Thực hành thuận pháp

Khi chúng ta bắt đầu sử dụng sự tĩnh lặng và bình an đã phát triển trong quá trình thiền tập để quán chiếu những đối tượng đó, thì trí tuệ sẽ sanh khởi. Đó là cái tôi gọi là trí tuệ. Đó là thiền vipassāna. Nó không phải là thứ có thể giả mạo. Nếu chúng ta có trí, thiền vipassāna sẽ phát triển một cách tự nhiên. Chúng ta không phải đặt tên cho những gì đang diễn ra. Nếu chỉ có một chút tuệ giác rõ ràng, chúng ta gọi là “một ít thiềnvipassāna”. Khi tuệ giác rõ ràng lớn hơn một chút, ta gọi là “vipassāna vừa phải”. Nếu hiểu biết hoàn toàn theo sự thật, chúng ta gọi là “vipassāna tối hậu”. Cá nhân tôi thích sử dụng từ trí tuệ (paññā) hơn là vipassāna. Nếu chúng ta nghĩ mình ngồi thiền lúc này, lúc kia để thực hành “thiềnvipassāna”, thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn với nó. Tuệ giác phải phát triển từ tĩnh lặng và bình an. Toàn bộ tiến trình sẽ tự diễn ra một cách tự nhiên theo chính nó. Chúng ta không thể ép buộc nó.
Đức Phật dạy rằng tiến trình này sẽ chín muồi theo tốc độ riêng của nó. Khi đã đạt đến trình độ này trong pháp hành, chúng ta để cho nó được phát triển phù hợp với những khả năng bên trong, với tầm mức tâm linh và phước báu mà mình đã tích lũy trong quá khứ. Song chúng ta không bao giờ ngừng tinh tấn thực hành. Sự tu tập tiến triển nhanh hay chậm nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nó cũng giống như trồng một cái cây. Cái cây tự biết cần phải lớn với tốc độ nào. Nếu chúng ta muốn nó lớn nhanh hơn cũng không được. Muốn nó lớn chậm hơn cũng không được, phải nhận thấy rằng cái muốn đó là ảo tưởng. Khi chúng ta làm công việc, kết quả sẽ đến theo – cũng giống như trồng một cái cây. Chẳng hạn, chúng ta trồng cây ớt. Trách nhiệm của chúng ta là đào một cái lỗ, gieo hạt, tưới nước, bón phân và bắt sâu. Đó là công việc của chúng ta, chỉ có thể làm được đến thế. Lúc này là lúc cần đến lòng tin. Cây ớt có lớn hay không là tùy thuộc vào nó. Không phải việc của chúng ta. Chúng ta không thể kéo cổ nó lên cho nó lớn nhanh. Đó là công việc của tự nhiên. Công việc của chúng ta là tưới nước và bón phân. Thực hành pháp như vậy sẽ khiến cho tâm ta thoải mái và thanh thản.
Nếu chúng ta đắc đạo trong kiếp sống này thì cũng tốt. Nếu chúng ta phải chờ cho đến kiếp sau thì cũng chẳng sao. Chúng ta đặt lòng tin không lay chuyển vào pháp. Tiến bộ nhanh hay chậm là tùy thuộc ở các khả năng nội tại, tầm mức tâm linh và phước báu mình đã tích lũy từ trước tới nay. Thực hành như thế sẽ khiến tâm mình thanh thản, bình an. Giống như đi xe ngựa. Chúng ta không đặt cái xe ở đằng trước con ngựa. Hay giống như cày ruộng mà để cái cày đi trước con trâu. Cái tôi đang nói ở đây là cái tâm cứ muốn tự vượt chính mình. Nó luôn nóng lòng muốn đạt kết quả nhanh. Đừng để cái cày đi trước con trâu. Bạn phải để cày đi sau con trâu.
Nó cũng giống như cây ớt chúng ta đang trồng. Tưới nước và bón phân cho nó, và nó sẽ làm công việc tiêu thụ các chất dinh dưỡng ấy. Khi sâu bọ đến phá hoại thì ta đuổi chúng đi. Chỉ cần làm như vậy là đủ để cây ớt tự nó lớn tốt, và khi nó đã lớn, đừng có cố ép nó phải ra hoa chỉ vì chúng ta nghĩ bây giờ là lúc nó nên ra hoa. Đó không phải là việc của chúng ta. Điều đó chỉ tạo nên những cái khổ vô ích mà thôi. Hãy để nó tự ra hoa. Khi nó đã có hoa, đừng đòi hỏi nó phải cho ra quả ớt ngay. Đừng dựa vào sự cưỡng ép. Điều đó thực sự mang đến đau khổ. Khi đã hiểu ra vấn đề, chúng ta sẽ thấy cái gì là trách nhiệm của mình và cái gì không phải. Mỗi thứ đều có nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành. Tâm biết vị trí và nhiệm vụ của nó trong công việc. Nếu tâm không hiểu nhiệm vụ của nó, nó sẽ cố ép cây ớt phải ra quả vào đúng cái ngày chúng ta trồng nó. Tâm cứ nằng nặc muốn nó phải lớn, phải ra hoa và đậu quả tất cả trong một ngày.
Điều đó chẳng là gì khác ngoài sự thật thứ hai về khổ: tham là nhân sanh khổ. Nếu chúng ta ý thức về sự thật này và suy xét đến nó, chúng ta sẽ hiểu rằng cố gắng cưỡng ép kết quả trong khi thực hành pháp thì chỉ là tâm si. Sai lầm. Hiểu cách hoạt động của nó, chúng ta buông bỏ và để cho mọi thứ chín muồi thuận theo những khả năng nội tại, tầm mức tâm linh và phước báu ta đã tích lũy. Chúng ta tiếp tục làm phần việc của chúng ta. Đừng lo rằng việc đó cần một thời gian dài. Kể cả phải cần đến hàng trăm hay hàng ngàn kiếp sống để đắc đạo, thế thì đã sao? Dù phải cần đến bao nhiêu kiếp sống chăng nữa, chúng ta vẫn tiếp tục thực hành với một cái tâm thanh thản, nhẹ nhàng và thoải mái với tốc độ của mình. Một khi tâm đã nhập dòng (đắc Thánh quả đầu tiên), thì chẳng còn gì phải lo sợ nữa. Nó sẽ vượt lên trên ngay cả những nghiệp bất thiện nhỏ nhất. Đức Phật nói tâm của một vị Thánh Tu Đà Hoàn, người đã đạt đến tầng giác ngộ đầu tiên, đã nhập vào dòng chảy của Pháp đến giác ngộ hoàn toàn. Những vị ấy sẽ không còn phải rơi vào những khổ cảnh thấp kém, không bao giờ rơi vào địa ngục nữa. Làm sao có thể rơi vào địa ngục khi tâm họ đã từ bỏ những điều bất thiện? Họ đã thấy sự nguy hiểm khi tạo nghiệp bất thiện. Ngay cả khi bạn cố ép họ làm hay nói những điều bất thiện, họ cũng không thể làm được, vì vậy không có cơ hội để họ rơi vào địa ngục hay những cảnh giới thấp kém. Tậm họ đã hòa vào dòng chảy của Pháp.
Khi đã ở trong dòng chảy đó, bạn sẽ biết đâu là trách nhiệm của mình. Bạn hiểu rõ được công việc trước mắt. Bạn đã hiểu cách thực hành pháp. Bạn biết khi nào cần phải cố gắng hết mình, khi nào cần thư giãn. Bạn hiểu rõ thân tâm mình, các tiến trình thân-tâm, bạn từ bỏ những gì cần từ bỏ, liên tục từ bỏ không còn chút nghi ngờ nào nữa.


***
Ngày nay có rất nhiều người dạy thiền vipassāna và rất nhiều kỹ thuật thiền khác nhau. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, thực hành thiền vipassāna không dễ tý nào. Chúng ta không thể nhảy vào thực hành nó ngay lập tức. Bạn sẽ không thể thực hành được nếu không có một tiêu chuẩn đạo đức cao. Hãy tự mình tìm hiểu điều đó. Kỷ luật và giới hạnh là điều cần thiết, bởi vì nếu lời nói, suy nghĩ và hành động của bạn không trọn vẹn thì sẽ không bao giờ có thể tự đứng trên đôi chân của mình được. Thực hành thiền mà không có giới hạnh đi kèm thì cũng giống như cố bỏ qua một phần cốt yếu của đường đạo. Bạn cũng thỉnh thoảng nghe người này người kia nói: “Bạn không cần phải phát triển định tâm. Hãy bỏ qua và đi thẳng vào thiềnvipassāna”. Những con người nóng vội, bất cẩn vốn thích đi tắt đón đường thường hay nói như vậy. Họ nói bạn không cần phải bận tâm đến giới. Giữ giới và thanh lọc giới hạnh của mình là một thử thách, không phải chuyện chơi. Nếu có thể bỏ qua tất cả những lời dạy về giữ giới, chắc hẳn sẽ dễ hơn với chúng ta đúng không? Mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta chỉ tránh né bằng cách bỏ qua nó. Tất nhiên, chúng ta ai cũng thích bỏ qua những miếng khó nhằn như thế.
Một lần có một vị sư đến nói với tôi rằng anh ta là một thiền sinh đích thực. Anh ta xin phép ở lại đây với tôi và hỏi tôi về chương trình sinh hoạt, phép tắc trong chùa. Tôi giải thích với anh ta rằng trong ngôi chùa này chúng tôi sống theo giới luật của chư tăng, và nếu muốn ở lại phải xả bỏ mọi tiền bạc và vật dụng cá nhân tự sắm. Anh ta nói với tôi rằng cách thực hành của anh ấy là “không dính mắc với mọi quy ước chế định”. Tôi bảo tôi không hiểu anh ta muốn nói gì. Anh ta đề nghị “thế nếu tôi ở đây, vẫn giữ tiền của mình nhưng không dính mắc với nó thì sao. Tiền cũng chỉ là quy ước thôi mà”. Tôi nói, được, không vấn đề gì. “Nếu bạn có thể ăn muối mà không cảm thấy mặn, khi đó bạn có thể sử dụng tiền mà không bị dính mắc vào nó”. Anh ta nói rất vô lý. Thực ra, anh ta lười không muốn giữ mọi giới luật chi tiết. Tôi nói với các bạn, nó rất khó. “Khi bạn ăn muối và thành thực nói rằng nó không mặn, được rồi, tôi tin lời bạn. Nếu bạn nói không mặn, vậy tôi đưa bạn cả bao muối. Hãy ăn thử xem. Có thực nó không mặn không? Không dính mắc với quy ước chế định là cách ăn nói ma lanh, trơn tuột. Nếu bạn nói với tôi như thế thì bạn không ở lại đây được”. Vậy là anh ta bỏ đi.
Chúng ta phải cố gắng và duy trì việc thực hành giới. Tu sỹ nên huấn luyện bằng cách thử thọ các hạnh đầu đà, khổ hạnh, trong khi cư sỹ tại gia nên giữ năm giới. Cố gắng đạt được sự hoàn hảo trong tất cả mọi lời nói và hành động của mình. Chúng ta cần tu tập các thiện pháp với hết khả năng của mình, và tiếp tục đều đặn làm điều đó.
Khi bắt đầu tu tập thiền chỉ, đừng phạm sai lầm là chỉ cố gắng một, hai lần rồi bỏ chỉ vì tâm mình không an. Đó không phải là cách tu đúng. Bạn phải tu tập cả một thời gian dài. Tại sao phải cần thời gian dài như thế? Hãy nghĩ mà xem. Bạn đã để tâm mình bay nhảy trong bao nhiêu năm rồi? Và bạn đã hành thiền được bao nhiêu năm rồi? Mỗi khi tâm ra lệnh cho mình đi, là chúng ta vội vàng lao theo nó. Để bình ổn lại cái tâm phóng chạy lung tung đó, để nó phải dừng lại, tĩnh lặng trở lại, chỉ có vài tháng hành thiền thì không đủ. Hãy suy xét đến điều đó.
Khi bắt đầu tu tập để tâm trở nên bình an trong mọi hoàn cảnh, xin hãy hiểu rằng lúc ban đầu, khi các cảm xúc phiền não sanh lên, tâm sẽ không thể bình an. Nó sẽ bị phân tán và mất kiểm soát. Vì sao? Bởi vì ái dục (tìm kiếm sự thỏa mãn và kích thích giác quan). Chúng ta không muốn tâm mình nghĩ. Chúng ta không muốn có bất cứ một cảm xúc hay trạng thái tâm nào khiến mình bị phân tán. Không muốn là ái dục, khao khát sự không hiện hữu (phi hữu ái). Chúng ta càng không muốn có thứ gì đó thì thực ra là lại càng mời gọi và dẫn nó đến. “Tôi không muốn những thứ đó, sao nó cứ đến với tôi? Tôi muốn nó không như vậy, mà sao nó cứ như vậy hoài?”. Đó, chúng ta cứ thế. Chúng ta khao khát mọi thứ phải tồn tại theo một cách nhất định, bởi vì chúng ta không hiểu tâm mình. Phải cần một thời gian dài, dài đến mức không tin nổi để nhận ra rằng chơi với những thứ đó là sai lầm. Cuối cùng, khi nhìn nó một cách rõ ràng, chúng ta thấy “À, thì ra những thứ đó đến bởi vì mình gọi chúng đến”.
Mong muốn không phải có một cái gì đó, tham muốn được bình yên, tham muốn không bị phóng tâm và xáo động – tất cả chỉ là tham muốn. Tất cả chỉ là một cây sắt nóng đỏ. Nhưng không cần phải lo. Chỉ cần tiếp tục thực hành. Mỗi khi có một cảm xúc hay trạng thái tâm nào đó, hãy xem xét nó trên những tính chất vô thường, khổ, vô ngã và ném nó vào một trong ba danh mục ấy. Rồi suy xét và tìm hiểu: những cảm xúc phiền não ấy hầu như luôn luôn đi cùng với những dòng suy nghĩ quá mức. Bất cứ chỗ nào một trạng thái tâm dẫn đến, chỗ ấy có suy nghĩ kéo đàn kéo lũ đằng sau. Suy nghĩ và trí tuệ là hai cái rất khác nhau. Suy nghĩ chỉ phản ứng và theo đuôi các trạng thái tâm và chúng kéo dài vô tận. Song nếu trí tuệ hoạt động, nó sẽ mang đến sự tĩnh lặng cho tâm. Tâm sẽ dừng lại và chẳng đi đâu nữa cả. Ở đó đơn giản chỉ có sự hay biết và ghi nhận những gì đang diễn ra: khi cảm xúc đến thì nó như thế này, khi cảm xúc đi thì nó như thế này. Chúng ta duy trì “cái biết” đó. Cuối cùng, điều sẽ xảy đến là: “Ô này, tất cả những suy nghĩ này, những mấu đối thoại vô mục đích này, những lo lắng và những đánh giá, phán xét này – tất cả chúng thật là vô nghĩa. Tất cả chúng đều vô thường, bất toại nguyện và không phải là tôi, không phải của tôi”. Vứt nó vào một trong ba danh mục tổng quát ấy, và dập tắt sự nổi dậy của chúng. Bạn cắt đứt tất cả mọi nguồn sống của chúng. Sau đó, khi chúng ta ngồi thiền, chúng lại đến nữa. Hãy nhìn nó thật kỹ. Hãy điều tra nó, dò xét nó.
Nó giống như khi bạn chăn trâu. Có ruộng lúa, có trâu và có người chăn trâu. Bây giờ trâu muốn ăn lúa. Trâu thường thích ăn lúa đúng không? Tâm bạn là con trâu. Các cảm xúc phiền não là lúa. Chánh niệm (cái biết) là người chăn trâu. Thực hành pháp giống như vậy. Không khác tý nào. Bạn hãy tự so sánh mà xem. Khi chăn trâu bạn làm gì? Bạn thả nó, cho nó đi lại tự do, nhưng luôn để mắt canh chừng nó. Nếu nó đến gần ruộng lúa, bạn quát nó. Khi con trâu nghe tiếng, nó liền quay đi. Nhưng bạn đừng lơ đãng, đừng lơ là với con trâu. Nếu bạn có con trâu cứng đầu, quát không chịu nghe lời, bạn phải cầm cây roi và vụt cho nó một cái vào mông. Khi nó nó sẽ không dám bén mảng đến ruộng lúa nữa. Nhưng đừng có thả rông trâu mà đi ngủ trưa. Nếu bạn nằm xuống và ngủ quên, thì cái ruộng lúa ấy chỉ còn là lịch sử. Thực hành pháp cũng y như vậy: bạn canh chừng tâm mình; cái biết sẽ chăn cái tâm.
“Người biết canh tâm mình sẽ thoát khỏi lưới Ma Vương”. Tuy nhiên, cái biết ấy cũng chính là tâm, thế thì ai đang quan sát tâm? Những ý tưởng như vậy có thể khiến bạn cực kỳ rối trí. Tâm là một thứ; cái biết là thứ khác; nhưng cái biết ấy lại xuất phát từ chính cùng một cái tâm. Vậy thế nào là biết tâm mình? Đối diện với các cảm xúc và trạng thái tâm là thế nào? Khi không có cảm xúc phiền não thì như thế nào? Cái hiểu tất cả những điều đó, chính là “cái biết”. Cái biết quan sát tâm, và từ cái biết này, trí tuệ sẽ khởi sanh. Tâm là cái suy nghĩ và bị mắc kẹt trong các cảm xúc, cái này theo sau cái khác – giống y như con trâu của chúng ta. Bất cứ hướng nào nó lang thang tới, hãy luôn để mắt đến nó. Làm thế nào mà nó lang thang đi mất? Nếu nó bén mảng đến ruộng lúa, hãy quát nó. Nếu nó không nghe lời, nhặt cây roi và quất nó một cái. Đó chính là cách bạn vô hiệu hóa ái dục.
Huấn luyện tâm mình cũng không khác. Khi tâm có một cảm xúc và ngay lập tức bám víu vào cảm xúc ấy, công việc của “cái biết” là dạy nó. Hãy kiểm tra, xem xét trạng thái tâm ấy xem nó là tốt hay xấu. Giải thích cho tâm biết nhân quả đang hoạt động như thế nào. Và khi tâm lại túm lấy một cái gì đó mà nó nghĩ là hay, “cái biết” lại phải dạy nữa, lại giải thích thế nào là nhân quả, cho đến khi tâm buông bỏ cái nó đang dính mắc. Điều này sẽ đem đến sự bình an cho tâm. Sau khi đã thấy ra bất cứ cái gì nó bám víu và dính mắc đều là không đáng mong cầu, tâm sẽ tự động dừng lại. Nó không thể bị những thứ đó quấy rối nữa, bởi vì liên tục bị la mắng và khiển trách. Hãy quyết tâm chặn đứng ái dục trong tâm mình. Hãy truy tìm và đối diện với nó đến tận căn nguyên gốc rễ, cho đến khi giáo pháp thẩm thấu vào trong tim. Đó là cách bạn huấn luyện tâm mình.
Kể từ khi bước chân vào rừng sâu tu tập, tôi toàn thực hành như vậy. Khi dạy học trò, tôi cũng dạy họ thực hành như vậy. Bởi vì tôi muốn họ thấy sự thật, chứ không phải chỉ đọc những gì ghi trong kinh điển; tôi muốn họ thấy rõ xem tâm mình đã được giải thoát khỏi suy nghĩ hay chưa. Khi được giải thoát, bạn sẽ biết; nếu chưa giải thoát, thì hãy quán chiếu tiến trình nhân quả, nhân này dẫn đến quả kia như thế nào. Quán chiếu cho đến khi bạn biết và hiểu nó thật kỹ càng. Khi đã được xuyên thấu bởi tuệ giác, nó sẽ tự rơi rụng đi. Khi cái gì đến với bạn và mắc kẹt lại, hãy tìm hiểu nó. Đừng từ bỏ cho đến khi nó thả cái gọng kìm đang kìm kẹp mình ra. Hãy liên tục tìm hiểu ở ngay tại chỗ này. Đối với tôi, đây chính là cách tôi đến với giáo pháp, bởi vì Đức Phật dạy chúng ta phải tự mình hiểu. Tất cả các bậc thánh đều tự mình hiểu chân lý. Bạn phải phát hiện nó ở trong chiều sâu của chính tâm bạn. Hãy tự biết mình.
Nếu bạn tự tin về những gì mình hiểu và tin tưởng bản thân mình, bạn sẽ cảm thấy rất bình thản khi có ai đó chỉ trích hay tán dương bạn. Người ta nói bất cứ điều gì, bạn cũng sẽ thấy bình thản, thoải mái. Tại sao? Bởi vì bạn tự biết mình. Nếu ai đó tâng bốc bạn lên mây xanh, trong khi thực sự bạn không như thế, thì bạn có tin lời họ không? Tất nhiên không rồi. Bạn chỉ đơn giản tiếp tục thực hành pháp. Những người không tự tin vào những gì mình biết, khi họ được ca tụng, họ vội vàng tin vào điều đó và dựng nên ảo tưởng về chính mình. Cũng vậy, khi có ai đó chỉ trích bạn, hãy tự nhìn lại và kiểm tra lại chính mình. “Không, những gì họ nói không đúng. Họ nói tôi sai, tôi xấu, nhưng thực sự tôi không phải như vậy. Lời chỉ trích của họ không có giá trị gì hết”. Trong trường hợp như thế, tức giận với họ có ý nghĩa gì? Lời nói của họ không đúng. Nếu chúng ta thật sự có lỗi như họ nói, thì lời chỉ trích của họ là đúng. Trong trường hợp ấy, tại sao lại tức giận với họ? Khi bạn có thể nghĩ được như thế, cuộc sống sẽ thực sự không còn rắc rối và sẽ rất thoải mái, thanh thản. Chẳng có gì sai cả. Khi đó, tất cả mọi thứ đều là Pháp. Đó là cách tôi thực hành.


Trích: SỰ BÌNH AN KHÔNG GÌ LAY CHUYỂN
Thiền sư Ajhan Cha
Người dịch: Sư Tâm Pháp
http://sutamphap.com/