TÌM MỘT NIỀM TIN


... Trong suốt một cuộc đời từ khi sinh ra cho đến lúc già, rất ít người trong chúng ta có được một niềm tin tâm linh, và khi nhận ra được sự thiết yếu của điều đó thì thường là đã quá muộn. Chúng ta bận rộn với những trò chơi thế gian, những cạnh tranh, chiến đấu cho tình tiền danh vọng, bị cuốn hút trong sự mê hoặc của trần cảnh. Ta quá kiêu mạn với kiến thức và lý luận mà không biết đến sự cần thiết của niềm tin trong tâm, vì thấy điều đó dường như là huyền hoặc và xa vời với thực tế. Ngay cả có những người lui tới những nơi chốn tôn giáo, chùa chiền, nhưng cũng chẳng có niềm tin, chỉ nhằm cầu phước, cầu lợi hơn là tìm hiểu đạo pháp để có được sự an lạc thực sự. Cứ thế ta sống trôi nổi theo dòng đời, như con thuyền vật vờ theo dòng nước, mà không biết rằng con thuyền đó vốn đã có tay lái để ta có thể chèo chống qua những khúc quanh, những cơn sóng gió chập chùng. Rồi bỗng nhiên một ngày nào đó mọi sự đều trở nên huyễn hóa như giấc mộng, những người thân, bạn bè và những gì tha thiết với ta đều xa dần, và trước mắt chỉ là một tương lai đen tối của tuổi già, bệnh hoạn và cái chết. Làm sao ta vượt qua được những nỗi cô đơn và lo sợ, nếu không có một niềm tin trong tâm để nương tựa vào? 



TÌM MỘT NIỀM TIN

Trong một viện dưỡng lão ở một tiểu bang hẻo lánh bên Mỹ, một ông già Việt Nam đang trải qua những ngày cuối cùng trong cuộc đời. Mấy ai biết được ông già nhỏ bé, tiều tụy ấy khi xưa đã từng một thời oanh liệt, đã có những giây phút vinh quang nhất, mà cũng khốn khổ nhất trong cuộc đời. Tất cả giờ đây chỉ còn là giấc mộng, đến rồi đi, có đó rồi mất đó, như ảo ảnh, như sương khói. Thực tế hiện tại chỉ là sự tàn hoại, rã rời của một thân thể đang cạn kiệt nguồn sinh lực. Tiền tài, danh vọng chẳng còn ý nghĩa gì, điều ông cần hiện tại chỉ là tình thương, và trên hết, là một niềm tin để nương tựa. Trong trí ông chợt gợi lên hình ảnh mơ hồ của những ngày còn bé theo mẹ đi chùa. Tiếng chuông chùa âm vang hòa với tiếng tụng kinh trầm bổng đem lại một cảm giác an bình, ấm áp. Ông nhận thấy từ trước đến nay, cả đời ông chưa bao giờ biết đến tôn giáo là gì, chưa bao giờ có một niềm tin trong tâm, và trớ trêu thay, đó lại là điều dường như ông đang cần nhất trong hiện tại. Nhận thức đó dần dà trở thành một nỗi ám ảnh, cho đến một lúc ông đã tỏ lộ với ban quản trị viện dưỡng lão điều mong ước cuối cùng, là làm sao có một vị sư Phật giáo đến thuyết pháp và cầu nguyện cho ông. Điều đó có vẻ như không tưởng, vì ở một nơi xa xôi với cộng đồng người Việt như thế này, làm sao thỉnh một vị sư Phật giáo đến viện dưỡng lão được? Thế nhưng ước nguyện của ông dường như đã được cảm ứng, nên tình cờ có một vị Phật tử Việt Nam đang công tác ở địa phương nghe chuyện đến thăm hỏi, đem băng niệm Phật đến tặng, và cùng ông đọc tụng kinh A Di Đà bên giường bệnh. Hạt giống Phật bị che lấp lâu ngày được khai mở muộn màng, nhưng cũng đủ làm cho ông có những giây phút an bình cuối cùng, và ra đi trong sự nhẹ nhàng, thanh thản.
Câu chuyện trên nhắc nhở một điều rằng, trong suốt một cuộc đời từ khi sinh ra cho đến lúc già, rất ít người trong chúng ta có được một niềm tin tâm linh, và khi nhận ra được sự thiết yếu của điều đó thì thường là đã quá muộn. Chúng ta bận rộn với những trò chơi thế gian, những cạnh tranh, chiến đấu cho tình tiền danh vọng, bị cuốn hút trong sự mê hoặc của trần cảnh. Ta quá kiêu mạn với kiến thức và lý luận mà không biết đến sự cần thiết của niềm tin trong tâm, vì thấy điều đó dường như là huyền hoặc và xa vời với thực tế. Ngay cả có những người lui tới những nơi chốn tôn giáo, chùa chiền, nhưng cũng chẳng có niềm tin, chỉ nhằm cầu phước, cầu lợi hơn là tìm hiểu đạo pháp để có được sự an lạc thực sự. Cứ thế ta sống trôi nổi theo dòng đời, như con thuyền vật vờ theo dòng nước, mà không biết rằng con thuyền đó vốn đã có tay lái để ta có thể chèo chống qua những khúc quanh, những cơn sóng gió chập chùng. Rồi bỗng nhiên một ngày nào đó mọi sự đều trở nên huyễn hóa như giấc mộng, những người thân, bạn bè và những gì tha thiết với ta đều xa dần, và trước mắt chỉ là một tương lai đen tối của tuổi già, bệnh hoạn và cái chết. Làm sao ta vượt qua được những nỗi cô đơn và lo sợ, nếu không có một niềm tin trong tâm để nương tựa vào? Thực ra, trong vũ trụ bao la này, thân phận con người rất bé nhỏ và mong manh, nên từ thuở hoang sơ nhân loại đã cần đến một niềm tin, như một bản năng để tồn tại, khởi đầu từ sự trấn áp những nỗi sợ hãi với thiên nhiên, với môi trường sống. Niềm tin vào sự gia hộ của một đấng tối cao nào đó, hay nơi những thần thánh có năng lực nhiệm mầu. Các tôn giáo ra đời phần nhiều dựa trên những huyền thoại do con người đặt ra để đáp ứng nhu cầu này. 
Những nghiên cứu về niềm tin cho thấy người có tín tâm thường được những lợi ích như sau:

- Về thể chất, người hay thực hành tu tập, cầu nguyện thường có sức khỏe tốt hơn người không có niềm tin. Họ ít bị những bệnh tim, gan, huyết áp cao, và bình phục nhanh chóng hơn nếu phải bị giải phẫu hay chữa trị ung thư. Những người có niềm tin bị bệnh kinh niên thường có tỷ lệ tử vong ít hơn và mức đau đớn thấp hơn người thường. Năng lực của sự cầu nguyện có thể làm giảm cơn đau và tăng sức mạnh để đối phó với tình trạng bệnh tật.

- Về tinh thần, người có niềm tin thường suy nghĩ tích cực, có sức mạnh nội tại, sự vững chãi để đối phó với những tình huống khó khăn như bệnh nan y, hay những thay đổi vô thường trong đời sống. Họ ít bị các chứng tâm bệnh như trầm cảm, lo âu, tự tử v.v..

Niềm tin đem lại hi vọng, cho ta mục đích cứu cánh trong đời sống, do đó cũng đem lại sự an vui, hạnh phúc. Người có niềm tin thường có lòng hảo tâm và từ bi với người khác, tham gia nhiều hoạt động xã hội, và không dễ bị quyến rũ bởi những thói hư tật xấu.
Tuy nhiên, niềm tin cũng có thể làm cho người ta trở thành thiển cận, cực đoan, cố chấp vào niềm tin của mình và bác bỏ niềm tin của người khác. Đó là niềm tin đặt trên giáo điều một cách mù quáng. Lịch sử nhân loại đã có bao nhiêu cuộc chiến tranh tôn giáo, bao nhiêu cuộc xung đột đẫm máu mà cho tới nay còn chưa chấm dứt, gây ra những thảm họa ngập tràn cho con người.
Có những tôn giáo đặt trọng tâm nơi thần quyền, đưa con người vào vị trí thụ động, ở trong quyền năng xếp đặt của một đấng tối cao nào đó. Đó là tôn giáo ràng buộc con người. Đạo Phật là một tôn giáo giải thoát, trong đó con người ở vào vị trí chủ động, tự mình cứu mình ra khỏi những đau khổ tất yếu của kiếp người, qua sự hiểu biết và thực hành giáo lý căn bản nhất: bốn chân lý về sự khổ, nguyên nhân gây khổ, sự diệt khổ và con đường Bát Chánh Đạo đưa đến an lạc giải thoát. Niềm tin trong đạo Phật đặt nền tảng trên sự hiểu biết và chứng nghiệm những chân lý về đời sống mà Đức Phật đã chỉ ra, và sự sùng kính đối với Đức Phật không phải như đối với Thượng đế hay Đấng tối cao, mà là sự kính ngưỡng và tri ân của một người con đối với bậc Từ phụ, một đệ tử đối với bậc Đạo sư đã đưa đường chỉ lối cho mình thoát ra những phiền não của cuộc đời, những mê lộ của luân hồi sinh tử.
Khía cạnh nhân bản của đạo Phật đặt trọng tâm nơi con người đã thể hiện ngay trong câu nói truyền thuyết của Đức Phật Thích Ca trong ngày đản sanh của ngài, khi ngài còn là hài nhi mới sinh như sau:

Trên trời dưới đất chỉ có Ta là trên hết
(Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn)

Tất cả trên thế gian đều phải sinh ra, già, bệnh rồi chết
(Nhất thiết thế gian sinh lão bệnh tử)

Người ta thường hiểu “Ta” hay “Ngã” theo ý nghĩa xấu của một con người ích kỷ và kiêu mạn, chỉ biết đến mình và bất kể người khác. Vì thế, đạo Phật nói đến “vô ngã” để phá đổ mọi chấp trước vào con người ngũ uẩn của ta. Tuy nhiên, con người chúng ta có hai phương diện: tánh và tướng. Tánh là không sinh diệt, và tướng là sinh diệt, tuy đối nghịch nhau nhưng là một, không hai. Cũng vậy, theo như kinh Đại Bát Niết Bàn diễn giải, Ngã là thể tánh thường hằng của Như Lai, và Vô Ngã là bản chất sinh diệt vô thường của ngũ uẩn, tuy đối nghịch nhau nhưng là một, không hai trong con người.
Ở đây, ta có thể hiểu “Ta” (hay Ngã) tượng trưng cho con người với tất cả mọi phương diện ưu và khuyết điểm, tuy ở trong bùn nhơ của vô minh và ái dục, nhưng lúc nào cũng có sẵn tiềm năng để thành Phật, vì tánh Phật vẫn luôn luôn hằng hữu, bao trùm trong sự hiện diện của chúng ta, không bao giờ mất. Tánh Phật ấy vốn như hư không, không từ đâu sinh ra nên cũng không diệt, vượt ra ngoài sinh tử luân hồi của mọi chúng sanh trên thế gian này. Được sinh ra làm người là một cái phước, và con người là trên hết tất cả, vì chỉ có con người mới có khả năng tự quán chiếu, tự sửa đổi và chọn hướng đi cho mình. Tiến trình thành Phật là một tiến trình thăng tiến tâm linh chuyển hóa con người từ phàm sang thánh, từ vô minh qua giác ngộ, và chính những đau khổ, những vấp ngã trong cuộc đời là động cơ để con người đi tìm sự chuyển đổi, giải thoát cho chính mình và cho người khác. Không có Phật Thánh nào có thể từ trên trời xuống ban phước giáng họa cho con người, mà chính con người phải tự khai ngộ Phật Thánh nơi chính mình. Tâm lý của con người thường bị mê hoặc bởi những gì siêu nhiên thần diệu, như những phép lạ, những thần thông biến hóa khác thường. Đạo Phật nhấn mạnh đến khía cạnh thực tiễn, không xem trọng những phép lạ nhiệm mầu, ngược lại còn thấy chúng là chướng ngại cho sự giác ngộ giải thoát, vì làm tăng thêm sự vọng cầu bên ngoài.
Khi được hỏi có phép lạ nhiệm mầu hay không, Đức Phật đã nói như sau:
“Đó không phải là phép lạ nhiệm mầu hay sao, khi một người đã tạo bao lầm lỗi có thể chuyển hóa thành một vị thánh, khi họ đã giác ngộ được chân lý và từ bỏ được những thói xấu của lòng vị kỷ? Người phát tâm tu hành, buông bỏ lòng tham muốn những lạc thú phù du của thế tục cho sự an lạc thánh thiện vĩnh cửu, đã làm một phép lạ đúng nghĩa của nó.”
Đối với những người muốn tìm kiếm một niềm tin nhưng vẫn còn đầy nghi ngờ, Đức Phật không thuyết phục người ấy phải theo mình, mà chỉ ra những lý lẽ để người ấy tự phán xét và quyết định, như trong kinh Kalama:
Đừng tin một điều gì vì nghe nói lại. Đừng tin một điều gì vì đó là tập quán lưu truyền. Đừng tin một điều gì vì được nhiều người nhắc đi nhắc lại. Đừng tin một điều gì vì đó là bút tích của thánh nhân. Đừng tin một điều gì do ta ức đoán, suy diễn hay thấy hợp với thành kiến của mình. Đừng tin một điều gì vì đó là do một vị thầy có uy tín dạy.
Mà hãy tự mình chứng nghiệm và biết rõ: những việc gì là bất thiện, đáng chê trách và đem đến khổ đau thì hãy từ bỏ chúng; và những việc gì là thiện, không bị chê trách, được tán thán và đem lại hạnh phúc thì hãy cố gắng thực hành để đạt đến an lạc.
Thực ra, có được một niềm tin đã khó, mà tìm được một vị thầy chân chính để học hỏi và gởi gấm niềm tin, để được hướng dẫn cho có chánh tín lại còn khó hơn. Ngay cả thời xa xưa, một vị thiền sư Nhật Bản đã nói rằng: “Tìm được một chân sư khó như tìm sao trên trời giữa buổi trưa”, huống chi trong trong thời đại mạt pháp như của chúng ta ngày nay, vàng thau lẫn lộn, chánh ít tà nhiều. Vì vậy người học đạo phải biết dùng trí phân biệt để phán xét xem người thầy ấy có nói, và làm đúng theo lời Phật dạy hay không.

Trong Phật Pháp có câu:
Theo giáo pháp, không theo người
(Y pháp bất y nhân)
Theo nghĩa lý, không theo lời nói văn tự
(Y nghĩa bất y ngữ)
Theo trí tuệ, không theo cảm tính của vọng thức
(Y trí bất y thức)
Theo nghĩa lý rốt ráo, không theo nghĩa lý không rốt ráo.
(Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa)

Đức Phật Thích Ca đã dặn dò bà Gotami, nhũ mẫu trước kia của ngài như sau:
Nếu pháp môn nào đưa đến khát vọng mong cầu, ngã mạn, ưa thích chốn phồn hoa náo nhiệt, không làm cho an vui, không gợi lên niềm tôn kính, không làm cho tinh tấn và có trí tuệ đạo hạnh, pháp môn ấy không phải là Chánh Pháp, không phải là Giới Luật của Như Lai.
Còn bất luận pháp môn nào không đưa đến khát vọng mong cầu, không ngã mạn, làm cho an vui, ưa thích nơi yên tĩnh thanh tịnh, gợi lên niềm tôn kính, làm cho tinh tấn và có trí tuệ đạo hạnh, thì đó đúng là Chánh Pháp, là Giới Luật của Như Lai.
Như vậy, ta thấy niềm tin trong đạo Phật không đến từ sự áp đặt, mà từ sự tự do chọn lựa của con người biết suy nghĩ, biết phán đoán thế nào là xấu hay tốt, nên làm hay không nên làm. Niềm tin đó là kết tinh của một quá trình tìm hiểu, suy xét và thực hành (văn, tư, tu), không còn ở trong phạm vi của tư tưởng hay ý niệm trừu tượng, mà trở thành sống động, đi liền với những kinh nghiệm đời sống của con người, trong mọi hành động, lời nói và ý nghĩ. Đó là niềm tin trước nhất nơi con người của chính mình, nơi tánh Phật và khả năng thành Phật, là ánh sáng chiếu soi nâng đỡ, khích lệ, và là người bạn đồng hành với ta trên con thuyền lướt trên dòng đời, giúp vượt qua những trở ngại, những giai đoạn khó khăn trong cuộc hành trình .
Và cũng như lời nói đầu trong ngày ra đời giáng thế, lời nói cuối của Đức Phật với đệ tử A Nan khi nhập Niết Bàn cũng biểu lộ niềm tin của ngài nơi con người:
Hãy coi chính mình là hải đảo, là nơi nương tựa. Hãy xem Giáo Pháp là hải đảo, là nơi nương tựa. Giáo Pháp và Giới Luật là đạo sư của chúng con. Không cần tìm sự nương tựa ở bên ngoài. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

Ngọc Bảo
Theo: ngocbao.com