Trà Đạo ngày 30.03.17 (Năng lễ sở lễ - Nhu cầu và vọng cầu)


Năng lễ sở lễ

Hỏi: Kính xin sư ông dạy chúng con thế nào là:
"Năng lễ sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghị"

- Năng lễ là người lễ bái, sở lễ là Tam Bảo, tánh không tịch là bản chất tịch tịnh vắng lặng. Tự tánh của Tam Bảo là tịch tịnh nên khi lễ bái với tâm rỗng lặng thì không còn năng và sở, cả hai đều đồng tánh tịch tịnh. Đó là sự cảm ứng đạo giao hay sự tương thông không thể nghĩ bàn. Vậy khi lễ bái Tam Bảo tâm cần rỗng lặng mới có cảm ứng nhiệm mầu.


Nghĩa câu này rất sâu xa, ý nói rằng không nên lễ bái với tâm lăng xăng cầu cạnh Tam Bảo như cúng vái Thần Linh vì như vậy tâm tham cầu, không thanh tịnh làm sao cảm ứng được. Người thật sự kính trọng Phật là người hành đúng pháp, sống thuận pháp mà thuận pháp cao nhất là sự tịch tịnh. Do đó "Năng lễ sở lễ tánh không tịch" là vậy. Thực ra không phải chỉ khi lễ bái, mà cả khi đang đi đứng ngồi nằm hoặc trong mọi hoạt động hàng ngày nếu tâm thường sáng suốt, trầm tĩnh, trong lành với thực tại thì cũng đang tương thông với thực tánh Tam Bảo.

Hỏi: Thưa Thầy vì lý do gì người có trải nghiệm pháp nhiều và cũng am hiểu tường tận mà vẫn không thể giảng giải chỉ bày cho người khác được. Có phải do nghiệp duyên còn hạn chế, vậy vấn đề này có thể cải thiện được không ạ?

- Do khi tiếp cận với sự thật quá nặng về chân đế mà không quan tâm tục đế. Cho nên, giác ngộ là phải giác ngộ hai mặt tục đế lẫn chân đế. Nhiều người lo chuyên tu cho mau giải thoát thường có khuynh hướng vào rừng để sống độc cư, hoặc đóng cửa không giao tiếp với người với cảnh bên ngoài, không quan tâm đến ngôn ngữ hay những vấn đề ở đời, chỉ chú trọng giác ngộ chân đế thôi, vì vậy làm sao diễn đạt cho người khác hiểu được. Cũng như Thầy không rành tiếng Anh sang Mỹ giảng pháp, người Mỹ đến hỏi đạo làm sao thầy nói, mặc dù tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ chế định trong tục đế.
Trong Phật giáo những vị giác ngộ nhưng không có bốn tuệ phân tích (tứ vô ngại giải-paṭisambhidā) thì vẫn không thuyết giảng được. Người có tứ vô ngại giải là người biết rành rẽ về sự thật, về ngữ nghĩa, về trình bày văn cú và về cách thuyết minh sự thật. Tứ vô ngại giải có được nhờ sống trải nghiệm, chiêm nghiệm cả phương diện chân đế và tục đế trong đời sống, nhất là trong giao tiếp. Dù có thiền định thần thông và chứng đạo quả mà thiếu bốn yếu tố trí tuệ trên cũng không có được khả năng thuyết thị.

Nhu cầu và vọng cầu

Hỏi: Kính thưa sư ông xin sư ông dạy chúng con về nhu cầu và vọng cầu, trong cuộc sống hàng ngày chúng con làm sao phân biệt nhu cầu và vọng cầu được ạ?

- Tự quan sát thực tại thân-thọ-tâm-pháp mà thấy, rồi khi đã thấy rõ thì tự nhiên biết được đâu là nhu cầu đâu là vọng cầu. Nhu cầu thì không thể thiếu, như đói phải ăn, khát phải uống, lạnh phải đắp, nắng phải che v.v... Trong khi vọng cầu là mong muốn điều mình mơ ước chứ không phải điều thật sự cần thiết. Đó là sự khác nhau cơ bản.

Thí dụ như trong ăn uống. Nhu cầu ăn để sống khác với tham ăn hoặc ăn theo thị hiếu của mình đến nổi dù không có tiền cũng vọng cầu món ngon vật lạ. Người tu đôi khi không những loại bỏ vọng cầu mà còn tiết chế cả nhu cầu nữa, như những vị thọ hạnh đầu-đà (dhutaṅga) tiết chế trong y áo, vật thực, chỗ ở và thuốc ngừa bệnh.

Nhu cầu thuộc bản năng sinh tồn tự nhiên nên bản chất của nó là tốt, là cần thiết trong đời sống. Tiết giảm quá mức nhu cầu đời sống là không thiết thực, không hiểu nguyên lý vận hành của Pháp. Cho nên pháp có sở đoạn - cần từ bỏ - và phi sở đoạn - không nên từ bỏ. Người tu hành phải biết rõ đòi hỏi nào thuộc nhu cầu (phi sở đoạn), đòi hỏi nào thuộc vọng cầu (sở đoạn) mới không bị nhầm lẫn trong tham ưu, thủ xả. Đó là một trong những điều cần được khám phá để giác ngộ sự thật.

Hỏi: Thưa Sư ông, khi con lỡ ăn trúng ớt con liền nhăn mặt và tìm nước uống. Phản ứng đó là phản xạ tự nhiên của sinh lý hay của tâm lý ạ? Các bậc giác ngộ khi gặp trường hợp trên có phản ứng như con hay các ngài dùng định để chế ngự hoàn toàn thọ khổ của thân?

- Đó là phản xạ tự nhiên thuần bản năng sinh học. Người trí chỉ khác người mê ở chỗ khi phản ứng như vậy vẫn sáng suốt biết rõ, còn người mê thiếu tỉnh thức nên thường phản ứng với thái độ sân si. Không có nước để uống mới phải dùng định lực để chế ngự, thực ra dùng định lực chế ngự còn cơ tâm nên mệt hơn là chỉ đơn giản lấy nước uống tự nhiên. Nên Phật thường đi bộ hơn bay là vậy!
Bản năng vốn là tốt nên khi giác ngộ thì bản năng chính là thần thông, là khả tính mầu nhiệm của Pháp. Tình cảm và lý trí bóp méo tính tự nhiên của bản năng thành ý đồ của bản ngã từ đó mới có đúng sai, tốt xấu. Trí tuệ đi với bản năng thành một khả năng cảm nhận tuyệt vời. Vậy chính yếu không phải là phản xạ tự nhiên như thế nào mà là có đầy đủ trí tuệ để thấy ra tâm có bị mê muội hay dính mắc tham sân trong đó hay không, có đưa đến sầu bi khổ ưu não hay không mà thôi. Nếu ăn ớt cay liền uống nước cho bớt cay là phản ứng bình thường, thậm chí là sáng suốt và vô ngã nếu không bị sân si xen vào, bậc Thánh cũng làm như vậy với tâm duy tác. Nếu phản ứng theo bản năng một cách vô thức thì mới chìm trong vô minh. Bản năng có thể cảm nhận hơi gió mà biết được trời sắp mưa, nên người sáng suốt có thể đọc qua bản năng mà tiên đoán được tương lai, như một loại “ký thuyết thần thông” mà Dịch lý gọi là “lý sương kiên bang chí”, dẫm lên sương mà biết băng giá sắp đến.

Tác giả: Thầy Viên Minh