác sĩ.
- Xin hỏi vì sao thầy lại nói ai giác ngộ cũng đều là Thanh Văn cả?
- Đúng vậy. Ví như một ông bác sĩ đang dạy học thì gọi là giáo sư, còn những người học y khoa đang tốt nghiệp thì gọi là sinh viên bác sĩ. Sự thật ai cũng là bác sĩ cả mà một bên là bác sĩ thầy một bên là bác sĩ trò vậy thôi. Và ông bác sĩ giáo sư cũng đã từng là bác sĩ sinh viên chứ đâu phải tự nhiên mà có. Bác sĩ giáo sư ví như Phật Toàn Giác, bác sĩ sinh viên ví như Phật Thanh Văn. Người giác ngộ nhờ được người khác khai thị thì gọi là thanh văn giác. Chúng ta đều là những người đang học Phật Pháp, nhờ Phật Pháp khai ngộ, nhờ chư thầy tổ khải thị thì xấu hổ gì mà không dám nhận mình là thanh văn.
Các vị có đọc bài kinh Sambudhe (chư Phật Toàn Giác) không? Trong bài kinh có khẳng định rằng, bậc Toàn Giác hạnh trí tuệ như Đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta, đã từng nghe pháp của 512.000 vị Toàn Giác quá khứ và cuối cùng được 28 vị toàn giác thọ ký từ Phật Nhiên Đăng cho đến Phật Ca Diếp. Như vậy Phật Toàn Giác cũng đã từng nghe pháp(sāvaka) nghĩa là Thanh Văn. Bậc Toàn Giác có hạnh tinh tấn và đức tin lại còn học đạo kiểu Thanh Văn nhiều hơn gấp đôi gấp ba lần như vậy nữa.
Vậy đừng chấp danh từ, chúng ta không thể hiểu nổi mật hạnh Bồ tát làm Thanh Văn và Thanh Văn làm Phật đâu...

Thầy Viên Minh
Trích: Thực tại hiện tiền



Hỏi: Thưa Thầy. Con có nghe băng giảng khoá 8 của Thầy giảng có nghe Thầy nói: Đức Phật cũng trải qua bao nhiêu tăng kỳ kiếp rồi mới thành Phât, như vậy con hiểu là: cuối cùng thì ai cũng giác ngộ thành Phật có đúng không Thầy? Kính mong Thầy giải nghĩa cho con, con cảm ơn Thầy.

Trả lời: 
Đúng vậy con. Tất cả chúng sanh đều phải trải nghiệm cuộc sống để thấy ra sự thật một cách bình đẳng. Thông suốt tất cả thực tánh pháp chính là giác ngộ thành Phật.

Hỏi: Con cảm ơn Thầy đã trả lời câu hỏi ngày 8/12 về vấn đế "cuối cùng rồi ai cũng giác ngộ thành Phật", đây là câu hỏi của con trai con năm nay cháu 13 tuổi do cháu không dám hỏi mà nhờ Mẹ hỏi. Khi đọc được câu trả lời của Thầy thì 2 mẹ con vui vì Thầy trả lời trùng với ý nghĩ của 2 mẹ con con. Nhưng chồng của con thì lại có ý nghĩ khác.
Anh ấy nói: "khi mình an nhiên trong hiện tại không vướng mắc, ràng buộc gì thì mình đã là Phật rồi, không phải mong cầu trở thành Phật nữa và nếu còn mong muốn thành Phật thì lại là tạo tác để trở thành trong tương lai."
Con nghe xong thấy cũng có lý.
Xin Thầy giúp con hiểu rõ hơn. Con cảm ơn Thầy!


Trả lời: Về bản chất của tánh biết, tức căn bản trí thì chỉ cần an nhiên, không ràng buộc là liền ngộ được tự tánh theo nghĩa "kiến tánh thành Phật" của Thiền Tông. Điều này cũng đúng, nhưng đó chỉ mới ngộ tánh, thành Phật không phải chỉ có căn bản trí mà còn hậu đắc trí (hay nhất thiết trí), tức phải trải nghiệm để thông suốt tướng dụng của pháp đồng thời vượt qua nhiều trở ngại thử thách mới thành tựu được. Đây không phải là tạo tác để trở thành mà chính là buông những tập khí còn ngủ ngầm mới có thể hoàn toàn tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha được. Vì vậy mà thiền mới nói: "Lý đốn ngộ, sự tiệm tu" nghĩa là ngộ tánh rồi mới khởi tu tướng dụng.
Tóm lại, trước hết cần an nhiên tự tại, trở về với tánh biết (ngộ tánh hay kiến tánh thành Phật) rồi từ đó tánh biết sẽ khám phá tướng dụng của pháp mà hoàn thành nhất thiết trí nên gọi là Toàn Giác Phật.

Theo: http://www.trungtamhotong.org/