Trà Đạo ngày 13.09.2017 (Tâm - Sự Sợ Hãi - Y Học Trong Phật Giáo)



Tâm 

Hỏi: Kính xin Thầy khai thị cho con bài kệ 4 câu:
        “Tâm chẳng tâm gì phải gọi tâm!
          Tâm không hình mạo cứ đâu tầm
          Ba đời không thể tìm tâm được
          Phật dạy tu tâm tâm ở đâu?”
      Con xin cám ơn Thầy ạ!

- Cố tìm tâm thì không thấy tâm, vì chính tâm đang tìm nó ở bên ngoài nên không tự thấy mình được:

         Khởi niệm tìm tâm hoàn ảo vọng

         Vô tình thấy biết vốn chân tâm
         Lặng lẽ hồn nhiên liền tỏ ngộ
         Thong dong tự tại mới uyên thâm!

Chỉ cần sống trải nghiệm thực tại một cách trọn vẹn, trong sáng và hồn nhiên thì liền thấy được sự tương tác giữa thân, thọ, tâm, pháp, nhưng khi cố tìm tâm thì đã khởi ý đang tìm chính mình làm sao tìm được. Tâm bao gồm tánh biết, tướng biết (với 121 tâm và 52 tâm sở) trong đó có cả phần hữu thức, vô thức, hữu nhân, vô nhân, tâm quả, tâm duy tác, tâm dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tâm siêu thế v.v… 121 tâm thức của tướng biết không bao giờ xuất hiện 2 tâm cùng một lúc nên tâm này không thể thấy tâm kia, nhưng tánh biết lại biết được tất cả tướng biết.

Tánh biết biết thực tánh của tướng biết, còn tướng biết chỉ biết đối tượng của nó mà thường là đối tượng chế định qua tiến trình khái niệm hoá. Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác mới chính là những tâm sở hay yếu tố tâm có khả năng nhận biết diễn biến trong sự vận hành của thân-thọ-tâm-pháp, nên thấy được hoạt động của tâm một cách tự nhiên mà không cần tìm kiếm. Bản tánh của tâm được đức Phật mô tả là chói sáng (pabhassara) nên khi tâm rỗng lặng thì tánh chói sáng tự chiếu (tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu). Nhưng khi cố tìm tâm thì tâm lại hoá không bởi vì tự tánh của tâm là tánh không (suññatā) không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả (annatto, nisatto, nijjīvo, suñño).

Hỏi: Thưa Thầy trong 4 câu kệ:
   “Quả thật điều nguy hại
     Người ngu sinh sở tri/ sở đắc
     Hủy phần sang của mình
     Tự chẻ đầu chính nó”
Con không hiểu câu “Tự chẻ đầu chính nó” có nghĩa là gì ạ, kính xin Thầy chỉ dạy?

- Tánh biết của tâm vốn soi sáng tự nhiên, nhưng khi bản ngã khởi tâm muốn biết, muốn tích luỹ sở tri thì chính sở tri ấy lại che lấp phần sáng vốn sẵn có trong mỗi người. Thay vì trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong xúc chỉ xúc, trong biết chỉ biết thì tâm và pháp nhất như, ngay đó phản ánh sự thật, nhưng khi khởi ý muốn biết hay muốn đạt điều gì thì lý trí đã xen vào, mà tính cách của lý trí là nghi hoặc tức phân vân, lưỡng lự. Nên một khi đã khởi lên ham muốn sở tri, sở đắc thì liền phân ra thiện – ác, đúng – sai, âm – dương, nhân – quả v.v… lý trí tự phân đôi nên nói “tự chẻ đầu chính nó” là vậy.

Thí dụ đang sân mà khởi ý tìm hiểu xem Luận hay Chú Giải định nghĩa về sân như thế nào (sở tri) hoặc cho sân là bất thiện nên muốn loại trừ sân để đạt được tâm từ (sở đắc) tức lúc đó lý trí đã phân làm hai: Một bên là thực tại sân đang có mặt thì không thấy, một bên là sở tri hoặc sở đắc chưa có lại muốn trở thành hay đạt được. Như thế thân tâm không thể nhất như trong chánh niệm tỉnh giác hay trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đang là được.

Lẽ ra chỉ cần trọn vẹn cảm nhận trung thực (tuệ tri) trạng thái sân như nó đang là với tất cả yếu tính sinh diệt, lợi hại và nhân quả của nó thì ngay đó liền hết sân, hết sân tức đã là tâm từ, nên đâu cần phân tâm tìm hiểu sân bằng lý trí mà sinh thêm tà kiến, hoặc loay hoay tìm cách loại bỏ sân để được tâm từ theo ý đồ của bản ngã mà sinh thêm tham ái để rồi tâm sân đang là thì không thấy mà tâm từ sẽ là càng chẳng thấy đâu, nhưng ngay đó lý trí đã tự phân đôi giữa hiện tại và tương lai, giữa thực tế và lý tưởng. Cũng vậy, người đang nghèo càng muốn giàu thì càng xót xa bất mãn với cái nghèo của mình hơn. Lẽ ra chỉ cần thấy rõ cái nghèo để ngay đó điều chỉnh cách làm ăn sinh sống thì sẽ không còn nghèo chứ không phải ngồi đó mà mơ mộng để rồi “tự chẻ đầu chính nó”. 
 
Khi 5 uẩn hay 12 nhân duyên khởi sinh tức mong cầu sở tri, sở đắc thì liền diễn ra tiến trình sinh tử, mà có sinh có tử thì đã tự phân ra làm hai. Còn khi đang đi trọn vẹn với đi, đang khổ trọn vẹn với khổ thì lúc đó không có hai. Tâm thực sự trọn vẹn với khổ thì lúc đó không còn cái ngã thấy khổ nữa, nên Lão Tử nói “Phù duy bịnh bệnh, thị dĩ bất bịnh” nếu trọn vẹn thấy bệnh chỉ là bệnh thì đã là không bệnh rồi. Đó là lý do vì sao đức Phật dạy tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, tức sống trọn vẹn tỉnh thức ngay nơi thực tại thân thọ tâm pháp đang là thì ngay đó đã thanh tịnh, an lạc, Niết-bàn rồi chứ không cần khởi tâm tìm cầu thanh tịnh, an lạc, Niết-bàn nào khác. Vì khởi tâm tìm kiếm tức đã khởi lên Tập đế nên đâu còn thấy gì là thanh tịnh, an lạc hay Niết-bàn nữa! Thành ra, tưởng là quyết tâm tu mà lại tạo ra nhân sinh khổ, tức tu theo Tập đế chứ không phải Đạo đế nên mới “tự chẻ đầu chính nó”.

Sự Sợ hãi

Hỏi: Thưa Thầy, khi sự sợ hãi lên đến đỉnh điểm con phải làm thế nào. Con thấy trong kinh khiếp đảm và sợ hãi đức Phật nói “trong khi ta đang đứng mà sợ hãi khởi lên, ta phải đứng cho hết sợ rồi mới đi”. Con cũng có thực hành như vậy nhưng càng quan sát càng sợ, lúc đó chỉ muốn đi đến nơi có ánh sáng hoặc chỗ đông người, con kính xin Thầy chỉ dạy?

- Sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng, như sợ ma nhưng thực ra khi đó đâu có thấy ma. Cho dù thấy thật như thấy cọp chẳng hạn thì cũng là do tưởng tượng nó giết mình nên mới sợ. Đôi khi có người không sợ cọp vào rừng đi với cọp không những không sợ mà cọp còn sợ lại nữa. Hồi thầy ra Bà Rịa xây dựng Viên Không Tăng và Viên Không Ni, có người cho thầy con chó con. Một hôm thầy dẫn nó qua bên Ni, giữa đường có nhà nuôi một bầy chó, khi thầy đi qua đó cả bầy chạy ra sủa, nhưng con chó con thầy dẫn theo vẫn đứng tỉnh bơ không hề sợ hãi khiến bầy chó lớn phải tự rút lui. Chính sợ hãi chiêu dụ sự ảnh hưởng của đối tượng.

Khi sợ hãi phát sinh nên quay lại cảm nhận trọn vẹn sự sợ hãi đó chứ không nên nghĩ đến đối tượng thì sợ hãi sẽ hết. Đó là nguyên lý rất phổ quát, không những sợ hãi mà bất kỳ tâm trạng nào như tham, sân, đố kỵ, kiêu mạn v.v… chỉ cần trở về trọn vẹn lắng nghe hay cảm nhận trạng thái đó thì nó sẽ tự lắng dịu ngay. Có lẽ do lắng nghe, cảm nhận chưa được trọn vẹn nên mới còn sợ hãi. Đôi lúc người ta dùng mẹo ám thị để đỡ sợ hãi, như nắm ngón tay cái vào trong long bàn tay, đó cũng là cách mà Đông y dùng để làm dịu phế khí khiến giảm nhịp tim, vì khi sợ hãi phổi thường thở gấp và tim đập quá mạnh. Hoặc như anh tài xế xe khách dùng mẹo đưa cho người sợ say xe cầm một viên sỏi trong tay thì tự nhiên hết say xe. Như vậy sợ hãi phần nhiều là do tâm lý hơn là thực tế.

Một cách hữu hiệu khác là đối diện với sự sợ hãi đến tận cùng thì sẽ hết sợ. Hồi còn nhỏ thầy sợ nhất là ma và chó. Một tối nọ, thầy giáo tổ chức cắm trại ngoài bờ biển cách nhà thầy khoảng 3 cây số. Lần đầu tiên trong đời nghe sóng biển đánh ầm ầm nhưng trời tối không thấy gì hết đã sợ quá chừng, thế mà nửa đêm thầy giáo lại cho giải tán nên ban đêm về nhà phải đi qua một nghĩa địa trên cánh đồng hoang ở thôn quê, thấy những quả lân tinh bay lơ lửng tưởng ma sợ đến khiếp đảm nhưng phải cắn răng mà chạy một mạch về nhà khi bạn bè đã rẽ qua đường khác hết. Sợ quá chạy thục mạng, lại nghe tiếng thình thịch như có ma rượt theo đàng sau. Về tới nhà toát mồ hôi lạnh. Nhưng từ đó không còn sợ ma nữa.

Mục đích học y là để hiểu ra bản thân mình

Hỏi:
 Thưa thầy trong Đông y, có 7 yếu tố nội nhân gây bệnh là hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh, gọi là “tình chí”. Con muốn hỏi nếu một người sống cân bằng được 7 thứ “tình chí”, nhưng cân bằng là do ý thức được từ việc học y thì liệu người đó có giác ngộ giải thoát được không, khi không thực sự trải nghiệm và thấy ra 2 mặt của yếu tố nội nhân “tình chí” này. Kính xin Thầy chỉ dạy ạ?

- Học Y cũng giúp thấy ra được mặt cơ cấu và sự tương tác vận hành các yếu tố tâm-sinh-vật lý nơi mỗi người mà đức Phật gọi là thân-thọ-tâm-pháp. Những thông tin thu thập được từ y học hoặc từ Kinh Điển đều mới chỉ là kiến thức vay mượn, dù có áp dụng đúng thì cũng chỉ là kinh nghiệm cục bộ, chỉ khi nào tự mình trải nghiệm, thấu rõ những nguyên lý đó mới thực sự giác ngộ được. Cố áp dụng để đạt được trạng thái cân bằng thì chỉ là sở đắc chứ chưa phải giác ngộ. Nhận thức trên mặt Y Thuật chưa hẳn đã thấu triệt được Y Đạo. Học Y có thể giúp thấy ra được nguyên nhân hậu quả của bệnh, phát xuất từ vật chất, từ điều kiện sinh học hay từ tâm lý.


Về mặt tâm lý, như thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố và dục),
lục dục (đối với 6 giác quan) có liên hệ đến các bệnh của lục phủ ngũ tạng. Khi thấy ra điều đó cũng thấy được tâm lý ảnh hưởng đến sinh lý và vật lý như thế nào trong đời sống. Nếu nhìn trên bình diện Đạo học thì điều này cũng giúp cho thấy nguyên nhân sinh đau khổ (tập đế) là yếu tố tâm lý ảnh hưởng lên thân và thọ (khổ đế). Thấy ra và loại trừ được nguyên nhân này gọi là Đạo đế, và lúc đó khổ chấm dứt gọi là Diệt đế và đó mới thật sự giác ngộ giải thoát.


Tác giả: Thầy Viên Minh