Chính cuộc đời là môi trường tốt nhất cho sự giác ngộ giải thoát ("Everyone has the right to freedom of thought...")


Bất cứ ai, dù có Tôn giáo hay không theo chủ thuyết nào, mà biết trở về trải nghiệm, chiêm nghiệm và thấy ra thực tại như nó đang là ngay nơi thân tâm và cuộc sống này thì người ấy vẫn có thể giác ngộ Chân Lý, đơn giản chỉ vì Chân Lý ở khắp mọi nơi. Không phải Tôn giáo hay chủ thuyết nào mà chính cuộc đời là môi trường tốt nhất cho sự giác ngộ giải thoát.




Kính thưa  Thầy,
Trong gia đình con chỉ có một mình con xuất gia tu theo Phật, còn có một người chị tu theo đạo Thiên Chúa bên chồng, chị ấy rất ngoan đạo, đôi khi gia đình nói chị hơi cuồng tín nữa. Nhưng con sống với chị rất thoải mái.
Trước đây, đứa con gái của con thương một người Áo, cậu ấy về thưa với Ba Mẹ (Đạo Thiên Chúa) rằng, cậu thương một cô gái Việt Nam, mà cô ấy không thích vào Đạo Thiên Chúa! Ông bà thật cởi mở, vui vẻ gặp con gái con và nói rằng, chỉ cần hai đứa thương nhau và sống tốt là được. Rồi theo thời gian, theo quan điểm của giới trẻ bây giờ, chú rể tự ý ra khỏi Đạo, khi hai vợ chồng có hai con trai, cũng không ai đòi hỏi chúng rửa tội cả. Người Tây Phương thường sống cởi mở trong tự do tín ngưỡng như vậy.
Duy chỉ có chị con (dì của cháu) là trách móc đủ thứ! Con chỉ khuyên con gái, hãy kiên nhẫn lắng nghe và im lặng, tuyệt đối không nên cãi lại. Và đến hôm nay, tất cả đều đã tốt đẹp. Từ từ, con thường kể cho chị nghe về cái thấy rộng thoáng của Thầy, đọc cho chị nghe những “lá thư Thầy”, chị vui và mang cả cuốn sách ấy về để đọc và muốn một ngày nào đó, con có đi chùa Bửu Long thì cho chị đi với để mong được gặp Thầy. Khi nào đủ duyên, con sẽ xin đưa chị ấy đến thăm Thầy.
Những người quen thường cứ hỏi, tại sao không bảo hai đứa con gái và con trai của con quy y?
Con chỉ cười và im lặng. Vì tất cả tùy duyên, hai cháu đã trưởng thành, có thể tự quyết định được. Hai cháu sinh ở Đức, sống ở Đức và Áo mà vẫn thường về Việt Nam thăm Mẹ, dành cả thời gian ở chùa để thực tập chánh niệm. Đạo đức ở nơi tâm, ở cách sống chứ đâu ở nơi hình thức lễ nghi Thầy nhỉ?
Con đã và đang thực tập những lời chỉ dạy, dù là của Sư Ông Làng Mai, Sư Ông Trúc Lâm hay của Thầy, khi con cảm nhận được những lời dạy này đang chỉ bày Sự Thật, giúp con thực sự thấy ra thực tại đang là, sống “tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha”,… mở được những trói buộc, không phiền não, cuộc sống ngày càng đơn giản, nhẹ nhàng. Tự con biết mình đang đi đúng hướng của Phật dạy.
Ngày xưa 30 năm trời xa quên hương, một mình với hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp… có nhiều nơi như ở Áo hoàn toàn không có chùa, con vẫn thường vào nhà thờ ngồi yên lặng một mình để tìm sự bình an nơi chính mình, khi môi trường chung quanh thực sự thanh bình. Vì vậy con rất biết ơn nhà thờ và tất cả những gì con trải nghiệm qua trong cuộc sống ở châu Âu, nhờ vậy mà con thấu hiểu sâu sắt lời Thầy giảng, nhờ Khổ mới trải nghiệm Sự Thực để giác ngộ và thế nào là xuất gia hợp cách. Bây giờ con luôn tri ân tất cả, nhất là pháp đã vận hành tuyệt vời để con được như hôm nay.
Tu là điều chỉnh, chuyển hóa chính mình trong sự tương giao với vũ trụ vạn vật. Những ngôn từ này con được nghe và học từ Thầy giảng giải, thật dễ hiểu và rõ ràng, thích thật!
Con kính chúc Thầy sức khỏe.
Con, Bất Nhị.


Bất Nhị con,
Chân Lý không thuộc về ai, không phải là sở hữu của Tôn giáo hoặc Tông môn, Hệ phái nào, cũng không thuộc hệ tư tưởng triết học hoặc chủ thuyết chính trị nào. Chân Lý ở khắp mọi nơi, là kho báu chung của mọi người, vấn đề ở chỗ ai thấy được hay không mà thôi. Giống như không khí là của chung cho mọi người, ai biết rõ nguyên lý hít thở thì được lợi ích, ai không biết thì tự hại mình, chứ không khí không thuộc độc quyền của ai cả.  Đặc biệt Chân Lý đã sẵn có ở mỗi người, nói cách khác chính mỗi người đã là Chân Lý, nên đức Phật dạy chỉ cần trở lại mà thấy (ehipassiko), ngay nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là (opanayiko), thì liền nhận ra (sanditthiko), và tự mình chứng ngộ (paccattam veditabbo) không qua thời gian (akàliko) do bất kỳ ai quy định.
Càng nhiều quan niệm triết học, càng lắm giáo điều tôn giáo, càng nhiều phương pháp để thủ đắc, càng thiên chấp phân biệt thị-phi, nhân-ngã thì càng “nhiều bụi trong mắt” nên càng khó thấy Sự Thật. Ai “ít bụi trong mắt”, tâm rỗng lặng trong sáng, hồn nhiên nhìn mọi pháp như nó là thì ngay đó thấy ra Chân Lý. Chính đức Phật cũng tuyên bố rằng: “Dù Như Lai ra đời hay không ra đời Pháp vẫn vậy”. Pháp chính là Bốn Sự Thật Vi Diệu - là nhân duyên sinh và diệt - mà ai thấy ra đều giác ngộ giải thoát. Đức Phật không sáng tác hay chế định ra Bốn Sự Thật mà Ngài chỉ phát hiện ra Chân Lý ấy hiển nhiên sẵn có giữa cuộc đời. Do đó Chân Lý này không dành riêng cho những người theo Phật mà là Sự Thật phổ biến cho tất cả mọi người, hay nói rộng hơn cho tất cả chúng sanh.
Không phải người Châu Á hay Châu Âu phóng khoáng hơn trong tự do tín ngưỡng, mà do trình độ văn hóa giáo dục của phần đông người dân trong các châu lục ấy. Do trình độ văn hóa thấp nên những người mê tín thường cố chấp Tôn giáo, Hệ phái hoặc Tông môn của mình. Người trí chỉ biết điều gì đúng là đúng với Sự Thật, điều gì sai là sai với Sự Thật, chứ không tự cho Tôn giáo mình đúng, Tôn giáo khác sai một cách chung chung được. Chính đức Phật cũng xác nhận điều này trong Kinh Kalama rằng chỉ nên tin điều gì đúng với Sự Thật, đem lại lợi lạc thiết thực, nhất là giác ngộ giải thoát thôi chứ không chỉ tin theo giáo điều của bất kỳ truyền thống một chiều nào.
Tất cả những lời dạy của các bậc Giác Ngộ đều bị phân chia manh mún do các Tôn giáo, Tông môn, Hệ phái về sau cải biên, luận giải, hệ thống hóa thành nhiều chủ thuyết mang tính giáo điều, rồi hình thành nhiều tổ chức có “thương hiệu” khác nhau để mượn danh các Ngài mà thu hút tín đồ, bành trướng bản ngã Tông môn, nên không còn nguyên vẹn Chân Lý đơn thuần, giản dị mà các bậc Giác Ngộ khai thị ban đầu. Thực ra, lúc đầu các bậc Giác Ngộ khai thị Chân Lý bằng cách chỉ thẳng Sự Thật cho những ai đủ duyên “ít bụi trong mắt” có thể thấy ngay nơi chính họ, đôi lúc họ giác ngộ không cần qua ngôn từ, ngữ nghĩa nào. Trong khi các bậc Giác Ngộ chỉ thẳng Sự Thật, thì người sau biến thành hai khuynh hướng rất rõ rệt, đó là hướng lý luận triết học và hướng tín ngưỡng tôn giáo.
Các bộ Luận, Giải đã được viết ra biến Chân Lý thành nhiều trường phái triết học hoặc thần học, và người ta say mê “tầm chương trích cú” tư tưởng của các luận sư hơn là nhìn thấy Sự Thật muôn đời tự nhiên, vô ngôn mà bất cứ ai “ít bụi trong mắt” đều thấy được! Mặt khác các bộ Kinh, Sớ thi nhau ra đời khoác áo “Phật thuyết”, “Chúa dạy”, “Thánh Hiền nói”… để buôn Thần bán Thánh, vì vậy người vọng càng vọng hơn trong phân tích, chia chẻ của lý trí, hoặc mê càng mê hơn trong hăng say, cuồng tín của đức tin. Hóa ra Thánh Hiền giúp chúng sanh lấy bụi trong mắt ra thì các Tông môn về sau hầu như đã làm cho chúng sanh nhiều bụi trong mắt càng mù tối thêm. Chân lý vẫn hiển nhiên như nó vẫn là, nhưng những ngôn từ, khái niệm, tư tưởng, luận thuyết… đã tung hỏa mù che lấp Sự Thật muôn đời ấy.
Bất cứ ai, dù có Tôn giáo hay không theo chủ thuyết nào, mà biết trở về trải nghiệm, chiêm nghiệm và thấy ra thực tại như nó đang là ngay nơi thân tâm và cuộc sống này thì người ấy vẫn có thể giác ngộ Chân Lý, đơn giản chỉ vì Chân Lý ở khắp mọi nơi. Không phải Tôn giáo hay chủ thuyết nào mà chính cuộc đời là môi trường tốt nhất cho sự giác ngộ giải thoát.
Con để cho các con cháu của mình tự do chọn lựa phương cách khám phá Sự Thật là một thái độ sáng suốt, đầy tình thương yêu thông cảm và có niềm tin tuyệt đối vào Chân Lý bản nhiên của Pháp. Thầy chúc mừng con. 

Thầy Viên Minh

Thư Thầy trò (67)
Tác giả: Viên Minh - Bất Nhị