VÌ ĐÂU NÊN NỖI

Con người ta sống trên đời thường tự chuốc lấy khổ đau, phiền não nhiều hơn gấp bội phần cái khổ không đáng phải khổ của một thân chúng sanh, ấy là vì vọng tâm chấp ngã, chấp pháp. Do vọng chấp có ngã, pháp, nghĩa là chấp thân tâm này và các pháp tướng tương quan, tương tác, tương sanh, tương diệt trong cảnh giới hữu hạn, luôn luôn biến dịch, đổi thay làm thật có nên người ta mới khởi tâm phân biệt ngã nhơn, bỉ thử, rồi thể hiện bằng hành động đấu tranh, giành giật, chiếm đoạt, trí trá, dối lừa, trốn tránh...không ngoài mục đích để thoả mãn bản ngã.

Do phân biệt, vọng cầu nên người ta phải tự hệ lụy vào các pháp tướng khổ vui, mừng giận, được mất, hơn thua, ta người, đối đãi, tự trói buộc mình vào vọng nghiệp tử sanh, nhơn quả tương đối .
Sở dĩ gọi là có "cái khổ không đáng phải khổ", chỉ là một cách nói, để cho thấy có sự khác biệt nhau từ trong cái nhìn và nhận thức ban đầu của mỗi chúng sanh, tuy cùng đối mặt với cuộc sống, trong cùng một thời điểm, một hoàn cảnh, ngay trong hiện tại, nhưng sự hiểu biết về cái nghĩa khổ của mỗi người thì lại hoàn toàn sai biệt. Một đàng xem cái khổ là huyễn hoặc nên cứ tự như, không chỗ can hệ, dính dấp. Một đàng cho khổ là thật có, nên tự mình hệ lụy, vướng mắc. Nghĩa là, bắt nguồn từ sự sai biệt trong tận cùng gốc rễ của nhận thức (cái nhân) nên cách ứng phó của mỗi người đối với cùng một sự việc, cùng một vấn đề trước mắt hoàn toàn khác nhau, dẫn đến hệ quả tất yếu (cái quả) là hạnh phúc cho người này hay bất hạnh cho người kia, mà nguyên nhân chính cũng không ra ngoài một cái chỗ "biết" của mỗi người mà thôi.
Nói hai cái "biết" khác nhau, tức chỉ ra một cái biết như thật và một cái biết lầm về nghĩa "khổ" nói riêng, và mọi ý nghĩa trong cuộc đời nói chung (mà ở đây người viết chỉ đề cập trong phạm vi đạo học mà thôi, chứ chẳng phải là một triết lý nhân sinh hay lý luận), chẳng khác cái biết đang khi ngủ mê hành xử mọi chuyện rối rắm trong mộng và một cái biết mà ngay đó người ấy hốt nhiên bừng tỉnh cơn mê, chợt thức tỉnh, xa rời mộng mị.
Với một người tu Phật chân chính (nói chân chính là nói không mượn đạo để làm lớn thêm cái tướng hư vọng, ảo hóa, cũng là tô đắp bản ngã, nói chân chính là nói nhứt tâm vì cầu giải thoát sanh tử luân hồi thật sự) nếu biết nương theo một pháp môn thích hợp với căn cơ, trí tuệ, phúc đức của mình, có bậc thầy chân tu đắc pháp dẫn dắt, biết nỗ lực hành trì kiên cố một cách đúng như pháp, ắc có lúc bừng sáng con mắt đạo học. Nói bừng sáng con mắt đạo học, cũng có nghĩa là nhờ công phu tu tập, hành trì đúng pháp Phật khiến lớp màn vô minh do tập nhiễm lâu đời che lấp tánh biết hốt nhiên bể nát, vỡ vụn, tuông xả, không còn. Vô minh tan biến cũng là bất giác tánh biết chơn thật hiển lộ, là trực ngộ bổn tâm, tỏ rõ bổn tánh, là khám phá chính mình, là tất thảy những gì một sát na về trước mơ hồ, huyễn hoặc, trí trá, che lấp, tăm tối, dây mơ rễ má trói buộc trăm đường, bất chợt bừng sáng, phô bày minh bạch, giống như đang chiêm bao giật mình chợt tỉnh. Chợt tỉnh thức ngay đó liền biết như thật, tất thảy tướng đều là huyễn vọng, ảo ảnh, như trăng trong nước, như bóng trong gương, như dấu chim bay in hình trên cát, như chớp, như mù, như cầu vồng, như chiêm bao, không thật có và cũng không chỗ dính dấp tới thật mình.
Chợt nhìn lại, thì sự sự vật vật đến đi, lìa kết, có không, còn mất, danh vọng, địa vị, bạc tiền, vui sướng, khổ đau, sức khỏe, bệnh tật, sống chết chi chi trong đời đều là như huyễn, như hoá, như hoa đóm trong không do mắt bị bệnh mà thấy như có.
Chợt ngộ bản thể chân thật, ngay đó liền tự sáng suốt biết như thật, chỉ vì một chỗ lầm chấp, lầm biết do vô minh tập nhiễm từ lâu xa mà một sát na về trước, tứ tướng gồm đủ, tự cột buộc, đeo mang theo nghiệp thức nhơn quả, tự thấy có tất thảy các pháp tướng tương đối, có đến đi, sống chết, giàu nghèo, sang hèn, thiên đàng, địa ngục, khổ vui, mừng giận, được mất, hơn thua, ta người đối đãi cột buộc; một sát na sau chợt tỉnh, thì mộng mị không còn, trói buộc tự mất, không lầm nhân quả. Nói không lầm nhân quả là tự sáng suốt biện biệt chủ khách phân minh, mộng thực hai nẻo rõ ràng minh bạch, biết như thật thể dụng tự đồng, nhưng chẳng phải một, chẳng phải hai cũng không phải khác, tánh tướng thông lưu vô ngại, còn dụng sự trước mắt thì cứ tuỳ duyên, tự chủ đến đi vô ngại.
Cũng là hai con mắt dưới mỏ ác mà trong đó tự có hai chỗ thấy biết khác nhau trời vực, một cái thấy biết hữu hạn lệ thuộc thời, không, nhơn, quả, thấy biết phân biệt, trói buộc lên sự vật bằng cân đong đo đếm có tương quan tương tác với "ngã pháp", hệ luỵ khái niệm tử sanh, và một cái thấy biết không chỗ dừng lại, vượt thoát phạm trù lưỡng nguyên, xa lìa nhơn quả, thông lưu xuyên suốt, bao trùm, như như, tự chủ tự tại, không chỗ dính dấp. Chỉ cần chuyển não một chút liền tự có hai chỗ thấy biết sai biệt xa cách ngàn trùng, sáng suốt và mê lầm, trói buộc và tự tại, vượt thoát nhơn quả và câu hữu vô minh, nghĩa là một đàng thấy biết bằng con mắt thường tình phân biệt chấp trước, và một đàng thấy biết bằng con mắt đạo học vô vi, vô ngã, vô chấp.
Chợt sáng tánh biết thì liền biết như thật vạn loại chúng sanh cũng chỉ là pháp pháp huyễn hoá không tự tánh, biến hiện, mất còn xuất sanh từ chỗ không tên tạm gọi là một pháp duy nhất bất biến, thường hằng, linh diệu, hay khéo sanh vạn pháp, mà từng mỗi mỗi chúng sanh, từng mỗi mỗi pháp dung chứa trọn vẹn thể tánh một pháp chơn thật duy nhất, chưa từng sinh diệt, chưa từng đến đi, chưa từng tăng giảm, chưa từng dơ sạch, vượt ngoài khái niệm, đối đãi. Cũng có nghĩa là từng mỗi mỗi pháp chưa hề mất bản thể thường hằng, tự tại, cũng là vạn pháp cùng tánh biết thông lưu vô ngại nhau. Nói tóm gọn là, một là tất thảy, tất thảy dung thông vô ngại trong một, cũng là pháp thân thường trụ. Chỗ này các Thiền sư thường ví, Tu-di sơn dung chứa vô ngại những hạt cải, mà từng mỗi hạt cải có thể dung chứa vô ngại Tu-di sơn. Thí dụ hay thay ! Thiệt là chỉ có pháp Phật nhiệm mầu mới có thể đem lại ánh sáng trí huệ giải thoát vô biên, bất khả thuyết, bất khả tư nghị như vậy ! Thật hy hữu !
Chợt sáng con mắt đạo học thì liền tự có chỗ thấy biết thông thấu ý nghĩa sự khổ làm thân chúng sanh, nhưng cái nghĩa khổ ấy cũng không chỗ can hệ, không chỗ dính dấp, không thể trói buộc tới "thật mình", cũng là pháp thân thường trụ.
Còn một người thì do vô minh còn che lấp tánh biết nên thấy biết bằng con mắt phàm tình, mê mờ u tối, lầm lạc sâu dày từ trong gốc rễ, thấy biết bằng vọng tâm phân biệt, trói buộc với khái niệm nhị nguyên, nên phải hệ luỵ với tất thảy các pháp tướng mơ hồ theo vọng nghiệp tử sanh nhơn quả.
Tạm ví dụ, như có một người đang đứng ở góc độ rộng lớn, vô biên, vô hạn lượng, nhìn cái hữu hạn, hữu biên mà một sát na trước anh ta vừa mới từ đó vượt thoát, nên giờ đây anh ta có được cái nhìn toàn cục, cái nhìn hoàn toàn tự chủ, tự do, không còn hệ lụy với cái hữu hạn hữu biên và luôn đổi thay, biến dịch theo không gian và thời gian như trước đó nữa. Nhờ đó anh ta nhận chân được gốc rễ của nghĩa khổ mà chúng sanh hữu tình đang trong chỗ hữu hạn kia phải chịu, tức nói "khổ" là thấy biết như thật sự khổ vì nghiệp thức vô minh nhơn quả trói buộc, khổ vì chúng sanh phải trôi lăn trong hữu hạn tử sanh không ngưng dứt, khổ vì khó lòng vượt thoát chỗ luân hồi nhơn quả để sang bờ vô biên, vô hạn, vượt quá thời, không, nhơn, quả như chỗ anh ta đang đứng. Những cái khổ kia giờ đây không chỗ dính dấp tới anh ta, mà nó tự như, không gì can hệ. Cái chỗ biết như thật về nghĩa khổ này hoàn toàn khác với cái nghĩa khổ vì lầm biết của người đang tự vướng mắc trong sanh tử hữu hạn, tức khổ vì cái tâm ý thức vọng cầu, phân biệt, cũng là tự chiêu cảm nghiệp thức hư vọng khổ vui, mừng giận, được mất, hơn thua, trói buộc theo khái niệm tương đối, hệ lụy nhơn quả sanh diệt vì chấp ngã, chấp pháp. Có nghĩa là cái khổ của người thứ hai là khổ vì không thoả mãn bản ngã sanh diệt trong cảnh giới nhơn quả sanh diệt, từ lợi danh, địa vị, sắc đẹp, sức khỏe….., cầu mà không được cũng thấy khổ, hoặc có thứ muốn lìa bỏ mà không lìa được như bệnh tật, sự bất hạnh, đói khó, ..…. cứ a vào bắt phải đeo mang cũng thấy khổ, tức khổ vì vọng cầu, phân biệt trói buộc.
Đó chính là chỗ khác biệt của hai cái thấy biết về nghĩa khổ, khiến một đàng thể hiện được cái tâm "như"bổn lai, không trói buộc vướng mắc, tuỳ thuận nhơn duyên đến đi vô ngại; còn một đàng tự hệ lụy vướng mắc tử sanh nhơn quả vì vọng chấp, phân biệt vậy.
Do nhứt tâm kiên cố hành trì đúng như pháp Phật mà người này hốt nhiên bừng sáng con mắt thứ hai, con mắt đạo học, cũng là tỏ ngộ tánh biết sáng suốt chơn thường mà hàm linh hữu tình ai ai cũng tự sẵn có. Nhờ sáng tánh biết mà người này có chỗ thấy biết như thật: hiện tướng, hiện cảnh trước mắt, và ngay cả thân, tâm đang động tay múa chân, nghĩ, suy, nói, nín, thấy, nghe, hay, biết vốn dĩ như huyễn, đều do duyên khởi duyên sanh, hết duyên thì tự diệt, không có thật tướng. Nghĩa là chỉ vì duyên sanh mà bổn tánh chơn thường, "chơn không linh diệu" hốt nhiên thành có, vạn pháp tuỳ duyên huyễn sanh huyễn diệt mà chơn thể thì vẫn thường hằng, bất biến, tự tại, như như, tuỳ thuận vào ra vô ngại, tự biết như thật "nó tuyệt đối" chưa từng được gọi là không không, cũng chưa từng nói rằng không có, mà như thật như hư, như không như có, tạm mượn từ gọi rằng diệu hữu từ chơn không, chơn không mà hốt nhiên diệu hữu.
Tánh thấy biết "biết" như thật do duyên sanh nên các pháp sanh, hết duyên thì các pháp tự diệt, tất thảy pháp biến hiện, mất còn trước mắt đều như hoa đóm xảy sanh trong không, chẳng phải thật có, cũng có nghĩa là các pháp vui buồn, sướng khổ, lành dữ, thấp cao, được mất, hơn thua đều là huyễn hoặc giả trá, cũng là tất thảy pháp không, tánh không tự tánh. Chẳng khác như ngủ mê thấy chiêm bao chợt tỉnh, mọi hình tướng trói buộc của một sát na trước tự biến mất, không còn.
Đa phần chúng sanh do không tu tập nên khó bề khám phá tánh biết bổn lai, cũng là chưa mở được con mắt thứ hai, nên chỗ thấy biết phàm tình cùng tánh biết sai biệt trời vực, lầm thấy, lầm biết rồi lầm chấp thân tâm này và tất thảy các pháp đối đãi làm thật có, khiến tự trói buộc, trôi lăn trong nghiệp thức vô minh, nhơn quả. Đó chính là nói cái khổ không đáng phải khổ chỉ do ở một chỗ biết vậy.
Do tập nhiễm vô minh ăn sâu từ vô thỉ, nên khi vừa có chút tri thức, chúng sanh dường như lúc nào cũng tự thủ sẵn một cái máy đo vô hình siêu đẳng để cân, đong, đo, đếm tất thảy các pháp xảy sanh có tương quan tương tác đến cái "ngã" trói buộc với thời, không, nhơn, quả, hệ luỵ khái niệm lưỡng nguyên.
Cái khổ mà nhà Phật muốn nhắn nhủ cùng thế gian, ấy là nghĩa khổ vì mê mờ tự trói buộc với nghiệp thức trả vay nhơn quả, khổ vì khó lòng vượt thoát luân hồi sanh tử, chứ chẳng phải là cái nghĩa khổ hệ lụy khái niệm sướng khổ huyễn hoặc phàm tình của nhị nguyên phân biệt.
Vậy làm thế nào để một chúng sanh có thể vượt thoát nghiệp thức vô minh, tự mở nút thắc, cởi bỏ trói buộc? Đó là khi chúng sanh ấy nỗ lực như pháp Phật hành trì cho đến bùng vỡ tánh thấy biết bổn lai, tánh thấy biết chơn thường, sáng suốt, liền ngay đó không lầm nhơn quả, liền tự vượt thoát nhơn quả.
Người nào nhận ra, tự khám phá mình chính là vạn pháp, cùng vạn pháp không hai không khác, cũng tức là một pháp duy nhất bao dung vô ngại tất thảy pháp, thì liền tự biết thế nào là vô sự. Nói vô sự là tự an nhiên trong thể tánh thanh tịnh, thường hằng, không đến đi, không còn mất, chẳng gì can hệ.
Nghĩa là ví như con sóng lầm chấp mình là thật sóng trong đại dương, tự thấy có tâm, có niệm, có ý, có tất thảy các pháp tướng nên vọng khởi phân biệt ngã nhơn, bỉ thử, rằng phải như thế này hay phải như thế kia đối cùng những tương quan, tương tác của sóng để thõa mãn bản ngã. Đến khi gặp duyên lành hốt nhiên sáng tỏ, liền biết như thật, thật tướng của tất thảy sóng là nước, là một, độc hữu, thường hằng, bất biến, không đến đi, không còn mất, cũng chính thiệt là đại hải mênh mông, vô biên, vô hạn lượng, sóng cùng tánh ướt của vạn ức con sóng khác không hai không khác, chỉ vì do duyên động mà thành có sóng, thì ngay đó liền nhận ra, một là tất thảy, tất thảy là một, cũng là vạn pháp bình đẳng nhất như, tánh vô sai biệt. Chợt nhận ra lẽ thật thì liền tự an ổn, nhàn cư, vô sự, vì mình cũng là tất thảy, tất thảy cũng chính thiệt là mình. Tới chỗ này thì từ tâm bộc phát thương khắp chúng sanh. Một chút phân biệt cũng không có, vì chợt phân biệt thì có khác nào da thịt mình đang tròn đầy lành lặng mà lại tự cầm dao chia cắt, phân ly ?
Nói nhàn cư, vô sự chẳng phải là nói không làm gì cả, mà dụng sự của thể tánh vẫn sinh hoạt bình thường, nghĩa là làm tất thảy các pháp lành để tự lợi lợi tha mà không thấy có làm, là vô vi, là làm trăm việc mà không lay động pháp thân thường trụ. Lại nữa, nói làm tất thảy các pháp lành mà không niệm đó là pháp lành, nghĩa là làm theo bổn tánh tự nhiên như nhiên nó là, như đói thì ăn, khát thì uống, ai gõ cữa thì mở, hỏi pháp thì nói, ai té thì đỡ, tâm thể như như, bất động, vô cầu, vô chấp, vô phân biệt, không trụ vào bất cứ một pháp tướng nào, cứ tuỳ thuận nhơn duyên mà làm, vừa để cứu độ chúng sanh vừa tự trang nghiêm cõi Phật của mình, cũng tức là trưởng dưỡng thánh thai, vì cầu giải thoát triệt để vậy.
Chư Phật ba đời thị hiện các cõi cũng chỉ vì một đại sự nhơn duyên này, là quyền biến bằng tất thảy các phương tiện thiện xảo, bất khả thuyết, bất khả tư nghì của trí huệ Phật, không ngoài mục đích chỉ đường chúng sanh diệu nhập Phật tri kiến, cũng là tự khám phá tánh biết bổn lai. Chợt sáng tánh biết thì liền sáng suốt, không lầm nhơn quả, tự tại an nhiên, vô cầu vô dục, để từ đó tiệm tu cứu cánh vô sanh.


Nhuận Bảo

http://thuvienhoasen.org/