Trà Đạo ngày 25.08.2016 (Phải chăng cuộc đời đã lập trình sẵn? - Đạo có phải là con đường?)


Phải chăng cuộc đời đã lập trình sẵn?

Hỏi: Thưa Thầy phải chăng cuộc đời đã lập trình sẵn?

- Cuộc đời không phải đã được lập trình sẵn về mọi mặt, nhưng nó giống như một cuộc cờ có quy luật hẳn hoi, trong đó mỗi quân cờ, mỗi nước cờ đều có công dụng và vị trí nhất định của nó mà người chơi đương nhiên phải tuân thủ. Còn thắng hay bại, vui hay buồn, vinh hay nhục... là do quyết định của người trong cuộc đi quân cờ nào, chọn nước cờ nào, với mục đích gì... thì mỗi người có quyền tự do lựa chọn tuỳ khả năng, tuỳ trình độ nhận thức và cách xử lý trong ván cờ của mình.


 Do đó nói là lập trình sẵn cũng đúng, nhưng đó là nguyên lý, là quy luật chứ không phải ai đó đã an bài sẵn mọi sự như định mệnh mà mỗi người phải gánh chịu. Lập trình sẵn ở đây cũng có nghĩa là có sẵn những yếu tố tự nhiên, như trong thiên nhiên đã có sẵn hydrogen, oxygen, carbonic v.v..., nhưng tuỳ hiểu biết tính chất của các nguyên tố ấy mà có thể tạo ra những phản ứng hoá học khác nhau để có những hiệu ứng nhất định tuỳ mục đích sử dụng của mỗi người.
Dễ hiểu hơn như chúng ta có sẵn rau, củ, quả, gia vị mặn, ngọt, chua, cay v.v... nhưng ai thông hiểu được tính vị của chúng thì có thể chế biến thành những món ăn ngon, bổ dưỡng, ai không biết sẽ chế biến ra món ăn dở, độc hại. Như vậy, tuy thực phẩm có sẵn nhưng thức ăn ngon dở không phải do ai lập trình sẵn mà do nhận thức và cách chế biến của người nấu.
Lập trình mà không phải lập trình, đây là một cách lập trình rất kỳ lạ: chỉ lập trình trên nguyên lý thôi còn ứng dụng thì tự do chọn lựa của mỗi người. Ngược lại dù tự do chọn lựa nhưng cuối cùng vẫn phải học ra sự vận hành theo nguyên lý của pháp chứ không phải muốn gì theo ý mình cũng được. Rốt cuộc chọn lựa đường nào rồi cũng phải học cho ra nguyên lý của pháp mới thôi.

Hỏi: Có đôi khi những giấc mơ như báo hiệu chính xác điều sắp xảy ra. Vậy có phải là mọi việc đã sắp đặt sẵn rồi sao?

- Không phải sắp đặt sẵn mà giống như trái mít đang được 1 tháng người trồng mít rành nghề có thể biết bao lâu nữa trái mít ấy sẽ chín vì nó có tiến trình của nó, nhưng trong đó vẫn có sự uyển chuyển mà người càng rành rẽ chừng nào càng đoán đúng chừng đó. Nếu như trời nắng nhiều thì trái mít sẽ chín sớm, trời lạnh quá thì mít sẽ chín trễ hơn, người ta có thể nhìn qua tất cả hiện tượng thiên nhiên mà biết được sự vận hành của vạn pháp. Cho nên người ta có thể dự đoán thời tiết...mà trong dịch lý gọi là "lý sương kiên băng chí" tức nhìn thấy sương mà biết sắp tới sẽ có giá băng. Những người đi làm rừng thấy măng mọc như thế nào đoán được năm đó có lũ lụt lớn hay không, hoặc thấy hoa lau nở ra sao mà đoán được thời tiết sắp xãy ra rất chính xác, như kiểu kiến đoán được trời mưa, cá đoán được động đất dưới biển vậy.
Trong “lập trình” của tạo hoá có những nguyên lý phổ quát quy mô lớn như thành - trụ - hoại - không; quy mô vừa như sinh - trụ - dị - diệt; quy mô nhỏ như sinh - lão - bệnh - tử. Nhân quả, nghiệp báo cũng có quy luật của nó nên những vị có thiên nhãn minh có thể biết được người nào làm hạnh nghiệp gì sẽ gánh chịu hậu quả ra sao, ở cõi giới nào. Nghiệp được mỗi người tự do chọn lựa nhưng chọn lựa nào thì cũng đều phải học bài học trong chọn lựa của mình.
Về phương diện tâm, phần tướng biết của tâm qua lục căn chỉ biết được đối tượng hiện khởi, nhưng tánh biết của tâm có thể biết được thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai và không gian vô tận bên trong, bên ngoài, tám hướng, mười phương. Bản chất của tâm rộng lớn bất tận về cả không gian và thời gian nên việc linh cảm được chuyện sắp xãy ra ở tương lai hoặc chuyện đang diễn biến ở cõi giới khác là chuyện bình thường. Ví như nước và sóng, tánh biết như nước, tướng biết như sóng, sóng tuỳ duyên mà biểu hiện khác nhau nhưng tánh nước không thay đổi. Nước thì ở cùng khắp nhưng hiện tướng như hơi, sương, mù, mây, mưa, nước giếng, nước sông, ao, hồ, biển cả… đều khác nhau.
Cũng vậy, tướng của tâm chỉ giới hạn trong mỗi chúng sanh, nhưng tánh của tâm rộng lớn vô cùng nên người ta thường gọi là vũ trụ tâm. Người thoát khỏi bãn ngã, thâm nhập vào được biển tâm rộng lớn có thể thấy quá khứ, tương lai và không gian rộng lớn. Như đức Phật có thể ngồi ở chùa Kỳ Viên mà thấy được các cõi trời ra sao, thấy luôn cả quá khứ, tương lai ra sao. Đôi lúc chúng ta vô tình cảm ứng được tương lai, nhất là qua giấc chiêm bao, lúc đó ý thức của tướng biết không hoạt động, nhưng tánh biết của tâm thì vẫn âm thầm làm việc. Vì vậy mà nó vẫn biết được quá khứ tương lai, thậm chí linh cảm được những chuyện xãy ra bên ngoài.
Tâm rất kỳ diệu mà chưa môn tâm lý học nào nói hết được, kể cả Vi Diệu Pháp hoặc Duy Thức. Có những trường phái thấy tâm như vậy sinh ra chủ nghĩa duy tâm và cho rằng tất cả đều do tâm tạo ra hết. Thật ra, sự sống không phải chỉ có tâm không thôi mà còn có đất, nước, lửa, gió và hư không nữa. Những nguyên tố đó kết hợp với nhau sinh ra muôn loài vạn vật. Hiện tướng của muôn loài vạn vật thì có sinh có diệt, nhưng tánh của chúng vẫn không sinh diệt.
Đạo Phật nhìn sự vật một cách toàn diện cả mặt tất định, mặt tự do và cả mặt ngẫu nhiên nữa. Trong khi một số tôn giáo, triết học chỉ nhìn thấy một chiều nên họ chủ trương hoặc là định mệnh, hoặc là tự do, hoặc là ngẫu nhiên một cách phiến diện. 

Hỏi: Những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa có phải là tất định cho sự thành công hay thất bại?

- Đó chỉ là duyên bên ngoài, là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đạt đến thành công. Trong Phật giáo có Tứ Như Ý Túc: dục, cần, tâm và thẩm là những yếu tố bên trong làm nhân quyết định sự thành công. Trong khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa có vẻ thụ động vì lệ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh và sự ủng hộ của quần chúng người thì Tứ Như Ý Túc mang tính chủ động của thái độ nội tâm. Sự kết hợp hài hoà giữa nội tâm và ngoại cảnh sẽ quyết định sự thành công vững vàng hơn.
Như trong chiến tranh bên nào đạt được những điều kiện thiên thời, địa thế và lòng người thì có hy vọng chiến thắng hơn, tuy nhiên tài đức và chính nghĩa mới là nhân chính quyết định chiến thắng có ý nghĩa. Như vậy chiến thắng hay thành công một mặt cần đến trí tuệ và năng lực của mỗi người, mặt khác phải thuận theo nguyên lý tất định trong sự vận hành của thiên nhiên và xã hội, nên cổ nhân mới nói “Thuận thiên lập mệnh” là thế. Vì nhiều người không thấy được điều này nên khi thành công cứ tưởng là mình tài giỏi mà sinh ngã mạn, tự cao.

Đạo có phải là con đường?
 
Hỏi: Thưa Thầy, Đạo có phải là con đường?


- Đạo không phải là con đường dẫn tới đâu. Thuật ngữ Đạo trong Đạo đế là những yếu tố giác ngộ ra Sự Thật mà sự thật rốt ráo nhất chính là Niết-bàn trong Tứ Thánh Đế. Nếu có con đường thì phải có điểm xuất phát và đích đến như vậy đã có ham muốn trở thành, tức rơi vào hữu, tướng, tác, cầu hay sinh, hữu, tác, thành, chứ không phải là Đạo là không, vô tướng, vô tác, vô cầu hay không sinh, không hữu, không tác, không thành như Đức Phật dạy. Nhưng Niết-bàn ở ngay đây và bây giờ nơi thực tại hiện tiền nên đức Phật dạy chỉ cần nhìn lại mà thấy chứ không phải trở thành hay đạt tới.

Tác giả: Th
ầy Viên Minh