Trà Đạo ngày 10.09.2016 (Mối Quan Hệ Đúng Tốt)


Mối Quan Hệ Đúng Tốt

Hỏi: Thưa Thầy làm sao để có mối quan hệ mà không bị chi phối bởi sự đối đãi ạ. Để xây dựng một tình bạn mà không đem lại khổ đau cho nhau thì phải đối với nhau như thế nào?

- Trong cuộc sống đương nhiên phải có mối quan hệ. Thiên nhiên thường có sự tương giao tự nhiên, nhưng sống trong xã hội thì cần có mối quan hệ.
Nói cách khác, trong Chân Đế mới có sự tương giao, còn trong Tục Đế khó tránh được mối quan hệ. Nguyên lý Đức Phật dạy là đã có quan hệ thì trong mối quan hệ cần phải đúng tốt mới không gây phiền luỵ cho nhau. Trong thuyết chính danh của Khổng Tử cũng có nói lên mối quan hệ đúng tốt (như cha ra cha, con ra con, vua ra vua, thần ra thần, ai cũng làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người đó).
Khi sống đúng tốt thì tự nhiên có mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh, Đức Phật dạy trong gia đình nếu người vợ hoặc người chồng sống đúng tốt, mỗi người làm tròn nhiệm vụ của mình thì tự nhiên gia đình hòa hợp. Khi mỗi người sống đúng tốt thì tự nhiên có sự tương giao hài hoà hơn là cố tạo mối quan hệ ràng buộc. Nhưng khi đòi hỏi mối quan hệ quá cao, sống với nhau anh phải thế này, tôi phải thế kia như một hợp đồng có điều kiện thì liền sinh ra nhiều tình trạng bất đồng, nên trong mối quan hệ cần phải biết mình biết người. Mối quan hệ phải đặt trên nhận thức đúng và hành vi tốt mới đưa đến mối quan hệ tốt đẹp.
Xã hội sở dĩ loạn là do cá nhân xen tư ý vào nhiều quá. Người này đảm nhiệm chức vụ này đem tư ý vào, người kia đảm nhiệm chức vụ kia cũng đem cá tính vào trong đó nhiều quá, tạo nên mối quan hệ càng mâu thuẫn, càng hỗn loạn. Nếu như mọi người làm tròn bổn phận của mình, làm đúng chức năng của mình đối với mọi người, thì mọi sụ đều tốt đẹp. Nguyên lý là vậy, nhưng ứng xử làm sao trong tình huống cụ thể thì mỗi người phải nhận ra chính mình. Thí dụ vợ chồng cần biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, cần đặt mối quan hệ trên cơ bản thiện tâm, thiện ý thì mới tốt đẹp được.
Trong mối quan hệ thường người này muốn người khác phải tốt với mình, phải thế này thế kia theo ý mình, do đó, tạo nên mối quan hệ quá chủ quan, không thấu hiểu hay cảm thông với người khác. Dù mối quan hệ giữa hai người hay giữa cộng đồng nhiều người thì nhận thức và hành vi đúng tốt vẫn là tất yếu. Nhiều khi trong một chung cư không ai biết ai, nhưng nếu nhà nào cũng sống đúng tốt, thì dù không tạo mối quan hệ với ai nhưng vẫn trật tự, ổn định. Chính yếu vẫn tùy thuộc vào nhận thức và hành vi, hay nói cách khác, tuỳ thuộc vào trí tuệ và đạo đức của mỗi người trong mối quan hệ.


Tác giả: Thầy Viên Minh