Pháp phương tiện của các vị Tổ - Khởi tâm dụng pháp


Trong Tứ Diệu Đế mặc dù đều là Sacca nhưng có hai loại khác nhau. Khổ đế và Tập đế thuộc về thế gian, còn Đạo đế và Diệt đế thuộc về xuất thế. Khổ và tập là sự thực trong thế gian chứ không thực trong chân lý xuất thế. Còn nói phi pháp là để phân biệt với chánh pháp chứ cả hai đều là pháp cả. 
Khi đang sân mà chúng ta thấy rõ trạng thái sân như thực tánh thì sẽ không có cái gọi là “tôi sân”. Không có cái tôi duy trì hay loại bỏ sân thì sân tự biến mất trong bản chất vô thường sinh  diệt của nó.
Điều này, lần sau chúng ta sẽ nói rõ hơn. Ở đây, chúng ta chỉ cần lưu ý một điều là, tu hành chính là thấy ngay cái pháp thực tại, cái Sandiṭṭhiko. Thấy ngay pháp thực tại chớ đừng bỏ lỡ bất cứ một pháp nào. Nếu bỏ lơ không tuệ tri một pháp nào thì chúng ta sẽ phải học lại trong nhiều kiếp nữa. Ví du, đang sân mà muốn dẹp cái sân đó đi cho khuất mắt thì hoặc là sân tăng thêm hoặc là sân tạm thời bị ức chế cho đến khi nó có cơ hội bùng lên trở lại. Chúng ta có thể thiền định hoặc niệm tâm từ v.v. để chế ngự sân, nhưng như đá đè cỏ, nếu có cơ hội sân vẫn có thể theo  duyên mà tái hiện. Như vậy chúng ta bỏ lỡ cơ hội học ra được thực tánh  của cái sân đó. Sân là một pháp, nếu không thấy ra bản chất thực của nó thì biết bao giờ mới giác ngộ được ?
Bây giờ nếu khoa học biết rõ sấm sét là gì thì họ có thể sử dụng sấm sét vào những việc có ích cho con người. Tại sao người ta có thể sử dụng năng lượng mặt trời? Vì người ta đã nghiên cứu nó kỹ lưỡng, biết rõ bản chất, hiện tượng và công dụng của nó. Cũng vậy, cái gì đến và đi  trong cuộc đời chúng ta, đều là bài học của pháp. Chúng ta phải học cho trọn vẹn, vì đó chính là  giác ngộ. Còn nếu chúng ta cứ trốn tránh thực tại để chạy theo tư kiến tư dục của mình thì muôn đời không bao giờ thấy pháp được. Có đúng không? Ngài Huệ Năng đã chẳng nói: “Lìa thế gian tìm bồ đề khác chi tìm lông rùa sừng thỏ” hay sao ?
( Có người hỏi: )
- Thế tôi niệm A-Di-Đà để lên cảnh Tây Phương là sai à? Thế xưa nay người ta tu Tịnh Độ là sai hết trơn sao? Thầy phỉ báng người ta à?
- Xin thưa là không, tôi không có phỉ báng. Điều đó chỉ đúng cho một số người. Nếu số người đó mà họ niệm A-Di-Đà đến chỗ “nhất niệm” rồi  thì họ sẽ thấy rằng lúc đó chỉ còn pháp để thấy  mà thôi, không còn lên Tây Phương Cực Lạc làm gì nữa cả. Vì sao vậy? Vì “tuỳ kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, khi tâm mình tịnh rồi thì tâm mình chính  là tịnh độ, chứ còn đòi lên tịnh độ làm gì nữa?
Xin nhớ cho thế này, đó là pháp phương tiện của các  vị Tổ,  chứ  không phải pháp của Phật, là vì lòng từ bi thương đồ chúng chưa thể trực chỉ thực tại mà giác ngộ nên chư Tổ phải vận dụng ra phương tiện thiện xảo để chuyển hóa dần. Cái đó tuy có lợi lạc quần sinh nhưng là phương tiện tiếp cận pháp chứ chưa phải là trực nhận pháp. Pháp là Sandiṭṭhiko, Akàliko…nên ở giai đoạn này phải trực ngộ chứ không thể qua phương tiện nào cả. Phương tiện thì làm sao mà “thiết thực hiện tiền”, “không có thời gian” cho được. Tuy nhiên chính Đức Phật cũng có pháp môn trợ đạo, những pháp môn này trợ lực cho chúng ta thẳng đến chỗ trực nhận thực tánh của thực tại hiện tiền. Nhưng nếu ai chưa có thể ngay nơi pháp mà trực ngộ thì phải dùng những pháp môn trợ đạo của Phật. Trường hợp pháp môn trực tiếp trợ đạo của Phật cũng không dùng được thì đương nhiên phải dùng tới phương tiện thiện xảo gián tiếp của chư Tổ.  Không thể phủ nhận lợi ích của những phương tiện quyền biến thiện xảo này.
Kinh Pháp Hoa có nói: Vì người cha thương con nên giả bộ nói xe trâu, xe hươu, xe nai tầm bậy tầm bạ để cho những đứa con ham chơi nó thích mà chạy ra khỏi nhà lửa thôi. Phải không? Còn khi chúng ra khỏi nhà lửa rồi thì chúng sẽ tự biết vì sao cha mẹ lại lừa dối mình.
Chúng ta thường có cái gọi là “tự ái tông môn”. Khư khư ôm giữ phương tiện, yếu chỉ tông môn,  không  biết  rằng  nó  chỉ có giá trị giai đoạn, cần phải vượt lên “phương tiện vận dụng tạm thời” đó để mà tu thẳng vào chân đế. Điều đó chúng ta làm được. Đừng cứ mãi tự ti hoặc tự tôn mà  không chịu thay đổi. Niệm Phật chủ yếu là để tâm nhất niệm hay vô biệt niệm. Nên khi “nhất cú Di- Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương”, nghĩa là khi đã niệm Phật đến chỗ không còn tạp niệm nữa thì cũng khỏi nhọc công (bất lao) mất một sát-na (đàn chỉ) nào để lên cõi Tây Phương (đáo Tây Phương) làm gì. Tây Phương là Tịnh Độ mà tâm đã tịnh là đã đến Tịnh Độ rồi. Do đó có  câu “Tuỳ kỳ tâm tịnh tức Phật Độ tịnh” là vậy.
Ở đây chúng ta không xuyên tạc tông phái. Có những người vì trình độ không thể thấy thực tánh pháp được thì khuyên họ nên tiếp tục tu  pháp môn phương tiện.

...
( Có người hỏi: )
  Con nghe Sư nói, nếu mình cứ để tâm bình thường, đừng khởi vô minh ái dục gì hết, như vậy có thể nói là mình được đạo. Nếu như mình khởi tâm lên để tu, để mong đạt được cái này, cái kia, tức nhiên sẽ rơi vào dục ái, hữu ái và phi hữu ái.  Ở đây, có vấn đề giả dụ một người ngu, họ chẳng khởi tâm tu tập hay khởi tâm để đắc cái này cái  kia chi cả, tâm họ cũng bình thường vậy thôi. Trường  hợp  ấy  có  khác  gì  với  trường  hợp của  người trí? Sự khác nhau giữa hai việc không khởi tâm của kẻ trí và người ngu như thế nào?
– Vâng, câu hỏi của anh rất hay. Đó là vấn đề quan trọng. Chúng ta nên đặt ra những câu hỏi như thế, chớ nên thụ động. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem. Vấn đề không phải là khởi hay không khởi, mà là khởi như thế nào? Khi một người thấy pháp mà sáng suốt khởi tâm dụng pháp thì hoàn toàn khác với người không thấy pháp mà khởi tâm theo vô minh ái dục Hai cái đó khác nhau, hoàn toàn khác nhau. Còn nói rằng người ngu không khởi, thì cái đó không đúng. Không có người ngu nào mà không khởi tâm cả. Người ngu thì khởi tâm tầm bậy tầm bạ nữa là khác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không khởi trong trình trạng si mê, vô ký. Nói chính xác là có khởi lên trạng thái tâm  si (môn học Abhidhamma Phật giáo Nguyên Thuỷ nói rất rõ các loại tâm này).
Khi tâm không khởi, thực ra cũng là một loại tâm! Không bao giờ có tâm không không theo nghĩa hoàn toàn trống rỗng. Nói tâm không hay tâm rỗng rang vô sự là ám chỉ tâm không chấp  thủ, không vướng mắc, không vọng loạn, không phiền não v.v. nhưng ngay lúc đó vẫn có những trạng thái như: thanh tịnh, thư thái, khinh an, chánh trực, nhu nhuyến, thích ứng hoặc trí tuệ, từ bi v.v. Cho dù khi tâm không khởi thật sự thì nó vẫn  ở  trạng  thái bhavaṅga, ngấm ngầm trôi chảy trong vô thức cùng với những chủng tử đã được tadālambana thu nhặt và tàng trữ vào từ những tâm hữu thức, chứ không bao giờ có cái tâm không không cả. Khi tâm khởi mà tỉnh thức không muội, thì chính là tâm không khởiCòn nếu như khi tâm không khởi mà mê muội thất giácthì chính tâm đang khởi ở trạng thái si mê mà vì quá muội lược tưởng là tâm không khởi.
Ngài Huệ Năng nói: “Đối cảnh tâm sổ khởi”. Đối cảnh tâm cứ khởi nhiều, đâu có sao. Trong kinh Nguyên Thủy, Đức Phật cũng dạy vậy: “Chớ bắt cái tâm không khởi, hãy khởi tâm thiện, tăng trưởng tâm thiện”, nghĩa là khởi sao cũng được miễn đừng để rơi vào quĩ đạo bất thiện, chấp thủ hay vô minh ái dục là được. Cho nên, Kinh Kim Cang cũng khuyên chúng ta “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. khởi sao đừng kẹt là được.
Tóm lại, tâm là pháp có thể, tướng và dụng. Khởi hay không khởi, tĩnh hay động là tùy duyên, tùy lúc, tùy nơi mà ứng xử theo thể tướng dụng chính xác và thích nghi, chứ không phải thiên  chấp một bên mà thành ra có chỗ trụ. Vấn đề là chúng ta phải thấy, phải biết, phải hiện quán, phải thực chứng pháp mới có thể tùy nghi sử dụng mà không trụ, nếu không cho dù chúng ta nói có nói không, nói tịnh nói động gì cũng đều sai cả.
( Có người hỏi: )
– Hễ muốn là rơi vào dục ái, hữu ái, phi hữu ái, thậm chí muốn tu cũng vậy. Nếu thế thì người ta cứ sống đừng muốn gì cả sao? Người ta đừng muốn tu sao?
– Thưa, cụ hỏi rất phải. Điều này cần được phân biệt rõ ràng. Cụ có nghe rõ không? À, rõ    há. Vậy tôi xin trả lời:
Thưa cụ, có ba loại ý muốn. Loại ý muốn mà chúng ta vừa đề cập ở trên thuộc loại ý muốn bị điều động bởi vô minh, đó là dục ái, hữu ái, phi  hữu ái. Ý muốn nào lọt vào quỹ đạo này đều là nguyên nhân của luân hồi sinh tử trong tam giới cả.
Còn loại ý muốn thứ hai là ý muốn tự nhiên thụ động do điều kiện phát sinh một cách tất yếu, như đói muốn ăn, mệt muốn nghỉ, ngồi mỏi muốn đi, đi mỏi muốn đứng… Nếu loại ý muốn này được thực hiện đúng mức thì nó chính là “bản năng sinh tồn” của sự sống, rất cần thiết. Nhưng thiếu tỉnh giác nó sẽ trở thành bản năng thú vật, và nếu để nó lấn lướt quá xa thì chẳng bao lâu sẽ trở thành loại thứ nhất, lọt vào quỹ đạo của vô minh ái dục.
Loại thứ ba là ý muốn tích cực được hướng dẫn bởi trí tuệ, bởi người đã thấy pháp hay giác ngộ. Ý muốn này trở thành cái dụng của đạo.   Nếu không có ý muốn này thì sẽ rơi vào “trầm không  trệ  tịch”.  Các  bậc  Thánh  nhân  vẫn  có ý muốn này nhưng dưới dạng duy tác (kiriyā) nên không tạo nghiệp, không rơi vào thiện ác.
Riêng về ý muốn tu hành cũng có hai: Loại thứ nhất là ý muốn tu hành theo sở kiến sở dục của bản ngã, loại này chỉ làm mồi cho vô minh, ái dục, không phải là hành trình giác ngộ. Còn loại thứ hai do thấy (chánh kiến) hoặc tin (chánh tín) mà tu hành thì không sai, do đó được gọi là tùy pháp hành và tùy tín hành.

Tóm lại là chỉ có ý muốn thúc đẩy bởi vô minh ái dục mới cần được soi chiếu, viễn ly và đoạn tận mà thôi.

Tác giả: Viên Minh