Bước vô thấy Phật

 Biết trở về với sự tĩnh lặng và trong sáng, để thấy được những ham muốn, sợ hãi và mong cầu của chính mình. Nhiều khi những khó khăn trong cuộc sống cũng chưa đòi hỏi ta cần phải vội làm một cái gì đó, mà là ta có thật sự thấy rõ được chúng không.  












Cuộc sống ngày nay, không biết chúng ta còn có khả năng tiếp xúc với thế giới chung quanh mình một cách chân thật không bạn hả?
Nhiều năm trước, có một nhà văn tên Bill McKibben viết một quyển sách với tựa đề là "The Age of Missing Informations. Chúng ta thường gọi kỷ nguyên này là kỷ nguyên của thông tin, the age of informations, nhưng đối với McKibben thì ngược lại, ông cho rằng chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của sự thiếu hụt thông tin.
    Vào thập niên 90, ông McKibben có tự làm một thí nghiệm khá thú vị như sau. Ông nhờ những người quen thâu lại hết tất cả những chương trình trên ti-vi trong vòng 24 tiếng đồng hồ, từ những đài tin tức như CNN, nhạc MTV, phim bộ, chương trình quảng cáo thương mại, cho đến các phóng sự tài liệu, giáo dục, nghiên cứu khoa học...  Rồi ông bỏ ra cả tháng trời để xem hết những chương trình đã được thâu lại trong trọn một ngày đó.
    Và rồi ông đi vào núi rừng hoang vắng, như văn hào Thoureau, sống một mình giữa thiên nhiên, trong 24 giờ.
    Ông so sánh giữa 24 giờ bỏ ra xem tất cả những chương trình trên TV, và một ngày sống một mình giữa thiên nhiên, xem cái nào mang lại cho chúng ta nhiều hiểu biết hơn, có nhiều tin tức giá trị hơn!
Đừng làm lu mờ thực tại
Theo nhận xét và khám phá của ông, thì những phương tiện truyền thông đã tách rời chúng ta ra khá xa với tuệ giác của sự sống. Xã hội ngày nay nhồi vào chúng ta những ý niệm thế nào là tiện nghi, là đầy đủ và hạnh phúc.  Và những khái niệm về cái đẹp, sự tốt lành, được mang đến qua các phương tiện truyền thông, chúng cũng không còn là tự nhiên nữa! 
    Những kiến thức ấy muốn chúng ta tin rằng hễ càng nhiều thì càng tốt, và càng nhanh thì càng hiệu quả!  Chả trách gì mà ngày nay chúng ta bận rộn và có nhiều lo toan quá! Làm sao mà chúng ta còn có thì giờ để ngồi ngắm nhìn một rừng lá thu đổi màu, hay có không gian để sống với một quyển sách vài trăm trang, thưởng thức một bài trường ca, ngồi bên tách cà phê nóng, hoặc đi dạo với người thân...
    Thay vì lắng nghe những tuệ giác của thiên nhiên, của sự sống đang có mặt, tiếng nói từ những dòng sông rộng, những cánh đồng mênh mông gió, các ngọn núi hùng vĩ...  chúng ta chỉ biết tin và dựa vào những kiến thức trên màn ảnh nhỏ của ti-vi hay chiếc laptop.
Từ sự sống chung quanh
Ông McKibben chia sẻ rằng, chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ những gì có mặt sẵn trong ta, cũng như trực tiếp từ sự sống chung quanh mình.  Chỉ cần mình biết đơn giản chú tâm hơn để thấy được những gì đang thật sự có mặt.
Chúng là tiếng nói rất khẽ của những cánh đồng xanh chạy dài, của một đại dương bao la xanh biếc, của bầu trời mênh mông, của chiếc lá rơi thật nhẹ nhàng, của những hạt cát trong sa mạc nóng cháy... nếu chúng ta biết lắng nghe.  Nằm trong chiếc lều nhỏ dưới cơn mưa lạnh, ông thấy chung quanh có những thực tại, sự sống khác vô cùng kỳ diệu, mà chúng ta không hề để ý đến.
    Ông kể lại một cảm giác sống rất thật, khi bước xuống bơi trong dòng suối trong với làn nước mát lạnh trên da thịt, cảm giác đất bùn xuyên qua giữa những ngón chân, những lúc đứng im nhìn một con chim lớn bay giữa thinh không, hoặc quan sát những con côn trùng trong chiếc lều nhỏ. Ông học được rất nhiều từ cái lạnh ướt át của một cơn mưa buổi sáng, cái nắng nóng hực của buổi xế trưa.
    Ông khám phá rằng tuệ giác không thể nào chuyển tải được qua dây cáp ti-vi, mà phải bằng một kinh nghiệm trực tiếp với sự sống chung quanh mình.
Chiếc lá chín cũng cần ngày tháng
Tôi nhớ đến bài kinh "Người Biết Sống Một Mình." Thật ra sống một mình đâu có nghĩa là ta cần phải lánh xa cuộc đời, trốn vào rừng sâu, mà tôi nghĩ có nghĩa là ta biết sống với trọn vẹn thân tâm của mình trong mọi hoàn cảnh.
    Biết trở về với sự tĩnh lặng và trong sáng, để thấy được những ham muốn, sợ hãi và mong cầu của chính mình. Nhiều khi những khó khăn trong cuộc sống cũng chưa đòi hỏi ta cần phải vội làm một cái gì đó, mà là ta có thật sự thấy rõ được chúng không.     
     Một cuộc chiến xảy ra cũng đã phát khởi từ bao thập niên trước, có khi là đã qua nhiều thế kỷ, một cuộc bất hòa hay đổ vỡ cũng bắt nguồn từ bao nhiêu năm tháng. Nhưng chúng ta chỉ nghe biết đến chúng qua những mẩu tin cô đọng đôi ba phút trên ti-vi, bằng vài lời nói trong một cơn giận, hay trong một vài giọt nước mắt khô nhanh…
    Tôi nghĩ, tuệ giác không thể phát sinh được từ sự nhanh chóng và vội vã, mà là nhờ chiều sâu của thời gian và bằng sự tiếp xúc. Ta cũng không cần phải thu thập và tìm cầu gì thêm nữa ở bên ngoài mới có thể hiểu. Đôi khi thay vì mở mắt ra tìm kiếm, ta nên buông thả và nhắm mắt lại để có thể nhìn thấy sự vật cho được rõ ràng hơn.
Bước vô thấy Phật
Mùa Thu trở về đây với những ngày lạnh và buổi sáng sương mù, với màu nắng vẫn còn ở lại trên chòm cây sau khi mặt trời đã khuất. Tia nắng xuyên qua cành lá trên cao rót xuống mặt đất thành những đóm nắng lung linh. 
    
Sáng nay trên con đường đầy lá, tôi chợt thấy có một vật gì lấp lánh trên mặt đất, như một mảnh thuỷ tinh. Bước đến gần, thì đó là một chiếc lá màu đỏ thật đẹp. Trên tờ lá những hạt sương đọng thành một vũng nước nhỏ, có một tia nắng lấp lánh vụn vỡ phản chiếu trông như những mảnh pha lê.
    Có lẽ nhờ chiếc lá ấy biết mở ra tiếp nhận những giọt sương mai, và luôn cả những sợi nắng của cuộc đời này, mà nó đẹp. Có lẽ nếu như trong cuộc sống, ta biết buông bớt đi những sự tìm cầu không cần thiết, mà tâm mình cũng được trở lại trong sáng tự nhiên hơn…
    Sáng nay trời thật lạnh nên những tia nắng trên con đường nhỏ lên núi lại càng thêm thấy ấm. Trong cái thấy thì mình đâu cần dùng thêm đến những thông tin hay chữ lời nào nữa làm gì bạn hả! Tôi nhớ đến mấy câu thơ của thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Bước ra thấy núi tọa thiền
Bước vô thấy Phật an nhiên mỉm cười
Trong ngoài chẳng thấy chữ lời
Mình còn ham viết bụi rơi cửa sài

Nguyễn Duy Nhiên