THU THÚC LỤC CĂN - BỐ THÍ BA-LA-MẬT - NĂNG LƯỢNG

THU THÚC LỤC CĂN

Hỏi: Thưa Thầy, khi ăn nhận biết các vị mặn, ngọt, chua, chát, v.v… nhưng nếu thấy ngon thì có mất chánh niệm tỉnh giác không ạ? Thấy ngon có phải “cho là ngon” không ạ? Có vị tỳ khưu đã trộn lẫn thức ăn để không còn nhận ra các mùi vị. Đó có phải là kiềm chế, đánh lừa giác quan không và có trái với lẽ tự nhiên không ạ? Ai không ham thích ăn, ăn để sống chứ không sống để ăn thì ít bị dính mắc. Nhưng khi nghe, khó có thể chối bỏ tác dụng tinh tế, sâu rộng khó lường của âm nhạc nên đôi khi cảm thấy xúc động thì có phải là mất chánh niệm tỉnh giác không? Vậy những người làm việc trong lãnh vực âm nhạc có vấn đề trong việc tu tập không? Con kính xin Thầy giảng về việc thu thúc lục căn. Con cám ơn Thầy ạ!


- Đức Phật Ngài dạy khi mắt tai mũi lưỡi thân ý tiếp xúc với sắc thinh hương vị xúc pháp có phát sinh gì thì cứ biết “như nó là” thôi. Thí dụ ăn ngon thì biết ngon, vị cay mặn ngọt thì biết vị cay mặn ngọt, hay nghe âm nhạc thấy hay biết hay, thấy thích biết thích, chỉ cứ biết thôi. Có 2 cách biết:

• Biết “thấy nghe như thế nàothì biết như vậy thôi. Ngon là cảm thọ lạc. Ngon biết ngon là niệm thọ. Nhưng khi bước qua lãnh vực khái niệm tục đế thì ngon trở thành đối tượng của tâm tham ái. Lúc đó nhận rõ tham ái tức niệm tâm hoặc niệm pháp. Như vậy nếu có tuệ tri thì vẫn không mất chánh niệm tỉnh giác.

• Biết “thấy nghe như thế nàođể tuỳ duyên đối trị. Nếu mỗi lần nghe nhạc mà bị say mê chìm đắm tức đã mất chánh niệm tỉnh giác, thì có thể đối trị bằng cách bớt nghe nhạc hoặc nghe với tâm tỉnh táo trong sáng hơn. Và nếu không khá hơn được thì nên quyết định bỏ luôn không nghe nữa chẳng hạn. Chỉ khi rõ biết sự lợi hại mới có chuyển hóa, chứ không phải vì nghe nói tội rồi sợ thì vẫn chưa thực sự chánh niệm tỉnh giác.

BỐ THÍ BA LA MẬT

Hỏi: Kính thưa Thầy, theo con nhận thấy bất cứ việc làm thiện nào hay bố thí cúng dường tất cả đều có cái tâm tham cầu nhận được kết quả tốt, như vậy không phải là bố thí Ba-la-mật, đúng không thưa Thầy?

- Ba-la-mật và kết quả tốt là hai chuyện khác nhau. Dù bố thí ba-la-mật với tâm xả ly không dính mắc, không cầu quả phước, nhưng vẫn được quả phước, ví như trồng cây dù không cầu có trái nhưng nó vẫn ra trái. Bố thí ba-la-mật tỷ lệ nghịch với bố thí cầu phước. Tức bố thí với tâm xả ly càng cao hay bố thí với tâm cầu phước càng thấp thì phước càng lớn vì ngoài quả phước hữu lậu còn có phước vô lậu. Cụ thể như người bố thí cầu được phước thì sau khi chết được sinh lên cõi trời Tứ Đại Thiên Vương; nếu bố thí với tâm từ thiện không vụ lợi thì được sinh lên cõi trời cao hơn là cung Đao-lợi; nếu bố thí với tâm từ bi tế độ thì sinh lên cõi trời cao hơn nữa là cung Đâu Suất, nếu bố thí xả ly với tâm ba-la-mật thì giác ngộ giải thoát v.v… đều tuỳ thuộc vào hướng tác ý của tâm.

Hỏi: Kính thưa Thầy nhân quả thiện ác có luật bù trừ không?

- Có. Nhân quả thiện ác cũng có cộng trừ nhân chia như trong những phản ứng hóa học vậy. Trong nghiệp cũng có nhiều yếu tố tác thành, như tăng yếu tố này, giảm yếu tố kia đều có những hiệu ứng khác nhau. Thí dụ như một người trước kia từng tham lam trộm cắp nhưng bây giờ biết san sẻ, bố thí... thì nhân quả thiện ác đã có bù trừ. Đức Phật ví thiện như con thuyền, bất thiện như sỏi đá. Viên sỏi nhỏ rơi xuống nước liền chìm, nhưng nếu có con thuyền lớn thì chở cả thuyền đá vẫn không chìm. Đó chính là luật bù trừ của nhân quả thiện ác. Vì vậy, đừng nghĩ cứng nhắc rằng ăn trộm 100 ngàn thì sau này phải trả đúng 100 ngàn, mà còn tuỳ những yếu tố tạo tác của tâm nên có khi phải trả đến hàng triệu, có khi khỏi trả đồng nào.

NĂNG LƯỢNG

Hỏi: Thưa Thầy, nhiều người nói nhờ nghe pháp thoại Thầy giảng mà cảm thấy người nhẹ nhàng và bừng tỉnh. Vậy năng lượng toát ra từ âm thanh giọng nói mới thật sự có tác dụng chứ không phải ngôn từ, đúng không thưa Thầy?

- Ngôn từ là khái niệm mô tả sự kiện giúp hiểu nghĩa bên ngoài thôi nên chỉ thuộc về tục đế, những “ý tại ngôn ngoại” hoặc những biểu hiện “vô ngôn” đàng sau mới thực sự toát ra sức thuyết phục mạnh mẽ. Như khi đức Phật thuyết thị, Ngài nói bằng mắt, bằng âm điệu, bằng cử chỉ, bằng năng lực ba-la-mật, bằng đức từ bi, trí tuệ v.v… hơn là những gì Ngài nói ra. Đó là chưa kể về phía người nghe cần có căn cơ trình độ chín mùi, thái độ tiếp nhận trong sang, tích cực, bối cảnh thực tế hợp tình hợp lý thì mới giác ngộ được.
Tiếc thay khi kết tập lời dạy của đức Phật người sau chỉ ghi nhận được bằng một phần ngôn từ tóm lược đại ý, không thể phản ánh trung thực Sự Thật trong toàn bộ sự kiện ẩn tàng đàng sau ngôn từ ấy. Đó là chưa kể hàng hậu bối còn chú giải, nghị luận làm cho có vẻ dễ hiểu hơn nhưng thật ra chỉ rắc rối phức tạp ra. Vì vậy, trong một pháp thoại, năng lượng là chính chứ không phải ngôn từ. Cùng một lời nói phát ra với lòng từ bi khác xa với tâm sân hận, đó là sức mạnh của năng lượng truyền tải. Chùa thầy có hai con chó, một con đến giờ tụng kinh đều lên chánh điện nằm nghe, một con đến giờ thuyết pháp là chạy đến giảng đường chờ trước. Chúng không nghe tụng gì hay thuyết gì nhưng hưởng được năng lượng từ những môi trường đó. Thậm chí có một vị bác sỹ về hưu thường mở pháp thoại nghe mỗi khi ra vườn tưới cây thì ngạc nhiên thấy cây ra hoa kết trái nhiều hơn.

Hỏi: Theo thông điệp của nước, khi dán một tờ giấy có những từ ngữ tốt đẹp hay thô thiển lên chai nước thì cấu trúc của nước thay đổi. Vậy bản thân từ ngữ cũng có tác dụng phải không thưa Thầy?

- Ý nghĩa của từ ngữ - chứ không phải chữ viết - cũng có tác dụng, vì ý nghĩa đó do ý tưởng con người đặt ra, nên khi dán chữ lên chai nước thì từ ngữ đó đã đi kèm theo năng lượng tốt hay xấu theo ý nghĩa của nó. Do đó năng lượng phát ra từ khái niệm tốt xấu của người dán từ ngữ ấy chứ không phải từ những chữ viết. Như cùng một bài kinh mà vị Tăng có đức độ tụng sẽ khác xa vị không có đức độ tụng. Ví dụ, một cụ bà niệm danh hiệu Phật nhưng phát âm sai, tuy nhiên năng lượng phát ra rất mạnh. Khi được chỉnh lại để bà phát âm đúng hơn thì cũng mất luôn năng lượng vì bà không quen phát âm mới nên tâm không được chuyên chú như trước.

CHIA SẺ PHÁP

Hỏi: Thưa Thầy, hiểu biết của con về Phật Pháp còn hạn chế, nhưng con thích chia sẻ Pháp đến mọi người. Con xin hỏi việc chia sẻ Pháp của con có ảnh hưởng xấu không nếu con có quan điểm và nhận thức chưa đúng pháp?

- Một là chỉ nên chia sẻ những gì mình thực chứng, những gì thật sự có trải nghiệm, chiêm nghiệm mà thấy ra. Thấy ra rõ ràng mới nói, thấy chưa rõ ràng thì cũng nhận là chưa rõ không nên xác quyết vì nghe người khác nói. Và khi chia sẻ chỉ cốt giúp người khác thấy ra sự thật chứ không phải để họ nghe theo mình.
Hai là khi chia sẻ nên tùy từng trường hợp, từng tình huống, từng căn cơ trình độ của đối tượng, nghĩa là cần lắng nghe để hiểu rõ đối tượng rồi mới nói. Đức Phật khai thị hiệu quả vì Ngài thấy rõ tất cả yếu tố nhân duyên phù hợp với người được khai thị, nếu không sẽ phản tác dụng.

THỜ CÚNG

Hỏi: Thưa Thầy, nhà con có thờ ông bà lâu nay bát nhang có hay cháy âm ỉ ở trong. Sau đó có chuyện không hay xảy ra. Mẹ con rất lo lắng nên con khuyên mẹ nên bình tĩnh và chấp nhận chuyện xấu sẽ xảy ra và mình cũng xem đó như một bài học để nhận ra sự thật. Con cũng khuyên mẹ thận trọng chú tâm quan sát và nghe pháp thoại của thầy nhiều hơn. Mẹ con cũng rất hoan hỉ. Như vậy có đúng không thưa thầy?

- Đúng. Sống trong đời này người hiểu được đạo lý sẽ giảm thiểu rất nhiều sai trái. Do không hiểu đạo mới sinh ra mê tín, mà tin điều gì thì sẽ nhận hậu quả tương ứng. Thí dụ tin bát nhang cháy là xấu thì sẽ gặp xấu, tin là tốt thì sẽ gặp tốt. Người Hoa cho rằng thấy nhện sa là tốt, người Việt lại cho là xấu. Nên có câu “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” là vậy. Người hiểu đạo thấy chuyện gì đến thì đến, chuyện gì đi thì đi, đến đi đều là bài học giác ngộ. Cho nên, cần nghe pháp để thấu hiểu đạo lý mới sống đúng tốt được.

VẤN ĐỀ SINH LÝ


Hỏi: Thưa thầy sau một thời gian thận trọng chú tâm quan sát con như đã ra được đường cao tốc rồi thầy ạ. Con thấy bây giờ việc thiền vipassanā rất nhẹ nhàng dễ dàng. Tuy nhiên con quan sát thấy năng lượng tình dục của con rất lớn, con thấy nó khởi lên giống như là vấn đề về sinh lý của cái thân nhiều hơn là vướng mắc của cái tâm con. Con có nên đè nén nó hay con phải xử lý nó như thế nào. Vì con biết con không vướng mắc vào nó nhưng còn sống đời sống gia đình chồng vợ.
Cuộc đời con rất may mắn được nghe pháp của thầy giảng. Con rất tri ân thầy. Con xin cúng dường thầy tất cả những hoa trái trong sự tu tập của con.


- Thường thận trọng chú tâm quan sát để thấy rõ hoạt động của thân tâm là tốt. Vấn đề tình dục cũng thuộc về đối tượng thân-thọ-tâm-pháp cần được chánh niệm tỉnh giác. Không may nhiều người lại hiểu chánh niệm tỉnh giác như là phương tiện kiềm chế, đè nén thân thọ tâm pháp để cầu sở đắc hơn là qua đó giác ngộ Sự Thật.
Quan sát để thấy rõ Sự Thật tốt hơn là tránh né, đo đó thấu hiểu sự thật về tình dục thì mới thoát được nó. Tình dục có thể khởi sinh từ thân (sắc uẩn), có thể từ cảm giác (thọ uẩn), có thể từ tưởng tượng (tưởng uẩn), có thể từ ham muốn (hành uẩn), có thể từ tâm buông lung phóng dật, thiếu trọn vẹn tỉnh thức (thức uẩn).
Nếu không phải do tưởng, hành và thức thì tình dục phát sinh do thân (thể trạng) và thọ (cảm giác). Trong trường hợp này nên quan sát để điều chỉnh lại thức ăn, thuốc uống có chất kích thích, đồng thời nên hoạt động thân thể nhiều để giải toả bớt năng lượng dư thừa và ngồi thư giãn buông xả để ổn định năng lượng. Nhưng chủ yếu vẫn là chánh niệm tỉnh giác, đặc biệt trên thân và thọ vì đó là cách tối ưu để giải toả những đòi hỏi của thể trạng và cảm giác.
Còn chuyện quan hệ gia đình đức Phật không cấm, trong thời đức Phật rất nhiều cư sĩ đắc quả Tu-đà-hoàn vẫn sống đời sống gia đình chứ không phải hoàn toàn tuyệt dục, thậm chí họ còn sinh con đẻ cháu như bà Visākhā có tới 20 đứa con.

Tác giả: Thầy Viên Minh
NT Trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 22/10/2017