Trà Đạo ngày 05.08.2017 (Tánh Biết không Sinh Diệt - Hoạt động của bản ngã & Tâm Từ)


Tánh Biết không sinh diệt

Hỏi: Xin Thầy dạy rõ sự không sinh diệt của Tánh Biết ạ?

- Cụm từ “không sinh không diệt” thường bị hiểu lầm là thường tồn bất biến. Không phải chỉ Tánh Biết mà ngay cả Bốn Nguyên Tố Vật Chất (Tứ Đại) cũng có tánh không sinh không diệt. Chẳng hạn như tánh lửa đâu có sinh diệt. Nếu nói lửa diệt thì tại sao khi bật que diêm lại có lửa, nếu lửa đã diệt rồi thì dù cho làm bất cứ gì đi nữa cũng không có lửa, nên rõ ràng là lửa không diệt.

 Nếu nói lửa sinh thì nó phải cháy hoài, không dứt nhưng sao ngọn đèn vẫn tắt. Nên sự sinh diệt chỉ có nơi tướng lửa thôi, còn tánh lửa vẫn không sinh không diệt. Tánh đất, nước và gió cũng vậy. Tánh Biết càng không ngoại lệ, thấy Tướng Biết (121 tâm) sinh diệt rồi cho rằng Tánh biết cũng sinh diệt là sai lầm, và càng sai lầm hơn khi tưởng rằng không sinh diệt đồng nghĩa với thường tồn bất biến. 

Thấy hiện tượng lửa tắt (diệt) nên chủ trương tánh lửa diệt là đoạn kiến. Thấy khi cần lửa liền có nên chủ trương lửa thường tồn là thường kiến. Cho nên, thấy tánh lửa không sinh diệt là đúng, còn nói thường nói đoạn đều sai. Có người khi nghe nói Tánh Biết không sinh diệt liền vội cho là thường kiến, chính là họ đã mắc vào sai lầm đó. Chẳng những chỉ Tánh Biết mà bất kỳ hiện tượng sinh diệt nào cũng đều có bản thể không sinh diệt. Thuyết bảo toàn năng lượng của khoa học cũng nói thế, ví dụ như than đốt cháy tuy diệt đi thành tro nhưng lại chuyển thành sức nóng làm nồi cơm chín, cơm chín diệt đi do ăn hết, nhưng trở thành máu nuôi dưỡng con người, con người diệt đi chôn xuống đất lại thành dưỡng chất cho cây cỏ mọc lên v.v… Cho nên, trong thể tánh không có gì sinh diệt chỉ trên hiện tượng mới có sinh diệt thôi. Đức Phật nói vô thường và khổ là nói về pháp hữu vi sinh diệt, còn Niết-bàn là vô vi, vô ngã và không sinh diệt, chứ không nói Niết-bàn là thường tồn bất biến vì nói như vậy mới là thường kiến. 

Sự hoạt động của bản ngã

Hỏi: Kính xin Thầy giảng thêm về hoạt động của bản ngã. Con thấy luôn luôn có một cái Ta hiện hữu trong đời sống song hành với Tướng biết, cái Ta giống nhân vật ở ngoài lăng xăng lôi kéo và có đôi khi cái “Ta biết” vắng bặt mới nhận ra Tánh Biết vi tế khó thấy. Chỉ khi nào buông xả mới thấy ra được Tâm vi tế này hoạt động.

- Con thấy như vậy là đã có cái nhìn khá vi tế! Thực ra cái Ta hay bản ngã này hoạt động dưới 2 hình thức: Một là cái Ta dương bản hiện hành trên bề mặt hữu thức và hai là cái Ta âm bản ngủ ngầm trong vô thức.

Cái Ta hiện hành: Cái Ta hiện hành là bản ngã “dương” hiển lộ trên bề mặt hữu thức. Nó biểu hiện ra ngoài qua khái niệm "tôi", như tôi hành động, tôi nói năng, tôi suy nghĩ, tôi tu hành v.v... Hoặc "của tôi", như thân của tôi, cảm giác của tôi, hiểu biết của tôi, tâm thức của tôi, sở đắc của tôi v.v... Sâu hơn nữa là “tự ngã của tôi”, như Linh hồn của tôi, Phật tánh của tôi, Tự tánh của tôi, Đại ngã của tôi v.v…  Cái ta hiện hành là cái ta lộ liễu dễ thấy qua tư tưởng và hành vi của mỗi người, nhưng nếu không tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì lý trí chỉ có thể suy luận ra Vô ngã chứ vẫn không thấy được tính ảo tưởng của cái Ta đó.

Cái Ta ngủ ngầm: Cái Ta ngủ ngầm là bản ngã “âm” ẩn trú trong tiềm thức hay ẩn sâu trong vô thức, phần lớn nó hoạt động ngấm ngầm và kín đáo bên trong phần chìm của tâm thức (Bhavanga hoặc Alaya thức) nên rất khó thấy mà Duy Thức học gọi là "câu sinh ngã chấp" tức sinh ra đã có sẵn dù chưa hiện tướng bên ngoài. Abhidhamma gọi là “cái Ta ngủ ngầm” được huân tập bởi sở tri và sở đắc của mỗi người còn gọi là phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesa). Khi ngủ cái Ta này vẫn hoạt động dưới hình thức biểu hiện dễ thấy qua những giấc chiêm bao. Cho nên, chỉ cần thường chánh niệm tỉnh giác hay thường trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại thì dần dần phát hiện ra cái Ta hiện hành qua các tâm hữu nhân tạo tác, và cái Ta ngủ ngầm qua các tâm vô nhân dị thục hoặc nói theo Phân Tâm Học là các khuynh hướng xung động từ vô thức.

Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao cái Ta vô minh ái dục này cứ như luôn gắn liền với đời sống con người, trong khi Phật dạy Tâm hay Tánh Biết của mỗi người vốn chói sáng (Pabhassara Citta)? Câu trả lời là: Tâm có đặc tính là biết pháp. Biết có hai phần là Tánh và Tướng. Tánh Biết thì luôn chói sáng nhưng vô tư, tự nhiên còn Tướng Biết thì phải có cố ý và có đối tượng mới biết, khi chưa biết thì vẫn còn tò mò muốn biết, muốn được nên luôn lăng xăng đặt giả thuyết, tưởng tượng, tìm tòi, khám phá, tạo thành kinh nghiệm rồi tích luỹ thành sở tri sở đắc. Chính sở tri sở đắc này tạo ra nội hàm của bản ngã. Cái Ta dựa trên ý thức, lý trí và tình cảm của Tướng Biết để khám phá cái chưa biết, cũng giống như nhà khoa học khi muốn biết mưa là gì trước hết đặt giả thuyết, suy tư, lý luận rồi đưa vào thí nghiệm để tìm ra giải đáp. Đó là lý do vì sao Sigmund Freud nói rằng “văn minh là sản phẩm của tính dục” vì đó chính là hậu quả của cái Ta muốn biết muốn được.

Như vậy, cái Ta vô minh ái dục cũng có vai trò bí mật của nó là khám phá cái chưa biết. Tuy nó phải lang thang tìm kiếm qua bao nhiêu kiếp sống luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau, nhưng khi đã khám phá ra toàn bộ sự thật thì nó tự hoá giải – biến mất – trong Tri Kiến Thanh Tịnh, vì nó đã hoàn thành nhiệm vụ đưa Tướng Biết đến chỗ hoàn thiện Hậu Đắc Trí, trong khi Tánh Biết chói sáng là Vô Sư Trí luôn âm thầm hậu thuẫn để vừa giúp soi sáng cho cái Ta hoàn thành nhiệm vụ vừa giúp nó tự hoá giải khi nhiệm vụ đã xong. Đó chính là một sự hoàn hảo vô cũng mầu nhiệm và kỳ diệu cả Pháp!

Tâm Từ

Hỏi: Xin thầy chỉ cho con làm sao để có tâm từ nhanh nhất và lớn nhất để ban rải cho người khác?

Từ là một trong bốn đức tính của Tâm vốn có sẵn nơi mỗi người. Vì nó cực nhanh và cực lớn, không bao giờ cạn kiệt nên được gọi là Tâm Vô Lượng (Appamaññā). Nếu Tâm không bị che lấp bởi trạng thái sân thì đó là tâm Từ.  Khi hướng đến một đối tượng nào đó (hoặc mọi người, mọi vật) mà tâm không sân tức đang rải tâm Từ đến đối tượng đó (giống như nguyên tắc hồi hướng vậy). Tâm Từ tự nhiên vốn có như thế mới nhanh và mạnh, cho nên đừng bao giờ cố luyện tâm Từ vì cái gì do bản ngã tác thành thì vẫn là hữu vi hữu hạn và dễ biến thành tình thương yêu luyến ái. Tâm Từ có sẵn chính là Tâm Từ tự nhiên vô vi vô ngã nên mới dung thông được với nguồn năng lượng vô cùng của vũ trụ và vì nó bao trùm cả vũ trụ nên chỉ cần hướng đến đâu là liền có sự cảm ứng ở đó.
    
Như Lý tác ý

Hỏi: Thưa Thầy, cho con hỏi: hiểu tác ý thế nào cho đúng?

- Trước hết cần xác định “tác ý” được dịch từ manasikāra hay từ cetanā, vì đôi lúc cả hai thuật ngữ Pāli này đều được dịch là tác ý như nhau. Khi nói “như lý tác ý” hoặc “phi như lý tác ý” thì biết đó là manasikāra, còn khi nói “tác ý thiện” hoặc “tác ý bất thiện” thì đó là cetanā. Nếu nghi ngờ một thuật ngữ Phật học Hán Việt thì nên tra lại gốc cổ ngữ Pāli hoặc Sanskrit mới hiểu chính xác được.

Manasikāra có nghĩa là khởi ý hướng trên một đối tượng. Nếu ý hướng trung thực thì gọi là như lý tác ý (yoniso manasikāra), nếu ý hướng sai lệch thì gọi là phi như lý tác ý (ayoniso manasikāra). Ý hướng có thể đúng hay sai sự thật nhưng chưa có phản ứng tạo tác. Còn cetanā mới là phản ứng tạo tác, vì vậy tốt nhất nên dịch cetanā là tư tác, tư tác thuộc về hữu vi. 

Manasikāra vẫn thuộc vô vi, vô nhân, vô ký chưa phải hữu vi, chưa tới tạo tác nên chỉ là hướng thấy biết đúng hay sai chứ chưa thành thiện ác. Thí dụ, khi nhìn cái hoa với ý hướng khách quan, thấy nó như nó là thôi - trung thực, không thêm bớt - là như lý tác ý. Nhưng khi nhìn qua ý hướng chủ quan, với những khái niệm đẹp xấu, thì đã là phi như lý tác ý rồi. Từ chỗ phi như lý tác ý mới đến phản ứng tạo tác nên có thương ghét, có lấy bỏ. Đó mới là tư tác (cetanā).

Người có chánh niệm tỉnh giác thường có ý hướng trung thực với mọi sự mọi vật đúng như nó là (như lý tác ý), còn người thiếu chánh niệm tỉnh giác thì ý hướng sai lệch với mọi sự mọi vật không đúng sự thật (phi như tác ý).   


 Vô Thức & Vô Ký


Hỏi: Thưa Thầy, xin thầy giải thích giúp con vô thức hoạt động như thế nào và vô thức có liên hệ với tâm ra sao? con cảm ơn thầy.

- Tâm dưới dạng tiềm thức gọi là Bhavaṅga (hữu phần) tương đương với A-lại-da thức trong Luận Duy Thức. Sau khi tiến trình tâm-sinh-vật lý diễn ra, thông tin được sao lại và lưu trữ trong Bhavaṅga thì những dữ liệu đó thuộc dạng vô thức. Đó là dạng vô thức trong tiềm thức. Còn dạng vô thức thứ hai là những gì diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày mà không ý thức được cũng gọi là vô thức.

Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và một số hoạt động của ý giới như ngũ môn hướng tâm, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm v.v… tuy diễn ra trong đời sống ban ngày nhưng đó vẫn là tâm vô nhân dị thục nên vẫn xem như vô thức và vô ký. Chỉ khi có ý thức mới gọi là hữu thức. Bằng chứng là có những lúc không ý thức được mà mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe và ý giới vẫn tiếp thu đối tượng.

Hoạt động của hữu thức hay ý thức rất hạn hẹp, chỉ trên bề mặt, còn hoạt động của vô thức rộng lớn hơn nhiều. Khi hữu thức không làm việc, như lúc ngủ chẳng hạn, thì vô thức vẫn làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Có những điều hữu thức không làm được nhưng vô thức lại làm được, như một học sinh ban ngày giải bài toán không ra nhưng ngủ một đêm sáng dậy bỗng thấy ra cách giải. Giáo dục con trong bào thai cũng là cách đưa thông tin tốt vào cho thai nhi khi nó chưa ý thức được.

Kho vô thức bao gồm những dữ liệu đã được sao lưu sau những tiến trình tâm-sinh-vật lý được gọi là tập khí, chủng tử hoặc các trạng thái ngủ ngầm (anusaya). Trong đời sống hàng ngày nếu thiếu chánh niệm tỉnh giác thì những tập khí này sẽ khởi lên như những xung lực vô thức điều khiển hoạt động con người hơn là thực sự có ý thức. Thí dụ như những nỗi buồn vô cớ chẳng hạn, thực ra nó xuất phát từ kho vô thức. Hoặc đôi khi có ai đó chơi xấu mình nhưng bề ngoài lịch sự nên gặp nhau vẫn nói cười vui vẻ, thế mà ban đêm chiêm bao lại thấy người đó bị đánh, như vậy trong vô thức vẫn còn có ý trả thù. Một công ty nọ, công nhân bất mãn ông chủ, họ vẫn làm đúng giờ đúng việc nhưng sự bất mãn ngấm ngầm của họ khiến họ thiếu nhiệt tình thế là năng suất sút giảm, gây thiệt hại cho ông chủ mà ông ta không biết vì đâu.

Hoạt động của vô thức quả là vô cùng lợi hại. Người có chánh niệm tỉnh giác lúc đầu thấy rõ những sinh hoạt hữu thức trước rồi dần dần mới phát hiện được những hoạt động vô thức của những tâm vô nhân dị thục, và cuối cùng khám phá được những xung lực xuất phát từ kho vô thức. Đó chính là việc hữu thức hoá vô thức mà Phân Tâm học thường nói đến.


Hỏi: Thưa Thầy vô ký và vô thức có phải là 2 trạng thái khác nhau?

- Vô thức và vô ký có những điểm tương đồng và cũng có những điểm dị biệt. Vô thức là những hoạt động của tâm nằm ngoài vòng hữu thức nên ý thức không biết được, trong khi vô ký là những trạng thái tâm không thiện không ác, thuộc vô nhân dị thục. Những tâm thuộc ý giới theo Vi Diệu Pháp mà Duy Thức gọi là Mạt-na thức đều có tâm thái vô ký. Như vậy, vô thức là nói trạng thái còn vô ký là nói tính chất của cùng một tâm. Mặc dù tâm vô nhân dị thục (tâm quả xa với nhân quá khứ, không gây nhân tạo tác hiện tại) vẫn có tính chất thiện, bất thiện hoặc duy tác của nhân quá khứ nhưng vẫn vô nhân nên là vô ký.

Thí dụ, mắt thầy cận thị nên thấy mờ, cái thấy đó là tâm dị thục bất thiện, nhưng vẫn vô nhân, chỉ khi thấy mờ mà tâm thầy khởi tham sân si mới là hữu nhân. Hoặc nhiều người tự nhiên cảm thấy buồn bực vô cớ, đó chỉ là một cảm xúc xuất phát từ vô thức thuộc thọ ưu, cũng là vô nhân, và vì chưa có chủ động phản ứng tạo tác nhân thiện ác gì cả nên cũng là vô ký. Đôi khi trạng thái vô ký bị nhầm với tâm si vì có vẻ giống nhau ở chỗ thụ động thiếu quyết đoán, nhưng tâm si tuy cũng thụ động so với tâm tham và sân nhưng nó vẫn là hữu nhân chứ không phải vô nhân như trạng thái vô ký.

Chính vì trạng thái vô ký thụ động, nên nhiều vị thiền sư khuyến cáo cần thường chánh niệm tỉnh giác để tâm không rơi vào trạng thái này. Thí dụ khi ngồi thiền tâm có vẻ yên nhưng thiếu linh hoạt sáng suốt, gần như trạng thái buồn ngủ thì đã rơi vào trạng thái vô ký, nhưng không phải hôn trầm thuỵ miên vì đó là tâm si.


Tác giả: Thầy Viên Minh