TẠI SAO CON NGƯỜI KHÓ GIÁC NGỘ ?

... tại sao con người chúng ta lại phải khổ công khó nhọc tu hành, tụng kinh, niệm Phật, tham thiền để cầu giác ngộ ? Bởi vì chúng ta đang sống với tập quán mê muội hết sức sâu nặng từ vô lượng kiếp. Chính vì cuộc sống là mê muội, đau khổ, đầy ảo tưởng nên mới phải tìm cầu giác ngộ. Con đường tìm cầu giác ngộ đã được Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni trải qua với 5 năm tầm sư học đạo và 6 năm tu khổ hạnh (từ năm ngài 19 tuổi sau khi cưới vợ được 3 năm và sinh đứa con trai là La Hầu La –Rahula- cho đến khi ngài chứng đạo dưới gốc cây Bồ Đề bên dòng sông Ni Liên Thiền vào năm ngài 30 tuổi).

Kinh điển Phật giáo kể lại rằng Kiều Tất La Thích Ca Tất Đạt Đa (Kosala Akya Siddhartha) gọi tắt là Thích Ca, sau 6 năm tu khổ hạnh cùng với 5 anh em Kondana (Kiều Trần Như), Bhadhya (Bạt Đề Lợi Gia), Vappa (Ác Bệ), Mahanama (Ma Ha Câu Nam) và Asaji (A Xá Bệ Thê), cơ thể chỉ còn da bọc xương, đi đứng không vững, sức khoẻ kiệt quệ, ngài thấy rằng khổ hạnh không thể giải quết được vấn đề, nên quyết định ăn uống lại bình thường. Năm người bạn đồng tu cho rằng Thích Ca đã thoái chí, bèn rời bỏ ngài, đến vườn Nai ở Isipatana gần Thành phố Ba La Nại để tiếp tục tu khổ hạnh. Họ nói rằng, Thái tử Siddhartha đã trở về với cuộc sống tiện nghi và dục lạc vật chất.
Ở lại một mình, Thich Ca quyết tâm tự mình phấn đấu để tìm ra con đường giải thoát tối hậu trong suốt 49 ngày. Ngài lấy lại sức, nhờ uống bát sữa, do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường, sau đó, ngài tắm ở sông Neranjara (Ni Liên Thiền). Tối đến, Ngài đến ngồi dưới gốc cây Pippala, sau này được đổi tên là cây Bồ đề, để đánh dấu sự kiện Thành đạo vĩ đại của Ngài. Ngài suy tư về lẽ sống chết, về những nguyên nhân tích tập dẫn tới luân hồi sanh tử và con đường giải thoát, dẫn tới Niết bàn, Ngài nhớ lại, thấy rõ các kiếp sống trước đây của mình, một kiếp, hai kiếp cho tới hàng trăm ngàn kiếp. Ngài nhớ lại, thấy rõ các chu kỳ thành hoại của một thế giới, nhiều thế giới. Ngài thấy rõ các chúng sanh, tùy theo nghiệp nặng nhẹ, thiện ác do mình tạo ra, luân hồi như thế nào trong các cõi sống, từ thời vô thủy cho tới ngày nay. Ngài thấy rõ, biết rõ nên tự bản thân Ngài đã đoạn trừ hết mọi tham ái, lậu hoặc, vô minh, đã được Giải thoát và Giác ngộ, và thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ngài đã thành Phật (người giác ngộ).
Như vậy chúng ta thấy rằng Tất Đạt Đa từ lúc mới sinh cho tới trước khi chứng đạo, cũng là một chúng sinh mê lầm như bao nhiêu chúng sinh khác. Tới khi giác ngộ, có đầy đủ lục thông, mới biết rằng Tam giới chỉ là ảo mộng, không có một cái gì là thật cả. Ban đầu Thích Ca chưa vội đứng lên đi thuyết pháp ngay vì còn chờ nhân duyên, vả lại thật ra có chúng sinh nào đâu để mà giáo hóa chứ, toàn thể chúng sinh trong Tam giới cũng chỉ là ảo tưởng. Nhưng các vị vua trời nhìn thấy ánh hào quang rực rỡ của ngài, biết là Phật đã xuất hiện. Ngay cả bên phương Đông xa xôi (Trung Quốc) có người nhìn hiện tượng thiên văn trên trời, biết được bên phương Tây (Thiên Trúc) có một đại thánh nhân xuất hiện. Các vị vua trời đã thỉnh cầu ngài vì sự mê muội đau khổ của chúng sinh mà tìm cách giáo hóa. Từ đó Thích Ca đã đi du thuyết khắp nơi ở vùng phía bắc Ấn Độ, trên địa phận của hai bang Uttar Pradesh, Bihar và phần phía nam của nước Nepal ngày nay, trong một khu vực rộng khoảng 340.000 km2 .
Tóm lại trong mê muội ảo mộng giữa ban ngày thì có vũ trụ vạn vật thiên hình vạn trạng. Còn trong giác ngộ thì chỉ có tánh Không mà thôi, không một cái gì là có thật. Để điều hòa giữa hai trạng thái mâu thuẫn đó, Bồ Tát Long Thọ, sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất đầu thế kỷ thứ hai Công nguyên, đề ra Trung Quán Luận. Con người không thể chấp vào tánh Không, vì nó trái với hiện thực cuộc sống, cũng không thể chấp vào tánh Có, vì nó mê muội và gây ra đau khổ, phiền não không sao kể xiết. Trung Quán tức là Ưng Vô Sở Trụ (không có chỗ trụ) cũng chỉ là giả lập, bởi Không cũng không được (vô sở đắc) Giả (thế giới ảo hóa) cũng không được thì há Trung (ở giữa) mà có chỗ được (sở đắc) hay sao. Chẳng qua là giả lập để điều hòa cho khỏi thiên lệch mà thôi. Ưng vô sở trụ chính là thực tại bất định xứ (nonlocal) của lượng tử mà khoa học ngày nay đã phát hiện. Ưng vô sở trụ cũng chính là thực tại bất định xứ của mọi vật thể mà khoa học ngày nay thì còn mù mờ chưa hiểu thấu, nhưng các nhà đặc dị công năng đã chứng minh rằng cố thể vật chất cũng có những tính chất giống y như lượng tử (bất định xứ hay vô sở trụ) chỉ vì sức nặng, sức ỳ của vật chất (lực quán tính) có nguồn gốc sâu xa là tập quán cố chấp của chúng sinh nên thấy dường như cố thể vật chất là có định xứ (local, locality). Các nhà khoa học thiên văn biết rất rõ rằng thiên hà, các ngôi sao, các hành tinh, các thiên thể đều vô sở trụ tức không thể xác định vị trí, không thể xác định tọa độ một cách tuyệt đối, chỉ có thể xác định vị trí một cách tương đối. Bởi vì trong vũ trụ không thể có một điểm tựa tuyệt đối. Người ta chỉ có thể xác định vị trí dựa vào một hệ qui chiếu nhất định và hệ qui chiếu đó cũng chỉ là giả lập, cũng giống như các kinh tuyến, vĩ tuyến chỉ là những đường tưởng tượng được giả lập để xác định tọa độ của một vật thể trên địa cầu.
Trở lại câu hỏi tại sao con người khó giác ngộ ? Chính vì cái tập quán quá sâu nặng đã che lấp hết sự thật. Phật đã mô tả cái tập quán mê muội đó của con người bằng thuyết Thập nhị nhân duyên, trình bày cái mắt xích mê muội đầu tiên là Vô minh cho tới cái mắt xích cuối cùng là Lão tử như sơ đồ sau :



Sơ đồ Thập Nhị Nhân Duyên từ Vô minh cho tới Lão tử

Chính những tập quán vọng tưởng mê muội đó làm phát sinh ra vũ trụ, vạn vật, thế giới. Khoa học thế kỷ 20 và thế kỷ 21 đã lần lượt khám phá tánh không của vật chất, nghĩa là vật chất không có thực thể, chỉ là do tưởng tượng của tâm thức tạo ra mà thôi, đã tiến gần tới nhận thức của kinh điển Phật giáo từ ngàn xưa. Năm 1927, Heisenberg khám phá ra nguyên lý bất định (principle of uncertainty). Nguyên lý này nói rằng không thể xác định đồng thời vị trí và xung lượng của một hạt cơ bản hạ nguyên tử (subatomic particle) ví dụ như hạt electron. Điều đó có nghĩa là hạt electron không có thực thể, khi thì người ta thấy nó là sóng, khi thì thấy nó là hạt, mà hai tính chất sóng và hạt là đối lập với nhau, giống như Không và Có. Sóng là Không còn hạt là Có. Trong những năm đầu thập kỷ 1930, các nhà khoa học khám phá ra hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) cụ thể là một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở hai vị trí khác nhau, dù bất cứ khoảng cách là bao xa, khi một hạt bị tác động thì tức thời hạt kia bị tác động tương ứng. Einstein không hiểu được hiện tượng này và không thừa nhận nó, ông gọi đó là tác động ma quái ở khoảng cách xa (spooky action at a distance). Năm 1935, Einstein cùng với Podolsky và Rosen nêu ra một giả thuyết mà sau này báo chí gọi là nghịch lý EPR (viết tắt tên của ba người này) họ muốn vạch ra sự thiếu sót hoặc sai lầm của cơ học lượng tử. Nhưng nhiều thí nghiệm về sau đã chứng tỏ rằng giả thuyết của nhóm EPR là sai lầm, Các thí nghiệm này cho chúng ta biết rằng: các tính chất của các hạt “không tồn tại” trước khi các tính chất đó được quan sát bởi một thiết bị đo đạc. Điều này thì rất tương đồng với Phật pháp, kinh điển luôn nói rằng các pháp đều không có tự tính riêng biệt, mọi tính chất của các pháp đều do tâm thức tưởng tượng, nghĩa là vạn pháp duy tâm. Hiện tượng vướng víu lượng tử còn bộc lộ những tính chất cực kỳ quan trọng mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết, đó là không gian, thời gian và số lượng vật chất đều không có thật. Chính vì khoảng cách không gian không có thật nên hai photon dù cách xa bao nhiêu vẫn tức thời phản ứng với nhau không mất chút thời gian nào. Chính vì thời gian không có thật nên nhà khoa học nổi tiếng hiện đại Stephen Hawking nghĩ đến những “đường hầm” những “lỗ sâu đục” của thời gian mà nếu con người chui qua đó thì sẽ đột nhiên trở về thời cổ đại, hoặc đột nhiên bước vào cảnh giới của 1000 năm sau chẳng hạn. Chính vì số lượng vật chất không có thật nên năm 2012, Maria Chekhova đã tạo được thí nghiệm cho một hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau và tất cả chúng đều vướng víu (entangled).



Maria Vladimirovna Chekhova, Tiến sĩ Khoa học Đại học Moscow

Vì những khái niệm này quá đổi lạ lùng đối với con người, không thể tin nổi, nên nhiều nhà khoa học duy vật vẫn không muốn thừa nhận, bởi vì nếu thừa nhận thì toàn bộ nền khoa học của loài người bị sụp đổ hết. Con người chỉ còn công việc phát minh sáng chế ra các tiện nghi vật chất như nhà cửa, đường xá, xe cộ, máy bay, tàu thủy, máy tính, điện thoại thông minh…sản xuất ra các loại lương thực thực phẩm ngon lành để làm thỏa mãn các giác quan của mình chứ về mặt bản chất, không có gì là thật trong đó cả. Thí nghiệm hai khe hở đã bác bỏ một cách dứt khoát lập luận của chủ nghĩa duy vật cho rằng vật chất là độc lập, khách quan đối với ý thức.

Double Split Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ

Gần như toàn bộ nhân loại đều tin tưởng 100% rằng nhà cửa, xe cộ, tiện nghi vật chất trước mắt họ là hoàn toàn có thật, họ không có chút mảy may nghi ngờ, dù cho họ có là tăng ni phật tử thì cũng không có chút khác biệt nào, vẫn mang tâm niệm bị đè nặng bởi tập quán sâu dày như núi Tu Di cho rằng tất cả những gì hiện hữu trước 6 giác quan của họ đều là sự thật 100% . Dù cho có tham thiền hay tham thoại đầu 30 năm hay lâu hơn nữa, cũng không mảy may phát sinh được chút nghi tình nào cả. Chính vì lẽ đó mà con người khó giác ngộ. Khoa học ngày nay đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng vật chất, cụ thể là một hạt electron, một nguyên tử hay thậm chí là một phân tử không hề độc lập mà là tuỳ thuộc vào tâm thức của người quan sát. Vật chất không đặc cứng như chúng ta luôn cảm nhận. “Đặc cứng” chỉ là một cảm giác ảo tưởng, sự thật không phải thế.

The Holographic Universe – Vũ Trụ Toàn Ảnh 2 – Phụ đề Việt ngữ

Thiền sư Thanh Tủng 清聳 người tỉnh Phước Kiến, học đạo tại chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, thọ pháp với thiền sư Pháp Nhãn mà được khai ngộ. Một hôm sư thượng đường, nói :

「十方諸佛常在汝前,還見麼?Chư Phật mười phương thường ở trước mặt các ngươi, có thấy không ?

若言見,將心見,將眼見?Nếu bảo rằng thấy, đó là dùng tâm thấy hay dùng mắt thấy ?

所以道一切法不生,一切法不滅。Vì vậy mới nói tất cả pháp không sinh, tất cả pháp không diệt

若能如是解,諸佛常現前。」Nếu có thể hiểu như thế thì chư Phật thường hiện tiền

「見色便見心,且喚甚麼作心?Thấy sự vật tức là thấy tâm, thế thì tâm là cái gì ?

山河大地,萬象森羅,青黃赤白,Sơn hà đại địa, muôn vạn hiện tượng, xanh vàng đỏ trắng

男女等相,是心不是心?Các hình tướng nam nữ, là tâm hay không phải là tâm ?

若是心,為甚麼卻成物象去?Nếu là tâm, tại sao lại thành sự vật ?

若不是心,又道見色便見心。Nếu không phải là tâm, sao lại nói thấy sự vật tức là thấy tâm

還會麼?Có hiểu không ?

祇為迷此而成顛倒,種種不同,Chỉ vì mê lầm nên thành điên đảo, chủng loại bất đồng

於無同異中強生同異。Từ chỗ không đồng không khác, miễn cưỡng sinh ra đồng dị

且如今直下承當,頓豁本心,Nếu như nay nhìn thẳng xuống cái đang là, đốn ngộ bổn tâm

皎然無一物可作見聞。Hiểu rõ không một vật nào có thể tạo ra sự thấy nghe cả

若離心別求解脫者,Người nào muốn lìa tâm mà cầu giải thoát

古人喚作迷波討源,卒難曉悟。」Cổ nhân gọi là nhìn lầm sóng mà tưởng là nước, rốt cuộc khó giác ngộ

Ý của thiền sư Thanh Tủng được khoa học ngày nay giải thích một cách hết sức rõ ràng, có thể nói theo tiến sĩ Amit Goswami, là rõ như ban ngày.

Vạn Pháp Duy Thức

Trong bài kệ có một câu hỏi khó trả lời 若是心,為甚麼卻成物象去?Nếu là tâm, tại sao lại thành sự vật được chứ ? Chúng ta sẽ tìm cách trả lời câu hỏi đó. Trước hết cần phải hiểu rằng vật do tâm biến thành nhất định phải là vật ảo, không thể là vật thật được, dù đó là quả núi hay quả địa cầu. Dù cho cả sáu giác quan của chúng ta đều xác nhận đó là vật thật, nó vẫn là ảo, có bản chất là ảo hóa. Nhưng cơ chế biến hóa từ chỗ ảo, chỗ không có gì cả, biến thành vật thật sử dụng được, sờ mó được, ăn uống, tiêu hóa, tăng trưởng đều được, ngày nay khoa học đã nhìn thấy. Ngày xưa các thiền sư hiểu nhưng không thể diễn tả được, vì không có phương tiện để diễn tả rõ ràng. Bởi vì mọi nói năng diễn tả đều phải dựa vào tri kiến thế gian, mà thế gian lúc đó chưa có tri kiến loại này, nên không thể diễn tả. Nhưng ngày nay chúng ta dựa vào khoa Vật lý lượng tử, có thể hiểu và diễn tả rõ ràng.
Giác tánh cũng tức là Phật tánh (Phật có nghĩa là giác ngộ) hay còn gọi là Tâm. Tánh nghe, tánh thấy, tánh biết v.v… vốn là vô sinh vô thủy vô chung, nó hoàn toàn không có tùy thuộc vào con mắt, lỗ tai hay bộ não. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật đã chứng minh. Các nhà đặc dị công năng hiện đại cũng góp phần chứng minh sự thấy không phải bằng con mắt, có người thấy bằng mũi, có người thấy bằng nách. Giác tánh là sẵn có, không cần bất cứ cơ quan nào để nhận thức, Phật giáo gọi là bất nhị. Giác tánh cũng là tánh Không vì nó vô hình vô thể vô dạng. Nhưng tánh Không đó không phải là hư vô vì nó có năng lực ảo hóa tức biến không thành có. Nhưng để biến được như vậy thì nó phải phân lập thành hai thành phần đối lập mà triết học gọi là cặp phạm trù mâu thuẫn như : có và không, sáng và tối, vật chất và ý thức, thiện và ác, tốt và xấu, luân hồi và niết bàn, sinh và bất sinh, thánh và phàm, giác ngộ và mê lầm, đúng và sai v.v…Như vậy vũ trụ vạn vật hay nói gọn là vạn pháp đều là ảo. Vì nguồn gốc của vạn pháp đều là Tâm bất nhị nên trong Phật pháp có câu “Vạn pháp duy Tâm” tất cả các pháp đều là do Tâm tạo. Nhưng để biến được từ không thành có, phải có cơ chế biến hóa vô cùng phức tạp gọi là trùng trùng duyên khởi mà Phật giáo đã mô tả trong Thập nhị nhân duyên. Ngày nay khoa học cũng đã mô tả khá rõ ràng. Cái Không phải tạo ra các hạt ảo, những vật ảo là không có thật nhưng có tác dụng. Ví dụ kinh tuyến, vĩ tuyến chỉ là những đường tưởng tượng không có thật nhưng có tác dụng rất hữu ích để định vị. Chân không lượng tử là môi trường để cho các vật ảo phát sinh. Cái Không phải tạo ra số lượng vật chất là các hạt ảo như quark, electron, tạo ra không gian thời gian để làm nền tảng cho thế giới hiện hữu. Giả thuyết khoa học Big Bang cũng là lý giải đó. Rồi các hạt ảo tạo ra cấu trúc ảo như nguyên tử, phân tử. Rồi dần dần tạo ra sinh vật, con người có bộ não phát triển. Bộ não người là một cấu trúc ảo có công năng tưởng tượng rất thần sầu. Nó phát sinh ra cái mà Phật giáo gọi là nhất niệm vô minh, liên tục thành dòng tâm niệm không ngừng nghỉ mà triết học gọi là ý thức, tư tưởng, tư duy. Các cấu trúc ảo của vạn pháp nói chung, Phật giáo gọi là vô thủy vô minh. Gọi tên như thế vì đó thực chất chỉ là mê lầm, không có bắt đầu, không có thực thể. Khoa học ngày nay đã nhận ra điều đó, các khoa học gia hàng đầu như Niels Bohr đã nhận ra (nhưng Einstein thì chưa nhận ra), họ hiểu vật chất không có thực thể, vật chất chỉ là do ý thức (nhất niệm vô minh) tạo ra. Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật). Cơ chế chủ yếu quan trọng nhất để từ ảo biến thành thật có thể diễn tả bằng toán học như sau :

-1 x -1 = +1 (âm 1 nhân với âm 1 bằng dương 1)

Còn diễn tả bằng triết học thì như sau : con người là một cấu trúc ảo do các hạt ảo cấu thành và nó có ý thức, có tư duy, có trí tưởng tượng, nó vận dụng 6 giác quan để nhận thức các cấu trúc ảo khác thành sự vật như con trâu, con ngựa, quả núi, con sông, cây cối, hoa lá, sinh vật. Tất cả chỉ là ảo nhưng ảo tương tác với ảo thì thành ra vật thật. Vì tất cả mọi giác quan của con người đều xác nhận sự vật mà nó nhận thức là thật nên nó tin tưởng 100% là thật và không có chút nghi ngờ nào cả. Chính vì vậy mà con người rất khó giác ngộ.
Các nhà đặc dị công năng hiện đại như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý đã chứng minh một cách hết sức thuyết phục về bản chất ảo hóa của vật chất. Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy một quả táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp đã bị hàn kín. Hầu Hi Quý đã dùng tâm niệm để lấy một gói thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa từ nơi sản xuất là huyện Lạc Đô tỉnh Thanh Hải cách xa nơi ông đang đứng là làng Loan Sơn, huyện Du, tỉnh Hồ Nam với khoảng cách rất xa :1600 km chỉ trong nháy mắt. Những hành vi này đều phù hợp với lý thuyết lượng tử mà hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) đã cho thấy rõ khả năng đó là có thật.



Thuốc lá Đỗ Quyên Hoa do huyện Lạc Đô, tỉnh Thanh Hải sản xuất

Tóm lại vũ trụ vạn vật chỉ là ảo hóa, do nhất niệm vô minh tưởng tượng ra. Tất cả đều xuất phát từ Tâm hay Giác tánh, hay Phật tánh, hay Thượng Đế, Trời (rất nhiều danh xưng khác nhau nhưng tôi cho rằng đồng nghĩa). Duy Thức học mô tả nó một cách rõ ràng bằng 8 thức, mà cơ bản nhất là A-lại-da thức. Tất cả sự phân biệt như : hữu tình vô tình, sinh tử niết bàn, tái sinh không tái sinh, ngộ hay mê v.v… đều chỉ là ảo tưởng. Cái ảo tưởng này Bát Nhã Tâm Kinh nói rất rõ : Không có Sinh Tử cũng không có hết Sinh Tử. Không có Khổ Tập Diệt Đạo cũng không có hết Khổ Tập Diệt Đạo. Các ông sư ngày nào cũng tụng kinh này nhưng thật ra rất ít người hiểu. Tất cả mọi sự phân biệt đều là tạm bợ không có thực chất, chỉ có ý nghĩa tương đối, chỉ dựa trên sự chấp ngã, chấp pháp. Những người quá cố chấp vào sự phân biệt tạm bợ là chưa hiểu pháp giới bình đẳng. Kinh Kim Cang cũng khuyên không nên cố chấp : “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Nếu thực hành được điều này thì giác ngộ không phải là quá khó, như sư Thanh Tủng đã nói :

直下承當,頓豁本心 Trực há thừa đương, đốn khoát bổn tâm

Chỉ cần nhìn xuống là thấy ngay, đốn ngộ bổn tâm, bổn tâm của mình tức là Phật, đã thành từ vô thủy, chứ không phải là mai kia mốt nọ hay trong tương lai xa vời mới sẽ thành.

Chú thích :

Thanh Tủng清聳 thiền sư là người nối pháp của Thanh Lương Văn Ích thiền sư 清涼文益禪師. Ông người huyện Phúc Thanh福清 Phúc Châu福州 tỉnh Phúc Kiến. Ông sống vào thời kỳ nước Nam Đường của Hậu Chủ Lý Dục 李煜bị diệt vong và nước Tống của Triệu Khuông Dận 趙匡胤thành lập, vào khoảng niên hiệu Khai Bảo 開寶 (bắt đầu từ năm 968 đời Tống Thái Tổ). Muốn hiểu thêm tình cảnh của Lý Dục, xin mời xem bài hát Kỷ Đa Sầu sau đây :
Kỷ Đa Sầu – Thái Hạnh Quyên – Ca từ Việt dịch

Truyền Bình

Theo: https://duylucthien.wordpress.com