Con đường để đi đến giác ngộ

...Con đường để đi đến giác ngộ, không phải lúc nào cũng thênh thang rộng mở, sắc màu điểm tô, mà con đường đi đó, có những vấn đề của riêng nó, thăm thẳm xa, với bao gập ghềnh, gian khổ, từ nội tâm cho đến ngoại cảnh, từ bên trong lẫn bên ngoài. ...
....Trong sự tu tập, không có thuận duyên, chỉ có nghịch duyên, không có thuận cảnh, chỉ có nghịch cảnh, nhưng từ trong đó, từ trong nghịch cảnh mới có thuận duyên, từ trong nghịch duyên mới có thuận cảnh, từ trong khổ đau mới cần đến giải thoát. Khi nhận biết tinh tường, thấu rõ, thì thuận nghịch, khổ đau sẽ chuyển hóa, thành chất liệu, tương tác, vượt lên, hổ trợ cho nhau. Tu là đi trên con đường nghịch dòng, con đường gian nan vất vả, con đường khổ ải, con đường ít người dám vượt qua, bước tới, nhưng đó lại là con đường của người tu và muốn tu, nếu quyết lòng bền chí thì sẽ vượt qua đến đích. Con đường, cũng chính là con đường của không đường, và chỉ mỗi con đường của không đường đó, mới đủ năng lực nhiệm mầu đưa ta vượt thoát, bước vào cánh cửa không môn.

Chặng đường tâm linh, đôi khi lắm lúc, có những điều khiến cho ta bối rối, khiến cho ta chột dạ, bâng khâng, khiến cho ta hoài nghi, đặt nhiều câu hỏi, mong chờ một sự giải đáp, những tín hiệu. Có khi, ta nhận được sự giải đáp, nhưng ta vẫn không thoả mãn, luôn khát khao tìm kiếm, ngóng trông, đợi chờ, rồi cứ lắc đầu không chịu, lại lăng xăng, khăn gói, hành trang ra đi tìm cái khác. Nhưng có sự đáp trả nào, khiến cho ta bằng lòng, vui sướng, hả dạ, nếu không tự mình đào bới, khai quật nơi nội tâm, tự mình tìm phương giải quyết, tự mình tìm thấy câu trả lời cho chính mình, riêng mình, thì không một ai, vị nào, đấng nào, đem lại cho ta câu trả lời đúng nghĩa. Trong những câu hỏi đặt ra, có những điều liên quan đến sự tu tập, giải thoát, có những thứ liên quan đến sở học, bùng vỡ của giác ngộ, và cũng có những điều, chỉ nhằm trình bày kiến giải, sở đắc tu tập để nhờ thầy ấn chứng. Có những câu trả lời, khiến cho ta càng thêm bối rối, nghĩ ngợi lung tung, bị gạt ra ngoài, bị đá bung ra, bị phất trần đánh tới tấp, khóa miệng, bóp môi, đầu óc căng cứng, có khi tàn nhẫn, thô bạo, có khi vỗ về, an ủi, từ tốn, nhẹ nhàng, như nước chảy mây bay, qua cầu gió thổi, dẫu vậy, ta vẫn chưa hiểu được lý do là gì và tại sao, ta vẫn ngơ ngác đứng bên ngoài cuộc chơi. Đôi khi cũng có sự đáp trả, khiến ta bay bổng ra ngoài càn khôn, giật mình tỉnh mộng, bao nhiêu lầm chấp, ngờ vực, chỉ trong sát na tích tắc, bị quét sạch, cuốn trôi, nhận ra được bản thể vi diệu không cùng của giác ngộ, từ đó từng bước ta đi tới, vươn cao trong ý lực vượt thoát, chọc thủng màn đêm tăm tối.


***
Trong thiền, vốn đầy dẫy những thuật ngữ, xảo ngữ, diệu ngữ, nhưng trong việc tìm thấy giác ngộ, bùng vỡ giác ngộ, thì không thể dùng đến ngôn ngữ như một minh chứng rạch ròi, vì lẽ ngôn ngữ không có trong giác ngộ, giác ngộ không ở trong ngôn ngữ. Rõ ràng, thiền sư Bản Tịch phá vỡ cái thế đứng chênh vênh, xóa nhòa biên giới, nhị nguyên, đập vỡ sự bày biện của ý thức, đạp đổ mọi so đo, phân biệt, toan tính, rủ bỏ mọi phân vân nghĩ ngợi, chấp trước. Muốn thấy được “Ý chỉ của tổ sư là gì” tức là phải thấy được cái dụng của tâm, bản thể vi diệu của giác ngộ, nằm trong sâu thẳm, tự mình nghiền ngẫm, quán chiếu, vận dụng đến trí tuệ, chứ không thể y cứ vào những biểu hiện, đi lại, mang tính tùy tiện, bày biện của tư tưỏng, bản năng. Bản thể như thật, thường tại của chân tâm, không đến và không có từ kinh viện, giáo điều, những áp đặt, những tôn thờ, những định kiến, lối mòn, những biến đổi khôn lường của tâm thức. Điều đó không góp phần, không tăng trưởng, không giúp ích trong việc trông thấy đâu là bản thể của giác ngộ, muốn đạt được, thấu hiểu rõ ràng, là phải phá bỏ rào cản, sự ngăn ngại, vực dậy chơn tánh đang sẵn có trong mỗi chúng ta, làm cuộc cách mạng toàn triệt trong nội tâm, buông bỏ mọi dính mắc, phủi sạch mọi che mờ, để cho ánh sáng trí tuệ của giác ngộ chiếu vào, tỏ rạng, bằng sự hoán chuyển, đổi thay, đào bới trong tận cùng tâm thức, nối kết sự tỉnh lặng tuyệt vời, thuần nhất, trong từng hiển hiện.

Một câu hỏi vượt thời gian


Câu hỏi: “Như hà thị tổ sư Tây lai ý”? Thế nào là tổ sư Tây lai ý? Trước đó, đã được Hòa Thượng Triệu Châu Tòng Thẩm (778– 897) của Trung Hoa từng đề cập, nhân có một vị tăng hỏi, mẫu đối thoại nầy được ghi lại trong Triệu Châu Lục, và trong Vô Môn Quan.

Tắc số 37. Cây bách trước sân (Đình tiền bách thụ)


Bản tắc:

Hòa Thượng Triệu Châu nhân có vị tăng hỏi:
Tổ sư Đạt Ma từ phương tây xa xôi đến, ý là gì vậy?
Thiền sư Triệu Châu bèn chỉ ra ngoài sân đáp:
Là cây bách đó!

Bình xướng:

Vô Môn nói rằng:
“Nếu thấu hiểu một cách chính xác câu trả lời của Triệu Châu thì coi như cả Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá khứ lẫn Di Lặc Bồ Tát trong tương lai đều không hề tồn tại.”

Tụng:

Ngôn vô triển thi
Ngữ bất đầu cơ
Thừa ngôn giả tang
Trệ cú giả mê

“Nói không giải thích nói
Lời chẳng động cơ thiền
Kẻ hiểu lời toi mạng
Người bám chữ ngu thêm”.

Nguyễn Nam Trân, biên dịch

Cũng trong câu hỏi: “Thế nào là tổ sư Tây lai ý?” Thiền Tông Ngữ Lục Đại Quan của Viên Tân, Lý Việt Dũng góp nhặt và biên dịch, ta thấy có khoảng 41 câu trả lời từ những vị thiền sư khác nhau, ở vào những thời điểm khác nhau. Chúng ta thử đọc một vài trích đoạn dưới đây:
Ngày kia Thiền Sư Trí Nhàn hỏi chúng tăng rằng: “Có một người tại chốn non cao ngàn thước, miệng chỉ cắn được nhánh cây, chân không có gì để giẩm đạp, tay không có gì để bấu, thì bổng có người hỏi: Ý chỉ của Tổ sư Tây lai là gì? Nếu mở miệng trả lời thì tán thân mất mạng, mà không trả lời thì phụ ý người hỏi. Lúc đó các ngươi tính thế nào?” Khi ấy có vị Chiêu thủ tòa bước ra nói: “Lúc leo cây thì không hỏi làm chi, còn lúc chưa leo thì chí ý Tổ sư Tây lai ý là gì?” Thiền sư cười bỏ qua.
Thiền sư Thủy Lao đến tham yết Mã Tổ hỏi: “Thế nào là Tổ sư Tây lai ý?” Tổ nói: “Hãy lễ bái cái đã”. Sư vừa cúi lạy, Mã Tổ nhắm ngay ngực sư cho một đạp té nhào. Sư liền đại ngộ, nhổm dậy xoa tay cười ha hả nói: “Thật lạ kỳ, thật lạ kỳ, trăm ngàn tam muội, biết bao diệu chỉ của Thiền tông chỉ nhờ nơi đầu mảy lông nhỏ xíu mà nhận thức được bổn lai nguyên”.
Thiền sư Ngưỡng Sơn hỏi: “Thế nào là tổ sư Tây lai ý?” Thiền sư Linh Hựu chỉ chiếc đèn lồng bảo: “Là chiếc đèn lồng”. Ngưỡng Sơn nói: “Có phải cái lồng đèn nầy là nó không?” Linh Hựu hỏi: “Cái này là gì?” Ngưỡng Sơn nói: “Chính là một cái đèn lồng” Thiền sư Linh Hựu nói: “Quả nhiên là không thấy rồi”.
Ý chỉ Tổ sư Tây lai ý là gì? Điều đó, quan trọng đến mức nào, mà chư thiền sư đem ra hỏi và đều nhận những câu trả lời khác nhau? Có phải đó, một bản di chúc, kho báu vô tận, bí quyết để đi đến giác ngộ, ta phải ra công tìm kiếm, gõ thật mạnh, thật sâu vào tận cùng tâm ý, phải đánh đổi mạng sống, tâm lực, bằng sự quyết lòng vực dậy? Ý chỉ đó, không đơn thuần là tôn ý, ý chỉ, mục đích của tổ sư là gì, mà là cốt lõi, trọng tâm, chổ tuyệt cùng, chổ chính yếu, quan yếu, sự quyết định dứt khoát, kết quả tất nhiên, sự tựu nên, vi diệu cao tột của thiền? Ta không thể dùng khái niệm, thước đo, phạm trù, ngôn ngữ để đo lường, đong đếm, mà là bất khả tư nghì, không nói được, không thể diễn tả được, không thể nghĩ bàn, nó cuồn cuộn dâng cao, quét sạch mọi trì trệ ứ đọng, rồi lại thong dong rũ sạch mọi thứ, tự tại ra đi, không hề vướng bận. Cao tột diệu vợi, không hề có đến đi, chưa từng đi đến, kẻ hỏi và người trả lời, bặt dấu mất tăm, chẳng thấy có người hỏi và người trả lời, tìm ở đó như mò kim đáy biển, như vào chổ không người, không lời, không vật, không năng sở. Dùng cái tâm thức vọng động, thường xuyên khuấy nhiễu, thì khó mà cảm nhận được, khó mà thấy được, chỉ có sự bặt ngôn trọn ý, tung mình thoát ra ngoài mọi tương quan, đối đãi, may ra ta mới trực nhận. Điều quan trọng, phải gõ cửa thì cửa mới mở, vì là cánh cửa không môn, nên phải biết cách gõ, phải vận dụng đến năng lực nội tại không cùng, người gõ và cánh cửa, có còn là năng là sở, là một là hai, hai nhập một, không gõ chẳng mở.
Nhìn chung, mỗi vị Thiền Sư đều trả lời mỗi cách, mỗi vẽ, mỗi nét, không vị nào giống vị nào, có vị hét, có vị quát, có vị đánh tới tấp, có vị lặng thinh cười ha hả. Có chăng, một điểm tương đồng, đó là, mở ra cánh cửa nhiệm mầu của thực tại, ngay lúc đó, tại nơi đó, thời điểm đó, tâm thức đó, con người đó, đẩy bung cảnh và tâm, lột trần tất cả, để lộ nguyên sơ. Một khi tánh thấy, chạm được vào sự nguyên vẹn, nhất như, thì cái thực tại đó, sẽ trở nên tuyệt vời, thuần khiết, và cũng chính nhờ vào sự chạm thẳng được cái nguyên trạng tức thì đó, tạo nên sự tương tác, lực đẩy, khiến cho tâm thức của ta, đánh động ngay với thực tại ấy, thể nhập vào đó, trực nhận vào đó, mở ra từ đó. Nó không ở đâu xa, nằm ngay tại đó, nằm chình ình trước mắt, hiện thực như thế, rõ ràng như thế, vốn dĩ như thế, chỉ có như thế, ý chỉ tổ sư như thế, không thể nghĩ, chẳng thể bàn, tự nhiên, như nhiên, thường hằng tỏa chiếu .
... trong thiền, tất cả mọi tiền đề, tiêu đề, tri kiến, viễn kiến, kiến giải, nhằm xây dựng một cái gì, thiết lập một điều gì, dựng nên một điều gì, đều bị thiền vạch mặt điểm danh, quật ngã, đốn sạch, đốt tan, không còn cơ may bén mảng đến. Ý đã lăng xăng không thật, thì còn cái gì gọi là ngôn là ngữ, chỉ có vô tâm phân biệt, sự vắng bặt toàn triệt, mới là điều tối cần.

Thiền kêu gọi “Kiến tánh thành Phật” Thấy được chân tánh thành Phật, tự tánh, bản thể của giác ngộ, sự linh hiện, như thật của các Pháp, tất cả mọi dụng công, mọi nổ lực, là nhằm để thấy được chân tánh, thường tại, muốn thấy được phải có trí tuệ, buông bỏ tất cả, để cho ánh sáng của Chân Như chiếu rọi. Tông chỉ của thiền có 4 câu, do tổ Bồ Đề Đạt Ma (470-543) nêu ra, nhưng cũng có người nói do Nam Truyền Phổ Nguyện (749-835) một môn đệ của Mã Tổ Đạo Nhất.

Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
“Không lập văn tự
Truyền giáo pháp ngoài kinh điển
Chỉ thẳng tâm người
Thấy chân tính thành Phật”.

Ngôn ngữ văn tự, tự nó là một hố thẳm, nếu có sự dính mắc, chấp trước, là do chính mình tìm cách dính mắc, để cho dính mắc, chạy theo dính mắc. Thiền kêu gọi “không lập văn tự” nhằm ngăn ngừa chấp trước, phá vỡ sự nương nhờ, viện dẫn, bám víu, vướng bận, lạc lối, vào văn tự, ngôn ngữ. Thật ra, điều nầy có vẽ như hơi lo xa, vì lẽ, thiền vốn xóa nhòa mọi chặng đường đi lại, dấu vết, quét sạch trì trệ ứ đọng, trôi nỗi của tâm thức, đánh sập và ủi nhào tất cả thành trì của tư tưởng, tri thức, đâu phải chỉ có ngôn ngữ văn tự không thôi. Thiền vốn vượt thoát, “siêu ngôn ngữ, siêu văn tự, dĩ tâm truyền tâm” bởi lẽ ngôn ngữ chỉ sự bày biện nào đó của tâm thức, văn tự nhiều khi cũng chỉ là sự nhảy múa của tư tưởng, muốn thể nhập là phải tư duy, quán chiếu, trãi nghiệm, nếu mà “bất lập” thì còn nhiều thứ để mà bất lập, chứ không đơn thuần chỉ có mỗi việc ấy, và nếu càn quét, triệt tiêu, thì còn có rất nhiều điều, nhiều thứ, để phải xoá nhòa, ủi sập, chứ không phải chỉ việc đó. Sự dính mắc của tâm cảnh, tâm vướng cảnh, cảnh dính tâm, cả cảnh và tâm cùng dính, cùng mắc, đó mới là điều đáng sợ, đáng giải quyết. Phải chăng, chính từ sự “bất lập” đó, mới có tiếng hét, tiếng quát, tiếng ha, phất trần đánh tới tấp, bất lập điều nầy, để rồi lập nên điều khác?
Câu thứ hai “truyền giáo pháp không xử dụng đến kinh điển” với chủ trương không nương vào kinh điển, không viện dẫn, giáo lý, giáo tông, có vẽ như mang tính bí mật bổn môn, sự truyền thừa riêng rẽ, truyền cho người đủ duyên lãnh hội, có tính ban bố, sự cho và nhận, tạo nét riêng biệt, độc đáo. Phải chăng, hai câu đầu nhằm chú trọng đến việc gây thanh thế, dựng tông lập phái, tạo sự đặc thù, gây sự chú ý? Dù là tông chỉ, hay gì đi nữa, nhưng một khi thiết lập, thì vẫn có những giới hạn của riêng nó, và nhiều khi chỉ có giá trị ở vào một thời điểm nào đó. Suy cho cùng, thiền không cần đến bất cứ sự bày biện, trang sức nào cả, những điều đó cũng chẳng tăng thêm uy tín cho thiền, vã lại, thiền đâu cần đến uy tín, và thiền cần uy tín để làm gì? Hai câu cuối “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” có lẽ, đó mới đích thực là cốt lõi của Thiền, và cũng có thể đó là “Ý chỉ của tổ sư Tây lai ý”.
Trong hội Linh Thứu, một giai thoại thiền, Đức Phật Thích Ca cầm cành hoa đưa lên trong chúng hội, cả đại chúng yên lặng, duy chỉ có ngài Ca Diếp mĩm cười (Niêm hoa vi tiếu). Đức Phật tuyên bố: “Ta có chánh pháp vô thượng trao cho Ma Ha Ca Diếp. Ca Diếp là chổ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chổ nương tựa cho tất cả chúng sinh”. Đức Phật biểu lộ một hành động, ở vào thời điểm cần thiết phải làm như vậy, ngài đưa một vật lên trước đại chúng, cả hội chúng phần nhiều đều chứng thánh quả, không lẽ chỉ mỗi một mình ngài Ca Diếp là nắm được tôn ý của Phật? Dù Phật có đưa vật gì lên, thì ngài Ca Diếp cũng sẽ mĩm cười, cả hội chúng cũng sẽ an nhiên mĩm cười. Cũng từ câu tuyên bố đó của Đức Phật, được chư Thiền Tổ giải thích như sau: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.”
Theo một số nhà nguyên cứu, đây là cách gây uy tín cho thiền, bằng việc tạo ra một dòng tổ bắt nguồn từ Đức Phật Thích Ca. Không lý, Tổ Bồ Đề Đạt Ma với chín năm ngồi quay mặt vào vách, để rồi ngài sáng tạo ra bốn câu tông chỉ, còn có cuốn Thiếu Thất Lục Môn (Sáu cửa vào động Thiếu thất) được gán cho tổ, của tổ, hay do đời sau ngụy tạo? Xét về nội dung, tư tưởng, ngôn ngữ, văn khí đủ thấy sự thâm sâu cao tột của tác phẩm, vậy cớ gì, lý do gì, diệu dụng gì lại gán cho tổ. Nếu do đời sau ngụy tạo, thì dụng ý đó là gì, vẫn còn là một dấu hỏi thật lớn, và câu trả lời cũng thật lớn. Dùng phương tiện để đi đến chân lý, cứu cánh biện minh cho phương tiện, phương tiện biện minh cho cứu cánh, nhưng rốt cuộc, phương tiện vẫn là phương tiện, cứu cánh vẫn là cứu cánh, không thể song hành, chung lối, trừ phi cả hai nhập làm một, tuy hai mà một, có được chăng và đến bao giờ? Nếu không đủ năng lực thâm sâu, không thể nhập vào tận cùng, không vượt thoát, không vực dậy, không khéo ta lại mắc kẹt vào đó, rơi vào đối đãi, chấp trước, rồi lại đánh trống thổi kèn, khuyếch trương phóng đại.
Có truyền thuyết, tổ Bồ Đề Đạt Ma quảy dép về Tây, phi hành trên ngọn Thông Lãnh, cho dù là huyền thoại, huyền sử, thì bóng dáng hiên ngang đó, vẫn mãi bám theo ngài trên mọi lối. Có người còn gọi ngài là (Bích nhãn hồ) nghĩa là “Tên rợ mắt xanh” có vẽ như bất kính, nhưng có phải vì thế, mà làm ảnh hưởng, hoen ố đến hình ảnh độc đáo, phi thường của ngài? Cũng có thuyết cho rằng Bồ Đề Đạt Ma, chỉ là nhân vật huyền thọai, dù ở góc độ nào, khía cạnh nào, huyền sử, chính sử, huyền thoại hay không huyền thoại, bất kính hay không, thì vẫn chưa một ai thay thế nổi, chưa một ai đương đầu nổi, cái bóng dáng hùng vĩ, hiên ngang, phủ trùm lên cả thời gian lẫn không gian, lồng lộng trên bầu trời Đông Độ, đọng mãi trong dòng chảy của nền văn học Thiền hằng bao thế kỷ nay, và cũng chưa một ai sánh bằng, theo kịp, một kẻ được tôn xưng là độc đáo, hy hữu, siêu việt trong lịch sử Thiền Tông.
Cuối cùng, tổ sư Tây lai ý? Ý của tổ sư? Ý của người sau? Hay ý đó, chỉ là ý của ý?
Mặc dù có sau, đến sau, nhưng bốn câu tông chỉ đó, tác động không nhỏ đến nền thiền học Việt Nam, dẫu vậy, nếu có chú trọng, thì thiền Việt Nam chỉ chú trọng vào hai câu cuối “Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”. Với hai chử “kiến tánh”, vô cùng vi diệu, cao tột tuyệt vời, nói lên được tất cả, làm được tất cả, với hai chử đó cũng đã đủ, cho một đời tu tập. Những giáo pháp, giáo tông, tâm tông, pháp môn, những ngữ lục, thiền ngữ, công án, thi kệ, những thuật ngữ, diệu ngữ, cũng đều nhằm vào việc, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, khả năng thành Phật đều sẵn có trong mỗi chúng sanh. Thiền Việt Nam, không tạo nên những rối bời lo lắng, không đi lòng vòng quanh co, đưa ta vào trận đồ không lối thoát, mở gút thắt ngay lập tức, để thấy thật tướng của các pháp, thấy được chân tính tròn đầy, lặng lẽ, tuyệt diệu. Kiến tánh không còn là một trạng thái, mà là sự thực nghiệm, thể nhập trọn vẹn, phải nhập vào dòng chảy, phải leo lên đỉnh cao ngút ngàn để trông rõ mọi hiện tượng, phải xuống tận cùng hố thẳm để thấy những vi diệu ẩn chứa tại đó tự bao giờ. Đó là sự quan yếu, cốt lõi, để đạt đến giác ngộ, bởi lẽ, những tác động đều phải tác động ngay từ bây giờ, trên chính cái tâm của mình, tìm ra mọi ngõ ngách đi lại của tâm, theo dấu tâm đi, thâu tóm tâm về một mối, tâm là chủ nhân ông, tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tác tạo. Một khi tâm được giác ngộ, thông suốt, tường tận, thấy được bản tính như thật, nguyên vẹn, lập tức an lạc thường hằng xuất hiện.
Thiền tông có mặt ở Việt Nam là thiền Đại Thừa, sáng tổ là Thiền Sư Khương Tăng Hội (?-280) cha mẹ ngài gốc Khương Cư, ngài sanh ra tại Giao Chỉ, xuất gia, tu học và hành đạo tại đây, ngài cùng với Trần Tuệ, chú sớ và đề tựa kinh An Ban Thủ Ý do An Thế Cao dịch, ngài phát triển thiền học theo tinh thần Đại Thừa, không những thế ngài còn là người đầu tiên đem thiền học phát huy ở Trung Hoa, ngài cư trú ở đây 25 năm.
Trong Thiền Uyển Tập Anh, một tác phẩm quan trọng và lâu đời của nền thiền học Việt Nam, thì hầu hết các vị thiền sư Việt Nam, trước khi thị tịch đều lưu lại một bài kệ, thiền ngữ, công án, chứa đựng nội tâm giác ngộ siêu việt, những kinh nghiệm thực chứng, nhằm cảnh tỉnh, sách tấn, răn dạy, nhắc nhở người sau. Bởi lẽ, chủ trương của thiền Việt Nam là nhập thế, đi vào cuộc đời để cứu độ chúng sanh, chuyển hóa phiền não khổ đau tìm đến an lạc giải thoát, trong sự rộng mở của trí tuệ giác ngộ. Giác ngộ được tìm thấy từ trong cuộc đời, từ nơi sự sống, từ trong phiền não khổ đau, và giải thoát cũng từ nơi cuộc đời, từ nổi đau sự khổ, mới cần đến giải thoát. Đạo Phật Việt, lấy sự giải thoát cho chính mình và tha nhân, làm bi nguyện độ sanh lên đường phụng sự, dấn thân và lập nguyện, cứu khổ quần sinh, đưa chúng sanh về nơi an lạc. Chính từ tâm lực, nguyện lực cao cả, làm chất liệu, hành trang vượt thoát, mà Đạo Phật Việt tồn tại và trãi dài cho đến tận hôm nay và mai sau. Chúng sanh có được an lạc, giải thoát là chính mình có được an lạc, độ mình tức độ người vậy, xả thân mạng không nề gian khổ, hết lòng phụng sự, không ngại gian nan, không từ khó nhọc. Thiền Việt Nam cao thâm vượt trội, tâm nguyện, hạnh nguyện đó, vẫn đêm ngày tỏa chiếu, soi từng bước đi, cho cả một dân tộc, làm sống dậy chân lý cao tột của giải thoát trong từng tâm thức, tạo nên những con người tốt đẹp, một xã hội hoàn thiện, vươn cao, tiến thẳng về phía trước, đem đến một lý tưởng sống an lạc, cao đẹp trong sự vựơt thoát đầy ý nghĩa, làm vơi đi niềm đau nổi khổ, của chính mình và tha nhân, quốc gia và xã hội.
Đọc lại thiền sử, Thiền tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền (?–867) cũng từng rời bỏ thiền sư Hoàng Bá Hi Vận (?–850) để ra đi, do không nhận được yếu chỉ từ nơi thầy. Một hôm tổ hỏi: “Yếu chỉ đạo Phật là gì?” câu hỏi vừa mới xong, âm vang chưa kịp tan loãng, tổ bị thầy đánh cho ba mươi hèo. Cả ba lần như thế, đều bị ăn đòn cả ba, Lâm Tế quyết định đi tìm thầy khác, Hoàng Bá chỉ ngài đến gặp Thiền sư Đại Ngu, khi tổ đến Đại Ngu hỏi:
Ở đâu tới?
Ở Hoàng Bá
Hoàng Bá dạy dỗ những gì?
Nghĩa Huyền nầy ba lần hỏi về yếu chỉ của đạo Phật là gì, thì cả ba lần đều lãnh đủ nhiều gậy mà chẳng được dạy gì cả, chẳng biết tôi có lỗi gì?
Đại Ngu bảo:
Chẳng ai có thể tốt bụng hơn gã Hòa Thưọng hủ lậu đó, thế mà ngươi còn muốn biết mình có lỗi ở đâu? Bị Đại Ngu quở mắng Lâm Tế mới giật mình trông thấy cái dụng của Hoàng Bá, chứa đầy sự thương mến trong cung cách tàn bạo, Lâm Tế bèn thốt lên:
Thế ra Phật Pháp của Hoàng Bá chẳng có chi nhiều.
Đại Ngu nắm ngay lấy cổ áo của Lâm Tế và bảo:
Phút trước nhà ngươi nói không hiểu nổi, bây giờ bảo không có chi nhiều, thế nghĩa là gì?
Lâm Tế không trả lời, lại đánh vào cạnh sườn Đại Ngu ba thoi, Đại Ngu gỡ ra và bảo:
Thầy ngươi là Hoàng Bá việc nầy chẳng can dự gì đến ta.
Khi Lâm Tế trở về, Hoàng Bá hỏi:
Sao lại về nhanh thế?
Lâm Tế trả lời:
Vì thầy qúa tử tế như bà nội.
Hoàng Bá nói:
Đợi khi nào gặp gã Đại Ngu ấy, ta cho gã hai chục gậy.
Lâm Tế đáp:
Khỏi cần gặp, có ngay đây. Vừa nói, vừa vỗ cho lão Hòa Thượng một chưởng thật nặng.
Lão Hòa Thượng cười ha hả!
Điều đặc biệt, đệ nhị tổ Pháp Loa (1284-1330) của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng đã thưa hỏi Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông (1258-1308) cả hai câu hỏi tương tự như vậy, ngài đặt ra hai câu đó, cùng một thời điểm, cùng một tâm cảnh.
Một hôm, Thiền sư Pháp Loa hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông:
Thế nào là Phật?
Ngài đáp: Tấm cám ở dưới cối.
Thế nào ý Tổ Sư từ Ấn sang?
Ngài đáp: Bánh vẽ
Thế nào là đại ý Phật Pháp?
Ngài đáp: Cùng hầm, đất không khác.
Cả hai Thiền sư, đều nhận được hai câu đáp trả khác nhau, một bên thì bị ăn đòn tới tấp, bên khác thì nhận được cái “bánh vẽ” và “cùng hầm đất không khác”. Khi ta đào một cái lỗ, cái hố xuống đất, thì cái hố, cái hầm đó vẫn ở trong đất, nằm nơi đất, trong lòng đất, không ra ngoài đất. Ý chính của phật pháp, bản thể của giác ngộ, giải thoát, cũng vậy không hề sai khác, “tâm địa” một khi cày bừa cho kỷ, dọn cho thật sạch, thì mặt trời trí tuệ soi sáng ”tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu”. Dù hai thiền sư, ở hai phương trời khác nhau, thời điểm khác nhau, tâm thức khác nhau, nhưng đều chung một tâm điểm, đó là tìm cách vực dậy sự giác ngộ, bằng tất cả tâm lực, ý lực, nguyện lực, giải quyết sự bế tắc nơi nội tâm, những tra vấn mãnh liệt đang bừng dậy, quyết lòng mở cho được cánh cổng giác ngộ bằng mọi cách, dù bị ăn đòn, đớn đau thể xác, cũng không từ nan. Giác ngộ mới là mấu chốt, giải thoát mới là quan trọng, hết lòng hết dạ tìm cho ra, thấy cho trọn, đạt cho được...

Như Hùng