Phổ khuyến tọa thiền nghi

Chân lý vận hành ở mọi nơi, vậy tại sao chúng ta phải tu tập mới được giác ngộ? Pháp chân thật đã tự nhiên có sẵn, vậy tại sao phải nỗ lực công phu? Lại nữa, gương sáng chẳng phải do nơi đài, vậy cần gì phải nhọc công lau chùi bụi bậm (1) ? Ta xưa nay chưa từng xa cách với chân lý, vậy tại sao phải đi tìm kiếm?

Tuy vậy, chỉ cần lệch một chút xíu nhỏ như sợi tóc thôi, là ta đã cách xa với đạo như trời và đất vậy. Và chỉ cần có một thoáng phân biệt, là ta có thể mất hút trong những tư tưởng hỗn độn. Bạn có thể tự hào với kiến thức của mình, có nhiều kinh nghiệm khai ngộ, đạt trí tuệ cao siêu, hiểu biết chân lý và có tâm sáng tỏ; bạn có thể có nhiệt tình cao thấu trời xanh, nhưng nếu bạn cứ loanh quanh luẩn quẩn với những kiến thức trong đầu, bạn sẽ không có cách nào để vượt qua thân ngũ uẩn của mình.
Chúng ta phải xem gương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của vườn Kỳ Đà đã ngồi thiền suốt sáu năm mặc dù ngài đã sẵn có trí tuệ siêu phàm. Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi diện bích quán vách đá ở chùa Thiếu Lâm suốt chín năm mặc dù ngài đã được thầy ấn chứng giác ngộ. Các vị Phật, tổ ngày xưa đã như vậy, sao người ngày nay lại không chịu nỗ lực công phu?
Như thế, chúng ta phải ngưng những công việc thu thập kiến thức qua sách vở và những luận bàn chữ nghĩa. Chúng ta phải tập quay lại soi chiếu bản thân mình. Thân tâm ta sẽ tự nhiên hòa tan vào Không và bộ mặt bản lai sẽ hiển lộ trước mắt. Nếu bạn muốn chứng thực điều không thể nghĩ bàn đó, hãy lập tức tu tập để đạt tới cảnh giới không thể nghĩ bàn đó.
Nói chung, một căn phòng yên tĩnh sẽ thích hợp cho việc thực tập tọa thiền. Việc ăn uống phải điều độ. Buông xả hết mọi duyên, để cho tâm được nghỉ ngơi. Đừng nghĩ chuyện tốt xấu. Đừng xét đoán phải trái. Hãy ngừng những hoạt động tư duy trong ý thức. Ngừng những niệm tưởng qua hình ảnh, ý nghĩ và nhớ tưởng. Đừng cố trở thành một vị phật. Làm sao trở thành một vị phật được nếu chỉ ngồi hay nằm?
Nghi thức thích hợp để tập tọa thiền là trải một tấm chiếu dầy (hay nệm) ở chỗ ngồi thiền, và để trên đó một chiếc gối tròn. Ta có thể ngồi theo kiểu kiết già hay bán kiết già. Nếu ngồi theo kiểu kiết già, đầu tiên là để chân phải lên trên đùi trái, rồi để chân trái lên trên đùi phải. Nếu ngồi theo kiểu bán kiết già thì chỉ để chân trái lên trên đùi phải. Hãy nới lỏng thắt lưng, quần áo và điều chỉnh lại cho ngay ngắn. Rồi để bàn tay phải trên chân trái, và để tay trái lên trên lòng bàn tay phải. Đầu hai ngón cái chụm nhẹ vào nhau và làm điểm tựa cho nhau.
Ngồi thẳng người, không nghiêng qua bên trái hay bên phải, không chúi về phía trước, hay ngửa ra phía sau. Hai tai phải thẳng hàng với hai bên vai, và mũi phải thẳng hàng với rốn. Đưa lưỡi lên tựa vào thành miệng phía trên, môi và răng đều ngậm lại. Mắt hé mở, và thở nhè nhẹ qua mũi.
Sau khi đã điều thân xong, hít sâu rồi thở ra một hơi dài, xoay người qua trái và qua phải. Xong, ngồi vững chắc như núi, giữ niệm ở chỗ vô niệm.
Làm sao giữ niệm ở chỗ vô niệm? Đó là vượt qua mọi niệm (nói cách khác, là tâm vô trụ). Đây chính là điểm then chốt của tu thiền.
Tọa thiền ở đây không có nghĩa là tập tu thiền. Đơn giản chỉ là pháp môn đem lại sự an vui tự tại. Đó là sự tu hành đưa đến ngộ nhập hoàn toàn trạng thái giác ngộ. Toàn pháp giới được nhận biết một cách rõ ràng, không có giới hạn và chướng ngại. Một khi đã có được kinh nghiệm khai ngộ đó, ta như con rồng đang bơi trong nước, như con hổ ngự trị nơi chốn sơn lâm. Hãy biết rằng chân pháp tự nó sẽ hiển lộ, và những chướng ngại và tán loạn sẽ bị tiêu trừ.
Khi xả thiền đứng lên, phải di chuyển người một cách chậm rãi, và đứng lên một cách bình tĩnh, không hấp tấp. Những chuyện kể trong quá khứ đã cho thấy rằng, có những người đã chuyển được từ phàm sang thánh, và có những vị đã thị tịch trong khi ngồi hay đứng, tất cả hoàn toàn đều do năng lực tọa thiền. Lại nữa, trong giây phút chuyển đổi của sự khai ngộ, những vật như một ngón tay, một cây sào, một cây kim, một cái chầy gỗ có thể là phương tiện khéo, và trạng thái bùng vỡ chứng ngộ qua một cái phất trần, một nắm đấm, một cây gậy, hay một tiếng hét, là điều không thể nào dùng lý lẽ phân biệt ra để hiểu được. Dù có dùng thần thông, cũng làm sao có thể hiểu được? Tọa thiền là sự trang nghiêm vượt ngoài thanh sắc, là nền tảng sẵn có của tâm trước khi có mọi niệm khởi.
Vì thế, không nên quan tâm ai là người trí ai là người ngu. Đừng có phân biệt lựa chọn giữa người khôn và kẻ dại. Nếu ta chỉ một lòng nỗ lực tọa thiền thì đó mới là sự nỗ lực chân chính. Tu hành giác ngộ là sự trong sạch vô nhiễm tự nhiên, là tâm bình thường trong đời sống hàng ngày. Nói chung, các vị tổ trong thế giới này và thế giới khác, từ cõi Tây Phương đến Đông Phương, tất cả đều mang ấn chứng như nhau và đều miên mật tọa thiền vững chãi như núi. Mỗi người chúng ta đều gặp biết bao nhiêu hoàn cảnh khác nhau , dù vậy hãy nhất tâm toàn ý tu tập tọa thiền, dấn thân trọn vẹn vào việc theo đuổi chân lý. Tại sao chúng ta lại bỏ rơi chỗ ngồi yên ổn trong căn nhà nguyên thủy của mình để đi lang thang không phương hướng một cách vô ích trong những nơi chốn trần ai xa lạ? Chỉ cần bước sai một bước thôi, là ta đã xa lìa đạo.
Đã được sinh ra làm người, đừng nên uổng phí thời giờ một cách vô ích. Đã có sẵn cơ cấu Phật đạo nơi tự thân, sao lại có thể buông lung theo ánh chớp lập lòe từ hòn đá lửa? Lại nữa, thân này cũng chỉ mong manh như giọt sương trên ngọn cỏ. Kiếp người thoáng qua như tia điện chớp trên trời, chợt đến chợt đi như ảo ảnh mà thôi.
Tôi xin các vị tri thức, các hành giả hãy tu tập qua sự chứng nghiệm, đừng dính mắc vào những hình ảnh giả tạo để rồi không dám đối diện với con rồng thực sự (2). Hãy nỗ lực trực chỉ nhận diện chân lý hiện tiền. Hãy kính ngưỡng những bậc đạo nhân đã đạt tới trình độ "tuyệt học vô vi". Hãy tu hành theo chánh pháp, giác ngộ đạo bồ đề để trở thành một truyền nhân chân chính với định lực của các vị tổ.
Nếu cứ tiếp tục tu hành như vậy, rồi sẽ đến lúc bạn đạt được mức như vậy. Cửa kho châu báu sẽ mở ra một cách tự nhiên, để cho bạn có thể tự do đón nhận và xử dụng theo ý muốn.

Chú thích:


(1) Nói về tính Phật vốn trong sạch vô nhiễm, theo câu truyện của Lục Tổ Huệ Năng và Thần Tú. Thần Tú viết bài kệ nói: "Tâm như đài gương sáng, luôn luôn phải lau chùi". Huệ Năng phản bác lại: "Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ?"

(2) Theo sự tích Shoko yêu thích những tranh vẽ rồng nhưng sợ gặp con rồng thực sự. Con rồng thực sự ngụ ý cho Tọa Thiền chân chính.

Đạo Nguyên

Viết tại chùa Kannondori vào ngày 15, tháng 7, năm đầu của triều đại Tempuku (1233)

(Lưu Ly phóng dịch)