Hiểu đúng chính là tu tập thực tế


 “Cái hiểu của chúng ta về Phật giáo không phải chỉ là cái hiểu lý trí. Hiểu đúng chính là tu tập thực tế.”
TINH THẦN THIỀN TRUYỀN THỐNG “Nếu quí vị cố gắng đạt giác ngộ, quí vị đang tạo nghiệp và bị nghiệp lèo lái, và quí vị đang phí thì giờ trên chiếc bồ đòn màu đen của quí vị.”
...Trước khi Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Hoa, hầu hết tất cả những câu nói rất nổi tiếng của Thiền có sẵn đều được đem ra dùng. Chẳng hạn, có ngữ cú, “bỗng nhiên giác ngộ” (sudden enlightenment: đốn ngộ). “Bỗng nhiên giác ngộ” không phải là cách dịch thích đáng, nhưng tạm thời tôi sẽ dùng cách diễn đạt này. Giác ngộ đột nhiên đến với chúng ta. Đây là chân giác ngộ. Trước Bồ-đề Đạt-ma, người ta nghĩ rằng sau một thời gian dài chuẩn bị, đột nhiên giác ngộ sẽ đến. Như vậy, tu Thiền là một loại luyện tập để đạt giác ngộ. Thực tế, ngày nay nhiều người đang tu tập tọa thiền với ý niệm này. Nhưng đây không phải là cách hiểu Thiền truyền thống.

Cách hiểu từ Phật truyền xuống đến thời chúng ta là khi chúng bắt đầu tọa thiền, là có giác ngộ dù cho không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Dù quí vị có tu tập tọa thiền hay không, quí vị vẫn có Phật tánh. Bởi vì quí vị có nó, có giác ngộ trong sự tu tập của quí vị. Những điểm chúng tôi nhấn mạnh không phải là giai đoạn chúng ta đạt được, mà là niềm tin tưởng mãnh liệt chúng ta có vào bản tánh và sự chân thành tu tập của chúng ta. Chúng ta nên tu Thiền với lòng chân thành như Phật. Nếu xưa nay chúng ta có Phật tánh, lý do chúng ta tu tập tọa thiền là chúng ta phải hành xử như Phật. Truyền đạo của chúng ta là truyền tinh thần của chúng ta có từ Phật. Như thế phải hòa hợp tinh thần, tư thế của thân, và hoạt động của chúng ta với con đường truyền thống. Dĩ nhiên, quí vị có thể đạt đến một giai đoạn đặc biệt nào đó, nhưng tinh thần tu tập của quí vị không nên đặt căn bản trên ý niệm vị ngã.
Theo cách hiểu Phật giáo truyền thống, bản tánh con người của chúng ta không có ngã. Khi chúng ta không có ý niệm nào về ngã, chúng ta có cái thấy của Phật về cuộc đời. Những ý niệm vị ngã của chúng ta là mê hoặc, che lấp Phật tánh của chúng ta. Chúng ta luôn luôn tạo ra những ý niệm vị ngã và đi theo những ý niệm ấy. Và trong sự lặp đi lặp lại mãi quá trình này, đời sống của chúng ta bị những ý niệm vị ngã chiếm cứ hoàn toàn. Đây gọi là đời sống của nghiệp, hay nghiệp (karma). Đời sống của người Phật giáo không nên là đời sống của nghiệp. Mục đích tu tập của chúng ta là cắt đứt cái tâm nghiệp xoay chuyển. Nếu quí vị cố gắng đạt giác ngộ, đó là một phần của nghiệp, quí vị đang tạo ra nghiệp và bị nghiệp lèo lái, và quí vị đang phí thì giờ của mình trên cái bồ đoàn màu đen của quí vị. Theo kiến giải của Bô-đề Đạt-ma, sự tu tập đặt căn bản trên bất cứ ý niệm về được nào thì chỉ là sự lặp đi lặp lại nghiệp của mình. Quên điểm này, nhiều Thiền sư sau này đã nhấn mạnh một giai đoạn nào đó đạt được bằng tọa thiền.
Quan trọng hơn bất cứ giai đoạn nào quí vị sẽ đạt đến là lòng chân thành, sự nỗ lực đúng của quí vị. Nỗ lực đúng phải được đặt căn bản trên sự hiểu đúng về cách tu truyền thống của chúng ta. Khi hiểu điểm này, quí vị sẽ hiểu giữ đúng tư thế quan trọng như thế nào. Khi quí vị không hiểu điểm này, thì tư thế và cách thở chỉ có nghĩa là để đạt giác ngộ. Nếu đây là thái độ của quí vị, thì uống thứ thuốc nào đó còn tốt hơn là ngồi trong tư thế xếp chéo chân nhiều! Nếu sự tu tập của quí vị chỉ có nghĩa là đạt giác ngộ, thì thực tế không có cách nào đạt được nó! Chúng ta đánh mất ý nghĩa con đường đi đến mục đích. Nhưng khi chúng ta tin vào con đường của mình một cách kiên định, chúng ta đã đạt giác ngộ rồi. Khi quí vị tin vào con đường của mình, giác ngộ ở đó. Nhưng khi quí vị không thể tin vào ý nghĩa của pháp tu mà quí vị đang hành trì trong giây phút này, quí vị không thể làm được bất cứ điều gì. Quí vị chỉ đang lang thang loanh quanh mục đích với cái tâm khỉ. Quí vị luôn luôn đang tìm một cái gì đó mà không biết mình đang tìm cái gì. Nếu quí vị muốn thấy một cái gì đó, quí vị nên mở mắt ra. Khi quí vị không hiểu Thiền của Bồ-đè Đạt-ma, là quí vị đang nhìn một cái gì đó với đôi mắt nhắm. Chúng ta không xem nhẹ ý niệm đạt giác ngộ, nhưng cái quan trọng nhất là giây phút này, không phải là một ngày nào đó trong tương lai. Chúng ta phải nỗ lực trong giây phút này. Đây là điều quan trọng nhất trong sự tu tập của chúng ta.
Trước Bồ-đề Đạt-ma, sự học giáo lý của Phật kết quả trong triết lý sâu xa, cao vời về Phật giáo, và người ta cố gắng đạt những lý tưởng cao xa của nó. Đây là một sai lầm. Bồ-đề Đạt-ma khám phá ra rằng tạo ra một ý niệm cao vời hay thâm sâu nào đó, rồi cố gắng đạt nó bằng tu tập tọa thiền là một sai lầm. Nếu đó là sự tọa thiền của chúng ta, thì nó không khác gì với hoạt động thông thường, hay cái tâm khỉ của chúng ta. Nó có vẻ giống như một hoạt động rất tốt, rất cao vời, và thánh thiện, nhưng thực tế không có sự khác biệt giữa nó và cái tâm khỉ của chúng ta. Đó là điểm Bồ-đề Đạt-ma nhấn mạnh.
Trước khi Phật đạt giác ngộ, ngài tạo ra tất cả mọi nỗ lực khả hữu đối với chúng ta, và cuối cùng ngài đạt được cái hiểu toàn triệt về tất cả những con đường khác nhau. Quí vị có thể nghĩ Phật đã đạt được một giai đoạn nào đó mà ngài tự tại đời sống nghiệp, nhưng không phải thế. Nhiều câu chuyện do Phật kể về những kinh nghiệm của ngài sau khi ngài đạt giác ngộ. Ngài không có gì khác với chúng ta. Khi quê hương của ngài có chiến tranh với láng giềng hùng mạnh, ngài kể với các đệ tử về nghiệp của ngài, ngài đau khổ như thế nào khi ngài nhìn thấy xứ sở đang bị vua láng giềng chinh phục. Nếu ngài là một người nào đó đã đạt được giác ngộ không có nghiệp, thì sẽ không có lý do gì để ngài đau khổ như thế. Và ngay cả sau khi ngài đã đạt được giác ngộ, ngài vẫn tiếp tục nỗ lực như chúng ta đang nỗ lực. Nhưng cái nhìn của ngài về cuộc đời không lay chuyển. Cái nhìn của ngài về cuộc đời vẫn ổn định, và ngài nhìn đời sống của mọi người, kể cả đời sống của riêng ngài. Ngài nhìn chính mình, và nhìn những người khác với cùng đôi mắt mà ngài nhìn đá và cây, hay bất cứ vật gì khác. Ngài có sự hiểu biết rất khoa học. Đó là cách sống của ngài sau khi ngài đạt giác ngộ.
Khi chúng ta có tinh thần truyền thống đi theo chân lý như nó vận hành, và tu tập cách của mình mà không có bất cứ ý niệm vị ngã nào, thì chúng ta sẽ đạt giác ngộ theo chân nghĩa của nó. Và khi hiểu điểm này, chúng ta sẽ tạo nỗ lực tốt nhất trong mỗi giây phút. Đó là hiểu đúng Phật giáo. Như thế cái hiểu Phật giáo của chúng ta không phải chỉ là cái hiểu có tính cách lý trí. Cái hiểu ấy đồng thời là sự biểu hiện của riêng nó, là chính sự tu tập. Không phải bằng đọc hay chiêm nghiệm triết lý, mà chỉ bằng tu tập, tu tập thực tế, chúng ta có thể hiểu Phật giáo là gì. Chúng ta nên tu tập tọa thiền một cách kiên định, với lòng tin tưởng mãnh liệt vào chân tánh của chúng ta, phá vỡ sợi xích hành vi nghiệp và tìm ra chỗ của mình trong thế giới tu tập thực tế.

VÔ THƯỜNG “Chúng ta nên tìm sự hiện hữu toàn hảo qua sự hiện hữu không toàn hảo.”
Giáo lý căn bản của Phật giáo là giáo lý vô thường, hay sự thay đổi. Rằng mọi vật thay đổi là sự thật căn bản đối với mỗi hiện hữu. Không ai có thể phủ nhận sự thật này, và tất cả giáo lý Phật giáo được cô đọng trong giáo lý này. Đây là giáo lý cho tất cả chúng ta. Bất cứ chúng ta đi đâu, giáo lý này cũng đúng. Giáo này cũng được hiểu như là giáo lý vô ngã. Bởi vì mỗi hiện hữu đều ở trong sự thay đổi liên tục, không có ngã thường trụ. Sự thực, tự tánh của mỗi hiện hữu chỉ là chính sự thay đổi, tự tánh của toàn bộ hiện hữu. Không có một tự tánh đặc biệt, riêng rẽ cho mỗi hiện hữu. Giáo lý này cũng được gọi là giáo là giáo lý Niết-bàn. Khi chúng ta nhận ra chân lý trường tồn “mọi vật thay đổi” và tìm thấy an tĩnh nơi nó, chúng ta thấy mình ở Niết-bàn.
Không chấp nhận sự kiện mọi sự vật thay đổi, chúng ta không thể có được sự bình an toàn hảo. Nhưng không may, dù đó là sự thật, khó cho chúng ta chấp nhận nó. Bởi vì chúng ta không thể chấp nhận chân lý vô thường, chúng ta đau khổ. Vì thế nguyên nhân của đau khổ là chúng ta không chấp nhận sự thật này. Giáo lý về nguyên nhân của đau khổ và giáo lý mọi sự vật thay đổi như thế là hai mặt của một đồng xu. Nhưng một cách chủ quan, vô thường là nguyên nhân đau khổ của chúng ta. Một cách khách quan, giáo lý này một cách đơn giản là sự thật căn bản rằng mọi sự vật thay đổi. Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Giáo lý không có vẻ như nó đang cưỡng ép ông chấp nhận một điều gì đó thì không phải là chân giáo lý.” Giáo lý tự nó đúng, và trong tự thể nó không cưỡng ép chúng ta chấp nhận bất cứ điều gì, nhưng bởi vì xu hướng con người của chúng ta mà chúng ta nhận giáo lý như là một cái gì đó bắt buộc chúng ta phải chấp nhận. Nhưng dù chúng ta có cảm thấy tốt hay xấu về nó, chân lý này thực sự hiện hữu. Nếu không có gì hiện hữu, chân lý này không hiện hữu. Phật giáo hiện hữu bởi vì mỗi hiện hữu riêng rẽ.
Chúng ta nên tìm sự hiện hữu toàn hảo qua sự hiện hữu không toàn hảo. Chúng ta nên tìm sự toàn hảo trong sự không toàn hảo. Đối với chúng ta, sự toàn hảo không khác với sự không toàn hảo. Vĩnh cửu hiện hữu bởi vì hiện hữu không vĩnh cửu. Trong Phật giáo, mong đợi một cái gì đó ở bên ngoài thế giới này là một quan điểm ngoại đạo. Chúng ta không tìm kiếm một cái gì đó ngoài chính mình. Chúng ta nên tìm thấy chân lý trong thế giới này, qua những khó khăn, qua sự đau khổ của chúng ta. Khoái lạc không khác với khó khăn. Tốt không khác với xấu. Xấu là tốt, tốt là xấu. Chúng là hai mặt của một đồng xu. Vì thế giác ngộ ở trong tu tập. Đó là hiểu đúng về tu tập, và hiểu đúng về cuộc đời của chúng ta. Như thế, tìm khoái lạc trong đau khổ là cách duy nhất để chấp nhận chân lý vô thường. Không nhận ra chân lý này quí vị không thể sống trong thế gian này. Dù cho quí vị cố gắng chạy trốn nó, nỗ lực của quí vị sẽ vô ích. Nếu quí vị nghĩ có một cách khác nào đó để chấp nhận chân lý vĩnh cửu về mọi sự vật thay đổi, đó là sự mê hoặc của quí vị. Đây là giáo lý căn bản về làm cách nào sống trong thế gian này. Dù quí vị cảm thấy nó thế nào, quí vị phải chấp nhận nó. Quí vị phải tạo ra loại nỗ lực này.
Như vậy, cho đến khi chúng ta trở nên đủ mạnh để chấp nhận khó khăn là khoái lạc, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực này. Thực tế, nếu quí vị trở nên đủ lương thiện, hay đủ thẳng thắn, thì chấp nhận chân lý này không khó. Quí vị có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình một chút. Điều này khó, nhưng cái khó này sẽ không luôn luôn giống nhau. Đôi khi nó sẽ khó, và đôi khi nó sẽ không khó như vậy. Nếu quí vị đang đau khổ, quí vị sẽ có một khoái lạc nào đó trong giáo lý mọi sự vật thay đổi. Khi quí vị phiền não, rất dễ chấp nhận giáo lý này. Vậy tại sao không chấp nhận nó vào những lúc khác? Nó cùng là một vật. Đôi khi quí vị có thể tự cười mình, khám phá ra mình ích kỷ như thế nào. Nhưng bất chấp quí vị cảm thấy như thế nào về giáo lý này, đối với quí vị sự thay đổi cách suy nghĩ của mình và chấp nhận chân lý vô thường rất là quan trọng.

PHẨM TÍNH CỦA HIỆN THỂ
“Khi làm một việc gì, nếu quí vị định tâm vào hoạt động ấy với lòng tin tưởng, phẩm tính tâm thái của quí vị chính là hoạt động ấy. Khi tập trung vào phẩm tính hiện thể của mình, quí vị đã được chuẩn bị cho hoạt động ấy.”
Mục đích của tọa thiền là để đạt sự tự do của hiện thể, về các mặt thân và tâm. Theo Thiền sư Đạo Nguyên, mọi hiện hữu là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Mỗi hiện hữu là một biểu hiện khác về phẩm tính của chính hiện thể. Tôi thường thấy nhiều ngôi sao vào lúc sáng sớm. Những ngôi sao ấy chỉ là ánh sáng du hành với tốc độ vĩ đại nhiều dặm từ các thiên thể. Nhưng đối với tôi các ngôi sao ấy không phải là những hiện thể có tốc độ nhanh, nhưng là những hiện thể trầm tĩnh, vững vàng, và bình yên. Chúng ta nói, “Trong tĩnh có động; trong động có tĩnh.” Thực tế, chúng là một; nói “tĩnh” hay nói “động” cũng chỉ là cách diễn đạt hai sự giải thích khác nhau về một sự kiện. Có sự hòa hợp trong hành vi chúng ta, và ở đâu có hòa hợp ở đó có yên tĩnh. Sự hòa hợp này là phẩm tính của hiện thể. Nhưng phẩm tính của hiện thể cũng chỉ là hoạt động có tốc độ nhanh của nó.
Khi chúng ta ngồi chúng ta cảm thấy rất yên tĩnh và trầm lắng, nhưng thực tế chúng ta không biết loại hoạt động nào đang xảy ra bên trong hiện thể của mình. Có sự hòa hợp hoàn toàn trong sự hoạt động của hệ thống vật lý của chúng ta, vì thế chúng ta cảm thấy yên tĩnh trong đó. Dù cho chúng ta không cảm thấy như thế, nó vẫn ở đó. Vì thế đối với chúng ta, không cần phải phiền vì tĩnh hay động. Khi làm một điều gì đó, nếu quí vị định tâm vào hoạt độngấy với sự tin tưởng nào đó, thì phẩm tính tâm trạng của quí vị chính là hoạt động ấy. Khi quí vị tập trung vào phẩm tính hiện thể của mình, quí vị đã sẵn sàng cho hoạt động ấy. Chuyển động chỉ là phẩm tính của hiện thể chúng ta. Khi chúng ta tọa thiền, phẩm tính cái ngồi bình yên, vững vàng, và tĩnh lặng của chúng ta là phẩm tính của hoạt động vô cùng lớn của chính hiện thể.
“Mọi vật chỉ là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông” có nghĩa là sự tự do của hoạt động và củahiện thể chúng ta. Nếu quí vị ngồi đúng cách, với sự hiểu đúng, quí vị sẽ đạt được tự do của hiện thể mình, dù cho quí vị chỉ là một hiện hữu nhất thời. Trong giây phút này, sự hiện hữu nhất thời này không thay đổi, không chuyển động, và luôn luôn độc lập với các hiện hữu khác. Trong giây phút kế, một hiện hữu khác phát sinh; chúng ta có thể biến thành một vật gì khác. Nói một cách nghiêm túc, không có sự nối kết nào giữa tôi hôm qua và tôi trong giây phút này; không có bất cứ sự nối kết nào cả. Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Than không trở thành tro.” Tro là tro,nó không thuộc về than. Nó có quá khứ và tương lai riêng của nó. Nó là một hiện hữu độc lập bởi vì nó là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Than và lửa đỏ nóng là những hiện hữu hoàn toàn khác nhau. Than đen cũng là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Nơi nào có than đen, nơi đó không có than hồng nóng. Vì thế than đen độc lập với than hồng nóng; tro độc lập với củi; mỗi hiện hữu đều độc lập.
Hôm nay tôi đang ngồi ở Los Altos. Sáng mai tôi sẽ ở San Francisco. Không có sự nối kết nào giữa “tôi” ở Los Altos và “tôi” ở San Francisco. Đó là những hiện thể khác nhau. Ở đây chúng có sự tự do hiện hữu. Và không có một phẩm tính nào nối kết anh và tôi; khi tôi nói “anh,” không có “tôi”; khi tôi nói “tôi,” không có “anh.” Anh độc lập, và tôi độc lập; mỗi người hiện hữu trong một giây phút khác nhau. Nhưng đây không có nghĩa là chúng ta là những hiện thể hoàn toàn khác biệt. Thực tế chúng ta là một và cùng một hiện thể. Chúng ta giống nhau, nhưng khác nhau. Rất nghịch lý, nhưng thực tế là như vậy. Bởi vì chúng ta là những hiện thể độc lập, mỗi người trong chúng ta là một ánh chớp đầy đủ vào thể giới hiện tượng mênh mông. Khi tôi đang ngồi, chẳng có người nào khác, nhưng đây không có nghĩa là tôi làm ngơ anh. Tôi hoàn toàn là một với mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng. Vì thế khitôi ngồi, anh ngồi; mọi vật ngồi với tôi. Đó là phép tọa thiền của chúng ta. Khi anh ngồi, mọi vật ngồi với anh. Và mọi vật tạo nên phẩm tính hiện thể của anh. Tôi là phần của anh. Tôi đi vào phẩm tính hiện thể của anh. Như vậy trong pháp tu này chúng ta có sự giải thoát tuyệt đối với mọi sự vật khác. Nếu quí vị hiểu bí mật này, thì không có sự khác nhau nào giữa tu Thiền và đời sống hằng ngày của quí vị. Quí vị có thể giải thích mọi sự vật theo ý muốn.
Một bức tranh kỳ diệu là kết quả cảm giác nơi các ngón tay của quí vị. Nếu quí vị có cảm giác về độ dày của mực nơi cây cọ, bức tranh đã ở đó trước khi quí vị vẽ. Khi quí vị nhúng cọ vào mực quí vị đã biết kết quả của bức tranh, hoặc quí vị không thể vẽ được. Như thế trước khi làm điều gì, “hiện thể” đã ở đó, kết quả đã ở đó. Dù cho quí vị trông có vẻ như mình đang ngồi yên, tất cả hoạt động của quí vị, quá khứ và hiện tại, đã được bao gồm; và kết quả ngồi của quí vị cũng đã ở đó. Quí vị chẳng yên nghỉ gì cả. Tất cả hoạt động bao gồm bên trong quí vị. Đó là hiện thể của quí vị. Như vậy tất cả kết quả tu tập của quí vị bao gồm trong sự ngồi. Đây là cách tu, cách tọa thiền của chúng ta,
Thiền sư Đạo Nguyên đã trở nên thích Phật giáo khi còn là một cậu bé khi sư nhìn khói từ cây nhang đốt bên thi hài của mẹ sư, và sư cảm thấy cuộc đời của chúng ta rất chóng tàn. Cảm giác này lớn lên trong sư và cuối cùng kết quả trong sự đạt giác ngộ và sự phát triển triết lý thâm sâu của sư. Khi sư nhìn thấy khói nhang và cảm thấy cuộc đời chóng tàn, sư cảm thấy rất cô đơn. Nhưng cảm giác cô đơn ấy ngày càng trở nên mãnh liệt hơn, và nở hoa trong giác ngộ khi sư hai mươi tám tuổi. Và vào phút giây giác ngộ sư cảm thán, “Không có thân và khôngcó tâm!” Khi sư nói, “không thân và không tâm,” tất cả hiện thể của sư vào lúc ấy trở thành một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông, một ánh chớp bao gồm cả mọi sự vật, bao phủ mọi sự vật, và trong nó có phẩm tính vô cùng lớn; tất cả thế giới hiện tượng bao gồm trong nó, một hiện hữu tuyệt đối độc lập. Đó là giác ngộ của sư.Bắt đầu từ cảm giác cô đơn về sự chóng tàn của cuộc đời, sư đã đạt được kinh nghiệm về phẩm tính hùng mạnh của hiện thể mình. Sư nói, “Tôi đã buông bỏ thân tâm.” Bởi vì quí vị nghĩ mình có thân hay tâm, quí vị có cảm giác cô đơn, nhưng khi quí vị nhận ra rằng mọi sự vật chỉ là một ánh chớp vào vũ trụ mênh mông, quí vị trở nên rấtmạnh mẽ, và sự hiện hữu của quí vị trở nên rất có ý nghĩa. Đây là sự giác ngộ của Đạo Nguyên, và đây là sự tu tập của chúng ta.

TỰ NHIÊN “Từ giây phút này đến giây phút khác, mỗi mỗi đều hiện ra từ chơn không. Đây là niềm vui chân thực của cuộc sống."
Có sự hiểu lầm lớn về ý niệm tự nhiên. Đa số những người đến
với chúng tôi tin vào một sự tự do hay tự nhiên nào đó, nhưng chúng tôi gọi cái hiểu của họ là cái thấy tự nhiên của ngoại đạo (jinen ken gedo). Cái thấy tự nhiên của ngoại đạo có nghĩa là không cần phải có hình tướng – chỉ là một loại “xử sự để yên” hay sự tùy tiện. Đó là tự nhiên đối với đa số người. Nhưng đó không phải là tự nhiên mà chúng tôi muốn nói. Nó hơi khó giải thích, nhưng tôi nghĩ tự nhiên là một cảm giác nào đó độc lập với mọi sự vật, hay một hoạt động nào đó đặt căn bản trên không (nothingness). Một cái gì đó hiện ra từ không là tự nhiên, như một hạt giống hay một cái cây hiện ra từ mặt đất. Hạt giống không có ý niệm nào về là một cái cây đặc biệt nào đó, nhưng nó có hình tướng riêng và hòa hợp toàn hảo với mặt đất, với những gì chung quanh. Khi nó lớn lên, theo dòng thời gian nó biểu hiện bản tánh của nó. Không gì hiện hữu mà không có hình tướng và màu sắc. Bất cứ nó là gì, nó có hình tướng và màu sắc nào đó, và hình tướng và màu sắc đó ở trong sự hòa hợp toàn hảo với những hiện thể khác. Và không có sự phiền não nào. Đó là cái mà chúng tôi muốn nói bằng chữ tự nhiên.
Đối với một cái cây hay một hòn đá thì tự nhiên chẳng có vấn đề gì. Nhưng đối với chúng ta thì có vấn đề nào đó, quả thật một vấn đề lớn. Tự nhiên là một cái gì đó chúng ta phải làm việc với nó. Khi quí vị làm điều gì mà nó chỉ đến từ chơn không, quí vị có một cảm giác hoàn toàn mới. Chẳng hạn, khi quí vị đói, ăn một món gì đó là tự nhiên. Quí vị cảm thấy tự nhiên. Nhưng khi quí vị đang mong đợi quá nhiều, để có một món ăn nào đó thì không tự nhiên. Quí vị không có cảm giác tự nhiên. Quí vị không có sự ngon miệng đối với thức ăn đó.
Tu tập tọa thiền đúng là ngồi như uống nước khi quí vị khát. Ở đó quí vị có sự tự nhiên. Khi buồn ngủ quí vị ngủ một giấc ngắn, là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng ngủ một giấc ngắn chỉ vì lười biếng, xem đó như là đặc quyền của con người, thì không phải là tự nhiên. Quí vị nghĩ, “Các bạn của tôi, tất cả bọn họ, đang ngủ trưa; tại sao tôi lại không? Khi mọi người khác không làm việc, tại sao tôi phải làm việc rất cực nhọc? Khi họ có rất nhiều tiền, tại sao tôi không có?” Đây không phải là tự nhiên. Tâm của quí vị bị vướng mắc vào một ý niệm khác, ý niệm của ai khác, và quí vị không độc lập, không phải là chính mình, và không tự nhiên. Quí vị không phải tự ép mình uống nước khi quí vị khát; quí vị vui mừng uống nước. Nếu quí vị có niềm vui chân thật trong tọa thiền, đó là tọa thiền đúng. Nhưng dù cho quí vị phải ép mình tu tập tọa thiền, nếu quí vị cảm thấy điều gì tốt trong tu tập, đó là tọa thiền. Thực ra có ép mình làm một điều gì hay không chẳng phải là vấn đề. Dù cho quí vị có sự khó khăn nào đó, khi quí vị muốn có nó, đó là tự nhiên.
Tính tự nhiên này rất khó giải thích. Nhưng nếu quí vị có thể ngồi và kinh nghiệm tính thực tế của không (nothingness) trong tu tập của mình, thì chẳng cần giải thích. Nếu là đến từ không, bất cứ điều gì quí vị làm đều là tự nhiên, và đó là chân hoạt động. Nếu quí vị có niềm vui chân thực của tu tập, thì niềm vui sống chân thực có trong đó. Mỗi mỗi đến từ không từ giây phút này đến giây phút khác. Từng giây phút chúng ta có niềm vui sống chân thực. Vì thế chúng tôi nói shin ku myo u, “chơn không diệu hữu” là “từ chơn không, diệu hữu hiện ra” (from true emptiness, wondrous being appears). Shin là chơn, ku là không, myo là diệu, u là hữu: từ chơn không, có diệu hữu.
Không có không (nothingness), không có tự nhiên – không có hiện thể chân thật. Hiện thể chân thật đến từ không, từ giây phút này đến giây phút khác. Không luôn luôn ở đó, và mọi sự vật xuất hiện từ không. Nhưng thông thường, khi lãng quên toàn bộ không, quí vị hành xử như mình có một cái gì đó. Những gì quí vị làm đều đặt căn bản trên ý niệm sở hữu hay một ý niệm cụ thể nào đó, và đó không phải là tự nhiên. Chẳng hạn, khi lắng nghe thuyết giảng, quí vị không nên có bất cứ ý nghĩ nào về chính mình. Quí vị không nên có ý niệm riêng của mình khi quí vị lắng nghe ai đó. Hãy quên những gì quí vị có trong tâm mình và chỉ lắng nghe những gì người ấy nói. Không có gì trong tâm mình là tự nhiên. Rồi quí vị sẽ hiếu người ấy nói gì. Nhưng nếu quí vị có một ý niệm nào đó để so sánh với những gì người ấy nói, quí vị sẽ không nghe tất cả mọi điều; quí vị sẽ hiểu phiến diện; đó không phải là tự nhiên. Khi quí vị làm một điều gì đó, quí vị nên toàn tâm với nó. Quí vị nên hiến mình cho nó một cách trọn vẹn. Rồi quí vị không có gì cả. Vì vậy, nếu trong hoạt động của mình không có không (nothingness), nó không tự nhiên.
Đa số người ta khăng khăng bám vào một ý niệm nào đó. Gần đây thế hệ trẻ nói về tình yêu. Tình yêu! Tình yêu! Tình yêu! Tâm họ đầy tình yêu! Và khi họ học Thiền, nếu tôi nói điều gì không hợp với ý niệm của họ về tình yêu, họ sẽ không chấp nhận nó. Quí vị biết đó, họ rất bướng bỉnh. Quí vị có thể kinh ngạc! Dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng một số người có thái độ rất cứng cỏi. Đó không phải tự nhiên gì cả. Dù họ nói về tình yêu, và tự do hay tự nhiên, họ không hiểu những điều này. Và họ không thể hiểu Thiền theo cách đó. Nếu quí vị muốn học Thiền, quí vị nên quên hết tất cả những ý niệm có trước và chỉ thực hành tọa thiền và thấy loại kinh nghiệm quí vị có trong thực hành. Đó là tự nhiên.
Quí vị làm bất cứ điều gì, thái độ này cần thiết. Đôi khi chúng tôi nói nyu nan shin. Nyu là nhu, nan là nhuyễn,shin là tâm. Nhu nhuyễn tâm có nghĩa là tâm uyển chuyển, tự nhiên. Khi quí vị có cái tâm đó, quí vị có niềm vui cuộc sống. Khi quí vị mất nó, quí vị mất mọi thứ. Quí vị không có gì cả. Mặc dù quí vị nghĩ mình có cái gì đó, quí vị chẳng có gì. Nhưng khi tất cả những gì quí vị làm đến từ không, khi ấy quí vị có tất cả. Quí vị hiểu không? Đó là những gì chúng tôi muốn nói bằng chữ tự nhiên.

Trích: PHẦN BA
HIỂU ĐÚNG
SHUNRYU SUZUKI
Đỗ Đình Đồng dịch
TÂM THIỀN, TÂM BAN SƠ
Những bài Tiểu tham về Thiền định và Tu tập của Shunryu Suzuki
Nguyên tác: Zen Mind, Beginner’s Mind
Tác giả: Shunryu Suzuki